Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ễnh ương
    Loài động vật thuộc họ ếch nhái, da trơn, bụng lớn, có tiếng kêu to. Ễnh ương thường xuất hiện vào mùa mưa (mùa sinh sản), nên nhân dân ta hay đánh bắt ễnh ương vào mùa này. Thịt ễnh ương giàu chất đạm, có vị ngọt bùi, beo béo, xương giòn và thơm, chế biến được nhiều món ăn ngon.

    Ễnh ương

    Ễnh ương

  2. Cái
    Mẹ (từ cổ).
  3. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  4. Cao Bằng
    Một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc nước ta, có núi, rừng, sông, suối trải dài hùng vĩ, bao la, thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ. Cao Bằng nổi tiếng với thắng cảnh thác Bản Giốc. Ngoài ra, nơi đây còn có các khu du lịch nổi tiếng khác như Động Ngườm Ngao hay hồ núi Thang Hen. Vì là vùng đất biên giới nên xưa kia các triều đại phong kiến nước ta luôn cho quân lính đồn trú tại Cao Bằng (gọi là trấn thủ lưu đồn).

    Thác Bản Giốc

    Thác Bản Giốc

  5. Nô bộc
    Một trong số mười hai cung của tử vi, thể hiện mối quan hệ của bè bạn, người cộng sự, cấp trên hay người giúp việc đối với thân chủ.
  6. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  7. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  8. Chi tử vu quy
    Người con gái về nhà chồng. Lấy từ Kinh Thi:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Dịch thơ:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    (Tạ Quang Phát dịch)

  9. Chó tha đi, mèo tha lại
    Có ba cách giải nghĩa thành ngữ này:

    • Chỉ loại xấu xa, mạt hạng đến nỗi ai cũng chê bai, khinh ghét, đùn đẩy cho nhau không muốn chứa chấp
    • Chỉ những thứ bỏ đi
    • Đơn giản là miêu tả thói quen của chó mèo
  10. Gò Bồi
    Tên một vạn (làng chài) thuộc làng Tùng Giản, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nơi sông Côn đổ ra biển. Thị trấn Gò Bồi xưa giữ vị trí khá quan trọng trong giao lưu, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh. Đặc biệt ở đây có nghề làm nước mắm truyền thống từ hai trăm năm trước.

    Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
    Nên đến già thơ anh còn đậm đà thấm thía.

    (Đêm ngủ ở Tuy Phước - Xuân Diệu)

    Gò Bồi ngày nay

    Gò Bồi ngày nay

  11. Trã
    Cái nồi đất.
  12. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  13. Bình Định
    Địa danh trước đây là thị trấn, nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Chợ thị trấn Bình Định xưa

    Chợ thị trấn Bình Định xưa

  14. Xiên lỗ mũi để dắt đi như trâu bò.
  15. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  16. Giang
    Một loại tre thân nhỏ vách dày, thân khá cao, mọc thành cụm, lá xanh đậm. Cũng ghi là dang ở một số văn bản.

    Rừng dang

    Rừng giang

  17. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Tham tài tắc tử
    Tham tiền tất chết (thành ngữ Hán Việt).
  19. Tham thực tắc vong
    Tham ăn tất chết (thành ngữ Hán Việt).
  20. Ròng
    Thuần nhất, tinh khiết.
  21. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  22. Võng đào
    Võng bằng vải màu đỏ tươi, dành cho người có chức tước, địa vị.
  23. Áo trào
    Triều phục, trang phục của các quan mặc khi vào chầu vua. Cũng viết là áo triều.
  24. Gạo kho
    Gạo trong kho của nhà vua. Người làm quan thời xưa, ngoài lương tiền còn được cấp một lượng gạo nhất định tùy theo cấp bậc.
  25. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  26. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  27. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  29. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  30. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  31. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  32. Dát
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Dát, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  33. Nan
    Thanh tre hoặc nứa vót mỏng, dùng để đan ghép thành các đồ gia dụng như nong nia, thúng mủng...

    Đan nan cót

    Đan nan cót

  34. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  35. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua