Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phật thủ
    Một loại cây có quả thường được dùng để chưng trong dĩa trái cây cúng, đôi khi dùng thay cho chanh hoặc bưởi trong chế biến món ăn, làm mứt, trồng làm chậu kiểng, và làm thuốc Đông y. Phật thủ có nghĩa là bàn tay Phật. Quả phật thủ được cho là mang lại may mắn và tuổi thọ.

    Trái phật thủ

    Trái phật thủ

  2. Mạch nha
    Loại mật dẻo được sản xuất chủ yếu từ mầm của lúa mạch, có vị ngọt thanh, rất bổ dưỡng. Đây là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ở miền Bắc, làng An Phú, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng là làng nghề nấu mạch nha truyền thống.

    Một bát mạch nha

    Một bát mạch nha

  3. Thi Phổ
    Tên một làng nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có nghề làm mạch nha truyền thống nổi tiếng cả nước.
  4. Bánh nổ
    Một loại bánh đặc sản của miền Trung. Bánh làm bằng gạo nếp rang cho nổ bung ra (nên có tên là bánh nổ), trộn với nước đường nấu sôi và gừng giã nhỏ, cho vào khuôn hình chữ nhật. Bánh ăn có vị ngọt của đường, bùi của nếp và cay của gừng.

    Bánh nổ

    Bánh nổ

  5. Thu Xà
    Một địa danh nay thuộc thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Phố Thu Xà trước đây là một trung tâm buôn bán sầm uất, có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi xưa kia. Đây chính là quê hương của Bích Khê, thi sĩ nổi tiếng thuộc phong trào Thơ Mới.
  6. Chà là
    Còn có tên là muồng muồng, một giống cây được trồng để lấy quả, xuất phát từ các đảo thuộc vịnh Ba Tư. Quả chà là giống như quả nhót, vị ngọt, có thể ăn tươi hoặc sấy khô, làm mứt.

    Chà là

    Chà là

  7. Đình Cương
    Còn có tên gọi khác là Đảnh Khương, nằm về tả ngạn sông Vệ, thuộc địa bàn các xã Hành Phước, Hành Đức, Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 13 km, về phía Tây Nam. Núi không cao (chỉ cao 287 m) nhưng dài, và có hình dáng một cái yên ngựa. Tên núi tương truyền do ngày trước quân Tây Sơn từng dừng lại ở đây và luyện tập (đình cương có thể được hiểu là dừng cương ngựa lại).

    Núi Đình Cương

    Núi Đình Cương

  8. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  9. Quan Âm bồ tát
    Quan Âm, Quan Thế Âm, Quán Âm, Phật Bà đều là các tên gọi khác nhau của Quán Thế Âm, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Theo đạo Phật cũng như dân gian, Quan Âm có hình hài của một người phụ nữ, gương mặt hiền lành phúc hậu, đứng hoặc ngồi xếp bằng trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn - vì vậy những người gặp nạn thường niệm "Nam mô Quan Thế Âm bồ tát." Một số tài liệu, hình vẽ và tượng lại mô tả Quan Âm là một vị phật có nghìn mắt, nghìn tay để quán xuyến việc thế gian.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  10. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  11. Cao nấm ấm mồ
    Nói về tập tục tảo mộ của dân ta. Mộ của dân thường ngày trước chủ yếu đắp bằng đất, tạo hình nấm tròn hay chiếc ghe bầu úp. Mộ lâu ngày thường bị mọc cỏ hoang, trâu bò phá hoại hay lún sụt do mưa gió... Nếu được con cháu trong nhà hàng năm chăm sóc, sửa sang thì nấm mồ tròn, cao, quang đãng, người đã khuất như cũng cảm thấy ấm áp vì lòng thành kính và nhớ thương của con cháu.
  12. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  13. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  14. Bàng
    Một loài cây thân gỗ lớn, có tán lá rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm và làm cảnh. Quả ăn được và có vị hơi chua. Vào mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ trước khi rụng.

    Cây bàng

    Cây bàng

  15. Có bản chép: nhóp nhép.
  16. Nậy
    Lớn (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  17. Gành Bà
    Một gành đá nằm ở phía bắc vịnh Xuân Đài, dọc theo bán đảo Xuân Thịnh, tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa nhìn từ Gành Bà

    Hòn Chùa nhìn từ Gành Bà

  18. Gành Ông
    Một ghềnh đá thuộc địa phận thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách Gành Bà chừng một cây số.

    Gành Ông

    Gành Ông

  19. Măng
    Thân tre, trúc khi vừa nhú lên khỏi mặt đất, còn non, ăn được.

    Măng tre

    Măng tre

  20. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  21. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  22. Đâm sấp dập ngửa
    Dáng đi vội vàng, tất tưởi. Thành ngữ này cũng chỉ người đang bận rộn túi bụi, không được thảnh thơi.
  23. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  24. Đông Phái
    Tên một ngôi làng thuộc xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  25. Phượng Lịch
    Tên Nôm là Kẻ Trạch, nay là xóm 3, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Làng nổi tiếng với nghề dệt vải, và vải được dệt ở làng được gọi là vải bùi.

    Làng vải Phượng Lịch

    Làng vải Phượng Lịch

  26. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  27. Don
    Kích cỡ trung bình, không lớn không nhỏ (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Tủm hủm
    Tùm hum, rậm rạp và lộn xộn (cách phát âm của người Nghệ Tĩnh).
  29. Cấy
    Cái, một cái (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  30. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  31. Tư Nghĩa
    Tên một huyện đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Huyện Tư Nghĩa nổi tiếng với hai trong mười hai cảnh đẹp Quảng Ngãi là Cổ Luỹ cô thônLa Hà thạch trận. Phố cổ Thu Xà trước đây cũng là một thương cảng lớn của miền Trung và sầm uất chỉ sau thương cảng Hội An của Quảng Nam.

    La Hà thạch trận

    La Hà thạch trận

  32. Đại Cổ Lũy
    Gọi tắt là cửa Đại, một cửa sông thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi sông Trà Khúc đổ ra biển. Tại đây trước kia có thành Cổ Lũy, một tiền đồn gồm ba thành liên kết nhau nhằm ngăn thuyền bè tiến vào cửa sông. Hiện nay di tích này không còn nữa.
  33. Súng
    Loài cây sống lâu năm, mọc hoang dại trong ao, mương, kênh, rạch, láng nước, bàu trũng... Bông súng có lá tròn giống lá sen, phía trên màu xanh, phía dưới mầu hồng nhạt, gắn liền cọng với cuống. Hoa to, màu xanh nhạt, trắng hay hồng, có bốn lá đài. Củ súng nằm bồng bềnh trên mặt nước, ăn được.

    Hoa súng

    Hoa súng

  34. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  35. Hòn Sụp
    Một đảo đá nhỏ gần cửa biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  36. Dương
    Còn gọi là cây phi lao (từ gốc tiếng Pháp filao), một loại cây mọc nhiều dọc theo các bờ biển nước ta. Phi lao có vai trò rất lớn trong việc chắn cát, giữ cho các làng ven biển khỏi bị sa mạc hoá.

    Hàng phi lao ven biển

    Hàng phi lao ven biển

  37. Đồng đen
    Hợp kim đồng và thiếc, màu đen bóng, thường dùng để đúc tượng.
  38. Phèn chua
    Một loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục. Người ta dùng phèn chua để đánh nước cho trong hoặc làm thuốc giữ màu trong quá trình nhuộm vải.

    Phèn chua

    Phèn chua