Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vàng mã
    Tiền bạc giả và các loại đồ dùng thường ngày (quần áo, giày dép...) làm bằng giấy để đốt cúng cho người cõi âm dùng, theo tín ngưỡng dân gian. Phong tục đốt vàng mã vào những ngày lễ (ngày rằm, cúng cô hồn, tết Nguyên Đán...) bắt nguồn từ Trung Quốc.

    Hàng mã

    Hàng mã

  2. Dương Xá
    Tên Nôm là làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng nằm bên dòng sông Mã, cạnh ngã ba Đầu. Đây là quê hương của Dương Đình Nghệ, người anh hùng đã khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La, giành quyền tự chủ cho đất nước Việt được 6 năm, và là bố vợ của Ngô Quyền.
  3. Bánh chè lam
    Gọi tắt là chè lam, một loại bánh làm từ các nguyên liệu như gạo nếp, lạc, gừng, mật mía... Chè lam thường được gói vào lá chuối khô cho vào chum hoặc vại sành để bảo quản. Khi ăn, dùng dao sắc cắt chè lam thành từng khoanh, uống với chè xanh hoặc chè tàu. Trước đây chè lam thường được làm trong dịp tết Nguyên đán, nhưng nay đã trở thành loại quà có quanh năm.

    Chè lam

    Chè lam

  4. Quảng Hóa
    Gọi tắt là phủ Quảng, tên một phủ được thành lập dưới triều Nguyễn trên cơ sở chia tách từ phủ Thiệu Hóa, gồm các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Quảng Tế. Lị sở của phủ này ở gần thị trấn Vĩnh Lộc ngày nay. Năm 1945, phủ này được chia thành các huyện tương ứng trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Địa danh Quảng Hóa không còn tồn tại nữa. Ở đây nổi tiếng món chè lam phủ Quảng.

    Chè lam Phủ Quảng nhâm nhi với chè xanh hoặc chè tàu

    Chè lam phủ Quảng nhâm nhi với chè xanh hoặc chè tàu

  5. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  6. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  7. Mả
    Ngôi mộ.
  8. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  9. Nậu rổi
    Cũng được phát âm thành nậu rẩu, phương ngữ Bình Định-Phú Yên chỉ những người đàn bà chuyên bán cá ở các chợ. Xem thêm về Nậu.
  10. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  11. Bình Khê
    Tên cũ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

  12. Đổ giàn
    Một lễ hội truyền thống được tổ chức vào rằm tháng 7 hằng năm tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giàn là một cái đàn cúng cao khoảng mười mét, bằng tre, gỗ, trên đặt đàn cúng thần gồm hương, hoa, trà, quả và một chú heo quay. Khi nghi lễ chuẩn bị kết thúc, những toán võ sĩ và những người khỏe mạnh đại diện cho các làng tiến vào, sẵn sàng trong tư thế lao lên, vác heo quay, sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang chú heo quay chạy về địa điểm an toàn đã định. Để giật được chú heo, các toán tranh tài cũng đã có sự phân công người trước, người sau, người bảo vệ, người "cản địa" để ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay... Đây là một lễ hội có ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ của đất Tây Sơn - Bình Định.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  13. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  14. Uống nước
    Cũng gọi là ăn uống nước, từ địa phương miền Trung để chỉ bữa ăn nhẹ giải lao giữa buổi làm ruộng (cày bừa, gặt hái). Món ăn trong bữa ăn uống nước thường là các món dân dã như mì Quảng, bánh tráng, mít trộn...
  15. Cần Thơ
    Một thành phố nằm bên bờ sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai phá và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Thời Nhà Nguyễn Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của nước ta.

    Cầu Cần Thơ

    Cầu Cần Thơ

  16. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  17. Quan tiền dài
    Dân ta thời xưa dùng tiền đúc bằng kim loại, có lỗ tròn hoặc lỗ vuông ở giữa, và lấy dây để xâu tiền thành từng chuỗi. Một quan tiền quý (cổ tiền) bằng 10 tiền, nghĩa là bằng 600 đồng; một quan tiền gián (sử tiền) chỉ có 6 tiền, bằng 360 đồng (mỗi tiền là 60 đồng). Vì vậy, quan tiền quý được gọi là quan tiền dài.