Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).
Địa danh nay là một tỉnh ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Phần đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay trước đây thuộc về trấn Sơn Nam. Tới năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, cồn Vành, chùa Keo... Các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, làm chiếu ở đây cũng khá phát triển. Ngoài ra, Thái Bình còn được mệnh danh là Quê Lúa.
Cá hóa rồng. Theo truyền thuyết phương Đông, cá chép có thể vượt vũ môn và hóa thành rồng. Nghĩa bóng chỉ việc học hành đỗ đạt, có công danh.
Đây được cho là hai câu hát mỉa mai nhau của hai nhà họ Nguyễn và họ Hồ, đều là bá hộ làng Niêm Phò ngày trước (nay thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế). Họ Hồ có cô con gái tên Qui, họ Nguyễn có người con trai tên Mại. Hai ông chồng đều muốn làm sui với nhau nhưng hai bà vợ không chịu nên mới có câu hát đối đáp nhau như thế. Nguyễn Văn Mại sau này đỗ đạt cao, làm đến quan nhất phẩm triều Nguyễn. (Theo sách Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm)
Theo sách Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm: Theo cụ Tùng Lâm, câu này do đám dân chài làng Quảng Tế, huyện Hương Trà đặt ra để nhắc lại sự tích ông Huỳnh Hữu Thường, con một ngư phủ, mà biết chăm lo việc học hành, thi đỗ Cử nhân, rồi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Thượng thư. Vua Tự Đức rất mến ông, nhận thấy làng ông không có đất đai chi cả, bèn hạ chỉ cắt 20 mẫu đất làng Nguyệt Biều giao cho làng Quảng Tế để có đất cho dân cư ngụ, trồng trỉa và xây cất đền chùa.
Còn gọi là Tả Phụ Sơn, tên một ngọn núi thấp thuộc phường An Cựu (Huế). Tam Thai nằm cạnh núi Ngự Bình, cùng với núi Bân (Hữu Bật Sơn) tạo nên thế "Đệ nhất án sơn" cho kinh thành Huế.
Loài động vật thân mềm thuộc họ ốc, sống ở vùng nước lợ và đáy sông, có vỏ trắng xanh, xoáy tròn, phía sau ốc có phần chóp nhọn, ốc lớn bằng đầu ngón tay, khi trưởng thành ốc gạo lớn bằng hột mít. Khi nấu chín dưới yếm hiện ra một cục mỡ nhỏ như hạt gạo. Ốc gạo được chế biến thành nhiều món đặc sản miền Nam.
Tên con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, có chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Sông vốn có tên là Thạch Hàn [石瀚], có lí giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá như mồ hôi (hãn 汗) tiết ra thành dòng chảy, nên mới đổi thành Thạch Hãn.
Tên gọi chung của tám phường do dân khai hoang ở miền Tây Gio Linh, Quảng Trị lập nên từ thế kỉ 17: Bình An (Gio Bình), Phú Thọ, Ninh Xá, Phú Ốc (Gio Hoà), Lịch Sơn, Phú Nhuận, Nam Dương (Gio Sơn), Trung An (nông trường Cồn Tiên).
Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tôm và mắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.
Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...
Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
Cũng gọi là Soi Búng, địa danh nay thuộc thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có nghề truyền thống là trồng dưa (chủ yếu là dưa hấu).
Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.
Một huyện cổ thuộc quận Cửu Đức (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Đời Tấn Vũ Đế tách lập huyện Phố Dương thành hai làng là Phố Châu và Phúc Dương, nay thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.
Tổ chim yến, được hình thành bằng nước bọt của chim yến, tìm thấy trên các vách đá nơi chim ở. Yến sào có hình dạng như chén trà bổ đôi, là thực phẩm rất bổ dưỡng nên từ xưa đã được coi là một món cao lương mĩ vị. Ở nước ta, yến sào nổi tiếng nhất có lẽ là ở Khánh Hòa.
Loại đường làm từ mía (như đường cát bình thường) nhưng công đoạn chế biến phức tạp hơn. Người ta làm đường phèn bằng cách nấu sôi đường cát với trứng gà và nước vôi, hớt bọt rồi thả những cái đũa có buộc các búi chỉ vào, để khô thành những cục đường kết tinh trong suốt gọi là đường phèn. Đường phèn có vị thanh và dịu hơn đường cát. Vì nhìn giống đá băng nên đường phèn còn có tên là băng đường.
Một loại cá sông có thân tròn, da màu nâu xanh, nhìn giống chiếc rựa nên có tên gọi như vậy. Trung bình mỗi con cá rựa to bằng bắp tay người lớn, dài khoảng 60 cm. Cá rựa thịt trắng, xương sống cứng, có nhiều xương dăm dọc theo sống lưng, thịt cá vừa dai vừa ngọt mềm. Loài cá này xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất ở vùng biển miền Trung vào khoảng cuối mùa thu, và thường được đánh bắt để chế biến thành nhiều món ăn ngon như cá rựa bóp chanh, chả cá rựa, cháo cá rựa...
Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.
Bình luận