Ca dao Mẹ

  • Vè các lái (hát ra)

    Tiếng đồn các lái Đồng Nai
    Tháng giêng cưa ván, tháng hai đóng thuyền
    Tháng ba củi lửa huyên thuyên
    Tháng tư dọn thuyền quay lại lộn ra
    Sài Gòn, Rạch Giá bao xa
    Lần theo tăm cá xa nhà đã lâu
    Một trăm ông lái làu làu
    Đi qua Giáp Nước, Vũng Tàu phải ghê
    Kỳ Vân có bãi lưới rê
    Non cao biển thẳm ủ ê tấc lòng
    Khúc nôi lụy nhỏ đằm đằm
    Xích Ram đã khỏi, Bãi Dầm đã qua
    Hồ Tràm, Hồ Đắng de ra
    Thân Trong nằm trước, Mũi Bà nằm trong
    Cù Mi thượng hạ song song
    La Gi nằm khuất phía trong Hòn Bà
    Cây Khô, Cửa Cạn đã qua
    Trực nhìn Khe Cả nay đà kề bên
    Dập dìu ghe lưới bủa chen
    Xa trông đã thấy Mũi Đèn ở kia
    Đồn rằng Phan Thiết lịch thay
    Sớm chiều phiên chợ tối ngày bán buôn
    Trên đường xe chạy bon bon
    Dưới sông thuyền đậu bán buôn rộn ràng
    Phú Hài chừ đã liền sang
    Buồm dong ba cánh lòng càng thảnh thơi
    Mũi Né ta sẽ buông khơi
    Trong thời có xóm ăn chơi bĩ bàng
    Anh em nước, củi đàng hoàng
    Nước mắt hai hàng lụy nhỏ xót xa
    Hòn Nôm, Quảng Thí kia là,
    Ngó lên Mũi Nhỏ, trông qua Hòn Nghề
    Ngồi buồn cám cảnh ê chề
    Hỏi con sống bổ tới quê bao thì?
    Con Nghê sao khéo dị kì
    Ra nằm nước mặn luận chi thương hàn
    Mãi trông vừa thấy một đàng
    Đi ngoài Nội, Ngoại, cầm làn gác giăng
    Anh em bèn bảo nhau rằng
    Trầu cau, nước hết, gác giăng làm gì?
    Quạt cào sang kiếm một khi
    Chụt Đèn đã khỏi, tới thì Lò Kho
    Tai nghe lưới đánh, mành hò
    Buông lên một đỗi còn lo xùng xình
    Ngó lên Bãi Miễu vắng tanh
    Tứ bề quạnh quẽ trong mình xót xa
    Có người cố quận kia là
    Mai qua Bãi Chụt để mà gặp nhau
    Vừa chào, vừa chạy cho mau
    Kẻ lo mua bán, người sầu niềm tây
    Cầu Đá, Cửa Bé là đây
    Bãi Dông đã khỏi ló rày Nha Trang
    Trên thời quán xá rộn ràng
    Dưới sông thuyền đậu nghinh ngang quá chừng
    Gặp nhau mừng rỡ tưng bừng
    Rượu trà thết đãi vui chung chào mời
    Kẻ thời ăn uống vui chơi
    Người thời ve vãn những lời nguyệt hoa
    Kẻ thời mua song cùng lá
    Người thời mua đệm, mua cau, mua hèo
    Kẻ thời mua dây buộc lèo
    Người mua sống lá đem theo xỏ tiền
    Kẻ mua thuốc bánh, thuốc viên
    Người mua thuốc xấp để nguyên đem về
    Đôi ta kết nghĩa phu thê
    Cùng qua mua bán mà mê tấm tình
    Đất Chụt là đất nhàn thanh
    Trai chuyên biển giã, gái rành bán buôn
    Thôi thôi chớ nói thêm buồn
    Kéo neo mà chạy đi luôn kịp thời
    Ngó vô Hòn Đất thương ôi
    Ngoài thì Hòn Bạc lẻ loi một mình
    Vũng Túc, Cầm Bấc cảnh xinh
    Muôn Xưởng, Hòn Nọc liên kinh Chà Là
    Cây Sung, Mũi Cỏ đã qua
    Bến đò Cồn Cạn vang xa tiếng đồn
    Hòn Lớn, Hòn Nhỏ chỉn khôn
    Cứt Chim, Hòn Đỏ đêm hôm nào lầm
    Trông lên một đỗi tăm tăm
    Gần nơi Cửa Nhỏ rạng danh Bãi Trường
    Trâu Nằm ngoài nước chín phương
    Sóng xô, gió tạt mênh mông tứ bề
    Xa Cừ cách trở sơn khê
    Buông lên một đỗi ngó về Ba Gia
    Đồi Mồi chớn chở xê ra
    Thông trong Cát Thắm chạy ra Hòn Gầm
    Hòn Gầm sóng bổ lao xao
    Vát mặt nghinh vào Bãi Võ sóng ngang
    Thương con nhớ vợ trăm đàng
    Nước mắt hai hàng lệ ứa thấm biên
    Sừng sững Đá Chồng mọc lên
    Bia tạc để truyền nối đức Hùng Vương
    Hướng lên một đỗi dặm trường
    Vũng Rô núi tấn bốn phương như nhà
    Đầu gành Mũi Nạy xê ra
    Bên trên có bãi hiệu là Bãi Môn
    Bãi Tiên, Bãi Xép kề bên
    Hòn Khô nằm trước ấy miền Trà Nông
    Biển bờ lai láng mênh mông
    Ngó vô thấy tháp Dinh Ông, Đà Rằng
    Chóp Chài, Ma Liên, Mây Nứt chừng ngằn
    Hòn Chùa, Hòn Dứa nằm giăng kia là
    Hòn Yến, Cát Xối đã qua
    Mồ xây mả đắp đồn xa ông Cao Biền
    Vốn là người ở Đại Niên
    Tìm long điểm huyệt, dựng nên chốn này
    Bàn Thang lum lúp lá, cây
    Anh em cố nhớ, kẻo rày dễ quên
    Hòn Lao nước chảy hai bên
    Thông trong Rạn Lẽ, phía trên Vũng Bầu
    Ngó vô Cửa Mới thêm rầu
    Nay bồi, mai lở cạn sâu vô chừng
    Gặp nhau nửa tủi nửa mừng
    Xa xa Cát Xối liền chưn Mái Nhà
    Gành Đen chớn chở xô ra
    Gò Bàng cát sạn ăn qua Bãi Trầu
    Sơn Đài xanh ngắt một màu
    Hòn Yến cui cút lại hầu ngoài khơi
    Mưa sa gió lạnh tợ đồng
    Bãi Ngang, Gành Đỏ bạn cùng làng đôi
    Buồm dong, mắt ngó biển trời
    Ngó ra Lao Xá lẻ loi một mình
    Trông về Vũng Lấm rất xinh
    Vôi tô, ngói lợp, chen chân phố phường
    Đây kia nhà ở hai phương,
    Bắc cầu Sông Cạn làm đường vãng lai
    Sáng chiều họp chợ xoay vần
    Thuyền bè tấp nập, khách thương đủ miền
    Trực tình nhớ tới sự riêng
    Kéo neo mà chạy nhắm miền quê xưa
    Hết Thìn sang Tỵ vừa trưa
    Song Giang nước lớn đò đưa Sông Cầu
    Quán Chùa nay ở nơi đâu
    Vũng Chào, Vũng Sứ lại hầu Vũng La
    Gành Tướng, Mũi Móm trông ra
    Mò O đã khỏi, sang qua Gành Bà
    Ngó về bãi cát Trường Sa
    Phong cảnh nơi đó xinh đà quá xinh
    Cù Mông, Vũng Trích ăn quanh
    Vũng Mú trực chỉ Lao Xanh sáng đèn
    Thuận buồn xuôi gió một phen
    Ghé vô Cửa Giã trong miền Hòn Mai
    Gành Ráng mút tận Bãi Dài
    Băng qua Bãi Nhạn vô chơi phố phường
    Đi cho thấu chữ Quy Nhơn
    Giáp đầm Thị Nại hãy còn sử xanh
    Vô chợ ăn bún song thần
    Hỏi mua nón ngựa để dành về quê
    Thiếu gì hải vị sơn khê
    Vào Nam ra Bắc ê chề ngựa xe
    Nói ra sợ nẫu cười chê
    Có say đất khách mới mê nết người
    Nghĩ thôi dạ tợ dầu sôi
    Day qua Mũi Mác, San Hô dong buồm
    Eo Vượt ló thấy Cỏ, Cân
    Vũng Nồm, Vũng Bấc kề gần làng đôi
    Ngó vô Cách Thử thương ôi
    Trông chồng hóa đá, tích đời con ghi
    Vũng Tô, suối Bún là đây
    Hòn Khô, Nước Ngọt dựa kề Hòn Lan
    Vũng Bầu chếch ở phía Nam
    Vi Rồng, Phương Mới giăng ngang kia là
    Lố Ông, Mũi Đụn đã qua
    Gành Méc đã khỏi, Hà Ra hầu gần
    Tiếp theo là xóm Hội Vân
    Phong cảnh xoay vần đến mũi Lộ Giao
    Vũng Cù sóng bổ lao xao
    Nồm thổi ngọt ngào, ghe chạy thưng thưng
    An Dũ sâu cạn không chừng
    Lời đồn có miếu thổ thần linh ghê
    Tam Quan rày đã gần kề
    Đất này nổi tiếng Tân Khê nhiều dừa
    Nhớ lời thề thốt thuở xưa
    Tiếng hát mài dừa lảnh lói thâu đêm
    Tai nghe dạ xót niềm riêng
    Nhổ neo mà chạy hướng lên Sa Hoàng

  • Bình luận

Cùng thể loại:

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  2. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  3. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  4. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  5. Giáp Nước
    Nơi hai dòng hải lưu gặp nhau ở ngoài khơi Vũng Tàu.
  6. Vũng Tàu
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vũng Tàu từng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và giáo dục của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Tại đây nổi tiếng với ngành nghề du lịch biển với nhiều bãi biển lí tưởng, đồng thời có các danh lam thắng cảnh như Chùa Thích Ca Phật Đài, tượng Chúa Kitô, Bạch Dinh, Núi Nhỏ, Núi Lớn...

    Bãi biển Vũng Tàu

    Bãi biển Vũng Tàu

  7. Mũi Kỳ Vân
    Còn gọi là Thuỳ Vân, một mũi đất nhô ra biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mũi đất này có độ cao chừng 327m, là đích nhắm của lái buôn ghe thuyền ngày xưa khi đi qua khu vực này.

    Bình minh ở mũi Kỳ Vân

    Bình minh ở mũi Kỳ Vân

  8. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  9. Xích Ram
    Một địa danh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày nay đọc trại thành Xích Lam. Theo Gia Định thành thông chí: [Sông Xích Ram] Ở về phía đông bắc cách trấn 209 dặm, có cầu ván bắc ngang. Sông dài 173 tầm, là nơi đường bộ đi ngang qua, nước sâu 5 thước ta. Phía hạ lưu của cầu chuyển quanh vào nam 3 dặm là cảng biển Xích Ram, khi thủy triều lên sâu 10 thước ta, rộng 33 trượng rưỡi, cảng dời đổi, thông kẹt bất thường...
  10. Bãi Dầm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bãi Dầm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  11. Hồ Tràm
    Một dải bờ biển dài nằm giữa Long Hải và Bình Châu, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một bãi biển đẹp và còn hoang sơ, hiện nay đang được khai thác tiềm năng du lịch.

    Theo Gia Định thành thông chí: [Hải Động Hồ] Tục gọi là Hồ Tràm, cách trấn về phía đông bắc 227 dặm rưỡi. Nơi đây, động cát nối liền, cỏ cây xanh tốt, trong có hồ lớn xanh trong, nước đều ngọt cả, không khi nào khô, mọi người đều nhờ nước ấy.

    Bãi biển Hồ Tràm

    Bãi biển Hồ Tràm

  12. Hồ Đắng
    Tên một làng chài nhỏ (hiện chỉ có trên dưới hai mươi hộ dân) thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngư dân ở đây sống bằng nghề chài lưới và đánh bắt ven bờ; cuộc sống cho đến nay vẫn còn gần như hoang sơ và tạm bợ.

    Hồ Đắng

    Hồ Đắng

  13. Thân Trong
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thân Trong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  14. Mũi Bà Kiệm
    Một mũi đất nhô ra biển thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nằm giữa hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.
  15. Cù Mi
    Đại danh thuộc xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Tại đây có giáo xứ Cù Mi.
  16. La Gi
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh Bình Thuận, nằm ở ven biển. Đây là vùng đất giàu tài nguyên rừng, biển và cả khoáng sản. Cảng La Gi là một trong những cảng cá biển vào loại lớn nhất tỉnh Bình Thuận và khu vực.
  17. Hòn Bà
    Một hòn đảo nhô cao lên giữa biển Bình Thuận, cách bờ biển La Gi huyện Hàm Tân gần hai cây số về hướng Đông, cách Phan Thiết khoảng 70 km về phía Đông Nam. Nửa đầu thế kỷ 17, người Chăm xây dựng trên đảo một ngôi đền thờ nữ thần Thiên Y Thánh Mẫu để mong được Bà phù hộ, cứu giúp những người đi biển gặp nạn.

    Hòn Bà

    Hòn Bà

  18. Cửa Cạn
    Một cửa biển nay thuộc vùng biển Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Theo Đại Nam nhất thống chí thì cửa Cạn "có tên là cửa Thiên Môn, thời Nguyễn Trung Hưng có đặt đồn binh."
  19. Khe Cả
    Một đoạn truông ngắn chạy giữa rừng, trên con đường ngựa trạm thời nhà Nguyễn, đi ngang qua núi Bà Đặng tới suối Khe Cả thuộc xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ngày nay. Trước đây khu vực này rất hoang sơ, nhiều thú dữ.
  20. Mũi Kê Gà
    Còn gọi là mũi Khe Gà, Mũi Điện hoặc Mũi Đèn (do có ngọn hải đăng), một mũi đất nhô ra biển Đông, nay nằm ở xã Thuận Quý, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Thật ra đây là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500 mét, tục gọi là Hòn Bà. Khi thủy triều lên thì Kê Gà bị cách biệt như một hải đảo nhưng khi nước rút xuống thì một dải cát hiện ra nối mũi với đất liền.

    Vào thời Pháp thuộc năm 1897 chính quyền Bảo hộ cho dựng một ngọn hải đăng cao bằng đá với bình diện tháp hình bát giác ở Kê Gà. Đèn soi đặt ở mực 65 mét, giúp tàu bè đi ngang cửa biển này. Ngọn hải đăng bắt đầu hoạt động năm 1900 và đến nay vẫn chiếu sáng.

    Ngọn hải đăng trên mũi Kê Gà

    Ngọn hải đăng trên mũi Kê Gà

  21. Phan Thiết
    Một địa danh nay là tỉnh lị, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. Vùng đất này khi xưa thuộc vương quốc Chăm Pa, sau này sáp nhập vào Đại Việt. Tại đây có nhiều danh lam thắng cảnh như Mũi Né, Hòn Rơm, Lầu Ông Hoàng, đồi cát, núi Tà Cú...

    Đồi cát Mũi Né

    Đồi cát Mũi Né

  22. Phú Hài
    Một cửa sông đổ nước ra vịnh Phan Thiết, nay thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
  23. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Mũi Né
    Một địa danh nay thuộc thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân đánh cá, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây tránh bão. Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo, ngày nay Mũi Né là trung tâm du lịch nổi tiếng của Bình Thuận, được đưa vào danh sách các khu du lịch cấp quốc gia.

    Đồi cát Mũi Né

    Đồi cát Mũi Né

  25. Hòn Nôm, Quảng Thí
    Hai hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi Mũi Né, tỉnh Bình Thuận.
  26. Mũi Nhỏ
    Một mũi đất do nhánh núi đâm ra biển ở tỉnh Bình Thuận.
  27. Hòn Nghề
    Tên một hòn đảo nhỏ thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây hiện đang được đầu tư xây dựng khu du lịch.

    Hòn Nghề

    Hòn Nghề

  28. Hòn Nghê
    Một hòn đảo nằm ở ngoài khơi Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
  29. Hòn Nội
    Một hòn đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa, cùng với Hòn Ngoại (nằm ở ngoài) là hai hòn đảo có nhiều tổ yến nhất. Ngoài ra Hòn Nội còn là nơi có bãi tắm đôi rất độc đáo.

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

  30. Chụt Đèn
    Địa danh nằm bên cửa Bé, Nha Trang, nơi trên đồi cao có ngọn hải đăng.
  31. Lò Kho
    Một làng cá ở Nha Trang, chuyên làm nghề hấp cá để chuyên chở đi đường xa.
  32. Hòn Miễu
    Một trong bốn hòn đảo nằm ở phía Nam hòn Tre, thuộc vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà - gồm hòn Miễu, hòn Tằm, hòn Một và hòn Mun. Trong số bốn đảo nhỏ này, hòn Miễu là nơi dân cư tập trung khá đông đúc từ hàng trăm năm nay, vì đây là hòn đảo gần bờ nhất. Về hành chính, hòn Miễu thuộc thôn Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. Vì thế, người ta cũng gọi hòn Miếu là đảo Trí Nguyên. Bãi biển trên hòn Miễu được gọi là bãi Miễu.

    Hòn Miễu

    Hòn Miễu

  33. Trường Tây
    Tục danh là xóm Chụt, một vạn chài nằm bên cửa Bé trước đây thuộc xã Vĩnh Nguyên, huyện Vĩnh Xương, nay thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây từ lâu người ta đã bán những mặt hàng dành cho ghe thuyền đi biển: đệm buồm, dây neo, dây chằng, phao lưới... Chụt vốn có nghĩa là "vũng nhỏ ở dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió" (Đại Nam quấc âm tự vị).

    Xóm Chụt ngày nay

    Xóm Chụt ngày nay

  34. Cầu Đá
    Tên một bến cảng nay thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. Bến cảng Cầu Đá là nơi xuất phát cho những tuyến du lịch biển đảo: Hòn Mun, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Thủy cung Trí Nguyên...

    Bến tàu du lịch tại cảng Cầu Đá

    Bến tàu du lịch tại cảng Cầu Đá

  35. Cửa Bé
    Tên chữ là cửa Tiểu Cù Huân, nơi một nhánh của con sông Cái Nha Trang chảy ra biển. Nhánh này hiện nay đã bị lấp, chỉ đến mùa nước lũ, dòng chính mới hiện rõ.
  36. Bãi Dông
    Một bãi biển dưới chân đèo Cù Hin, thuộc Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đây là một trong những bãi biển đẹp, có tiềm năng du lịch của Khánh Hòa.

    Bãi Dông (đồ họa vi tính)

    Bãi Dông (đồ họa vi tính)

  37. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  38. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  39. Song
    Một loại cây họ gỗ, giống cây mây nhưng to và dài hơn. Song thường dùng để đan lát, làm đồ mỹ nghệ.

    Cây song

    Cây song

  40. Hèo
    Một loại cây thuộc họ cau, thân thẳng có nhiều đốt, thường dùng làm gậy. Gậy làm bằng thân cây hèo cũng được gọi là hèo.
  41. Tiền xu ngày xưa đục lỗ chính giữa, có thể xỏ thành xâu.
  42. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  43. Đất Chụt
    Tên gọi dân gian của Nha Trang.
  44. Hòn Đất
    Tên chữ là Địa Sơn, một hòn núi nhỏ thuộc địa phận thôn Mỹ Trạch, xã Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
  45. Hòn Bạc
    Một hòn đảo nhỏ thuộc Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Đứng tại hòn Bạc thấy Nha Trang, nhưng nếu quay mũi ghe về phía tay phải sẽ vào vịnh Nha Phu.
  46. Vũng Túc, Cầm Bấc
    Các địa danh nằm bên vịnh Nha Phu, nay thuộc địa phận thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
  47. Hòn Nọc
    Một hòn đảo nằm trong vịnh Nha Trang. Đây là đảo nhỏ nhất vịnh Nha Trang, chỉ rộng 4ha.
  48. Chà Là
    Một hòn đảo nhỏ nằm vào phía bắc vịnh Nha Phu (tiếp giáp giữa vịnh Nha Trang và vịnh Vân Phong – thuộc tỉnh Khánh Hòa).
  49. Mũi Cây Sung
    Một trong nhiều mũi đá nằm duới chân núi Hòn Hèo thuộc tỉnh Khánh Hoà.
  50. Mũi Cỏ
    Một mũi đất trên đảo Hòn Lớn thuộc vịnh Nha Trang.
  51. Cồn Cạn
    Một địa danh nằm trong bán đảo Hòn Khói, nay là một dãy làng chài ven biển Ngân Hà, Bá Hà và Thủy Đầm thuộc Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
  52. Hòn Lớn
    Tên chữ là Đại Dự, một hòn đảo lớn nằm trong vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Phía sau đảo này rất kín gió, nên là nơi che chắn giông bão, tàu thuyền cho người đi biển.
  53. Cứt Chim
    Một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Cù Huân, về hướng Đông Bắc của bãi biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà.
  54. Hòn Đỏ
    Tên một hòn đảo nhỏ nằm ở phía Đông Bắc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cách đất liền khoảng 500m. Đảo này cùng với Hòn Chồng được xem là biểu tượng du lịch của Nha Trang.

    Ghềnh đá Hòn Đỏ

    Ghềnh đá Hòn Đỏ

  55. Cửa Nhỏ
    Cửa biển nằm giữa đảo Bình Ba và mũi Chà Là, ngoài khơi vịnh Cam Ranh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây có một bãi cát, cũng gọi là bãi Cửa Nhỏ.
  56. Bãi Dài
    Một bãi biển nằm giữa Cam Ranh và Nha Trang, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Bãi Dài ngày nay là một điểm đến du lịch của tỉnh Khánh Hoà.

    Một khu nghỉ dưỡng thuộc Bãi Dài

    Một khu nghỉ dưỡng thuộc Bãi Dài

  57. Vũng Trâu Nằm
    Một vũng nhỏ nằm trong vịnh Vân Phong, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, được bán đảo Hòn Nhạn che chắn.
  58. Xa Cừ
    Một hòn núi thuộc tỉnh Khánh Hoà, có màu sắc óng ánh như xa cừ (xà cừ) khi mặt trời xuống.
  59. Sơn khê
    Núi (sơn) và khe nước chảy (khê). Chỉ vùng rừng núi.
  60. Bà Gia
    Tên một cái đầm thuộc Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, cách đảo Hòn Gầm khoảng 20 cây số.
  61. Hòn Đầu
    Còn gọi là Hòn Đôi, một hòn đảo nằm ở ngoài khơi Mũi Đôi, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Có tên gọi như vậy ở đây có nhiều cụm đá xếp thành những hình dạng kì lạ, đẹp mắt. Xưa trên đảo có nhiều đồi mồi sinh sống, nên còn có tên là hòn Đồi Mồi. Theo Đại Nam nhất thống trí: Đầm Đại Mạo (hay đầm Đồi Mồi): ở phía đông huyện Quảng Phước gần bờ biển. Gần bờ đầm có hòn đảo có rất nhiều con đồi mồi.

    Ngày nay Mũi Đôi - Hòn Đầu là một danh thắng của tỉnh Khánh Hòa.

    Hòn Đầu

    Hòn Đầu

  62. Bãi Cát Thắm
    Một bãi biển dài thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, hiện đang được đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái.

    Mộc góc Bãi Cát Thắm

    Mộc góc Bãi Cát Thắm

  63. Hòn Gầm
    Một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Đầm Môn, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Có tên gọi như vậy vì đây là hòn đảo đầy đá, sóng vỗ ầm ầm quanh năm. Vào mùa gió Tây Nam, người địa phương thường đến dựng lều để bắt cá, tôm, khi hết mùa gió thì rời đi.
  64. Chạy giác
    Kĩ thuật lái ghe thuyền chạy theo góc (giác), tức là theo đường dích dắc để tránh hoặc lợi dụng gió ngược. Từ này cũng được viết trại thành vát.
  65. Bãi Võ
    Tên gọi xưa kia của bãi biển Đại Lãnh, thuộc tỉnh Phú Yên.
  66. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  67. Vũng Rô
    Tên cũ là Ô Rô, một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Hiện nay Vũng Rô là một cảng biển lớn, đồng thời là một điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Vũng Rô

    Vũng Rô

  68. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  69. Bãi Môn
    Một bãi biển thuộc thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Bãi Môn được Mũi Nạy ở phía Bắc và Mũi Điện ở phía Nam che chắn, bờ biển dài hơn 400m, cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhẹ, độ dốc nhỏ và thoải dần ra xa. Bãi Môn–Mũi Điện được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 2008, và hiện nay là một điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Bãi Môn

    Bãi Môn

  70. Bãi Tiên
    Một bãi biển thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cách thị trấn Sông Cầu 15km về phía bắc, nằm giữa đầm Cù Môngvịnh Xuân Đài. Do ở phía ngoài biển có những dãy núi nhỏ và bán đảo che chắn nên Bãi Tiên nước nông. Bên trong núi chạy kẹp sát nên đã tạo cho nơi này phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ quanh năm. Theo truyền thuyết, nơi đây trước kia có tiên nữ xuống tắm, vì vậy thành tên Bãi Tiên.

    Bãi Tiên

    Bãi Tiên

  71. Bãi Xép
    Một bãi biển thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, được ví như "nàng tiên còn say giấc." Đây là một bãi cát vàng óng kéo dài giữa hai mũi đá lớn nhô ra biển, bãi như một thiên đường hoang sơ với cảnh quan đẹp.

    Bãi Xếp

    Bãi Xếp

  72. Hòn Khô
    Một địa danh thuộc xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên hiện nay.
  73. Trà Nông
    Đúng ra là Đà Nông, cửa biển thuộc huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi con sông Đà Nông đổ ra biển Đông.
  74. Tháp Nhạn
    Tên dân gian còn gọi là tháp Dinh hoặc Dinh Ông, một tòa tháp Chăm nằm trên núi Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, tỉnh lị của Phú Yên. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 11-12. Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, nhiều phần của tháp bị hư hỏng nặng, hiện đã được trùng tu lại.

    Tháp Nhạn

    Tháp Nhạn

  75. Sông Đà Rằng
    Tên phần hạ lưu của sông Ba, một con sông chảy trên địa bàn ba tỉnh miền Trung là Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên. Nguồn gốc của tên Đà Rằng xuất phát từ tiếng Chăm Ea Rarang, nghĩa là "con sông lau sậy."

    Sông Đà Rằng đoạn chảy qua Tuy Hòa

    Sông Đà Rằng đoạn chảy qua Tuy Hòa

  76. Chóp Chài
    Một ngọn núi cao 391 mét, nổi lên giữa đồng bằng Tuy Hòa, thuộc địa phận xã Bình Kiến, ngoại ô thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Chóp Chài có hình dáng khá vuông vức, trông tựa như một kim tự tháp. Đứng trên đỉnh núi sẽ có được tầm nhìn bao quát tới biển và vùng đồng bằng dưới chân núi.

    Núi Chóp Chài

    Núi Chóp Chài

  77. Ma Liên
    Tên một làng biển nay thuộc thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có chợ Ma Liên (nay là chợ Mỹ Quang). Ngày xưa, ranh giới giữa hai làng Phú Quý (Mỹ Quang hiện nay) và Long Thủy có một bãi cát rộng làm nơi chôn cất người chết, rất nhiều mồ mả. Theo truyền thuyết, xưa thường hay có người âm trà trộn vào đi chợ.
  78. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  79. Hòn Dứa
    Một hòn đảo nhỏ thuộc địa phận thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Xung quanh đảo có gành đá rạng lô nhô trên mặt nước, một số chìm khuất nên thuyền bè không thể cập bến được. Phía nam hòn đảo này không có rạn (bãi đá), rộng khoảng 50m, thuyền vào được nhưng phải là dân địa phương, am tường địa thế mới dám lái thuyền vào đậu sát mé. Trên đảo có rất nhiều dứa mọc thành từng chòm. Có lẽ vì đặc điểm này nên đảo có tên Hòn Dứa.

    Hòn Dứa ngoài khơi huyện Tuy An, Phú Yên. Bãi đá đen phía trước Hòn Dứa là một phần của bãi đá cạn được gọi là Hòn Than. Xa xa phía nam đằng sau Hòn Dứa là núi Đá Bia.

    Một góc bãi cát phía tây nam Hòn Dứa. Bãi cạn đá đen phía trước Hòn Dứa là Hòn Than. Phía xa xa đằng sau là núi Đá Bia.

  80. Hòn Yến
    Tên một đảo đá cao nằm ngoài khơi xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày xưa nơi đây có rất nhiều chim yến đến làm tổ, nên có tên gọi như vậy. Hiện nay Hòn Yến được xem là một thắng cảnh độc đáo của Phú Yên.

    Hòn Yến

    Hòn Yến

  81. Cát Xối
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cát Xối, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  82. Cao Biền
    Một viên tướng của nhà Đường (Trung Hoa), giữ chức Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu (tên gọi của nước ta khi ấy) từ năm 866 đến năm 875. Theo Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều huyền thoại về nhân vật này như Cao Biền giỏi địa lí, thuật số, thường cưỡi diều bay đi yểm những chỗ có long mạch, hay chuyện Cao Biền rải đậu thành binh...
  83. Đại Niên
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đại Niên, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  84. Bàn Thang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bàn Thang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  85. Mái Nhà
    Còn gọi là Cù Lao Mái Nhà hoặc Hòn Lao Mái Nhà, một hòn đảo nhỏ thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, Phú Yên, cách đầm Ô Loan hơn 4 km. Cách đây hơn 20 năm, trên đảo đã có người ở nhưng do điều kiện địa lý cách trở nên hòn đảo này vẫn còn rất xa lạ với nhiều người, ngay cả với dân địa phương. Đảo có diện tích khoảng 1,2 km², xung quanh được bao bọc bởi dãy núi cao trập trùng, có hang đá và bãi biển đẹp hoang sơ.

    Bãi đá trên cù lao Mái Nhà

    Bãi đá trên cù lao Mái Nhà

  86. Vũng Bầu
    Tên một vũng biển thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

    Vũng Bầu

    Vũng Bầu

  87. Cửa Mới
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cửa Mới, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  88. Gành Đen
    Mội ghềnh đá thuộc vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên.

    Gành Đen

    Gành Đen

  89. Gò Bàng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Gò Bàng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  90. Bãi Trầu
    Một bãi cát nằm trong vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên.
  91. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài

  92. Bãi Ngang
    Bãi biển nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một bãi cát dài hơn mười cây số, cát trắng mịn, với bờ phi lao xanh ngút ngàn.

    Bãi Ngang

    Bãi Ngang

  93. Gành Đỏ
    Một địa danh nay thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vừa là tên ngọn đèo, vừa là một vịnh biển. Tại đây có đặc sản nước mắm Gành Đỏ nổi tiếng cả nước.

    Buổi sáng ở Gành Đỏ (Ảnh: Trịnh Vũ Cường)

    Buổi sáng ở Gành Đỏ (Ảnh: Trịnh Vũ Cường)

  94. Cù lao Ông Xá
    Tên một cù lao nằm ngoài Vũng Lắm, cách chân Gành Đỏ chừng vài trăm mét, thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Cù lao này có hình dạng giống một con cá sấu khổng lồ nằm bất động, đuôi hướng về phía Bắc Gành Đỏ, đầu nhô lên cao, hướng ra biển Đông. Chung quanh hòn cù lao này có nhiều rạn, gành và đá ngầm lởm chởm. Ở mạn Nam hòn cù lao có một số gộp nhỏ ghe có thể vào neo đậu được.

    Cù lao Ông Xá (Ảnh: Trần Quỳ)

    Cù lao Ông Xá (Ảnh: Trần Quỳ)

  95. Vũng Lấm
    Còn gọi là Vũng Lắm, Ao Xóm Lưới, một địa danh nay thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Gọi là Vũng Lấm vì dọc theo bờ vũng này toàn đất bùn. Phía Đông vũng có cửa thông ra biển, thời xưa tấp nập thương thuyền vào ra buôn bán, trao đổi phẩm vật. Thời bình, Vũng Lấm là thương cảng sầm uất, thời chiến nó trở thành một quân cảng quan trọng. Vịnh Xuân Đài - Vũng Lấm là nơi các văn thân Cần Vương dùng làm căn cứ địa kháng Pháp.

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

  96. Sông Cạn
    Địa danh thuộc xã Xuân Thọ, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tại đây khi thủy triều xuống bày ra bãi cát, có thể đi ra đến cù lao Nhất Tự Sơn không cần thuyền.
  97. Song Giang
    Có lẽ là hai con sông lớn chảy qua địa phận tỉnh Phú Yên: Đà RằngBàn Thạch.
  98. Sông Cầu
    Một địa danh thuộc tỉnh Phú Yên, nay là thị xã cực bắc của tỉnh. Tại đây trồng rất nhiều dừa và có nhiều sản vật từ dừa. Sông Cầu cũng có nhiều lễ hội tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá địa phương như lễ hội cầu ngư, lễ hội Sông nước Tam Giang được tổ chức vào mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch...

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

  99. Quán Chùa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quán Chùa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  100. Vũng Chào
    Tên một vũng biển thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì mỗi lần ngư dân đánh bắt được các loại cá to (cá bò, cá ngừ...), các ghe thuyền lái buôn vào mua cá, dân phải tiếp đón, chào mời niềm nở với họ.
  101. Vũng Sứ
    Một vũng biển hiện nằm trên địa phận xã Xuân Phương, thị xã sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cùng với nhiều vũng khác: Vũng La, vũng Chào, vũng Dông, vũng Mắm...
  102. Vũng La
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ở đây có hai mỏm núi nhô ra biển nên cá thường vào ẩn trú. Mỗi lần có mẻ cá dạt vào, ngư dân hô hoán la to, báo hiệu cùng nhau đem thuyền lưới ra bắt, lệ ấy thành quen, từ đó có tên là Vũng La.
  103. Gành Tướng
    Một doi đất nhô ra biển phía ngoài vũng La, thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tương truyền nơi đây từng có hai ông tiên hạ xuống đánh cờ. Ngày nay, trên mỏm đá Gành Tướng vẫn còn in dấu bàn cờ, mặc dù thời gian, mưa nắng, sóng biển đánh vào đã làm cho phiến đá mòn đi khá nhiều.
  104. Mũi Móm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mũi Móm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  105. Mò O
    Tên một ngọn núi ở An Nhơn, Bình Định. Đại Nam nhất thống chí gọi là núi Mộ Ổ: "Núi Mộ Ổ ở phía Đông huyện, đỉnh núi có hai mũi nhọn như hình cái giá bút, phía Đông có núi Tương Bì, phía Đông Nam có núi Tiểu Đại (có tên nữa là Cô Sơn), phía Đông Bắc có thành Tây Sơn dài ước 3, 4 trượng, trong thành có hồ rộng hơn hai trượng, trong hồ có cột đá nhô đầu ra ngoài mặt nước chừng một thước, tương truyền do người Chiêm Thành dựng phía Nam có gò đất, lại có sông Cảnh Hãn, phía Tây Nam có hai cây tháp là tháp Con Gái và tháp Học Trò, nay đều đổ nát."

    Núi Mò O buổi bình minh

    Núi Mò O buổi bình minh

  106. Gành Bà
    Một gành đá nằm ở phía bắc vịnh Xuân Đài, dọc theo bán đảo Xuân Thịnh, tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa nhìn từ Gành Bà

    Hòn Chùa nhìn từ Gành Bà

  107. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  108. Mũi Gành Ba
    Còn gọi là mũi Vũng Trích, một mũi đất nhô ra ở phía Bắc bán đảo bao bọc vịnh Xuân Đài về phía Đông, phía Bắc mũi Ông Diên, thuộc địa phận huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
  109. Vũng Mú
    Một địa danh nay thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Đây là một vùng biển dồi dào tôm cá.
  110. Cù lao Xanh
    Cách thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định chừng 13 hải lý về phía Đông Nam, Cù lao Xanh là một trong 4 xã đảo và bán đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, thuộc xã Nhơn Châu ở phía Đông Nam của Quy Nhơn. Đảo có diện tích 365 ha, gồm các thôn: thôn Tây, thôn Trung, thôn Đông. Đảo cách Sông Cầu - Phú Yên 6 km, được sáp nhập về Quy Nhơn sau năm 1975.

    Năm 1890, người Pháp đã xây dựng ở đây một ngọn hải đăng sớm nhất và hiện đại nhất Đông Dương. Hải đăng cao 118 m so với mực nước biển. Đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, Cù Lao Xanh trông như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa đong đưa trong gió, lan tỏa trên những cây bàng non chạy dọc bờ biển và ngút ngát trên mặt biển mênh mang bất tận. Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi cư dân trên đảo sinh sống, còn bãi sau toàn đá. Những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau quanh năm chống chọi với gió hú và sóng gầm.

    Cù lao Xanh ở Bình Định

    Cù lao Xanh ở Bình Định

  111. Thị Nại
    Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại

  112. Hòn Mai
    Một hòn núi thấp thuộc dãy Triều Châu, tỉnh Bình Định.
  113. Ghềnh Ráng
    Tên một thắng cảnh rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 2km. Đây là một bãi đá tự nhiên rất đẹp, trước đây từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Ghềnh đá có bãi tắm Tiên Sa, bãi Hoàng Hậu (tương truyền có tên như vậy vì là bãi tắm ưa thích của hoàng hậu Nam Phương triều Nguyễn), đá Hòn Chồng, bãi Đá Trứng, cùng với ngôi mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Quách Tấn giải thích về tên gọi Gành Ráng: (...) gọi là Gành Ráng không phải là Ráng trời. Người đi biển có bốn tiếng để lái thuyền: Cay: cho thuyền từ phải qua trái; Biết: cho thuyền từ trái qua phải; Nhượng: xoay mũi thuyền theo đầu gió; Ráng: đổ gió trong buồm ra, xoay mũi theo cuối chiều gió. Thuyền hễ qua Gành này thì phải đổ gió nên gọi là Gành Ráng.

    Một góc Ghềnh Ráng

    Một góc Ghềnh Ráng

  114. Bãi Dài
    Một bãi biển thuộc Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
  115. Bãi Nhạn
    Tên chữ là Nhạn Châu, theo cách gọi của sử sách đời Nguyễn, một doi đất nhọn phía Đông thành phố Quy Nhơn (thuộc phường Hải Cảng), tỉnh Bình Định. Bãi Nhạn có diện tích ước tính 0,25 km2, địa thế tương đối bằng phẳng.
  116. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  117. Sử xanh
    Ngày xưa khi chưa có giấy, sử sách được chép lên miếng tre trúc, có vỏ màu xanh, nên được gọi là sử xanh (thanh sử).

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

  118. Bún song thần
    Tên gốc là song thằng, có nghĩa là dây (bún) đôi, một loại bún của vùng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bún song thần là đặc sản của người Minh Hương, tương truyền có từ thế kỷ thứ 18, nghĩa là lúc người Hoa đến định cư ở đây và phát triển làm bột đậu xanh và nghề làm bún. Bún song thần dùng để xào hay nấu canh cá đều ngon.

    Làm bún song thần

    Làm bún song thần

  119. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  120. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  121. Mũi Mác
    Tức mũi Yến, một mũi đá nhọn hoắc đâm thẳng vào Nam, là là điểm cuối của dãy Triều Châu thuộc tỉnh Bình Định.

    Mũi Yến trên bán đảo Phương Mai

    Mũi Yến trên bán đảo Phương Mai

  122. Vũng San Hô
    Một vũng biển nhỏ nằm dọc theo bán đảo Triều Châu, tỉnh Bình Định, có nhiều san hô. Trên bờ vũng có một làng cũng lấy tên là San Hô. Dân cư thường lấy san hô ở vũng bán cho thợ hầm vôi.
  123. Eo Vượt
    Cũng viết là Eo Vược, tên một dải núi dài khoảng hai cây số, bề ngang hẹp độ nửa cây, nối liền bán đảo Phương Mai và dãy Triều Châu thuộc tỉnh Bình Định. Giải thích tên gọi và hình dạnh của eo núi, truyền thuyết dân gian kể rằng, ngày xưa đầm Thị Nại không ăn sâu vào bán đảo như hiện nay. Một hôm có ông khổng lồ đến đây be bờ tát cá trong đầm. Thình lình có một con cá vược rất lớn tung mình vọt qua núi. Ông khổng lồ chạy theo nhưng chụp không được. Tức quá, ông dậm chân, khiến đất núi sụp xuống. Vết chân của ông chính là vùng biển ăn sát phía Tây dải núi. Không hiểu vì truyền thuyết khổng lồ tát cá hay vì hình dáng giống cái gàu mà vũng nước có tên gọi Sòng Tát Khổng Lồ, còn dải núi sau đó có tên là Eo Vược.
  124. Hòn Cỏ
    Một cù lao nhỏ nằm án ngữ trước Vũng NồmVũng Bấc, thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Có tên như vậy vì trước đây nơi này có nhiều cỏ tranh, nhân dân ta thường lấy lợp nhà.
  125. Hòn Cân
    Một hòn đảo nằm án ngữ trước Vũng BấcVũng Nồm, tỉnh Bình Định, thuộc cụm Đảo Hòn Cân. Cụm gồm 5 đảo nhỏ trong đó có Hòn ông Căn là điểm A9 trong 12 điểm để xác định đường cơ sở của nước ta.
  126. Vũng Nồm
    Địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Xương Lý.

    Vũng Nồm

    Vũng Nồm

  127. Vũng Bấc
    Một địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Hưng Lương.

    Vũng Bấc

    Vũng Bấc

  128. Cách Thử
    Tên khác là Kẻ Thử, một cửa biển thuộc Bình Định trước đây (nay đã bị lấp). Tương truyền ngày xưa nơi đây ghe thuyền ra vào tấp nập. Chẳng những chỉ có thương gia bốn phương giao dịch với nhau, mà người cõi âm cũng đến mua hàng hóa. Người trần không biết, bán hàng lấy tiền, nhưng đem về nhà mở ra đếm lại, thì thấy toàn giấy tiền vàng bạc. Để khỏi bị thiệt thòi người ta mới bày ra cách thử tiền: Lấy một chậu nước bỏ tiền vào, đồng nào chìm tức là tiền thiệt, đồng nào nổi là tiền giấy. Nhân cách thử tiền ấy mà cửa biển lấy tên là Cách Thử.
  129. Tô Thị
    Một nhân vật trong chuyện cổ tích Việt Nam Hòn vọng phu. Nàng Tô Thị và chồng là Tô Văn là một cặp vợ chồng sống với nhau hạnh phúc. Một ngày nọ, Tô Văn nhận ra vợ chính là em gái ruột của mình nhờ một cái sẹo trên đầu. Chàng bàng hoàng bỏ đi. Tô Thị ngày ngày bồng con lên núi ngóng chồng, đến một hôm thì hóa đá. Hòn đá ấy gọi là đá Vọng Phu, là một thắng cảnh tự nhiên ở Lạng Sơn. Tuy nhiên đến ngày 27/07/1991, tượng đá nàng Tô Thị bị sụp đổ do tác dụng của hiện tượng ăn mòn tự nhiên. Sau này, tượng đá được thay thế bằng một tượng xi-măng.

    Đá Vọng Phu

    Đá Vọng Phu

  130. Vũng Tô
    Một trong vài vũng nhỏ (Vũng Tô, Vũng Bấc, Vũng Nồm) nơi núi Bà (Bình Định) chạy sát biển, tạo thành những gành đá gồ ghề.
  131. Suối Bún
    Một khe suối trên núi Bà, gần hòn Vọng Phu, tỉnh Bình Định.

    Núi Bà ở Bình Định

    Núi Bà ở Bình Định

  132. Hòn Khô
    Một hòn đảo nhỏ nằm ngay trước mặt xã bán đảo Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay. Đảo còn có tên là Hòn Rùa, vì bãi cát nhỏ khoảng giữa đảo là khu vực bảo tồn rùa biển với bãi đẻ của rùa. Hiện nay Hòn Khô là một địa điểm du lịch của tỉnh Bình Định.

    Hòn Khô

    Hòn Khô

  133. Nước Ngọt
    Tên chữ là Đạm Thủy, một cái đầm nằm trên ranh giới phía Đông của xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ và xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên mũi đất ở đó. Người ta kể rằng, vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang phải trốn chạy quân Tây Sơn, có lần hết nước uống, phải cho thuyền cập cửa Đề Gi nhưng không dám vào làng gặp dân vì sợ bị lộ. Nước đầm mặn không uống được, ông ngửa mặt lên trời khấn: "Nếu mệnh trời của họ Nguyễn chưa dứt thì xin ban cho nước ngọt," rồi cho đào sâu xuống thì gặp mạch nước ngọt, vì vậy thành tên đầm.

    Mũi Nước Ngọt

    Mũi Nước Ngọt

  134. Hòn Lan
    Một hòn đảo nhỏ thuộc địa phận thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
  135. Vi Rồng
    Một thắng cảnh thuộc thôn Long Phụng, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay. Đây là một ghềnh đá nhô ra biển chừng 20m, chính giữa hòn đá lớn nhô lên, ngày đêm nước biển xô vào rồi lại trào ra miệng như rồng phun nước trắng xóa. Mũi Vi Rồng là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Bãi Bàng thuộc mũi Vi Rồng, Bình Định

    Bãi Bàng thuộc mũi Vi Rồng, Bình Định

  136. Hòn Ông Già
    Một hòn đảo nhỏ thuộc xã Nhơn Châu, Quy Nhơn, Bình Định, gần Cù Lao Xanh.

    Hòn Ông Già giữa biển

    Hòn Ông Già giữa biển

  137. Hòn Đụn
    Một hòn đảo thuộc xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
  138. Hà Ra
    Một cửa biển thuộc xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Dưới triều Minh Mạng, đây là một cửa biển quan trọng, có đặt đồn biên phòng. Ngày nay cửa đã bị bồi lấp.
  139. Hội Vân
    Một địa danh thuộc xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tại đây có suối nước nóng Hội Vân, một địa điểm du lịch chữa bệnh khá nổi tiếng.
  140. Lộ Diêu
    Còn gọi là Lộ Giao, một bến thuyền nay thuộc địa phận xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
  141. Vũng Cù
    Tức đầm Cù Mông, nằm dưới chân đèo Cù Mông, nằm ở ranh giới hai tỉnh Phú Yên và Bình Định.
  142. An Dũ
    Cửa biển duy nhất của con sông Lại Giang khi đổ ra biển tại Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là cửa ngõ chính tỏa ra các ngư trường, tạo thuận lợi cho tàu thuyền của bà con ngư dân các làng cá ra vào làm ăn sinh sống.
  143. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  144. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  145. Tam Quan
    Thị trấn phía bắc tỉnh Bình Định, thuộc huyện Hoài Nhơn. Đây nổi tiếng là "xứ dừa" của Bình Định.

    Dừa Tam Quan

    Dừa Tam Quan

  146. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  147. Sa Huỳnh
    Một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc trại ra thành Sa Huỳnh. Nơi đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam cổ xưa, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

  148. Ốc gạo
    Loài động vật thân mềm thuộc họ ốc, sống ở vùng nước lợ và đáy sông, có vỏ trắng xanh, xoáy tròn, phía sau ốc có phần chóp nhọn, ốc lớn bằng đầu ngón tay, khi trưởng thành ốc gạo lớn bằng hột mít. Khi nấu chín dưới yếm hiện ra một cục mỡ nhỏ như hạt gạo. Ốc gạo được chế biến thành nhiều món đặc sản miền Nam.

    Ốc gạo Phú Đa (Bến Tre)

    Ốc gạo Phú Đa (Bến Tre)

  149. Thạch Hãn
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, có chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Sông vốn có tên là Thạch Hàn [石瀚], có lí giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá như mồ hôi (hãn 汗) tiết ra thành dòng chảy, nên mới đổi thành Thạch Hãn.

    Một góc cảng Cửa Việt

    Một góc cảng Cửa Việt

  150. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  151. Bát phường Mai Xá
    Tên gọi chung của tám phường do dân khai hoang ở miền Tây Gio Linh, Quảng Trị lập nên từ thế kỉ 17: Bình An (Gio Bình), Phú Thọ, Ninh Xá, Phú Ốc (Gio Hoà), Lịch Sơn, Phú Nhuận, Nam Dương (Gio Sơn), Trung An (nông trường Cồn Tiên).
  152. Hà Trung
    Một làng cổ thuộc phủ Triệu Phong, huyện Gio Linh, tổng An Xá, nay thuộc Gio Linh, Quảng Trị.

    Đình làng Hà Trung

    Đình làng Hà Trung

  153. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  154. Cửa Tùng
    Địa danh nay là một thị trấn ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cửa Tùng rất giàu thủy hải sản và là một địa điểm du lịch biển có tiếng.

    Biển Cửa Tùng

    Biển Cửa Tùng

  155. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  156. Sãi
    Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
  157. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  158. Xuân Viên
    Địa danh nay thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  159. Hội Thống
    Địa danh nay thuộc xã Xuân Hội, cực Bắc của huyện Nghi Xuân, cũng là cực Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Nằm ở mé bờ Nam cửa Hội, Hội Thống có nghề nông, nghề buôn nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghề biển. Ở đây ngoài ngôi Đình Kiên Nghĩa còn có các đền miếu mà trong đó có 3 ngôi đền thờ Nam Hải Ngư thần (cá ông) thường gọi là đền Cô, đền Cố, đền Cậu. Lễ cầu ngư ở Hội Thống được tổ chức hàng năm hoặc 3 năm 1 lần vào ngày 3/2 âm lịch.
  160. Nống
    Cái nong (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  161. Do Nha
    Còn gọi là Xuân Nha, một làng xưa thuộc tổng Tam Chế, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An, sau thuộc xã Ngũ Lộc, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, nay thuộc huyện Nghi Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Làng có nghề truyền thống là đan lát.
  162. Lộc Châu
    Địa danh trước kia là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  163. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  164. Cẩm Mỹ
    Địa danh trước đây là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  165. Kẻ Giăng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kẻ Giăng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  166. Kẻ Cừa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kẻ Cừa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  167. Trung Sơn
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
  168. Cơn
    Cây (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  169. Yên Xứ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Yên Xứ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  170. La Vang
    Địa danh nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Có giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ cây lá vằng (một loại cây có thể nấu làm nước uống), hoặc chỉ tiếng kêu la của người dân để xua đuổi thú dữ. Theo truyền thuyết của người Công giáo, dưới thời vua Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn, Ðức Mẹ đã hiện ra tại đây. Vì thế, La Vang hiện nay được xem là một thánh địa Công giáo, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương.

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

  171. Quán Ngang
    Một địa danh thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
  172. Dầu tràm
    Loại dầu được chiết xuất từ lá của cây tràm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn…

    Dầu tràm

    Dầu tràm

  173. Đại Nại
    Tên một làng cũ thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay làng đã được sáp nhập với làng An Thái và làng Ba Khê thành một làng lớn là Đại An Khê.
  174. Phường Trúc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phường Trúc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  175. Kim Giao
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  176. Phước Điền
    Địa danh nay thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  177. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  178. Chùa Tịnh Quang
    Còn có tên là chùa Sắc Tứ, một ngôi chùa ở vùng núi phía tây nam làng Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là ngôi tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, là biểu tượng tâm linh của Phật giáo Quảng Trị.

    Chùa Tịnh Quang

    Chùa Tịnh Quang

  179. Trà Bát
    Địa danh nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  180. Chợ Sòng
    Một địa danh nay thuộc làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, cũng là tên một ngôi chợ ở đây. Chợ Sòng cùng với chợ phiên Cam Lộ từng là hai trung tâm thương mại sầm uất nhất Quảng Trị ngày trước. Theo Phủ biên tạp lục: Xã Phổ-lạc huyện Đăng-xương tục gọi là Chợ Sòng đấy là nơi đường thủy, đường bộ đến thâu tập lại, đi về tất phải qua lối ấy, tự chợ ấy theo con đường chính mà đi, qua cửa Điếu-ngao đến dinh Cát thì trong một trống canh.
  181. Bích La
    Địa danh nay là một làng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm bên bờ Đông của sông Thạch Hãn. Đây là một ngôi làng cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời, nơi được coi là vùng đất "địa linh nhân kiệt."
  182. Trà Lộc
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Làng có trằm (bàu nước) Trà Lộc, nay là một khu du lịch sinh thái có tiếng trong vùng.
  183. An Đôn
    Địa danh nay là một phường thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
  184. Mai Lĩnh
    Địa danh nay là một quận thuộc tỉnh Quảng Trị.
  185. Đạo Đầu
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  186. Trầu nguồn
    Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
  187. Khe Gió
    Địa danh thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khe Gió vốn là một khe suối và một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi cao chạy theo hướng đông, tạo nên một địa hình lòng máng hút gió từ sông Hiếu đổ về. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh.

    Khe Gió

    Khe Gió

  188. Trung Đơn
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  189. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  190. Bồ Bản
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  191. An Lộng
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  192. Xôi thống
    Một loại xôi đặc sản ở xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xôi làm từ loại nếp rất thơm, khi ăn có vị ngọt.
  193. Hải Thành
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất hiện trên bản đồ nhà Nguyễn khoảng đầu thế kỷ 19, hiện nay Hải Thành còn lưu giữ một vài truyền thống như lễ cúng thần hoàng, lễ chạp mã làng, chạp mã họ, lễ đua ghe...
  194. Trí Bưu
    Tên một làng nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị. Làng có tên cũ là Cổ Bưu (gọi trại là Cổ Vưu), do trước đây có một nhà trạm để lo việc chuyển nhận thư từ và công văn từ triều đình.
  195. Triệu Phước
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  196. Đông Hà
    Địa danh nay là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị.
  197. Hội Yên
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  198. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  199. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  200. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  201. Bánh khô
    Còn gọi là bánh khô mè, hoặc bánh khô khổ, là một loại bánh miền Trung, làm từ bột gạo nếp, đường và mè.

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Quảng Nam

  202. Bánh nổ
    Một loại bánh đặc sản của miền Trung. Bánh làm bằng gạo nếp rang cho nổ bung ra (nên có tên là bánh nổ), trộn với nước đường nấu sôi và gừng giã nhỏ, cho vào khuôn hình chữ nhật. Bánh ăn có vị ngọt của đường, bùi của nếp và cay của gừng.

    Bánh nổ

    Bánh nổ

  203. Bánh bèo
    Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...

    Bánh bèo

    Bánh bèo

  204. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  205. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  206. Cá ngừ
    Một loài cá biển đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và hiện nay là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

    Cá ngừ

    Cá ngừ

  207. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  208. Cá ngừ chù
    Gọi tắt là cá chù, một loại cá thuộc họ cá ngừ, có nhiều ở các vùng biển miền Trung. Tại đây cá ngừ chù được xem là “cá nhà nghèo,” món quen thuộc trong giỏ đi chợ của các bà nội trợ. Những món ăn từ cá ngừ chù có cà ngừ kho dưa gang, cá ngừ rim cà chua, cá ngừ hấp...

    Cá ngừ chù

    Cá ngừ chù

  209. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  210. Trạnh cày
    Cũng gọi là diệp cày, bộ phận thường bằng sắt hoặc gang, lắp tiếp trên lưỡi cày, có tác dụng nâng, tách và lật đất cày.
  211. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  212. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  213. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  214. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  215. Đông Sấu
    Cũng gọi là làng Sấu, địa danh nay là một thôn thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
  216. Ở đây có nghĩa hay tảo tần thu vén.
  217. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  218. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  219. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  220. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  221. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  222. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  223. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  224. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  225. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  226. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  227. Lụa sồi
    Lụa dệt bằng tơ tằm nhưng sợi thô, nếu sợi dệt xe đôi thì gọi là sồi xe, khác với lụa tơ tằm được dệt bằng tơ tằm sợi nhỏ nên mỏng, mềm và mịn hơn.
  228. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  229. Ngong
    Ngóng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  230. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  231. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  232. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  233. Mấu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mấu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  234. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  235. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  236. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  237. Có bản chép là “làm đơn,” đều có ý chỉ việc kiện tụng, tranh chấp.
  238. Thư lại
    Viên chức trông coi việc giấy tờ ở công đường thời phong kiến, thực dân. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành thơ lại.
  239. Hò khoan
    Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  240. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  241. Bài này nói về tài năng hoặc nét đặc trưng của người dân ở bốn địa phương.
  242. Sinh đồ
    Một học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, được xác định trong kỳ thi Hương (là kỳ thi sơ khởi nhất để triều đình tuyển chọn người tài; người nào đỗ kỳ thi Hương thì năm sau mới được dự kỳ thi cao hơn là thi Hội, thi Đình).
  243. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  244. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  245. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  246. Tiến sĩ
    Học vị được trao cho những người đỗ tất cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình, được ghi danh trong khoa bảng (trừ thời nhà Nguyễn, có thêm học vị Phó bảng không phải là tiến sĩ, nhưng cũng được chấm đỗ ba kỳ thi trên). Thời nhà Trần, những người đỗ Tiến sĩ được gọi là Thái học sinh.
  247. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  248. Bảng nhãn
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến, dưới Trạng nguyên và trên Thám hoa.
  249. Bài vè này nói về truyền thống hiếu học, khoa bảng của Bắc Ninh.
  250. Bánh tổ
    Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.

    Bánh tổ

    Bánh tổ

  251. Bánh kẹp
    Một loại bánh làm từ bột và trứng, thêm lá dứa, nước dừa, đường... nướng bằng khuôn gang đặt trên lò than nóng. Vì khuôn bánh thường có họa tiết dạng lỗ như tổ ong nên bánh cũng được gọi là bánh tàn ong, hoặc bánh kẹp tàn ong.

    Bánh kẹp lá dứa

    Bánh kẹp lá dứa

  252. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  253. Bánh bàng
    Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,

     

  254. Bánh da lợn
    Một loại bánh tráng miệng được làm từ bột năng, đường trắng, dừa nạo, va ni hay lá dứa và một số gia vị khác. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, khoai môn nghiền mịn hoặc bào sợi hấp chín và bột gạo, đường. Bánh được hấp rồi cắt nhỏ thành từng miếng khi ăn.

    Bánh da lợn

    Bánh da lợn

  255. Bánh da trời
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bánh da trời, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  256. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  257. Bánh men
    Một loại bánh nướng làm từ bột năng (hoặc bột sắn dây) và nước cốt dừa, khi ăn giòn, tan trong miệng và rất thơm.

    Bánh men

    Bánh men

  258. Xôi vị
    Một loại xôi ngọt nấu từ nếp và dừa, thường được nấu trong các đám tiệc. Có tên như vậy vì khi nấu, người ta thường thêm chút tai vị nướng và tán nhuyễn vào. Xôi vị nấu chín thơm mùi nước dừa và đường, có vị ngọt vừa phải.

    Xôi vị

    Xôi vị

  259. Nhất Y, nhì Mống, tam Bông, tứ Đường, năm Nghè, sáu Lợi
    Tên sáu cây cầu lâu đời ở Sài Gòn: cầu chữ Y, cấu Mống, cầu Bông, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Thị Nghè và cầu Bình Lợi.
  260. Vũng Gấm
    Tên chữ là đầm Gia Cẩm, một cái đầm ở phía bắc huyện Phước An, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Đầm rất sâu, rộng, có nhiều cá sấu.
  261. Ăn quận Năm, nằm quận Ba, xa hoa quận Nhất, cướp giật quận Tư
    Ở Sài Gòn trước đây (và thành phố Hồ Chí Minh trong thời bao cấp), quận 5 có nhiều quán ăn ngon, quận 3 có nhiều biệt thự, quận 1 có nhiều hàng xa xỉ phẩm, còn quận 4 có nhiều băng nhóm du đãng.
  262. Cá ảu
    Cá thu loại nhỏ.
  263. Sương (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  264. Tăm tăm
    Xa xôi, không có tin tức gì.
  265. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  266. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  267. Cù Huân
    Dân gian còn gọi là cửa Lớn, cửa biển nơi con sông Cái đổ ra biển, nay thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Huyện Diên Khánh là địa bàn hoạt động và chiến đấu của nghĩa quân Trịnh Phong, một thủ lĩnh kháng Pháp của phong trào Cần Vương.
  268. Lý Lệ Hoa
    Tên nữ diễn viên Trung Quốc, nổi tiếng ở miền Nam trước 1975 qua các bộ phim Hồng Công.

    Lý Lệ Hoa

    Lý Lệ Hoa

  269. Bata
    Một hiệu giày của Tiệp Khắc, nổi tiếng với mẫu giày vải rất phổ biến ở nước ta ngày trước, đến nỗi người ta gọi tất cả các loại giày vải là giày bata.

    Một mẫu quảng cáo giày Bata trên báo xưa

    Một mẫu quảng cáo giày Bata trên báo xưa

  270. Vespa
    Một nhãn hiệu xe máy nổi tiếng của Ý, khá phổ biến ở miền Nam trước 1975.

    Một bãi đỗ toàn xe Vespa ở Sài Gòn xưa

    Một bãi đỗ toàn xe Vespa ở Sài Gòn xưa

  271. Catinat
    Đọc là ca-ti-na, tên một con đường ở Sài Gòn thời Pháp thuộc, sau 1954 đổi thành đường Tự Do, từ 1975 tới nay là đường Đồng Khởi, thuộc quận 1.

    Đường Catinat xưa

    Đường Catinat xưa

  272. Ăn quận Năm, nằm quận Ba, múa ca quận Một, trấn lột quận Tư
    Đặc điểm của mỗi quận thuộc Sài Gòn xưa: quận Năm nổi tiếng với ẩm thực của người Hoa; quận Ba nhiều dinh thự lộng lẫy; quận Một là trung tâm mua sắm, ăn chơi; quận Bốn dành cho dân lao động nghèo, nổi tiếng là nơi tụ tập, trú ẩn của giới xã hội đen.