Tìm kiếm "mộng đêm"

Chú thích

  1. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  2. Gá tiếng
    Cất tiếng (phương ngữ). Còn nói gá lời.
  3. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  4. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  5. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  6. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  7. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  8. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  9. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  10. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  11. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  12. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  13. Huyền đề
    Móng thừa ở chân chó, cũng gọi là móng treo hoặc móng đeo. Chó có móng này gọi là chó huyền đề.

    Chó huyền đề

    Chân một con chó huyền đề

  14. Minh mông
    Mênh mông (cách phát âm ở một số vùng Nam Bộ).
  15. La bàn
    Còn gọi là địa bàn, một dụng cụ xác định phương hướng, được người Trung Quốc phát minh vào khoảng thế kỉ 11. La bàn gồm có một kim nam châm luôn luôn chỉ phương Bắc - Nam. Từ này được tạo thành bởi hai chữ la (lưới - người Trung Quốc quan niệm trời đất là lưới võng, như thiên la địa võng) và bàn (vật tròn dẹt).

    La bàn

    La bàn

  16. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  17. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  18. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  19. Lụy
    Chết.
  20. Giấc kê vàng
    Từ cụm từ Hán Việt là hoàng lương mộng, ý nói đời người ngắn ngủi, vinh hoa phú quý tựa như giấc chiêm bao, lấy từ một chuyện trong bộ Thái Bình quảng kí soạn vào đời Tống bên Trung Quốc: Lư Sinh trọ ở Hàm Đan, gặp đạo sĩ Lã Ông. Lư Sinh than vãn cảnh mình cùng khốn. Lã Ông bèn lấy cái gối bằng sứ cho Lư Sinh mượn ngủ. Khi ấy, chủ quán đang nấu một nồi kê (hoàng lương, lúa mạch). Trong giấc ngủ, Lư Sinh nằm mộng thấy được tận hưởng vinh hoa phú quý. Lúc tỉnh dậy, thì nồi kê chưa chín.

    Bức tượng Lư Sinh nằm mộng ở Hàm Đan (Trung Quốc)

    Bức tượng Lư Sinh nằm mộng ở Hàm Đan (Trung Quốc)

  21. Hồi
    Quay về (từ Hán Việt).
  22. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  23. Nỏ
    Một loại vũ khí cổ truyền thường được dùng trong săn bắn và chiến tranh trước đây. Một chiếc nỏ đơn giản gồm một cánh nỏ nằm ngang hơi cong, đẽo từ một loại gỗ có sức đàn hồi cao, lắp vào báng nỏ có xẻ rãnh để đặt mũi tên. Trước khi bắn, cánh nỏ bị uốn cong bằng cách kéo căng và gài dây cung vào lẫy nỏ. Khi bóp cò, sức đàn hồi của cánh nỏ bắn mũi tên ra với sức đâm xuyên lớn và độ chính xác cao. Cây nỏ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, bắn một phát ra nhiều mũi tên đồng, đánh lui quân xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều dân tộc Tây Nguyên đã dùng nỏ giết được nhiều quân địch.

    Ở một số vùng, nỏ cũng được gọi là ná (lưu ý phân biệt với cái bắn đạn sỏi).

    Bắn nỏ

    Bắn nỏ

  24. Móng
    Cá quẫy, đớp bọt nước. Móng là bong bóng nhỏ do cá đớp mồi trên mặt nước tạo nên.
  25. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  26. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  28. Xu xoa
    Một món giải khát rất phổ biến ở miền Trung. Xu xoa (có nơi gọi là xoa xoa) được nấu từ rau câu, đông lại như thạch dừa, khi ăn thì cắt thành nhiều miếng nhỏ hình vuông hoặc chữ nhật to khoảng đầu ngón tay cái, ăn kèm với mật đường mía, có thể cho thêm đá.

    Xu xoa

    Xu xoa

  29. Mồng đốc
    Âm vật, một cơ quan sinh dục nữ. Tục còn gọi là hột (hay hạt) le, cái thè le, hoặc hạt chay.
  30. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  31. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  32. Cu Đê
    Một địa danh nằm ở phía Bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng hiện nay. Tại đây có núi và sông Cu Đê. Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi: "Núi Cu Đê [...] lại có tên là núi Hoa Ổ (tục gọi là động Suối Đá), núi nhiều ve ve, người địa phương bắt nấu ăn rất ngon. Mùa thu mùa đông cầu vồng hiện ở phía Nam núi, người ta lấy đấy mà chiêm nghiệm mưa lụt." Làng Cu Đê ngày xưa chính là làng Nam Ô bây giờ.

    Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô

    Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô

  33. Cửa Đại
    Tên cũ là cửa Đại Chiêm, cửa sông nơi sông Thu Bồn đổ ra Biển Đông, thuộc Hội An, Quảng Nam. Cửa Đại (hay Cửa Đợi) cũng là tên của bãi biển khu vực này.

    Vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của nước Champa và kinh thành Champa trên đất Quảng Nam, là nơi giao thương buôn bán sầm uất. Hiện nay Cửa Đại là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.

    Biển Cửa Đại

    Biển Cửa Đại

  34. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua