Tìm kiếm "mộng đêm"

Chú thích

  1. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  2. Mống
    Nổi lên, sinh ra, làm một việc dại dột, càn quấy (từ cổ).
  3. Sống
    Đực (từ cổ).
  4. Theo cách giải thích trong Tục ngữ, Ca dao, Dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, câu này có thể hiểu là: Con làm, cha chịu.
  5. Huyền đề
    Móng thừa ở chân chó, cũng gọi là móng treo hoặc móng đeo. Chó có móng này gọi là chó huyền đề.

    Chó huyền đề

    Chân một con chó huyền đề

  6. Mông Phụ
    Một làng cổ nay thuộc địa phận Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Làng có từ lâu đời, nhà cửa san sát, chủ yếu xây bằng đá ong, đến nay vẫn còn bảo tồn được những cảnh quan từ xưa. Trong làng có đình Mông Phụ, một trong những ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc đình chùa của người Việt xưa, hiện được công nhận là di tích cấp quốc gia.

    Cổng làng Mông Phụ

    Cổng làng Mông Phụ

    Giếng cổ trong đình Mông Phụ

    Giếng cổ trong đình Mông Phụ

  7. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  8. Đường Lâm
    Tên nôm là làng Mía, cũng gọi là làng Đồng Sàng, một ngôi làng nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Làng nằm bên hữu ngạn sông Hồng, còn có tên là đất hai vua vì là quê hương của hai vị vua là Ngô Quyền và Phùng Hưng - hiện làng vẫn còn đền thờ hai vị vua này. Ngày nay, làng vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi... Hệ thống đường xá của Đường Lâm rất đặc biệt vì có hình xương cá. Với cấu trúc này, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Tại làng còn có chùa Mía, ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất nước ta (287 tượng).

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm

    Chùa Mía

    Chùa Mía

  9. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  10. Hòn Sang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Sang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  11. Ang
    Dụng cụ để đong, đo thóc lúa, bằng gỗ, khối vuông, có nơi đan ang bằng nan tre. Dụng cụ đo gạo của người Việt rất đa dạng, tùy vùng, tùy thời và theo từng thể tích mà người ta dùng các dụng cụ khác nhau như cái giạ, cái vuông, cái yến, cái đấu, cái thưng, cái cảo, cái bơ, cái ô, cái lương, cái lon sữa bò... để đo gạo. Một ang bằng 22 lon gạo.
  12. Đạc
    Dạo, đợt ("đạc ni" nghĩa là "dạo này," phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  13. Mống bạc sạch đồng
    Cầu vồng (mống) màu trắng là điềm báo mưa to, lũ lụt.
  14. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  15. Phú Dương
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Thịnh, huyện sông Cầu, tỉnh Phú Yên, gần vịnh Xuân Đài.
  16. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  17. Lọc lừa
    Chọn đi lọc lại (cũng nói là "lừa lọc", trong đó "lừa" do từ "lựa" đọc trại đi).

    Bây giờ gương vỡ lại lành,
    Khuôn thiêng lừa lọc, đã đành có nơi.

    (Truyện Kiều)

  18. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  19. Trùng phùng
    Gặp lại nhau (từ thường dùng trong văn chương).

    Trùng phùng dầu họa có khi
    Thân này thôi có còn gì mà mong

    (Truyện Kiều)

  20. Ba mươi được ăn, mồng một tìm đến
    Hôm trước được cho ăn thì hôm sau lại đến ăn chực. Đại ý câu này muốn nói được ăn một lần, hay được lợi một lần thì lần sau cứ mong ngóng mãi.
  21. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  22. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  23. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  24. Mống áp
    Cầu vồng mọc thấp, gần mặt đất.
  25. Mầu mộng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mầu mộng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  26. Ngã lăn thần tướng
    Ngã lăn quay ra đất (cách nói của Nam Bộ).
  27. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).