Tìm kiếm "bà chuộc"

Chú thích

  1. Hiểm địa
    Vùng đất hiểm trở, đi lại khó khăn (từ Hán Việt).
  2. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  3. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  4. Cá sấu
    Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.

    Cá sấu

    Cá sấu

  5. Gấu ngựa
    Một loài gấu lớn có tai lớn, toàn thân lông đen, dài, thô, có yếm hình chữ V ở ngực màu kem hoặc trắng mờ, leo trèo giỏi, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Gấu ngựa ăn tạp, từ quả chín, mầm cây, mật ong tới các loài cá và chim thú nhỏ. Hiện gấu ngựa được xếp vào một trong số các động vật đang bị đe dọa.

    Gấu ngựa

    Gấu ngựa

  6. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  7. Báo đen
    Còn gọi là beo, là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn, có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc giúp báo đen dễ sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp. Báo đen không được xem là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai. Ở nước ta ghi nhận có 3 loại báo là báo hoa mai, báo gấm, và báo lửa.
  8. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  9. Chồn
    Một họ động vật có vú thuộc bộ Ăn thịt, có loài sống trên cạn, có loài sống dưới nước (như rái cá). Xem thêm về các loài chồn có tại Việt Nam ở đây.

    Chồn vàng ở Việt Nam

    Chồn vàng ở Việt Nam

  10. Cáo
    Loài thú ăn thịt thuộc họ chó, cỡ trung bình, ăn các loài lợn rừng nhỏ, nai, hoẵng và các loài chim thú khác. Cáo thường sống thành đàn lớn, có thể lớn tới 15 - 20 con, ở các kiểu rừng khác nhau, từ rừng già, rừng tái sinh, đến rừng hỗn giao tre nứa. Đây là loài rất hiếm, hiện đang suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ở nước ta, chúng thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.

    Cáo

    Cáo

  11. Lợn rừng
    Cũng gọi là lợn lòi, loài lợn được xem là thủy tổ của lợn nhà. Lợn rừng nặng 40-200 kg, lông thô cứng màu đen xám, thường có răng nanh to dài chìa ra ngoài mõm, sống thành đàn 5-20 con trong rừng hoặc ven các nương rẫy, kiếm ăn đêm , ngày nghỉ trong các bụi rậm, thích đằm mình trong vũng nước. Lợn rừng ăn tạp gồm các loại củ, quả giàu tinh bột, các loại quả cây rừng, măng tre nứa, chuối và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngoé, giun đất, ong...

    Tại nước ta, lợn rừng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du.

    Lợn rừng

    Lợn rừng

  12. Bất loạn thiên
    Cũng nói là bắt loạn thiên hoặc nói tắt là bắt loạn, cách nói mô tả mức độ rất nhiều của người Nam Bộ.
  13. Mưa ngâu
    Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
  14. Ngưu Lang, Chức Nữ
    Còn có các tên chàng Ngưu ả Chức hay ông Ngâu bà Ngâu, hai nhân vật trong truyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ có mặt trong văn hóa của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong phiên bản Việt Nam, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ là một tiên nữ dệt vải, vì say mê nhau nên trễ nải công việc. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người ở đầu kẻ ở cuối sông Ngân, và chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đêm rằm tháng Bảy âm lịch, trên một cây cầu do đàn quạ bắc nên (gọi là cầu Ô Thước). Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt, nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa, người trần gọi là mưa ngâu.
  15. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  16. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  17. Núi Nhạn
    Một ngọn núi nhỏ nằm bên bờ sông Đà Rằng. Núi còn có các tên núi Khỉ, Tháp Dinh hoặc núi Bảo Tháp, vì trên đỉnh núi có một ngọn tháp Chăm được xây từ thế kỉ 11.

    Núi Nhạn

    Núi Nhạn

  18. Sông Đà Rằng
    Tên phần hạ lưu của sông Ba, một con sông chảy trên địa bàn ba tỉnh miền Trung là Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên. Nguồn gốc của tên Đà Rằng xuất phát từ tiếng Chăm Ea Rarang, nghĩa là "con sông lau sậy."

    Sông Đà Rằng đoạn chảy qua Tuy Hòa

    Sông Đà Rằng đoạn chảy qua Tuy Hòa

  19. Hạng Vũ
    Tên huý là Hạng Tịch, còn gọi là Tây Sở Bá Vương. Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Hạng Vũ là một anh hùng có sức mạnh "bạt sơn cử đỉnh," yêu thương quân sĩ nhưng lại có lòng nhân "của đàn bà" (cách dùng từ trong Sử Ký), hay nghi ngờ các tướng lĩnh, vì vậy mà cuối cùng thất bại vào tay Lưu Bang.
  20. Tức là con khỉ, cách nói hài hước. Núi Nhạn ngày xưa có nhiều khỉ, vì vậy cũng có tên là núi Khỉ.
  21. Ngu Cơ
    Vợ yêu của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Tương truyền khi quân Sở sắp thua trận, Hạng Vũ cùng Ngu Cơ uống rượu và ca hát trong trướng, sau đó Ngu Cơ dùng kiếm tự vẫn. Nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ, người ta gọi là "Ngu mĩ nhân thảo." Mối tình của Ngu Cơ và Hạng Vũ được đời sau truyền tụng và ca ngợi.

    Hình vẽ Ngu Cơ

    Hình vẽ Ngu Cơ

  22. Ô Giang
    Một con sông ở Trung Quốc, nơi Hạng Vũ bỏ mình. Theo Sử Ký, khi bị quân của Lưu Bang truy kích, Hạng Vũ muốn đi sang phía đông, vượt sông Ô Giang. Người đình trưởng Ô Giang cắm thuyền đợi, bảo Hạng Vương "Giang Đông tuy nhỏ, đất hàng ngàn dặm, dân vài mươi vạn, cũng đủ làm vương. Xin đại vương mau mau vượt sông. Nay chỉ một mình thần có thuyền, quân Hán đến không có cách gì vượt qua." Hạng Vương cười nói "Trời hại ta, ta vượt qua sông làm gì! Vả chăng Tịch này cùng tám ngàn con em Giang Đông vượt Trường Giang đi về hướng tây, nay không còn lấy một người trở về! Dù cho các bậc cha anh ở Giang Đông thương ta, cho ta làm vương, ta cũng còn mặt mũi nào mà thấy họ nữa. Dù họ không nói, Tịch này há chẳng thẹn trong lòng sao?" Xong ông xuống ngựa, một mình giết mấy trăm quân Hán, rồi tự đâm cổ chết.
  23. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  24. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  25. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  26. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  27. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  28. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  29. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  30. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  31. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  32. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  33. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  34. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  35. Có bản chép: Đất Thừa Thiên.
  36. Tháp Phước Duyên
    Ngọn tháp nằm trong quần thể thắng tích cố đô Huế, là biểu tượng nổi tiếng gắn với chùa Thiên Mụ, nên còn được gọi là tháp Thiên Mụ hay tháp Linh Mụ. Tháp được xây năm 1844, cao 21m, có bảy tầng, tám mặt, chỉ sử dụng nguồn vật liệu thuần tuý bản địa: đá Thanh, gạch Bát Tràng, gạch hoa tráng men Long Thọ, ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly, cùng một ít sắt, đồng, gỗ.

    Tháp Phước Duyên

    Tháp Phước Duyên

  37. Văn Thánh
    Văn miếu Huế, một công trình được xây dựng vào năm 1808 dưới triều Gia Long. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế. Ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn miếu còn thờ Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, cùng Thập Nhị Triết và những người có công phát triển Nho giáo.

    Cổng chính vào Văn Thánh

    Cổng chính vào Văn Thánh

  38. Chùa Thuận Hóa
    Xưa tên chùa Ông, thờ Quan Công, nằm bên cạnh chùa Thiên Mụ (thực ra là một công trình phụ của chùa Thiên Mụ). Dưới thời vua Thiệu Trị, chùa được dời về gần chùa Diệu Đế, sau được đổi tên thành chùa Thuận Hóa và thờ thêm Phật.

    Chùa Ông ngày nay

    Chùa Ông ngày nay

  39. Diệu Đế
    Tên một ngôi chùa nằm bên bờ sông Đông Ba, nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi nên cảnh quan rất đẹp, vườn tược rộng rãi, cây cối xanh tươi. Năm 1844 triều đình Huế cho tôn tạo và sắc phong làm Quốc tự.

    Chùa Diệu Đế

    Chùa Diệu Đế

  40. Viện cơ mật
    Cơ quan đặc trách tham khảo những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và bí mật, nhất là về quân sự, đứng đầu gồm bốn vị đại thần từ tam phẩm trở lên. Viện được thành lập sau vụ Lê Văn Khôi nổi loạn. Thời vua Duy Tân, viện được đổi tên thành phủ Phụ Chính. Do những biến cố lịch sử, viện bị di dời nhiều lần, cuối cùng chuyển về chùa Giác Hoàng, họp cùng với tòa Giám sát (của Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi chung là Tam tòa.

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

    Voi chầu trước cổng Viện cơ mật

  41. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  42. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  43. Cấu trúc cầu Tràng Tiền thực ra có 12 vài và 6 nhịp. Trong thi ca dân gian, để hợp vần người ta hay nói thành "sáu vài, mười hai nhịp."
  44. Cồn Hến
    Tên chữ là cồn Thanh Long, vùng đất bồi nằm ở giữa sông Hương, phía bên trái Kinh thành Huế, chia sông Hương chảy qua đoạn này thành hai nhánh. Nhánh phía đông chảy qua phường Vĩ Dạ. Nhánh phía Tây chảy qua các phường Phú Cát, Phú Hiệp. Cồn Hến có tên gọi như vậy vì dân trên cồn trước đây chủ yếu làm nghề cào hến.

    Cồn Hến ngày nay

    Cồn Hến ngày nay

  45. Cồn Dã Viên
    Cũng gọi là cồn Giã Viên, một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương, nằm phía tây nam kinh thành Huế. Cồn Dã Viên cùng với Cồn Hến ở phía đông nam thành Huế là hai nhân tố địa lý phong thủy tạo nên thế “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” chầu hai bên kinh thành.

    Cồn Dã Viên

    Cồn Dã Viên

  46. Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ
    Đầy đủ là "Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ," nghĩa là bên trái có rồng xanh, bên phải có hổ trắng, phía trước có chim sẻ đỏ (phượng hoàng), phía sau có rùa đen. Đây là một khái niệm về địa thế đẹp trong phong thủy, đồng thời cũng thường gặp trong các công trình điêu khắc có ý nghĩa tâm linh.
  47. Âu ca
    Cùng ca hát vui vẻ (từ chữ Hán: âu 謳  nghĩa là cùng cất tiếng, và ca 歌  là hát, ngâm).
  48. Mì Quảng
    Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.

    Mì Quảng

    Mì Quảng

  49. Phú Chiêm
    Tên một làng thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với đặc sản mì Quảng Phú Chiêm.

    Mì Quảng Phú Chiêm

    Mì Quảng Phú Chiêm

  50. Cao lầu
    Món mì được xem là đặc sản của thị xã Hội An. Cao lầu nhìn khá giống mì Quảng với có sợi mì màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống... Khác với mì Quảng, cao lầu có rất ít nước dùng.

    Cao lầu

    Cao lầu

  51. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  52. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  53. Cẩm Hà
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
  54. Tam Kỳ
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trung tâm tỉnh. Trước đây (đến nửa đầu thế kỷ 20), địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.
  55. Cơm gà Tam Kỳ
    Đặc sản cơm gà của Tam Kỳ, Quảng Nam. Khác với cơm gà ở những nơi khác, cơm gà ở Tam Kỳ chỉ được làm từ gà thả vườn (gà ta), thịt chắc, dai, thơm, có vị ngọt đặc trưng. Phần cơm vàng ươm ăn kèm cũng được nấu kì công không kém. Gạo nấu cơm phải là loại thơm, khi chín dẻo và không bị nát. Gạo được vo thật sạch, để ráo nước rồi cho vào nấu với nước luộc gà cùng ít bột nghệ. Khi nấu phải canh lửa và nước để cơm chín vàng ươm, dẻo, nhưng tơi chứ không dính vào nhau, lại thoang thoảng hương thơm hấp dẫn.

    Cơm gà Tam Kỳ

    Cơm gà Tam Kỳ

  56. Nam Ô
    Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).

    Bãi biển Nam Ô

    Bãi biển Nam Ô

  57. Đại Lộc
    Tên một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi...
  58. Bòn bon
    Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

    Bòn bon

    Bòn bon

  59. Trà Đỏa
    Còn gọi là Trà Đóa hoặc Tiên Đõa, một vùng quê nay là thôn Trà Đỏa, thuộc xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tại đây đất cát có độ ẩm sâu, lớp dưới hạt rời, chịu được nắng nóng nên thích hợp với giống khoai lang củ tròn to, bột mịn và ngọt. Khoai lang Trà Đỏa là đặc sản nổi tiếng của miền quê Quảng Nam.
  60. Quế Sơn
    Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.

    Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.

  61. Cẩm Sa
    Tên một ngôi làng cũ ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tên địa danh này có nghĩa là "vùng cát đẹp." Tại đây từng xảy ra trận đánh quan trọng giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18.
  62. Bàn Lãnh
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm bên bờ sông Thu Bồn.
  63. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  64. Cá trôi
    Một loại cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có thể nặng đến vài kí. Thị cá trôi ăn mát và ngọt, thường dùng nấu canh chua hoặc kho. Phần đầu là phần ngon nhất của cá trôi.

    Cá trôi

    Cá trôi

  65. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  66. Vĩnh Điện
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  67. Sương sa
    Tên một loại thạch trắng được chế biến từ một số loại rong biển, tảo biển không độc. Sương sa hay được dùng chung với nước đường và nước cốt dừa để làm món giải khát, rất được ưa chuộng trong mùa hè.

    Sương sa cacao-dừa

    Sương sa cacao-dừa

  68. Khúc Lũy
    Tên một thôn thuộc địa phận xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  69. Chợ Cầu Mống
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tại đây có đặc sản bê thui Cầu Mống rất nổi tiếng.

    Bê thui Cầu Mống

    Bê thui Cầu Mống

  70. Quán Rường
    Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
  71. Chợ Được
    Một địa danh thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo truyền thuyết, vào năm 1852 (năm Tự Đức thứ 5) một lần nữ thần Phường Chào vân du qua thôn Phước Toản (Phước Ấm) thấy nơi đây có cỏ cây rậm rạp, thôn cư hẻo lánh, trông ra bóng nắng trên cát chói lòa nhưng phong cảnh lại hữu tình nên muốn lập chợ. Ban đầu, Bà hóa thân thành một cô gái mở một quán nước bên đường, người qua kẻ lại ngày một đông, dần dà phát triển thành chợ. Để ghi nhớ công ơn Bà, nhân dân lập miếu thờ gọi là Lăng Bà, đặt tên chợ bà lập là chợ Được, và tổ chức lễ rước Bà hằng năm.

    Lễ rước Bà Chợ Được

    Lễ rước Bà Chợ Được

  72. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  73. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  74. Cá nục hấp cuốn bánh tráng
    Một đặc sản của các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam. Món này gồm cá nục (to nhỏ tùy cách ăn và tùy địa phương) được hấp chín, cuộn với bánh tráng và rau muống, chấm với các loại nước chấm như nước mắm hoặc mắm cái. Bánh tráng có thể là bánh tráng sống hoặc nướng, được trụng sơ với nước cho mềm.

    Cá nục cuốn bánh tráng

    Cá nục cuốn bánh tráng

  75. Thắt cổ bồng
    Eo thót ở giữa như cổ trống bồng.
  76. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  77. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  78. Trị thủy
    Cải tạo sông ngòi và điều tiết dòng chảy để sử dụng sức nước và ngăn ngừa lũ lụt.
  79. Các cửa ô Hà Nội
    Theo sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất) dựng năm 1831 có ghi vị trí và tên 16 cửa ô. Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô. Đến thế kỷ 20, trên sách vở, báo chí, trong các tác phẩm thi ca, người ta chỉ còn nhắc đến Hà Nội 5 cửa ô.

    Thời xưa, các cửa ô là cửa ra vào kinh thành, có cổng ba cửa, có vọng lầu, xây bằng gạch vồ nâu đỏ. Đến nay, chỉ sót lại duy nhất Ô Quan Chưởng là giữ được hình tích cũ. Các cửa ô còn lại chỉ còn là địa danh của một số phố phường.

    Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc

    Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc

  80. Sông Lục Đầu
    Còn được gọi là Lục Đầu Giang, tên cũ là sông Phù Lan, quãng sông tạo thành bởi hợp lưu của sáu con sông: Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và Thái Bình, nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phong thủy gọi đây là thế đất “lục long tranh châu” (sáu con rồng tranh nhau hòn ngọc). Giặc ngoại xâm nhiều lần theo đường thủy vào cửa Bạch Đằng, vào sông Kinh Thầy, tập kết ở Lục Đầu Giang để tấn công vào Thăng Long. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc thủy chiến dữ dội, mà lớn nhất là cuộc chiến năm 1285 giữa quân nhà Trần (Đại Việt) với giặc Nguyên Mông.

    Ngày nay, trong lễ hội tháng tám âm lịch ở đền Kiếp Bạc, người dân vẫn tổ chức nghi lễ rước thủy trên sông Lục Đầu để tôn vinh Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) và tái hiện chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285.

    Khám phá Lục Đầu Giang - Phóng sự của kênh truyền hình VTC10

  81. Sông Thương
    Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.

    Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

  82. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  83. Đền Sòng Sơn
    Gọi tắt là đền Sòng, một ngôi đền xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới. Vào ngày 15 tháng 3 hàng năm tại đền lại diễn ra lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Liễu Hạnh, có nhiều du khách thập phương tham dự.
  84. Lạng Sơn
    Còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, núi Tô Thị...

    Phong cảnh Lạng Sơn

    Phong cảnh Lạng Sơn

  85. Động Hương Tích
    Tên một hang động rất đẹp thuộc quần thể di tích Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tháng ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng tham quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức "động đẹp nhất trời Nam." Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô đẹp mắt.

    Động Hương Tích

    Động Hương Tích

  86. Lý Quốc Sư
    (1065-1141) Tên thật là Nguyễn Chí Thành, tên hiệu Nguyễn Minh Không, đạo hiệu Không Lộ, được nhân dân tôn là Đức thánh Nguyễn. Ông sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình), là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo thời nhà Lý. Ông đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt, đồng thời là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng, được suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng. Lý Quốc Sư là người đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên ở Thăng Long, hai trong số bốn báu vật nổi tiếng gọi là "An Nam Tứ đại khí” của nước Đại Việt thời Lý - Trần (hai báu vật còn lại là chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh).

    Tháp Báo Thiên

    Tháp Báo Thiên

  87. Hữu Sào
    Một vị vua huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.

     

  88. Nữ Oa
    Tên một vị nữ thần khổng lồ có mặt trong cả trong thần thoại Trung Quốc và Việt Nam với tích "Nữ Oa đội đá vá trời." Theo đó, trước đây bầu trời được chống bởi một ngọn núi cao (gọi là trụ trời). Một hôm trụ trời bị gãy sụp, trời thủng, khắp nơi hỗn độn, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Không nỡ nhìn nhân dân lâm vào cảnh cực khổ, bà Nữ Oa bèn bay khắp nơi tìm đá ngũ sắc, vá lại bầu trời.

    Nữ Oa còn là một nhân vật huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.

  89. Hạ Vũ
    Tên khai sinh là Tự Văn Mệnh, thường được gọi là Đại Vũ, sinh vào khoảng năm 2205 - 2200 TCN, mất khoảng 2198 - 2100 TCN. Ông là người sáng lập ra triều đại nhà Hạ, là một vị vua huyền thoại ở Trung Quốc cổ đại, được nhớ tới nhiều nhất bởi đã có công phát triển kỹ thuật trị thủy chinh phục các sông ngòi Trung Quốc.

     

  90. Ấm ớ hội tề
    Hội tề là tên gọi chung cho những người làm cấp hành chính cơ sở ở làng xã ngày trước. Trong thang bậc hành chính, những người này có quyền lực thấp nhất, thường bị cấp trên ra lệnh, chỉ thị, mắng mỏ, và cũng không dành được cảm tình từ phía nhân dân. Họ thường ở vào cái thế trên quan ép xuống, dưới dân ép lên nên nhiều khi lâm vào thế khó xử và chọn cách ấm ớ cho qua chuyện và tránh mọi sự rắc rối phiền hà.
  91. Phan Bá Vành
    Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân từ năm 1821 đến năm 1827 chống lại ách thống trị của nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Ông quê ở làng Minh Giám, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vì là con thứ ba trong gia đình, ông còn được gọi là Ba Vành. Ba Vành có sức khỏe phi thường và tài ném lao. Khoảng năm 1821 (có sách chép là 1825 hoặc 1826), ông tập hợp dân nghèo nổi dậy, đánh chiếm nhiều đồn của quan quân nhà Nguyễn ở Thái Bình. Đến năm 1827 thì cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Ba Vành bị bắt và cắn lưỡi tự sát trên đường áp giải về kinh.
  92. Ba Rãng
    Tên một người con trai của người thầy võ đã dạy Phan Bá Vành môn đánh đao.
  93. Tráng là đường đao rộng, lộn là đường đao hẹp. Câu ca dao này ý khen tài đánh đao của Ba Vành và Ba Rãng: đánh đường đao rộng thì rớt bảy đầu người, còn đánh đường đao hẹp thì ba đầu.
  94. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  95. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  96. Bả
    Bà ấy (phương ngữ một số vùng Trung và Nam Bộ).
  97. Mạch
    Đường dẫn từ vật/ trạng thái này đến vật/ trạng thái kia. Ở đây mạch được hiểu là những kênh tiềm ẩn bên trong các vật che chắn như dừng, vách, có thể làm rò rỉ thông tin.
  98. Tai vách mạch dừng
    Lấy nghĩa từ câu tục ngữ "Dừng có mạch, vách có tai", nghĩa là đằng sau những vật che chắn như dừng, vách có thể có những cách làm rò rỉ thông tin. Đây là câu lưu ý những trường hợp cần giữ mồm giữ miệng khi ăn nói để tránh vạ vào thân.
  99. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  100. Đồ
    Từ tục, chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
  101. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  102. Đinh ninh
    Nói đi nói lại, dặn đi dặn lại cặn kẽ để nhớ kỹ.

    Vầng trăng vằng vặc giữa trời
    Đinh ninh hai mặt một lời song song

    (Truyện Kiều)

  103. Bóng thờ vua có thể hiểu là hình vẽ về một ông vua, dùng dể thờ, hoặc là cách nói của bà già chỉ việc con mình được chọn làm lính ở cung để hầu hạ phục dịch vua chúa.
  104. Hát ghẹo
    Kiểu hát đối đáp, giao duyên nam nữ, giữa trai gái dân tộc Việt và Mường. Đây là một trong những loại hình dân ca ra đời sớm nhất ở nước ta và được coi là “đặc sản” của nơi quê hương đất Tổ Phú Thọ.
  105. Hát ví
    Lối hát giao duyên nam nữ phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh, xưa kia thường dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái.
  106. Ba năm hai mươi bảy tháng
    Thời hạn vợ để tang chồng. Theo Thọ gia mai lễ, con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng ba năm, đời sau rút lại thành hai năm ba tháng, gọi là đại tang.