Tìm kiếm "bảy chảy"

Chú thích

  1. Chặm
    Thấm từng tí cho khô (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Ngâm tre
    Một phương thức bảo quản tre truyền thống. Trước khi dùng vào công việc đan lát, xây dựng, thủ công mĩ nghệ, tre thường được ngâm nước một thời gian cho "chín tre," phòng mối mọt, nấm mốc phá hoại. Thời gian ngâm tre có thể kéo dài từ vài tuần đến cả năm, tùy theo mục đích sử dụng. Tre ngâm có mùi hôi thối khó chịu.

    Ngâm tre

    Ngâm tre

  5. Bây lớn
    Chỉ lớn chừng này (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  7. Sầu tư
    Nỗi buồn riêng.
  8. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  9. Hốt me
    Còn có tên là đánh me hoặc đánh lú, một trò cờ bạc ngày trước, ban đầu chơi bằng hạt me, về sau thay bằng nút áo. Người ta dồn hạt me thành đống khoảng vài trăm hạt. Chiếu chơi me là vải bố dày phủ lên lớp sơn trắng, trên vạch hai đường chéo đen thành một dấu nhân ( x ) chia mặt vải thành bốn ô là Tam, Túc, Yêu, Lượng, lần lượt tương ứng với 1, 2, 3, và 4 hạt. Trước khi cược tiền, chủ cái dùng một cái que gạt bằng tre gạt từ đống hạt me ra phía trước một số lượng hạt ngẫu nhiên. Khi các con bạc cược tiền vào ô mình chọn xong, chủ cái dùng que gạt để đếm hạt me. Cứ mỗi lần gạt 4 hạt rồi lùa vào trong cho đến lượt cuối cùng chỉ còn lại 4 hạt trở xuống. Nếu thừa 1 hạt là Tam, 2 hột là Túc, 3 hạt là Yêu, 4 hạt là Lượng, rồi căn cứ vào đó mà chung tiền.
  10. Nạm
    Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
  11. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  12. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  13. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  14. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  15. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  16. Ốc xà cừ
    Một loại ốc biển lớn, vỏ dày có nhiều hoa văn đẹp mắt. Vỏ ốc xà cừ thường được dùng để khảm vào các đồ vật bằng gỗ, có tác dụng trang trí, gọi là cẩn xà cừ.

    Ốc xà cừ

    Ốc xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

  17. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  18. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  19. Bảy bồ cám, tám bồ bèo
    Nhiều công sức, nhất là công sức nuôi dưỡng.
  20. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  21. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  22. Sự tình thâm nhiễm: Sự tình trở nên nghiêm trọng.
  23. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  24. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  25. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  26. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Độc
    Đơn lẻ (từ Hán Việt).
  28. Xe mười, pháo bảy, ngựa ba
    Giá trị của các quân cờ trong cờ tướng, theo đó quân Xe có giá trị nhất, quân Pháo có giá trị trung bình, và quân Mã (ngựa) kém giá trị nhất.
  29. Ba tháng con sảy, bảy tháng con sa
    Trong ba tháng đầu thai kì, người mẹ thường dễ bị sẩy thai nhất. Từ tháng thứ 7 trở đi, thai phụ lại dễ bị đẻ non (con sa). Hai khoảng thời gian này là lúc thai phụ cần rất cẩn thận trong việc ăn uống, sinh hoạt.
  30. Ba năm hai mươi bảy tháng
    Thời hạn vợ để tang chồng. Theo Thọ gia mai lễ, con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng ba năm, đời sau rút lại thành hai năm ba tháng, gọi là đại tang.
  31. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  32. Nàng nàng
    Một loại cây dại có quả nhỏ màu tím mọc thành chùm, là cây thuốc dùng chữa cảm nắng, cảm hàn, thương thực, nôn cả ra máu, no hơi đầy bụng, kém ăn, mụn nhọt... Nhân dân thường dùng toàn cây sắc nước cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để ăn ngon cơm. Thân lá tán bột uống giải nhiệt, giảm đau. Hạt sắc uống làm sáng mắt.

    Nàng nàng

    Nàng nàng

  33. Thù lù
    Còn có các tên là lồng đèn, tầm bóp, ở miền Trung gọi là lụp bụp (có thể đọc trại thành bụp bụp hay bợp bợp), một loại cây mọc hoang, cho quả mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín có màu hơi đỏ, bên trong chứa nhiều hạt, bên ngoài có một lớp vỏ mỏng bao trùm như cái lồng đèn. Trẻ em thường bóp vỏ để ăn quả bên trong (tên lụp bụp có lẽ bắt nguồn từ âm thanh phát ra khi làm việc này). Lá cây dùng làm rau ăn và làm thuốc chữa một số bệnh.

    Quả lụp bụp

    Quả lụp bụp

  34. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  35. Rau dền
    Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.

    Rau dền đỏ

    Rau dền đỏ

  36. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  37. Cỏ gà
    Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."

    Cỏ gà

    Cỏ gà

  38. Củ gấu
    Cũng gọi là cỏ gấu hoặc cỏ cú, một loại cỏ thân cao, có nhiều củ màu nâu đỏ sẫm. Củ gấu có thể dùng làm vị thuốc dân gian, nhưng cũng là một loài cỏ rất có hại đối với nhà nông vì rất khó diệt trừ.

    Củ gấu

    Củ gấu

  39. Thật ra đây chính là cái áo tơi.
  40. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  41. Trầu hương
    Một loại trầu, sở dĩ có tên gọi như vậy là nhờ vào mùi thơm rất đặc trưng. Ngọn lá trầu hương dày và có vị cay hơn so với các loại trầu khác.

    Trầu

    Trầu

  42. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  43. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ngũ Trợt.
  44. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  45. Mao
    Một cách gọi của hào.
  46. Cho tinh thần
    Cách nói của người miền Trung, có thể hiểu thành “cho lên tinh thần, cho (có vẻ) mạnh mẽ.”
  47. Trất
    Quách (phương ngữ Trung Bộ).
  48. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  49. Lụy sa cúc dục
    Nước mắt rơi (lụy sa) vì nghĩ công nuôi nấng (cúc dục) của cha mẹ.
  50. Trần ai
    Vất vả, khổ sở.
  51. Không vãng nỏ lai
    Không qua không lại.
  52. Rứa răng
    Thế sao (phương ngữ miền Trung).
  53. Biêu
    Nêu lên cho mọi người biết.
  54. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  55. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
  56. Tiền Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, gồm có bốn nhánh nhỏ hơn đổ ra biển Đông qua sáu cửa là Tiểu, Đại, Ba La, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Trên lãnh thổ Việt Nam, Tiền Giang chảy qua các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  57. Hậu Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề và cửa Định An. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Hậu chạy qua tỉnh An Giang, làm ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng.

    Bình minh trên sông Hậu (khúc chảy qua Châu Đốc)

    Bình minh trên sông Hậu (khúc chảy qua Châu Đốc)