Chiều chiều vào khám
Như công chúa vào lầu
Bận áo không bâu
Như mình mang thiết giáp
Thầy chú đánh đạp
Như thí võ Tràng An
Quần áo lang thang
Như mình mang giáp trụ
Tuông bờ lướt bụi
Như Khương Thượng tán binh …
Tìm kiếm "Tháng mười"
-
-
Vè mắm cáy Láng Ngạn
-
Ai đem tôi đến chốn này
Ai đem tôi đến chốn này
Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
Trên đồn có lão quan hai
Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
Một chiếc thì chạy Cốt Na
Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
Đến mười hai giờ bốn mươi
Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
Nó quát một tiếng chẳng là
Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
Người thì ghè đá nung vôi
Người thì vác gỗ ai coi cho tường
Người thì xẻ đất đắp đường
Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
Người thì xẻ ván đóng xe
Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
Người xe hỏa, người máy rồng
Người biên kho gỗ, người trông kho dầu … -
Hôm qua em đến chơi nhà
-
Vè bài tới
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè bài tới
Cơm chưa lập xới
Trầu chửa kịp têm
Tao đánh ba đêm
Thua ba tiền rưỡi
Về nhà chống chửi:
“Thằng Móc, thằng Quăn,
Đánh sao không ăn
Mà thua lắm bấy?”
Tui lấy tiền cấy
Cho đủ mươi ngày
Bảy Thưa, Bảy Dày
Cùng là Ngạt kéo … -
Sáu giờ còn ở kinh đô
Sáu giờ còn ở kinh đô
Chín giờ xe lửa đã vô cửa Hàn
Mười giờ bước xuống xà-lan
Bóp bụng mà chịu nát gan trăm bề
Lên tàu còi nổi xúp-lê
Khoác khăn xếp lại, em về nuôi con
Đầu hè có buồng chuối non
Để dành sáo ghế cho con ăn lần
Khoai từ, khoai chói, khoai nần
Với một vạc bắp trước sân chưa già
Có hũ sắn luộc trong nhà
Để dành lần lữa cho qua tháng ngày
Bớ em ơi!
Ráng mà nuôi con chim chuyền cho nó biết lượn biết bay
Mai sau anh có thác em biểu hắn nhớ cái ngày anh đi -
Con cá lý ngư sầu tư biếng lội
Con cá lí ngư sầu tư biếng lội
Em xa anh rồi anh trông đợi biếng ăn
Mang bộ xương cách trí, anh leo lên tháp mười từng
Trông vượt Bảy Núi, trông tuốt Nam Vang, trông quàng Châu Đốc, trông dọc Long Xuyên, trông lên Cao Lãnh, trông thẳng cánh cò bay lên Sài Gòn
Ối thôi thôi em ơi, con mắt anh mòn
Em mải mê xứ lạ, anh đâu còn thấy em! -
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Năm xưa anh ở trên trời
Năm xưa anh ở trên trời
Đứt dây rớt xuống làm người trần gian
Năm xưa anh vẫn đi hàn
Là nghề truyền kiếp tông đàng nhà ta
Anh hàn từ nồi bảy, nồi ba
Gặp cô mười tám đem ra anh cũng hàn
Cô này to lỗ, tốn than
Đồng đâu mà đổ cho giàn lỗ ni
Hết đồng anh lại pha chì
Anh hàn chín tháng, cô thì thụ thai
Sinh được thằng bé con trai
Về sau giống bố, gặp ai cũng hàn. -
Nhà tôi mượn lấy trời che
Nhà tôi mượn lấy trời che
Mua tranh lợp hè, thiếu trước hụt sau
Tiền của ở tại nhà giàu
Mắm muối ngoài chợ, củi rau ngoài đường
Nằm thời lấy đất làm giường
Lấy trời làm chiếu, lấy sương làm mền
Xâu làng bắt xuống trì lên
Trầy da tróc thịt, cái tên còn hoài
Không tiền tạm đỡ dĩa khoai
Bữa mô kiếm có thì vài miếng cơm
Ăn rồi ngủ thẳng đầu hôm
Canh hai thức dậy văn Nôm sử Kiều -
Em là con gái làng Keo
Em là con gái làng Keo
Em ra thách cưới, thách cheo với chàng
Xin chàng chín chiếc tàu sang
Mỗi tàu hai chiếc xà lan đi kèm
Tàu thì gạo trắng, gân bò
Tàu thì rượu nếp với vò rượu tăm
Lá đa hái giữa đêm rằm
Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi
Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi
Lại thêm chín chục con dơi góa chồng. -
Lĩnh lương còn được năm hào
Lĩnh lương còn được năm hào
Ba hào đong gạo, thuốc lào vài xu
Một xu thìa mắm tôm khô
Một hào cá ót, một xu tỏi hành
Hai xu rau diếp rau răm
Ba xu mua chén muối vừng về rang
Thế là được bữa cơm sang
Có canh rau muống, vừng rang đủ mùi
Còn con được một xu xôi
Vợ trầu với thuốc, ngày mai đi mần
Nói ra chẳng bõ tủi thân
Một tháng một lần được một bữa no
Đem ngủ lán dột nằm co
Ngày ngày chui rúc trong lò tối tăm
Bỏ về thì chẳng có ăn
Vợ con đói khổ biết lần vào đâu… -
Trong nhà anh lát đá hoa
Trong nhà anh lát đá hoa
Chân tảng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
Hai bên bức thuận anh chạm tứ linh rồng chầu
Nhà anh kín trước rào sau
Tường xây bốn mặt hơn đâu hỡi nàng
Nhà anh vóc nhiễu nghênh ngang
Nhiễu điều lót áo cho nàng đi chơi
Áo này anh sắm mười đôi
Bộ ba áo nhiễu mặc chơi ngày thường
Dù nàng có bụng nàng thương
Thì anh quyết đóng bốn thang giường gỗ lim -
Em là con gái nhà giàu
Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao
Cưới em trăm tấm gấm đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng
Sắm xe tứ mã đem sang
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu
Ba trăm nón Nghệ đội đầu
Một người một cái quạt Tàu thật xinh
Anh về sắm nhiễu Nghi Ðình
May chăn cho rộng ta mình đắp chung
Cưới em chín chĩnh mật ong
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
Răng nanh thằng Cuội, râu hàm Thiên Lôi
Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi
Xin chàng chín chục con dơi góa chồng
Thách thế mới thỏa trong lòng
Chàng mà lo được thiếp cùng theo chân -
Vè Tết
Hạ lợi bước qua
Chánh ngày hăm ba
Lễ đưa ông Táo
Hai là lễ đáo
Tảo mộ ông bà
Cổ tích bày ra
Truyền cho con cháu
Từ ngày hăm sáu
Dĩ chí ba mươi
Cá thịt tốt tươi
Ông bà tiếp rước
Phải dùng cây trước
Lấy nó làm nêu
Thiên hạ cũng đều
Lo chưng đồ đạc … -
Vè ăn hàng
Vai mang xấp vải trong mo
Đi chưa tới chợ đã lo ăn hàng
Bánh in cùng những bánh bàng
Bánh bò bông, bánh ít trần, ngon thay.
Mít nghệ múi bằng cổ tay
Bánh đúc chấm mật, bánh gai, bánh bèo
Muốn ăn đừng có lo nghèo
Tiền tui trong túi đem theo đủ dùng,
Ăn một bụng ba mươi đồng
Mua mấy thứ để cho chồng tui đây
Vừa mới tới vuông đất cày
Ngồi dưới gốc cầy lật nón ra ăn
Làm vầy dạ cũng băn khoăn
Vì chưng lỗ miệng muốn ăn không chừng … -
Vè bình dân học vụ
Lẳng lặng mà nghe
Cài vè học vụ
Đồng bào mù chữ
Ở khắp mọi nơi
Chiếm chín phần mười
Toàn dân đất Việt
Muôn bề chịu thiệt
Chịu đui, chịu điếc
Đời sống vùi dập
Trong vòng nô lệ
Hơi đâu mà kể
Những sự đã qua
Chính phủ Cộng hòa
Ngày nay khác hẳn
Đêm ngày lo lắng
Đến việc học hành
Mấy triệu dân lành
Còn đương tăm tối
Bị đời hất hủi
Khổ nhục đáng thương
Ngơ ngác trên đường
Như mù không thấy
Những điều như vậy
Không thể bỏ qua … -
Vè con dao
Nhà anh bất phú bất bần
Có con dao đoản hộ thân tháng ngày
Con dao anh rày
Dài vừa năm tấc
Khi mài đã sắc
Phá lở rú rừng hoang
Cũng biện đủ cỗ cho làng
Cũng no ngày đủ tháng.
Đèn có khêu mới rạng
Ngọc bất trác bất thành
Ngẫm như con dao anh
Nội trần gian không ai có
Nội dưới trời không ai có … -
Cơ khổ cho đứa giữ trâu
Cơ khổ cho đứa giữ trâu
Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha
Hai hàng nước mắt nhỏ sa
Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?
Tinh sương thức dậy mở trâu
Nón nảy chẳng có lấy đầu che mưa
Thân tôi đi sớm về trưa
Vác cày vác bừa cho mỏi hai vai
Chúa thuê quan mốt chẳng giả quan hai
Tôi ở với ngài cho chẵn ba năm … -
Em là con gái nhà quê
Em là con gái nhà quê
Ham bên tài sắc nhiều bề ái ân
Chẳng ham tham phú phụ bần
Duyên rằng duyên phải nợ nần nhau đây
Chàng có sang, chàng phải chọn ngày
Mối manh cho rõ xe dây xích thằng
Cầm cân chàng nhấc cho bằng
Một bên cối đá một đằng tiền cheo
Hỏi chàng rằng có hay nghèo
Lệ làng phải sửa bấy nhiêu mới từng … -
Tài nguyên than mỏ nước Nam
Tài nguyên than mỏ nước Nam
Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
Chỉ vì đói rách phải đi
Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
Một nghìn chín trăm ba ba
Là năm Quý Dậu con gà ác thay
Kể dời phu mỏ Hòn Gai
Công ty than của chủ Tây sang làm
Chiêu phu mộ Khách, An Nam
Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
Than ra ở các mỏ này
Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
Bán than cho các nước ngoài
Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
Làm ra máy trục, máy sàng
Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
Va-gông, than chở về ga
La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
Để cho xe hỏa dắt dồn
Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
Cửa Ông là Cẩm Phả po
Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
Ngoại giao các nước thông thương
Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
Tây Bay coi sổ la voa
Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
Một đường đi thẳng Hà Lầm
Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về …
Chú thích
-
- Bâu
- Cổ áo.
-
- Trường An
- Kinh đô Trung Quốc thời nhà Hán và nhà Đường, ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.
-
- Giáp trụ
- Từ chữ giáp 甲 áo dày, áo giáp, và trụ 冑 mũ đội ra trận để phòng tên đạn.
-
- Khương Thượng
- Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.
Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.
-
- Mai Hồ
- Tên một làng nay thuộc thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trong làng có bàu Mai, tên Hán Việt cũng là Mai Hồ.
-
- Cổ Đạm
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hoá với “nôi” ca trù Cổ Đạm, nghề làm gốm cổ truyền (nồi đất Cổ Đạm) và nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đình Hoa Vân Hải, đền Phan Tôn Chu, Đền Nguyễn Xí, Đền Cửa Bà, Chùa Bến, Đền Tống...
-
- Bầy tui
- Chúng tôi, bọn tôi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Nạm
- Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
-
- Mắm cáy
- Mắm làm từ con cáy, loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông. Mắm cáy được xem là mắm bình dân, thuộc hạng xoàng trong các loại mắm ở vùng biển, thường chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà.
-
- Bãi Cháy
- Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Quan hai
- Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
-
- Cửa Lục
- Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.
-
- Hà Tu
- Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.
-
- Hà Lầm
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Còi tầm
- Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Síp lê
- Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
-
- Lim
- Địa danh nay là tên thị trấn của huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Tại đây có hội thi hát Quan họ nổi tiếng là hội Lim, được tổ chức vào ngày mười ba tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Xem một video về hội Lim.
-
- Têm trầu
- Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.
-
- Tiền
- Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta, bằng 60 đồng tiền kẽm.
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Xà lan
- Cũng viết là sà lan, từ tiếng Pháp chaland, phương tiện vận tải đường thủy có đáy bằng, thường được dùng ở sông, kênh đào và bến cảng.
-
- Xúp lê
- Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
-
- Ghế
- Độn (cho khoai, sắn, bắp... vào nồi cơm, thường là để tiết kiệm gạo).
-
- Khoai chói
- Một loại khoai trước đây được trồng nhiều ở các vùng quê Quảng Nam.
-
- Ráng
- Cố gắng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thác
- Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Bộ xương cách trí
- Thân hình gầy gò như bộ xương. Thời Pháp thuộc, trong chương trình tiểu học có môn Cách Trí (viết tắt của cách vật trí tri), dạy những kiến thức thông thường về con người và sự vật. Cụm từ "bộ xương cách trí" có lẽ có từ những hình vẽ trong sách học Cách Trí.
-
- Từng
- Tầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thất Sơn
- Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
-
- Nam Vang
- Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
-
- Châu Đốc
- Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.
Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."
-
- Long Xuyên
- Địa danh nay là một thành phố thuộc tỉnh An Giang. Tiền thân của thành phố này là phủ Đông Xuyên, một đồn nhỏ bên vàm sông Tam Khê (tức rạch Long Xuyên) - được thành lập năm 1789. Hiện nay Long Xuyên cũng là một điểm đến du lịch của tỉnh, tuy không nổi tiếng bằng thị xã Châu Đốc.
-
- Cao Lãnh
- Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
-
- Sài Gòn
- Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.
-
- Tông đường
- Tổ tông, dòng họ (từ Hán Việt). Ở miền Nam, từ này cũng được phát âm thành tông đàng.
-
- Nồi bảy, nồi ba
- Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
-
- Ni
- Này, nay (phương ngữ miền Trung).
-
- Cỏ tranh
- Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.
-
- Hè
- Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
-
- Xâu
- Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
-
- Trì
- Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Làng Keo
- Làng Keo vốn là tên Nôm của hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Tại đây có ngôi chùa Keo do Không Lộ thiền sư xây dựng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông. Năm 1611, sau một trận lụt lớn, làng và chùa cùng bị phá hủy, dân làng Keo phải rời bỏ quê hương: một nửa sang bên tả ngạn sông Hồng lập làng mới, một nửa dời xuống vùng Hành Thiện. Cả hai làng vẫn giữ tên Nôm của làng mình là làng Keo, đồng thời xây chùa Keo trên đất mới.
-
- Cheo
- Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
-
- Rượu tăm
- Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.
-
- Hào
- Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.
-
- Thuốc lào
- Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữ và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.
Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.
-
- Cá liệt
- Còn gọi là cá ót, một loại cá biển có thân có hình thoi, dẹt bên, to khoảng ba, bốn ngón tay, nhiều xương. Cá thường được kho khô ăn kèm với cơm, nấu canh chua hay nấu riêu, hoặc để làm bột cá.
-
- Xà lách
- Còn gọi là rau diếp, một loại rau ăn kèm hay dùng để trang trí món ăn. Tên xà lách nguyên từ chữ Pháp salade, nghĩa là món rau củ trộn.
-
- Rau răm
- Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.
-
- Vừng
- Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Chân tảng
- Chân đá tảng để dựng cột nhà.
-
- Đồng bạch
- Cũng gọi là đồng thòa, hợp kim của đồng với niken, gọi như vậy vì có màu trắng bạc lấp lánh thay vì màu đỏ thông thường của đồng. Đồng bạch thường được dùng để đúc, tiện những vật trang trí tinh xảo.
-
- Tiền trinh
- Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.
... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
Túi bên trái: bốn đồng trinh.
- À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.
(Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)
-
- Bức bàn
- Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.
-
- Nhiễu
- Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
-
- Nhiễu điều
- Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
-
- Gấm
- Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.
-
- Tráp
- Đồ dùng hình hộp nhỏ bằng gỗ, thời trước dùng để đựng các vật nhỏ hay giấy tờ, trầu cau. Ở miền Trung, từ này cũng được phát âm thành trắp.
-
- Thuốc xỉa
- Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
-
- Bình vôi
- Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.
-
- Xe tứ mã
- Xe bốn ngựa kéo.
-
- Quan viên
- (Kiểu cách) quan khách, những người tham dự cuộc vui nói chung.
-
- Nón Nghệ
- Thứ nón tốt xưa làm tại Nghệ An.
-
- Cót
- Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.
-
- Xôi vò
- Xôi nấu rồi trộn đều với đậu xanh chín giã nhỏ.
-
- Vò
- Hũ lớn làm bằng sành sứ, thường để đựng nước uống, rượu.
-
- Cuội
- Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
-
- Thiên Lôi
- Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
-
- Hạ lợi
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hạ lợi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Chánh
- Chính.
-
- Ông Táo
- Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."
-
- Lễ đáo
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lễ đáo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Tảo mộ
- Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
-
- Dĩ chí
- Cho đến (từ Hán Việt).
-
- Nêu
- Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.
-
- Thiên hạ
- Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").
"Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)
-
- Mo
- Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.
-
- Bánh in
- Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.
-
- Bánh bàng
- Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,
-
- Bánh bò
- Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...
-
- Bánh ít
- Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.
-
- Bánh đúc
- Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.
-
- Bánh ít lá gai
- Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.
-
- Bánh bèo
- Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...
-
- Kơ nia
- Người Kinh gọi là cây cầy hoặc cây cốc, một loại cây gỗ cứng mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ cũng như các đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Cây kơ nia có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
-
- Bình dân học vụ
- Tên một phong trào do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động sau cách mạng tháng Tám để xóa nạn mù chữ (diệt giặc dốt), có sử dụng các câu văn vần mô tả bảng chữ cái cho dễ thuộc: I, tờ (t), có móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang
Từ "i tờ" về sau chỉ trình độ học vấn vỡ lòng.
-
- Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
- Tên một nhà nước được Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập năm 1945, tồn tại cho đến sau 1976 thì sáp nhập với nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Xem thêm.
-
- Bất phú bất bần
- Không giàu không nghèo.
-
- Đoản
- Ngắn
-
- Rú rừng
- Rừng núi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Biện
- Lo liệu, chuẩn bị.
-
- Cỗ
- Những món ăn bày thành mâm để cúng lễ ăn uống theo phong tục cổ truyền (đám cưới, đám giỗ...) hoặc để thết khách sang trọng.
-
- Rạng
- Sáng tỏ.
-
- Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí
- Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ (trang sức), người không học thì không hiểu lí lẽ. Đây là một câu trong Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh.
-
- Cơ khổ
- Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
-
- Hói
- Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.
-
- Chúa
- Chủ, vua.
-
- Giả
- Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
-
- Ái ân
- Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
-
- Tham phú phụ bần
- Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
-
- Mối manh
- Làm mối (đồng nghĩa với mai mối).
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Công ti than Bắc Kì
- Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.
-
- Chú khách
- Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
-
- Ngã Hai
- Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
-
- Vãng lai
- Đi lại (từ Hán Việt).
-
- Đốc công
- Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
-
- Cai
- Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
-
- Va-gông
- Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
-
- La ga
- Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
-
- Vân vi
- Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
-
- Ăng-lê
- Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
-
- Cửa Ông
- Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.
-
- Cẩm Phả Po
- Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
-
- Cẩm Phả min
- Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
-
- Cọc Sáu
- Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
-
- Mông Dương
- Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.
-
- La voa
- Sổ nhật trình.
-
- Núi Béo
- Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.