Anh đừng thấy đăng mà phụ đó
Đừng chê em nghèo khó mà vội phụ phàng,
Anh coi đồng tiền mới có sớm mai mà chiều đã mất
Chớ nhân nghĩa bạn vàng vững chắc thiên kim
Tìm kiếm "đằng đông"
-
-
Sáng trăng sáng cả cánh đồng
Sáng trăng sáng cả cánh đồng
Em đi tát nuớc gàu sòng gàu dai
Phần em chẳng đặng làm trai
Em đành tát nước gàu dai, gàu sòng
Hai hàng nước mắt rưng rưng
Đẹp đôi xấu tuổi, xin anh đừng nhắc trông
Lượt này dứt nghĩa đạo đồng
Anh có vợ xứ khác, em có chồng nơi xa.
Tại mẹ với cha nên hai ta gàn trở
Cha mẹ thuận hoà không ai nỡ bỏ ai
Hai hàng nước mắt láng lai
Tui có xa nghĩa bạn lâm cảnh ai cũng buồn.
– Một khúc sông năm bảy ngả nguồn
Không nơi này chốn khác tội gì buồn hư thân
Đói no tôi cũng muốn ở gần
Hai bên phụ mẫu đạp cần dứt dây
Đôi ta luống chịu sầu tây
Roi tre vót nhọn lâu nay vẫn còn
Đắng cay như trái bồ hòn
Bầm gan tím ruột vẫn còn nhớ thương -
Tháng tám có chiếu vua ra
-
Chẳng tham nhà ngói lung linh
-
Vườn ai trồng trúc trồng tre
-
Vợ tôi nó giỏi vô song
Vợ tôi nó giỏi vô song
Chưa kịp tới chợ đã mong ăn hàng
Sớm mai cất gánh lên đàng
Làm vài tô cháo vững vàng bước đi
Vừa ưa chị bán củ mì
Ba đồng một mớ vậy thì mua cho
Ghé qua hàng bán bánh bò
Cuốn với bánh tráng ăn cho thẳng lèo
Ba rọi cùng với lòng heo
Bánh đúc, bánh xèo ưa đã quá ưa
Bây giờ con bóng đã trưa
Làm thêm trái dừa cho đỡ khô môi. -
Vua Lê ba mươi sáu tàn vàng
-
Thùng thùng trống đánh quân sang
-
Thuyền anh đà đến bến anh ơi
-
Con gái lấy thợ câu cua
Một thương em nhỏ móng tay
Hai thương em bậu khéo may yếm đào
Ba thương cám cảnh cù lao
Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
Năm thương má lúm đồng tiền
Sáu thương em bậu như tiên chăng là
Bảy thương em có nguyệt hoa
Tám thương em bậu làm qua phải lòng
Chín thương nước mắt ròng ròng
Mười thương em bậu phải lòng qua chăng?
Mười một em hãy còn son
Mười hai vú dậy đã tròn như vung
Mười ba em đã có chồng
Bước qua mười bốn trong lòng thọ thai … -
Đi chợ phải thói ăn hàng
Dị bản
Đi chợ quen thói ăn hàng
Không bánh thì trái, không đàng thì khoai
-
Hòn Gai, Cẩm Phả, Đông Triều
-
Một nhành tre, năm ba nhành trảy, sáu bảy nhành gai
Một nhành tre, năm ba nhành trảy, sáu bảy nhành gai
Nhà ai cửa đóng then cài,
Anh vô không đặng, đứng ngoài anh trông.Dị bản
Một nhành tre, năm ba nhành trảy, sáu bảy nhành gai
Thương em anh chẳng dám đoái hoài
Chờ cho bát nước lên đài sẽ hay
-
Một thương em nhỏ móng tay
Một thương em nhỏ móng tay
Hai thương em bậu khéo may yếm đào
Ba thương cám cảnh phù lao
Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
Năm thương má lúm đồng tiền
Sáu thương em bậu như tiên chăng là
Bảy thương em có nguyệt hoa
Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
Chín thương nước mắt ròng ròng
Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
Mười một thương em hãy còn son
Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
Mười ba thương em đã có chồng
Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
Mười lăm sinh đặng con trai
Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
Mười bảy em còn ở không
Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
Mười chín lấy thợ đóng thuyền
Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
Hai mốt lấy chàng câu cua
Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
Hai ba lấy thợ đóng dù
Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
Trở về em lấy dân làng cho xong. -
Tôi Đà Phật, nàng A men
Tôi Đà Phật, nàng A men
Hai ta tôn giáo cách hai miền xa xăm
Bỗng đâu gió bão mưa dầm
Để tôi buộc mối đồng tâm với nàng
Thế là đeo lấy dở dang
Bỏ nhau chẳng được, sang ngang không thuyền
Biết rằng duyên lỡ làng duyên
Trăm năm để lại một thiên hận tình
Bảo cho những kẻ đầu xanh
Đến nơi đến tháng cầu kinh thì cầu
Đừng mơ những việc đâu đâu
Mà vương phải kiếp cú sầu vạn niên -
Đôi bên bác mẹ cùng già
-
Nhớ em tưởng bóng ngày đêm
-
Vào vườn trảy quả cau non
Vào vườn trảy quả cau non
Anh thấy em giòn, muốn kết nhân duyên
Hai má có hai đồng tiền
Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa
Anh đã có vợ con chưa?
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào
Mẹ già anh ở nơi nào?
Để em tìm vào hầu hạ thay anh
Chẳng tham nhà ngói rung rinh
Tham về một nỗi anh xinh miệng cười
Miệng cười anh đáng mấy mươi
Chân đi đáng nén, miệng cười đáng trăm -
Cô Thỉ cô Thi
Cô Thỉ cô Thi
Cô đang đương thì, cô kẹo với ai ?
Cô Tú kẽo kẹt cô cai
Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông
Mâm cốm kẹo với mâm hồng
Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi
Mâm thịt kẹo với mâm xôi
Thịt bùi xôi dẻo kẹo nơi bà già
Cùi dừa kẹo với bánh đa
Cái đĩa thịt gà kẹo với lá chanh
Nồi cơm kẹo với nồi canh
Quả bí trên cành kẹo với tôm he
Bánh rán kẹo với nước chè
Cô kia cò kè kẹo với ai đây ?
Bà cốt kẹo với ông thầy
Con chim loan phượng kẹo cây ngô đồng -
Giữa năm Đinh Dậu mới rồi
Giữa năm Đinh Dậu mới rồi
Sư ông chùa Lãng là người đảm đang
Viết tờ quyên giáo các làng
Lãng Đông, Năng Nhượng chuyển sang Trực Tầm
Chiều hôm còn ở Đồng Xâm
Rạng mai Đắc Chúng, tối tầm Dục Dương
Cùng với nghĩa sĩ bốn phương
Phất cờ thần tướng mở đường thiên binh
Phá dinh công sứ Thái Bình
Sa cơ ông đã bỏ mình vì dân.
Chú thích
-
- Đăng
- Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.
-
- Đó
- Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.
-
- Nghĩa nhân
- Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
-
- Bạn vàng
- Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
-
- Thiên kim
- Ngàn vàng (từ Hán Việt).
-
- Gàu sòng
- Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.
-
- Gàu giai
- Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Sầu tây
- Sầu riêng, nỗi niềm riêng.
-
- Bồ hòn
- Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.
-
- Có bản chép tháng tư, có bản chép tháng sáu, tháng chín, hoặc tháng Chạp. Đọc thêm: Tháng nào có chiếu vua ra?
-
- Sao đang
- Sao nỡ đành.
-
- Nén
- Đơn vị đo khối lượng trước đây, tương đương 378 gram. Một nén bằng mười lạng, một lạng bằng 10 đồng.
-
- Anh hào
- Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
(Truyện Kiều)
-
- Phan Đình Phùng
- Nhà thơ, nhà yêu nước, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) thuộc phong trào Cần Vương vào cuối thế kỷ 19. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nho học, sau thi đỗ rồi ra làm quan. Từ năm 1885 đến 1896, ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp nhiều trận. Đến ngày 28 tháng 12 năm 1895, ông bị thương nặng và hi sinh trong một trận giao tranh ác liệt. Nguyễn Thân đã cho quật mồ ông ở chân núi Quạt, đổ dầu đốt cho xương thịt ông cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La.
-
- Đông Thái
- Tên một làng thuộc huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là quê hương của nhà yêu nước Phan Đình Phùng, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê thuộc phong trào Cần Vương.
-
- Vô song
- Không bì kịp (từ Hán Việt).
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Vừa ưa
- Đúng lúc (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
-
- Khoai mì
- Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).
-
- Bánh bò
- Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...
-
- Bánh tráng
- Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
-
- Ba chỉ
- Cũng gọi là ba rọi, phần thịt bụng của lợn.
-
- Bánh đúc
- Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.
-
- Bánh xèo
- Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...
-
- Con bóng
- Một cách gọi dân gian của mặt trời và thời khắc trong ngày.
-
- Tàn
- Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.
-
- Chợ Già
- Tên một cái chợ cũ nay thuộc xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
-
- Quán Nam
- Một địa danh thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Phía Nam thành phố Thanh Hóa ngày nay cũng có một cây cầu gọi là cầu Quán Nam.
-
- Trinh Sơn
- Tên nôm là làng Chiêng, nay thuộc địa phận xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có đặc sản bún gọi là bún làng Chiêng. Bến đò ở đây cũng gọi là bến Chiêng.
-
- Dương Xá
- Tên Nôm là làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng nằm bên dòng sông Mã, cạnh ngã ba Đầu. Đây là quê hương của Dương Đình Nghệ, người anh hùng đã khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La, giành quyền tự chủ cho đất nước Việt được 6 năm, và là bố vợ của Ngô Quyền.
-
- Đông Thổ
- Địa danh thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.
-
- Đình Hương
- Tên một làng thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Hiện nay ở Thanh Hóa có đường và chợ mang tên này.
-
- Quang Trung Nguyễn Huệ
- (1753 – 1792) Người anh hùng áo vải của dân tộc ta, người lãnh đạo phong trào Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai vương triều chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Ông là một trong những nhà chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử, với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Noi
- Đi (từ cổ).
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Vời
- Khoảng giữa sông.
-
- Bậu
- Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Yếm
- Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.
-
- Chín chữ cù lao
- Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Son
- Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
-
- Mắm
- Thức ăn làm bằng tôm cá sống ướp muối và để lâu ngày cho ngấu.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Cẩm Phả
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.
-
- Đông Triều
- Tên một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh, là vùng đất cổ có từ thời Bắc thuộc, ghi đậm nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa. Đây cũng là nơi phát hiện ra than đá đầu tiên ở Việt Nam, và than đá Đông Triều đã được khai thác từ rất sớm – từ những năm 1820.
-
- Trảy
- Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
-
- Tre gai
- Còn có tên là tre hóa, tre nhà, tre đực, một giống tre rất quen thuộc ở nước ta. Đặc trưng của tre gai là những gai nhọn giống như sừng trâu mọc ở mắt tre. Tre gai được trồng làm hàng rào hay trồng gần sông, suối, chân đê để chống xói mòn đất. Gỗ tre gai rất cứng nên thường được dùng làm cọc móng trong xây dựng cũng như dùng làm nguyên liệu để đan rổ rá, đóng bàn ghế và chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ. Thân tre, măng tre và lá tre có thể dùng làm thuốc.
-
- Nam mô A Di Đà Phật
- Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
-
- A-men
- Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
-
- Đầu xanh
- Chỉ người tuổi còn trẻ.
Hay là thuở trước khách hồng nhan?
Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
(Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)
-
- Bác mẹ
- Cha mẹ (từ cổ).
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Thiếp
- Từ Hán Việt chỉ người vợ lẽ, hoặc cách người phụ nữ ngày xưa dùng để tự xưng một cách nhún nhường.
-
- Cô phòng
- Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.
Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
Độc túc cô phòng lệ như vũ.
(Ô dạ đề - Lí Bạch)Tản Đà dịch:
Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.
-
- Lụy
- Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
-
- Hồi
- Quay về (từ Hán Việt).
-
- Cố hương
- Quê cũ (từ Hán Việt).
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
(Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam)
-
- Trảy
- Hái, ngắt.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Giòn
- Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
-
- Đương thì
- Đang ở thời kì tuổi trẻ, đầy sức sống (thường nói về con gái).
-
- Cai
- Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.
-
- Cốm
- Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
-
- Hồng
- Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.
-
- Tôm he
- Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...
-
- Đồng cốt
- Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Ngô đồng
- Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông
(Tì bà - Bích Khê).
-
- Chùa Lãng Đông
- Tên một ngôi chùa ở thôn Lãng Đông, nay thuộc địa phận xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Tại chùa này vào năm 1897 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp do trụ trì là thiền sư Thích Thanh Thụ khởi xướng.
-
- Quyên giáo
- Kêu gọi quyên góp về tiền của và công sức để làm những công việc liên quan đến đạo Phật.
-
- Năng Nhượng
- Tên một xã trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
-
- Trực Tầm
- Một xã trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
-
- Đồng Xâm
- Một làng nằm ở phía Bắc của huyện Kiến Xương, thuộc xã Hồng Thái, tỉnh Thái Bình. Làng có nghề chạm bạc truyền thống. Hằng năm làng tổ chức lễ hội vào các ngày 1-5 tháng 4 âm lịch.
-
- Đắc Chúng
- Tên một làng trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương.
-
- Dục Dương
- Một làng trước đây thuộc tổng Đồng Xâm, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nay thuộc xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
-
- Nghĩa sĩ
- Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
-
- Thiên binh, thần tướng
- Binh lính (của) trời, tướng (là) thần. Chỉ quân đội mạnh mẽ, anh dũng.
-
- Công sứ
- Chức danh cai trị của người Pháp trong thời kì Pháp thuộc, đứng đầu một tỉnh.
-
- Thái Bình
- Địa danh nay là một tỉnh ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110 km. Phần đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay trước đây thuộc về trấn Sơn Nam. Tới năm Thành Thái thứ hai (1890) tỉnh Thái Bình được thành lập. Tỉnh có nhiều khu du lịch và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Đồng Châu, cồn Vành, chùa Keo... Các ngành nghề truyền thống như chạm bạc, làm chiếu ở đây cũng khá phát triển. Ngoài ra, Thái Bình còn được mệnh danh là Quê Lúa.
-
- Sa cơ
- Lâm vào tình thế rủi ro, khốn đốn.
-
- Bài vè này nói về cuộc nổi dậy chống Pháp tại chùa Lãng Đông, tỉnh Thái Bình. Tháng 11 âm lịch năm Đinh Dậu (1897), hưởng ứng phong trào Cần Vương, trụ trì chùa là nhà sư Thích Thanh Thụ đã lãnh đạo số binh sĩ lên đến trên 200 người từ các xã Trà Giang, Hồng Thái, Quốc Tuấn thuộc vùng tổng Đồng Xâm, theo bờ sông Trà Lý tiến về thị xã Thái Bình đánh thẳng vào dinh công sứ. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, cuộc bạo động mau chóng thất bại. Thiền sư cùng 21 nghĩa binh bị giặc Pháp bắt đưa về gò Mống chặt đầu, sau đó thủ cấp bị treo lên để thị chúng.