Tìm kiếm "đằng đông"

Chú thích

  1. Mơi
    Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Chợ Lớn
    Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.

    Chợ Bình Tây ngày trước

    Chợ Bình Tây ngày trước

  3. Chợ Bình Đông
    Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).

    Chợ Bình Đông

    Chợ Bình Đông

  4. Chợ Gạo
    Một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có con sông Chợ Gạo là tuyến đường sông huyết mạch nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

    Kênh Chợ Gạo

    Kênh Chợ Gạo

  5. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  6. Chợ Bến Tranh
    Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
  7. Thủ Đức
    Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.

    Chợ Thủ Đức

    Chợ Thủ Đức

  8. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  9. Hành binh
    Tên chung của mười hai vị thần võ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Xem thêm: Hành khiển.
  10. Bói giò gà
    Cũng gọi là xem chân giò, một nghi thức tín ngưỡng dân gian sử dụng chân gà để đoán việc lành dữ. Xem thêm.
  11. Mo
    Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.

    Mo cau

    Mo cau

    Cơm nắm gói trong mo cau.

    Cơm nắm gói trong mo cau.

  12. Bánh in
    Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.

    Bánh in

    Bánh in

  13. Bánh bàng
    Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,

     

  14. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  15. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  16. Mít nghệ
    Một loại mít có múi to, dày, ráo, độ ngọt vừa phải, màu vàng đậm, có thể ăn tươi hoặc làm mít sấy.

    Mít nghệ

    Mít nghệ

  17. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  18. Bánh ít lá gai
    Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.

    Lá gai

    Lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

  19. Bánh bèo
    Một món bánh rất phổ biến ở miền Trung và miền Nam. Bánh làm từ bột gạo, có nhân phía trên mặt bánh làm bằng tôm xay nhuyễn. Nước chấm bánh bèo làm từ nước mắm, và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc...

    Bánh bèo

    Bánh bèo

  20. Kơ nia
    Người Kinh gọi là cây cầy hoặc cây cốc, một loại cây gỗ cứng mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, ngoài ra còn phân bố từ Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ cũng như các đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Cây kơ nia có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

    Cây kơ nia

    Cây kơ nia

  21. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  22. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  23. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  24. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  25. Vạn tử nhất sinh
    Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
  26. Bể
    Biển (từ cũ).
  27. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  28. Quy tế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  29. Diên
    Tiệc rượu (từ Hán Việt).
  30. Văn thân
    Người có học thức ngày xưa, chọn khoa bảng làm đường tiến thân.
  31. Thượng Bắc
    Người Thanh Hóa, làm tay sai đắc lực cho Pháp.
  32. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  33. Án thư
    Bàn thời xưa dùng để sách vở bút nghiên trên đó.
  34. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.

  35. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  36. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  37. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  38. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  39. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  40. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  41. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  42. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  43. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  44. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  45. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  46. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  47. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  48. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  49. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  50. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  51. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  52. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  53. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  54. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  55. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  56. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  57. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  58. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  59. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  60. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  61. La voa
    Sổ nhật trình.
  62. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  63. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  64. Troàn
    Truyền.
  65. Ngươn soái
    Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
  66. Tổng nhung
    Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
  67. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  68. Sanh sản
    Sinh sản.
  69. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  70. Di địch
    Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
  71. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  72. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  73. Cai mộ
    Người trông coi, quản lí việc tuyển mộ phu phen dưới thời Pháp thuộc.
  74. Cà rạp
    Cách phiên âm từ craft, nghĩa là tàu.
  75. Sauvage
    Tên một hãng vận tải đường thủy lớn của Pháp ở các nước Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Dân gian cũng gọi hãng này là hãng Tây Điếc vì chủ hãng là Fortuné Sauvage bị điếc.
  76. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  77. Hạ Lý
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hải Phòng, nằm bên bờ sông Cấm.
  78. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  79. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  80. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  81. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  82. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  83. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  84. Bến Thuận An
    Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.

    Biển Thuận An

    Biển Thuận An

  85. Chạy giác
    Kĩ thuật lái ghe thuyền chạy theo góc (giác), tức là theo đường dích dắc để tránh hoặc lợi dụng gió ngược. Từ này cũng được viết trại thành vát.
  86. Cửa Tư Hiền
    Tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện, cửa biển thông đầm Cầu Hai với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cửa biển này từ thời nhà Lý đã được nhắc đến dưới tên cửa Ô Long. Đời Trần gọi là cửa Tư Dung. Sang thời nhà Mạc vì kiêng tên vua Mạc Thái Tổ nên gọi là cửa Tư Khách. Nhà Lê vẫn dùng tên Tư Dung. Tên Tư Hiền thì mãi đến triều Thiệu Trị mới đặt.

    Cửa Tư Hiền

    Cửa Tư Hiền

  87. Có bản chép: Hòn Om.
  88. Cửa Kiểng
    Tên một cửa biển ở Huế, là nơi dòng sông Bù Lu đổ ra biển Đông.
  89. Đố
    Thanh tre hay gỗ đóng dọc ở vách, cùng với những thanh ngang gọi là mè, tạo thành "khung xương" cho vách đất.
  90. "Nhà đen" là cái nồi, "đố đen" là cái kiềng, "sấm động" là tiếng cơm sôi, và "đèn chong" là lửa.
  91. Ngụ cư
    (Người) từ nơi khác đến và sinh sống ở nơi không phải là quê hương của mình.
  92. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  93. Sây
    (Cây) sai (hoa, quả).
  94. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  95. Có bản chép: mảng sầu.
  96. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  97. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  98. Có bản chép: Cho sông cạn nước đôi đàng biệt ly.
  99. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  100. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  101. Võng giá
    Vua quan ngày xưa thường đi bằng võng và xe (giá) do lính khiêng.

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

  102. Chợ Ba Đồn
    Chợ ở Ba Đồn, thị trấn huyện lị của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Người các nơi đến họp rất đông vào các ngày phiên vào các ngày mồng một và mồng sáu, các ngày hàng tháng. Chợ Ba Đồn hàng hóa phong phú và đa dạng, có đủ các thứ của vùng xuôi, vùng ngược, trong đó đặc sắc nhất có lẽ là hàng thịt bò và món thịt chó.

    Mua bán thịt bò ở chợ Ba Đồn

    Mua bán thịt bò ở chợ Ba Đồn

  103. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  104. Trộ
    Trận (phương ngữ).
  105. Đèo Ngang
    Một con đèo thuộc dãy Hoành Sơn, nằm ở ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung.

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

  106. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  107. Ba Đồn
    Một địa danh nay là thị trấn của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ba Đồn nằm sát bờ sông Gianh lịch sử - ranh giới tự nhiên thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Lúc ấy quân chúa Trịnh đóng trong ba cái đồn lớn chung quanh thị trấn Ba Đồn hiện nay: đồn Trung Thuần (Trung Ái), đồn Phan Long (Quảng Lưu) và đồn Xuân Kiều. Chợ Ba Đồn, phiên chợ nổi tiếng miền Trung cũng xuất hiện trong thời kì ấy.
  108. Châu Ô
    Tên cũ của vùng đất từ đèo Lao Bảo đến lưu vực sông Thạch Hãn, phía Nam tỉnh Quảng Trị. Châu Ô cùng với Châu Rí là vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa. Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân sai sứ cầu hôn công chúa Huyền Trân, em gái vua Trần Anh Tông, và dâng hai châu Ô và Rí làm sính lễ. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Pa, thu nhận hai châu, rồi đổi châu Ô làm Thuận Châu, châu Rí làm Hóa Châu.
  109. Quảng Bình
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.

    Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...

    Vường quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

    Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

  110. Tầm
    Tìm (từ Hán Việt)
  111. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  112. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  113. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  114. Bắc Thành
    Địa danh chỉ một đơn vị hành chính cấp cao đầu triều Nguyễn, quản lý 11 trấn (tương đương cấp tỉnh ngày nay) ở phía bắc Việt Nam. Đơn vị này được vua Gia Long đặt ra từ năm 1802, được sử dụng cho đến năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng thì bị bãi bỏ. Bắc Thành được chia làm 5 nội trấn và 6 ngoại trấn, tính từ khu vực Ninh Bình trở lên phía bắc. Nội trấn là các trấn đồng bằng và trong nội địa, bao gồm: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương. Ngoại trấn bao gồm các trấn miền núi và giáp với Trung Quốc: Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên.
  115. Cha chả
    Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  116. Trùm
    Người đứng đầu một phường hội thời xưa.

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

  117. Có bản chép: Tôi lại cửa công.
  118. Giá
    Lạnh buốt.
  119. Cong
    Đồ đựng nước hoặc gạo, làm bằng sành, hông phình, miệng rộng, hình dáng như cái .
  120. Vãi
    Ném vung ra.
  121. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  122. Sa Đéc
    Địa danh nay là một thị xã của tỉnh Đồng Tháp. Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt." Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này, lại có quan điểm cho rằng nguyên gốc tên gọi Phsar Dek là tên một vị thủy thần Khmer. Từ những ngày mới thành lập, vùng đất Sa Đéc đã nổi tiếng hưng thịnh.

    Làng hoa Sa Đéc

    Làng hoa Sa Đéc

  123. Bình Thành
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Bình Thành cũng là tên một xã thuộc huyện Thanh Bình, cùng tỉnh Đồng Tháp.
  124. Môn đương hộ đối
    Cổng và cửa nhà tương xứng (thành ngữ Hán Việt). Chỉ sự ngang bằng về nhà cửa, gia thế, địa vị của hai bên dâu rể. Cũng nói môn đăng hộ đối.