Tìm kiếm "hai kiều"

Chú thích

  1. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  2. Hai thân
    Cha mẹ (từ Hán Việt song thân).
  3. Quốc kì
    Cờ quốc gia, cờ nước (từ Hán Việt)
  4. Mê Linh
    Nơi đóng đô của Trưng Nữ Vương sau khi đánh thắng quân Hán và xưng vương, lập nước. Hiện nay Mê Linh là tên một huyện nằm ở phía Bắc thành phố Hà Nội, giáp sân bay quốc tế Nội Bài.

    Đô kì đóng cõi Mê Linh
    Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

    (Đại Nam quốc sử diễn ca)

  5. Tô Định
    Viên quan nhà Hán được cử sang Giao Chỉ (tên gọi nước ta lúc bấy giờ) làm Thái thú trong thế kỷ thứ 1. Không khuất phục trước âm mưu nô thuộc của nhà Hán, năm 40, Hai Bà Trưng kêu gọi thủ lĩnh các vùng lân cận tập hợp lực lượng, dựng cờ khởi nghĩa. Khởi nghĩa nổ ra, Tô Định bỏ chạy về phương Bắc. Trưng Trắc lập nước, xưng vương.

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

  6. Hai Bà Trưng
    Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai nữ tướng của Giao Chỉ (Việt Nam ta lúc bấy giờ) đã nổi cờ khởi nghĩa vào năm 40 sau Công nguyên để chống lại sự nô thuộc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, Thái thú Giao Chỉ người Hán là Tô Định bỏ chạy về phương Bắc, Trưng Trắc xưng vương, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, chọn kinh đô là Mê Linh, trị vì được ba năm, đến năm 43 bại trận dưới tay tướng nhà Hán là Mã Viện. Tục truyền do không muốn đầu hàng, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng cũng có thuyết cho hai Bà đã bị quân Mã Viện bắt và xử tử.

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

  7. Tóc hai vòng
    Phụ nữ Nam Bộ khi vấn tóc thường vấn một vòng nếu tóc ngắn và ít, tóc dài thì vấn hai vòng rồi mới nhét mối, giúp mái tóc nhìn to dày và đẹp, ít bung mối.
  8. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  9. Hoa quế
    Còn gọi là mộc tê, hoa mộc, quế hoa, cửu lý hương, một loài cây bụi nhỏ thuộc họ Nhài, xanh quanh năm, thường được trồng làm cảnh. Hoa, quả và rễ cây còn được dùng làm vị thuốc Đông y chữa loét miệng, đau răng hay làm đẹp v.v.

    Hoa quế

    Hoa quế

  10. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  11. Hải đường
    Loài cây nhỡ, sống nhiều năm, họ Chè. Lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ 1 đến 3 đóa ở gần ngọn cây, ngọn cành; hoa có cuống dài, tràng hoa đỏ tía, nhiều nhị đực. Hoa nở vào dịp Tết Âm lịch, đẹp nhưng không thơm.

    Hoa hải đường

    Hoa hải đường

  12. Hai Huế
    Tên một hiệu ăn ở Hội An xưa, nằm sát chùa Ông Bổn.
  13. Lạch Vạn
    Tên một làng nằm ở hạ lưu sông Bùng, thuộc địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đồng thời cũng là tên sông Bùng ở khúc này.
  14. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  15. Diễn Châu
    Địa danh trước là một phủ (nên còn gọi là phủ Diễn) thuộc xứ Nghệ An, nay là các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Nghệ An mà tiêu biểu là huyện Diễn Châu. Diễn Châu là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời, nhiều ngành nghề truyền thống, danh nhân văn hóa…

    Quang cảnh trung tâm huyện Diễn Châu

    Quang cảnh trung tâm huyện Diễn Châu

  16. Trang Hà
    Một địa danh nay thuộc xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  17. Tứ hải
    Bốn biển (người xưa cho rằng bốn mặt xung quanh đất liền là biển cả), dùng để nói chung cả thiên hạ.
  18. Bể
    Biển (từ cũ).
  19. Miệt Hai Huyện
    Còn có tên là miệt Chợ Thủ hay miệt Ông Chưởng ("miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền). Đây là địa danh chỉ vùng cù lao Ông Chưởng, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, không phải là địa danh Chợ Thủ ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, cái tên Hai Huyện bắt nguồn từ tên huyện Tân Bình và huyện Phước Long, hai đơn vị hành chính đầu tiên được chúa Nguyễn thiết lập ở miền Nam, tương ứng với Sài Gòn và Biên Hòa ngày nay. Khi quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh tiến quân vào đánh Campuchia, người dân và binh sĩ từ hai huyện này đã theo chân ông đến An Giang lập nghiệp.

    Miệt Chợ Thủ xưa nay là khu vực trù phú, văn minh ở miền Tây. Tại đây có nghề vẽ tranh kiếng thủ công và nghề mộc khá nổi tiếng.

    Tranh kiếng ở Chợ Mới, An Giang

    Tranh kiếng ở Chợ Mới, An Giang

  20. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  21. Trư Bát Giới
    Một trong ba đồ đệ phò tá Đường Tam Tạng đi Tây Thiên lấy kinh trong truyện Tây Du Ký. Vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình, vì say rượu và trêu ghẹo Hằng Nga mà y bị đày xuống hạ giới trong bộ dạng nửa người nửa lợn với tính cách lười biếng, tham ăn, mê sắc dục, và hay đố kị với Tôn Ngộ Không. Bát Giới có tổng cộng 36 phép biến hóa thần thông, sử dụng vũ khí là cái bồ cào.

    Trư Bát Giới

    Trư Bát Giới

  22. Sa Ngộ Tịnh
    Thường gọi là Sa Tăng, đồ đệ út (sau Tôn Ngộ KhôngTrư Bát Giới) của Đường Tam Tạng trong tiểu thuyết Tây Du Ký. Y vốn lãnh chức Quyển Liêm Đại Tướng trên thiên đình, chuyên coi rèm cho Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì say rượu đánh vỡ chén lưu ly ở hội Bàn Đào mà bị đày xuống sông Lưu Sa làm thủy quái, rồi sau được Đường Tăng thu phục, chuyên gánh đồ đạc và giữ ngựa Bạch Long trên đường thỉnh kinh. Sa Tăng có 18 phép thuật, giỏi chiến đấu dưới nước, và dùng vũ khí là một cây bảo trượng nặng 5.048 cân.

    Một hình vẽ Sa Tăng

    Một hình vẽ Sa Tăng

  23. Huyền Trang
    Thường gọi là Đường Tam Tạng hoặc Đường Tăng, một cao tăng sống vào thời Đại Đường ở Trung Quốc (nên cũng gọi là Đường Huyền Trang). Ông tên tục Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y), sinh khoảng năm 602-604 tại Lạc Châu, huyện Câu Thị, tỉnh Hà Nam, quy y từ rất sớm. Ông là người đã sang Ấn Độ (thời ấy gọi là Tây Trúc) để học Phật pháp trong nguyên gốc tiếng Phạn và đem về phổ biến ở Trung Quốc. Chuyến đi Ấn Độ của ông được dân gian thần thoại hóa, và được Ngô Thừa Ân chép lại thành bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa. Trong truyện, Đường Tăng được mô tả là một người hiền lành nhưng nhu nhược và u mê, thường bị yêu quái đón bắt để ăn thịt.

    Hình vẽ Đường Tăng

    Hình vẽ Đường Tăng

  24. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  25. Na Tra
    Một vị thần trong thần thoại dân gian Trung Hoa, được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc như Tây du kýPhong thần diễn nghĩa. Ông là con út của Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, em của Kim Tra và Mộc Tra (nên cũng gọi là Tam thái tử). Na Tra được miêu tả là một vị thiên tướng khôi ngô, tuấn tú, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng, môi đỏ, bản tính nóng nảy, thẳng thắn, tay cầm thương, tay cầm vòng càn khôn, chân đi bánh xe Phong Hỏa.

    Na Tra đại chiến Mỹ Hầu Vương

    Na Tra đại chiến Mỹ Hầu Vương

  26. Hồng Hài Nhi
    Một con yêu quái trong truyện Tây Du Ký. Hồng Hài Nhi là con của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công chúa (Bà La Sát), có hình hài của một đứa bé nhưng đã trên ba trăm tuổi, ngụ ở Hỏa Vân Động. Hồng Hài Nhi là khắc tinh của Tôn Ngộ Không, đã đốt chết Tôn Ngộ Không một mạng tại núi Hồng Lĩnh. Sau Hồng Hài Nhi được Quan Âm thu phục, phong làm Thiện Tài Đồng Tử.

    Tạo hình Hồng Hài Nhi trên phim

    Tạo hình Hồng Hài Nhi trên phim

  27. Quan Âm bồ tát
    Quan Âm, Quan Thế Âm, Quán Âm, Phật Bà đều là các tên gọi khác nhau của Quán Thế Âm, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Theo đạo Phật cũng như dân gian, Quan Âm có hình hài của một người phụ nữ, gương mặt hiền lành phúc hậu, đứng hoặc ngồi xếp bằng trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn - vì vậy những người gặp nạn thường niệm "Nam mô Quan Thế Âm bồ tát." Một số tài liệu, hình vẽ và tượng lại mô tả Quan Âm là một vị phật có nghìn mắt, nghìn tay để quán xuyến việc thế gian.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  28. Thích Ca
    Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.

    Phật Thích Ca

    Phật Thích Ca

  29. Ngọc Hoàng Thượng Đế
    Thường được gọi tắt là Ngọc Hoàng, cũng gọi là Ngọc Đế hoặc Thiên Đế, vị vua tối cao của bầu trời, cai quản Thiên đình trong quan niệm của Trung Quốc và Việt Nam. Theo thần thoại, Ngọc Hoàng Thượng Đế là người trần, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Ngọc Hoàng cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên.

    Hình tượng Ngọc Hoàng

    Hình tượng Ngọc Hoàng

  30. Câu này có nơi hát: Ai cầm cái chai là Ngọc Hoàng Thượng Đế hoặc Mười tám ngón tay là Như Lai Thần Chưởng.
  31. Tám mươi tươi hơn tám mốt, tám mốt tốt hơn tám hai
    Những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ 20, đời sống mỗi năm một khó khăn dần do cơ chế bao cấp.
  32. Tam sơn, tứ hải
    Chỉ mặt đất. Người xưa cho mặt đất gồm tám phần: núi ba, biển bốn, ruộng đất một (tam sơn tứ hải nhất phần điền).
  33. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  34. Bốn dài hai ngắn
    Tiếng lóng chỉ quan tài - được lắp bằng bốn tấm ván dài và hai tấm ngắn ở hai đầu.
  35. Ba năm hai mươi bảy tháng
    Thời hạn vợ để tang chồng. Theo Thọ gia mai lễ, con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng ba năm, đời sau rút lại thành hai năm ba tháng, gọi là đại tang.
  36. Sông Bùng
    Tên một con sông bắt nguồn từ xã Minh Thành, huyện Yên Thành, chảy qua thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

    Sông Bùng

    Vẻ đẹp sông Bùng

  37. Cho ngày nay, cho ngày mai, cho hai ngày sau
    Nhại khẩu hiệu "Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau," mô tả tình trạng chạy ăn từng bữa dưới thời bao cấp.
  38. Trượng
    Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Một trượng dài khoảng 4 mét. Trong văn học cổ, "trượng" thường mang tính ước lệ (nghìn trượng, trăm trượng…).
  39. Rộc Vang Thượng
    Tên một cánh đồng rộng giữa làng Xuân Viên và làng Trung Phường, đều huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  40. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  41. Lần khân
    Lần lữa, dây dưa, kéo dài ra mà không chịu quyết định.

    Chày sương chưa nện cầu Lam,
    Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?

    (Truyện Kiều)

  42. Tiên sa
    Tiên giáng trần (từ Hán Việt).
  43. Chạ
    Hỗn tạp, chung lộn.
  44. Hai Cua
    Tên một sòng bạc lớn ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) trước 1945.
  45. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  46. Mặt trước núi Ngự trông rất cân, nhưng ở phía sau thì hình dáng lệch, không đều.
  47. Sông An Cựu
    Con sông nhỏ, dài khoảng 30 km, là chi lưu của sông Hương chảy qua phía Nam thành phố Huế. Đây là một con sông đào, được đào vào năm Gia Long thứ 13 (khoảng 1815) để góp phần thau chua rửa mặn cho cánh đồng Hương Thủy, vì vậy mới có tên khác là Lợi Nông. Ngoài ra, sông An Cựu còn có các tên khác là Phủ Cam hay Thanh Thủy.

    Sông An Cựu

    Sông An Cựu

  48. Hiện tượng sông An Cựu nắng đục, mưa trong được lý giải chủ yếu như sau: do sông nông nên vào mùa hè, nước thấp, phù sa ở đáy sông vẩn lên làm sông có màu đục. Đến mùa mưa, nước dâng cao, dòng chảy mạnh, nước sông mới trong xanh. Hiện tượng bất thường này còn được lý giải bằng truyền thuyết: khi vua Gia Long thuận theo ý nguyện nhân dân cho đào sông An Cựu, đã đào trúng hang một con thuồng luồng khổng lồ vốn ẩn mình nhiều năm dưới sông Hương. Mùa hè trời nóng nực, thuồng luồng trở mình dữ tợn làm khuấy đục phù sa sông. Đến mùa mưa, trời dịu mát, thuồng luồng nằm yên, nước sông không bị khuấy động, trở nên trong vắt.
  49. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  50. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  51. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.
  52. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  53. Còn gọi là mơ lông, một loại dây leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Toàn cây có lông mềm, nhất là thân, cành và lá non. Lá vò nát, có mùi khó ngửi, nên cũng có tên là thúi địt hoặc rắm chó. Lá mơ thường được dùng làm thuốc, và là gia vị không thể thiếu trong món thịt chó.

    Lá mơ

    Lá mơ

  54. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm