Tìm kiếm "Hồ Tây"

  • Anh có thương em thì đừng có luân con mắt

    Anh có thương em thì đừng có luân con mắt,
    Đừng có quẹt ngón tay,
    Người ta đông như hội, ngó ngay mà nhìn.
    Thuốc của anh anh hút,
    Trầu của anh anh đừng mời.
    Miệng thế gian họ đồn lắm anh ơi,
    Giả lơ làm lảng như hồi chưa quen!

    Dị bản

    • Anh thương em thì đừng có luân con mắt, đừng có bắt cái tay
      Người ta đông như hội ngó ngay chớ đừng nhìn
      Anh thương em để dạ làm tin
      Miếng trầu miếng thuốc giữ gìn anh ăn
      Trầu em, em để trong khăn
      Thuốc anh, anh hút đừng quăng, đừng dồi
      Miệng thế gian quá lắm anh ơi
      Chồng em hay đặng, vậy thời em nói sao.

  • Một đàn cò trắng bay qua

    Một đàn cò trắng bay qua
    Biết mặt mà chẳng biết nhà làm quen
    Nhà chàng được mấy anh em
    Cho tôi biết tuổi biết tên tôi chào
    Mẹ thầy là người làm sao
    Tôi trông thấy mặt tôi chào cho mau
    Miệng thời chào mẹ đi đâu
    Tay thời mở túi đưa trầu mẹ ăn
    Tôi ra Tấn mới gặp Tần
    Đôi ta hồ dễ mấy lần gặp nhau
    Đâu người đón trước ngăn sau
    Thì ta cũng nói với nhau một lời

  • Vè tàu điện

    Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
    Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
    Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
    Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
    “La ga” thì ở Thụy Chương
    Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên
    Bồi bếp cho chí bồi bàn
    Chạy tiền kí cược đi làm sơ vơ

  • Đất Đồng Môn dệt vải

    Đất Đồng Môn dệt vải,
    Đất Cổ Đạm vắt nồi,
    Bố Chính vắt bình vôi
    Đất Xuân Liệu bầy tui
    Ra bắt nạm cáy hôi
    Về đâm đâm, phơi phơi.
    Tay tui múc miệng mời,
    Ruốc tui ngon lắm bà ơi,
    Ngon bằng năm ruốc họ,
    Ngon bằng mười ruốc họ

    Dị bản

    • Đất Đồng Môn dệt vải,
      Đất Cổ Đạm vắt nồi,
      Còn Thạch Hạ bầy tui
      Bắt một nạm cáy hôi
      Về đâm đâm phơi phơi
      Đem lên chợ tỉnh ngồi
      Tay mút miệng thì mời
      Ngon ngon lắm người ơi
      Ngon bằng năm ruốc bể
      Ngọt bằng mười ruốc bể

    • Đất Văn Tràng chạy cá
      Đất Trung Hạ đết vôi
      Đất Kỳ Thọ bầy tui
      Bắt ba nạm cáy hôi
      Về đâm đâm phơi phơi
      Đưa ra trửa chợ mà ngồi
      Ruốc tui ngon lắm mệ ơi
      Ngon bằng năm ruốc bể
      Ngon bằng mười ruốc bể

  • Cái cuốc là cái cuốc đen

    Cái cuốc là cái cuốc đen
    Đôi vợ chồng trẻ đốt đèn ăn cơm
    Ăn hết, xới xới đơm đơm
    Ăn cho sạch sẽ lấy rơm mà chùi
    Chồng giận chồng đánh ba dùi
    Mẹ chồng chẳng chữa, lại xui đánh què:
    “Đánh cho què quặt chân tay,
    Hễ nó có khóc, thời mày bỏ tro!”
    Bao giờ mẹ chồng ốm ho
    Nàng dâu lấy thuốc đem cho mẹ chồng
    Lấy những lông cú, lông cáo, lông công,
    Lấy cà độc dược, cùng lông con mèo.

  • Anh làm lò đá thì có máy khoan

    Anh làm lò đá thì có máy khoan
    Một ngày sáu lỗ nó giao đoan cho liền
    Anh mà làm được vẹn tuyền
    Thì anh mới được tính tiền công cho
    Công thì bốn tám đồng xu
    Gạo thì ăn chịu để phu phàn nàn
    Tiền công hàng tháng chẳng hoàn
    Nó còn lưu lại để giam giữ mình
    Thằng Tây, thằng xếp một vành
    Mồ hôi công sức của mình chúng ăn
    Làm thì phoi đá, phong than
    Anh hít vào ruột vào gan suốt ngày
    Mắc bệnh gầy yếu đắng cay
    Cơn ho hộc máu chảy ngay ròng ròng
    Cảnh nghèo cực khổ vô cùng
    Thuốc thang chẳng có lăn đùng chết tươi.

  • Bớ thảm ơi, bớ thiết ơi

    Bớ thảm ơi, bớ thiết ơi
    Bớ bạn nhân tình ơi
    Thân em như cái quả xoài trên cây
    Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc
    Nó đánh lúc la, lúc lắc trên cành
    Một mai vô tình rụng xuống, biết vào tay ai
    Kìa khóm trúc, nọ khóm mai
    Ông Tơ, bà Nguyệt xe hoài chẳng thương
    Một lần chờ, hai lần đợi
    Sớm lần nhớ, chớ lần thương
    Anh thương em nhưng bác mẹ họ hàng chẳng thương

  • Vô duyên lấy phải chồng già

    Vô duyên lấy phải chồng già
    Ra đường bạn hỏi rằng cha hay chồng?
    Nói ra đau đớn trong lòng
    Chính thực là chồng có phải cha đâu.
    Ngày ngày vác cối giã trầu
    Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm.
    Đêm đêm đưa lão đi nằm
    Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ.
    Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ
    Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng.
    Nữa mai người có thiếp không
    Xấu hổ với chúng bạn, cực lòng mẹ cha.

    Dị bản

    • Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già
      Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?
      Nói ra đau đớn trong lòng
      Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!

    • Tốt số lấy được chồng già
      Ra đường bạn hỏi: Ông gia hay chồng?
      Không nói ra thì cực trong lòng
      – Ông gia tôi đó, nỏ phải chồng tôi đâu
      Cơm xong, múc nước, nhai trầu
      Đêm tắt đèn đi ngủ, hàm râu ông kề vào
      Tôi xê ra ông lại xịch vào
      Phận tôi là gái má đào mắt xanh
      Lẽ nào kêu cố bằng anh?

  • Vè Cần vương

    Vâng lời troàn ngươn soái
    Mình đeo ấn Tổng nhung
    Lời khuyên rao chư sĩ anh hùng
    Mặt phải trái coi qua thời biết
    Mình là con trong đất Việt
    Chẳng phải người sanh sản cõi Tây phiên
    Mà ham di địch tước quyền
    Lại nỡ khiến tấm lòng vô hậu
    Chớ bắt chước những loài quân dậu
    A dua hùa lưng lớn thờ chồn
    Đừng bày theo những đảng ác côn

  • Phú bói giò gà

    Đầu năm ra mắt mồng ba
    Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
    Bói giò phải bói cho tinh
    Xem tường màu sắc chân hình rủi may
    Đôi giò cần để thẳng ngay
    Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu
    No rồi chụm móng khít khao
    Đỡ cái chặt chẽ cũng giàu cũng sang
    Đỏ mà gân máu nổi loang
    Là điềm hao của tan hoang cửa nhà
    Trắng xanh bền bệt thây ma
    Ấy điềm tang chế ông bà cháu con
    Da gà tươi mượt vàng son
    Đi thi chắc đậu đi buôn chắc lời
    Khe chân gà hở tơi bời
    Tiền vô nhiều cũng phủi rồi tay không

  • Tre già làm cọc bờ rào

    Tre già làm cọc bờ rào
    Tre non làm lạt buộc vào cọc tre
    Tre già thấy sự khó nghe
    Mắng rằng: Mày định trói què tao ư?
    Con nhà vô phúc thế ru!
    Đẻ ra cho lắm, con hư cũng sầu.
    Tre non nghe nói cúi đầu
    Sụt sùi kể lại mấy câu sau này:
    Thưa cha sự trói cha đây
    Thực tình chẳng phải tự tay con nào
    Chẳng qua người cậy có dao
    Chẻ con làm lạt buộc vào cổ cha
    Người làm ta lại buộc ta
    Để ta gìn giữ cửa nhà họ yên.

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

  • Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận

    – Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận
    Hỏi đó một lời cho tận nhơn tâm
    – Hễ gặp tri âm dẫu nói cả năm anh không mỏi,
    Vậy chớ con bạn mình muốn hỏi sự chi?
    – Hỏi anh một chuyện, em nguyện học đòi,
    Anh ôi, vậy chớ người Tây sao sướng hẳn hòi,
    An nam mình lại chịu thiệt thòi nắng mưa?
    – Người có vinh có nhục, cũng như nước có đục có trong,
    Bởi vì mình ít có đồng lòng,
    Không lo học giỏi cho ròng như Tây
    – À há? Thật họ hay, nên làm thầy mình chịu dở,
    Mình chẳng lo mình, mấy thuở được nên?
    – Phận em là gái còn phải trái xét nhằm,
    Huống gì nam tử cam tâm
    Nếu không lo học tập, hổ thầm phận trai.

  • Ca dao tế mẹ

    Trời hỡi trời! Sao dời vật đổi
    Nên chi cỏ héo hoa sầu!
    Kể từ ngày nương tựa lều tranh
    Công ơn mẹ kể không xiết kể!
    Tuần cay đắng chín trăng có lẻ
    Chữ sinh thành nghĩa mẹ tày non
    Bên ướt mẹ nằm bên ráo phần con.
    Mẹ nuôi con vuông tròn khôn lớn
    Cho con xin đền miếng ngọt mùi ngon

  • Coi tàu bay tại Lầu Đèn

    Đời xưa chí những đời nay
    Đời này mới thấy tàu bay nửa lừng
    Nguồn đào hải khẩu tứ tung
    Từ Hàn chí Phố rùng rùng đi coi
    Quan gia chầu chực hẳn hòi
    Sức bàn sức ghế lại đòi đến dân
    Khắp nơi cờ đóng rần rần
    Sức rơm un khói cực dân ba bốn ngày
    Ai ai cũng sức tàu bay
    Dân canh, lính gác tự ngày chí đêm
    Kẻ bán rượu, người bán nem
    Kẻ lận bạc giác người đem bạc đồng
    Đàn bà chí những đàn ông
    Bà già con nít cũng bồng ra đi
    Mười giờ tàu lại một khi
    đánh, lính ví ra gì nữa đâu

  • Tài nguyên than mỏ nước Nam

    Tài nguyên than mỏ nước Nam
    Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
    Chỉ vì đói rách phải đi
    Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
    Một nghìn chín trăm ba ba
    Là năm Quý Dậu con gà ác thay
    Kể dời phu mỏ Hòn Gai
    Công ty than của chủ Tây sang làm
    Chiêu phu mộ Khách, An Nam
    Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
    Than ra ở các mỏ này
    Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
    Bán than cho các nước ngoài
    Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
    Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
    Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
    Làm ra máy trục, máy sàng
    Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
    Va-gông, than chở về ga
    La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
    Để cho xe hỏa dắt dồn
    Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
    Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
    Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
    Cửa Ông là Cẩm Phả po
    Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
    Ngoại giao các nước thông thương
    Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
    Tây Bay coi sổ la voa
    Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
    Một đường đi thẳng Hà Lầm
    Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về

  • Ai đem tôi đến chốn này

    Ai đem tôi đến chốn này
    Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
    Trên đồn có lão quan hai
    Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
    Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
    Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
    Một chiếc thì chạy Cốt Na
    Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
    Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
    Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
    Đến mười hai giờ bốn mươi
    Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
    Nó quát một tiếng chẳng là
    Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
    Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
    Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
    Người thì ghè đá nung vôi
    Người thì vác gỗ ai coi cho tường
    Người thì xẻ đất đắp đường
    Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
    Người thì xẻ ván đóng xe
    Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
    Người xe hỏa, người máy rồng
    Người biên kho gỗ, người trông kho dầu

  • Vè Đông Kinh

    Cơn mây gió trời Nam bảng lảng
    Bước anh hùng nhiều chặng gian truân
    Ngẫm xem con tạo xoay vần
    Bày ra một cuộc duy tân cũng kì
    Suốt thân sĩ ba kì Nam Bắc
    Bỗng giật mình sực thức cơn mê
    Học, thương, xoay đủ mọi nghề
    Cái hồn ái quốc gọi về cũng mau
    Hồn đã tỉnh, bảo nhau cùng dậy
    Chưa học bò vội chạy đua theo
    Khi lên như gió thổi diều
    Trong hò xin thuế, ngoài reo hãm thành
    Cách hoạt động người mình còn dại
    Sức oai quyền ép lại càng mau
    Tội nguyên đổ đám nho lưu
    Bắc kì thân sĩ đứng đầu năm tên

  • Vè các lái (hát ra)

    Tiếng đồn các lái Đồng Nai
    Tháng giêng cưa ván, tháng hai đóng thuyền
    Tháng ba củi lửa huyên thuyên
    Tháng tư dọn thuyền quay lại lộn ra
    Sài Gòn, Rạch Giá bao xa
    Lần theo tăm cá xa nhà đã lâu
    Một trăm ông lái làu làu
    Đi qua Giáp Nước, Vũng Tàu phải ghê
    Kỳ Vân có bãi lưới rê
    Non cao biển thẳm ủ ê tấc lòng
    Khúc nôi lụy nhỏ đằm đằm
    Xích Ram đã khỏi, Bãi Dầm đã qua
    Hồ Tràm, Hồ Đắng de ra
    Thân Trong nằm trước, Mũi Bà nằm trong

Chú thích

  1. Luân
    Chuyển động có chu kỳ; Xoay đảo, chuyển đổi (từ Hán Việt).
  2. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  4. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  5. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  6. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  7. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  8. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  9. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  10. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  11. Thụy Khuê
    Làng cổ bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng xưa có tên là Thụy Chương, năm 1847 vì húy kị với thụy hiệu vua Thiệu Trị (Chương hoàng đế) nên phải đổi thành Thụy Khuê. Làng có nghề truyền thống làm rượu ướp hương sen nổi tiếng một thời.

    Lò rượu sen Thụy Chương

    Lò rượu sen

  12. Nhà ga Sở Xe điện Hà Nội được xây năm 1889 ở làng Thụy Khuê (tên cũ là Thụy Chương), phía gần sông Tô Lịch, nay là nhà số 67B phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

    Đi xe điện ở Hà Nội xưa

    Đi xe điện ở Hà Nội xưa

  13. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  14. Tiền kí cược
    Khoản tiền cọc, đặt trước để bảo đảm.
  15. Sơ vơ
    Người soát vé tàu, theo âm tiếng Pháp serveur.
  16. Đồng Môn
    Địa danh xưa là một xã thuộc tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An, nay thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
  17. Cổ Đạm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hoá với “nôi” ca trù Cổ Đạm, nghề làm gốm cổ truyền (nồi đất Cổ Đạm) và nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đình Hoa Vân Hải, đền Phan Tôn Chu, Đền Nguyễn Xí, Đền Cửa Bà, Chùa Bến, Đền Tống...

    Làm gốm ở Cổ Đạm

    Làm gốm ở Cổ Đạm

  18. Bố Chính
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bố Chính, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  19. Xuân Liễu
    Cũng phát âm thành Xuân Liệu, tên một xã cũ thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
  20. Bầy tui
    Chúng tôi, bọn tôi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  21. Nạm
    Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
  22. Cáy hôi
    Một giống cáy chân có lông, được xem là nguyên liệu làm mắm cáy ngon nhất.
  23. Thạch Hạ
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
  24. Văn Tràng
    Mộ làng thuộc xóm Bắc Hải xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
  25. Chạy cá
    Buôn bán cá.
  26. Trung Hạ
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
  27. Đết
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đết, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Kỳ Thọ
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
  29. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  30. Mệ
    Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  31. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  32. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  33. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  34. Cà độc dược
    Một loại cà có độc tính cao, dùng làm một vị thuốc Đông y, có tác dụng ngừa suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật, phong thấp đau nhức... Tuy nhiên, dùng cà độc dược quá liều lượng có thể gây hiện tượng ngộ độc, hôn mê, thậm chí tử vong.

    Cà độc dược

    Cà độc dược

  35. Giao đoan
    Giao ước, thề hẹn cùng nhau.
  36. Đội xếp
    Cảnh sát thời Pháp thuộc (từ tiếng Pháp chef).
  37. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  38. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  39. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  40. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  41. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  42. Có bản chép: múc.
  43. Có bản chép: người.
  44. Ông gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
  45. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  46. Cố
    Gắng, gắng gượng (phương ngữ Trung Bộ).
  47. Troàn
    Truyền.
  48. Ngươn soái
    Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
  49. Tổng nhung
    Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
  50. Sanh sản
    Sinh sản.
  51. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  52. Di địch
    Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
  53. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  54. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  55. Hành binh
    Tên chung của mười hai vị thần võ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Xem thêm: Hành khiển.
  56. Bói giò gà
    Cũng gọi là xem chân giò, một nghi thức tín ngưỡng dân gian sử dụng chân gà để đoán việc lành dữ. Xem thêm.
  57. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  58. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  59. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  60. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  61. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  62. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  63. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  64. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  65. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  66. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  67. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  68. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  69. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  70. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  71. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  72. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  73. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  74. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  75. Quản
    E ngại (từ cổ).
  76. Nhân tâm
    Lòng người (từ Hán Việt).
  77. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  78. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  79. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  80. Trăng
    Chỉ tháng, thu: chỉ năm. Cách nói của người xưa.
  81. Vuông tròn
    Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
  82. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  83. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  84. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  85. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  86. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  87. Nửa lừng
    Nửa lưng chừng (phương ngữ Nam Bộ).
  88. Nguồn đào: ngọn suối; Hải khẩu: cửa biển. Nguồn đào hải khẩu: từ khắp mọi nơi.
  89. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  90. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  91. Sức
    Hành động quan truyền lệnh cho dân bằng văn bản.

    Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.
    Nay sức.
    Lê Thăng

    (Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)

  92. Rần rần
    Đông đảo, ồn ào.
  93. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  94. Lận
    Nhét vào trong người (phương ngữ).
  95. Bạc giác
    Hào, bạc cắc, tiền lẻ nói chung (từ cũ).
  96. Cẩm
    Hay , chức danh cảnh sát trưởng thời nước ta bị Pháp đô hộ, nói gọn từ âm tiếng Pháp commissaire de police.

    Một sở cảnh sát (sở Cẩm) thời Pháp thuộc

    Một sở cảnh sát (sở Cẩm) thời Pháp thuộc

  97. Đuổi (theo). Từ này ở Trung và Nam Bộ phát âm thành .
  98. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  99. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  100. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  101. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  102. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  103. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  104. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  105. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  106. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  107. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  108. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  109. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  110. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  111. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  112. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  113. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  114. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  115. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  116. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  117. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  118. La voa
    Sổ nhật trình.
  119. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  120. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  121. Bãi Cháy
    Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.

    Bãi biển Bãi Cháy

    Bãi biển Bãi Cháy

  122. Quan hai
    Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
  123. Cửa Lục
    Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

    Vịnh Cửa Lục ngày nay

  124. Tức tàu hỏa.
  125. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  126. Síp lê
    Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
  127. Một hàng nam, một hàng nữ.
  128. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  129. Phong trào Duy tân
    Cuộc vận động cải cách công khai ở miền Trung Việt Nam, kéo dài từ 1906 đến 1908 do Phan Chu Trinh phát động.

    Phong trào Duy tân (duy tân: theo cái mới) chủ trương bất bạo động, mở mang dân trí, đổi mới giáo dục, văn hóa và kinh tế để tạo nên thế tự lực tự cường cho người Việt - lúc bấy giờ ở dưới nền thống trị thuộc địa của Pháp. Phong trào mang khẩu hiệu: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".

    Cùng thời và cùng theo tư tưởng cải cách còn có Duy tân hội (1904-1912) của Phan Bội Châu, do hoạt động bí mật nên được gọi là Ám xã (Hội trong bóng tối). Phong trào Duy tân hoạt động công khai, được gọi là Minh xã (Hội ngoài ánh sáng).

    Một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân là Đông Kinh nghĩa thục (3/1907 - 11/1907).

    Phan Châu Trinh

    Phan Châu Trinh

  130. Thân sĩ
    Thân nghĩa là đai áo chầu. Thân sĩ là từ chỉ các quan đã về hưu.
  131. Ái quốc
    Yêu nước (từ Hán Việt).
  132. Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
    Còn gọi là Trung kỳ dân biến, khởi phát bằng cuộc đấu tranh chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam vào đầu tháng 3 năm 1908, kéo dài hơn một tháng và lan ra các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Do nhiều người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào này cũng tham gia phong trào Duy Tân nên chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp cả hai. Đến cuối tháng 5 năm 1908, cả hai phong trào đều kết thúc.

    Xem bài Vè xin xâu liên quan đến phong trào này.

  133. Chỉ vụ Hà thành đầu độc năm 1908.
  134. Tội nguyên
    Người đứng đầu chịu tội.
  135. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  136. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  137. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  138. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  139. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  140. Giáp Nước
    Nơi hai dòng hải lưu gặp nhau ở ngoài khơi Vũng Tàu.
  141. Vũng Tàu
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vũng Tàu từng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và giáo dục của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Tại đây nổi tiếng với ngành nghề du lịch biển với nhiều bãi biển lí tưởng, đồng thời có các danh lam thắng cảnh như Chùa Thích Ca Phật Đài, tượng Chúa Kitô, Bạch Dinh, Núi Nhỏ, Núi Lớn...

    Bãi biển Vũng Tàu

    Bãi biển Vũng Tàu

  142. Mũi Kỳ Vân
    Còn gọi là Thuỳ Vân, một mũi đất nhô ra biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mũi đất này có độ cao chừng 327m, là đích nhắm của lái buôn ghe thuyền ngày xưa khi đi qua khu vực này.

    Bình minh ở mũi Kỳ Vân

    Bình minh ở mũi Kỳ Vân

  143. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  144. Xích Ram
    Một địa danh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày nay đọc trại thành Xích Lam. Theo Gia Định thành thông chí: [Sông Xích Ram] Ở về phía đông bắc cách trấn 209 dặm, có cầu ván bắc ngang. Sông dài 173 tầm, là nơi đường bộ đi ngang qua, nước sâu 5 thước ta. Phía hạ lưu của cầu chuyển quanh vào nam 3 dặm là cảng biển Xích Ram, khi thủy triều lên sâu 10 thước ta, rộng 33 trượng rưỡi, cảng dời đổi, thông kẹt bất thường...
  145. Bãi Dầm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bãi Dầm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  146. Hồ Tràm
    Một dải bờ biển dài nằm giữa Long Hải và Bình Châu, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một bãi biển đẹp và còn hoang sơ, hiện nay đang được khai thác tiềm năng du lịch.

    Theo Gia Định thành thông chí: [Hải Động Hồ] Tục gọi là Hồ Tràm, cách trấn về phía đông bắc 227 dặm rưỡi. Nơi đây, động cát nối liền, cỏ cây xanh tốt, trong có hồ lớn xanh trong, nước đều ngọt cả, không khi nào khô, mọi người đều nhờ nước ấy.

    Bãi biển Hồ Tràm

    Bãi biển Hồ Tràm

  147. Hồ Đắng
    Tên một làng chài nhỏ (hiện chỉ có trên dưới hai mươi hộ dân) thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngư dân ở đây sống bằng nghề chài lưới và đánh bắt ven bờ; cuộc sống cho đến nay vẫn còn gần như hoang sơ và tạm bợ.

    Hồ Đắng

    Hồ Đắng

  148. Thân Trong
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thân Trong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  149. Mũi Bà Kiệm
    Một mũi đất nhô ra biển thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nằm giữa hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.