Tìm kiếm "Chú khách"

  • Cô mơ cô mận cô đào

    Cô mơ cô mận cô đào
    Trong ba cô ấy ai nào kém ai
    Cô mít thì chỉ nói dai
    Còn như cô dứa sởn gai cũng kì
    Bình boong lại giống hồng bì
    Trong lòng những hạt có gì nữa đâu
    Quý thay bậc nhất cô cau
    Cúng người cúng Phật khấn cầu bình yên
    Trước là hai chữ nhân duyên
    Nghinh hôn sính lễ được nên vợ chồng
    Trung thu mới thấy cô hồng
    Cô cam, cô quýt ra lòng đua chơi
    Lạ lùng anh mới tới nơi
    Hỏi thăm cô nhãn là người ở đâu
    Xuân xanh chừng mấy tuổi đầu
    Mà xem ăn vận ra mầu gái tơ
    Cô táo chính thực lẳng lơ
    Ở cao có ý đợi chờ tình nhân

  • Vè loài cá

    Nghe vẻ nghe ve, nghe vè loài cá
    No lòng phỉ dạ là con cá cơm
    Không ướp mà thơm là con cá ngát
    Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim
    Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối
    Lớn năm, nhiều tuổi là cá bạc đầu
    Đủ chữ xứng câu là con cá đối
    Nở mai tàn tối là con cá hoa
    Xuống nước bệu da là cá úc thịt
    Dài lưng hẹp kích là cá lòng tong
    Ốm yếu hình dong là con cá nhái
    Thiệt như lời vái là con cá linh
    Từ miệng nhái in là con cá cóc
    Răng phơi khô khốc là con cá hô
    Gặp sự ái ố là con cá hố
    Dầy mình chẳng hổ là con cá chai
    Lội ngược lên hoài là con cá lóc
    Thắp đèn coi sách là cá học Trò
    Dài miệng hẹn hò là con cá Thệ
    Đút đầu se sẻ là cá Bống Kèo
    Cái nháp, cái keo là cá Bống Mú
    Lớn năm nhiều tuổi là cá bạc đầu
    Nó ở trong hầu, là con cá lẹp
    Cái mình dẹp lép là con cá kình
    Vẩy xủi đầy mình là cá thác lác
    Đỏ mầu bỏ xác là cá bã trầu
    Chưa tới bữa hầu là con cá cháo
    Chân đi chí áo là con cá Còm

  • Cha sáo, mẹ sáo

    Cha sáo, mẹ sáo
    Trồng một đám dưa
    Đi trưa về sớm
    Bầy quạ ăn chán
    Sáo giận sáo bỏ
    Sáo ra ngoài đồng
    Sáo ăn trái đa
    Người ta bắt đặng
    Cắt cổ nhổ lông
    Tôi thưa với ông
    Tôi là con sáo
    Hay kiện hay cáo
    Là con bồ câu
    Lót ổ cho sâu
    Là con cà cưỡng
    Chân đi lưỡng thưỡng
    Là chú cò ma
    Tối chẳng dám ra
    Là con mỏ nhát
    Chùi đầu xuống cát
    Là con manh manh
    Tấm rách tấm lành
    Là con sả sả
    Miệng cười hỉ hả
    Là con chim cu
    Hay oán hay thù
    Là chim chèo bẻo
    Học khôn học khéo
    Là con le te
    Hay đậu đọt tre
    Là con chèo gấm

  • Phú bói giò gà

    Đầu năm ra mắt mồng ba
    Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
    Bói giò phải bói cho tinh
    Xem tường màu sắc chân hình rủi may
    Đôi giò cần để thẳng ngay
    Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu
    No rồi chụm móng khít khao
    Đỡ cái chặt chẽ cũng giàu cũng sang
    Đỏ mà gân máu nổi loang
    Là điềm hao của tan hoang cửa nhà
    Trắng xanh bền bệt thây ma
    Ấy điềm tang chế ông bà cháu con
    Da gà tươi mượt vàng son
    Đi thi chắc đậu đi buôn chắc lời
    Khe chân gà hở tơi bời
    Tiền vô nhiều cũng phủi rồi tay không

  • Vè cá biển

    Hai bên cô bác
    Lẳng lặng mà nghe
    Nghe tôi kể cái vè
    Ngư lương, tử hổ
    Lý sâm, lý chuối
    Dưới rạch, dưới ngòi
    Cá nục, cá úc
    Cá thơm, cá thác
    Hơi nào mà kể hết
    Cá nơi làng này
    Thần linh chiêm bái
    Vậy mới cất chùa chiền
    Mới đúc Phật, đúc chuông
    Cô bác xóm giềng
    Lẳng lặng mà nghe
    Cá nuôi thiên hạ
    Là con cá cơm,
    Không ăn bằng mồm
    Là con cá ngát
    Không ăn mà ú
    Là con cá voi,
    Hai mắt thòi lòi
    Là cá trao tráo

  • Vè bài chòi

    Bài chòi bài tới là ba mươi lá
    Dang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
    Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
    Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
    Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
    Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
    Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
    Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
    Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
    Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
    Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
    Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
    Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
    Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
    Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi

  • Tiếng đồn anh hay chữ

    – Tiếng đồn anh hay chữ
    Lại đây em hỏi thử
    Đôi câu lịch sử Khánh Hòa
    Từ ngày Tây cướp nước ta
    Những ông nào đã dựng cờ khởi nghĩa,
    Anh hãy nói ra cho em tường?
    – Nghe lời em hỏi mà thương
    Thương người nghĩa kiệt, tơ vương vấn lòng
    Vì thù non sông
    Thề không đội trời chung với giặc
    Từ Nam chí Bắc
    Thiếu chi trang dạ sắt, gan đồng

  • Con hư bởi tại cha dong

    Con hư bởi tại cha dong
    Vợ hư bởi tại thằng chồng cả nghe
    Con cuốc kêu khắc khoải mùa hè
    Làm thân con gái phải nghe lời chồng
    Sách có chữ phu xướng phụ tòng
    Làm thân con gái lấy chồng xuất gia
    Lấy em về thờ mẹ kính cha
    Thờ cha kính mẹ ấy là người ngoan

  • Mồ cha, mả mẹ anh đâu?

    Mồ cha, mả mẹ anh đâu?
    Còn vua còn chúa, hỏi anh cúp cái đầu thờ ai?
    Chữ rằng phục quốc Tây lai,
    Xem trong Nam Việt ai ai cũng buồn tình.
    Nước Nam mình còn miếu, còn đình,
    Còn khoa, còn mục, còn mình, còn ta,
    Làm chi khác thể ông thầy chùa,
    Khỏi xâu, khỏi thuế cũng nên đua cúp đầu.

  • Vè giết đốc phủ Ca

    Giáp Thân đã mãn
    Ất Dậu tấn lai
    Chánh ngoạt sơ khai
    Bình yên phước thọ
    Nhựt nguyệt soi tỏ
    Nam chiếu phúc bồn
    Tục danh Hóc Môn
    Xứ Bình Long huyện
    Hà do khởi chuyện?
    Hà sự hàm mai?
    Tích ác bởi ai?
    Giết quan rửa hận

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

  • Vè say rượu

    Ngôn đa ngữ thất
    Nói trật nhiều điều
    Tiền rượu chúng kêu
    Còn ngồi nói pháo
    Nhiếc rằng nói láo
    Uống chẳng biết lo
    Rượu muốn đong cho
    Tiền không chịu trả
    Say rồi bậy bạ
    Nói dọc nói ngang
    Nằm sá nằm đàng
    Té lên té xuống
    Rượu bao nhiêu cũng uống
    Uống quá mẹ hũ chìm
    Nói như bìm bìm
    Leo dây leo nhợ

  • Vè đánh Tây

    Tượng nghe:
    Nước có nguồn, cây có gốc
    Huống chi người có da, có tóc
    Mà sao không biết chúa, biết cha?
    Huống chi người có nóc có gia
    Mà sao không biết trung biết hiếu
    Hai vai nặng trĩu
    Gánh chi bằng gánh cang thường
    Một dạ trung lương
    Gồng chi bằng gồng xã tắc
    Bớ những người tai mắt
    Thử xem loại thú cầm:
    Trâu ngựa dòng điếc câm
    Còn biết đền ơn cho nhà chủ
    Muông gà loài gáy sủa
    Còn biết đáp nghĩa lại người nuôi

  • Vè Lụt Bất Quá

    Thuở vua Tự Đức trị vì
    Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
    Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
    Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
    Tuy loài hải thủy sơn man
    Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
    Cớ sao vận hội bất kỳ
    Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
    Tai trời khắp xuống chúng dân
    Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
    Nắng cho năm bảy tháng trời
    Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
    Tháng ba bị háp đã xong
    Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô

  • Vè Hà thành đầu độc

    Một cơn gió táp mưa sa
    Non sông nổi giận, cỏ hoa đeo sầu
    Gió mưa nghe vẳng bên lầu
    Tưởng hồn nghĩa sĩ ở đâu ngang trời
    Than ôi cũng một kiếp người
    Một lòng yêu nước thương nòi xót xa
    Non sông Hồng Lạc một nhà
    Nhớ người ta phải hương hoa cúng giàng
    Mực hòa máu lệ một chương
    Khóc trang nghĩa dũng nêu gương muôn đời
    Nhớ xưa liệt sĩ bốn người
    Ở trong ban lính đóng nơi Hà thành
    Đòi phen trận mạc tập tành
    Thấy người xe ngựa, tủi mình non sông

  • Anh đứng ở Nha Trang

    Anh đứng ở Nha Trang
    Trông sang xóm Bóng
    Ánh trăng lờ mờ, lượn sóng lăn tăn
    Gần nhau chưa kịp nói năng
    Bây giờ sông cách, biển ngăn ngại ngùng!
    Biển sâu con cá vẫy vùng
    Sông sâu không dễ mượn dòng đưa thư
    Anh nguyền cùng em:
    Bao giờ Hòn Chữ bẻ tư
    Biển Nha Trang cạn nước, anh mới từ duyên em

Chú thích

  1. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  2. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  3. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  4. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  5. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  6. Hồng bì
    Cũng gọi là quất bì, quất hồng bì hoặc hoàng bì, một loại cây được trồng nhiều ở miền Bắc. Quả hồng bì khi chín có vị chua, mùi thơm, có thể để ăn tươi, làm mứt, cất rượu hoặc làm thuốc.

    Quả hồng bì

    Quả hồng bì

  7. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  8. Nghinh hôn
    Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
  9. Sính lễ
    Lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới.
  10. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  11. Nhãn
    Tên đầy đủ là long nhãn (nghĩa là "mắt rồng," vì hạt có màu đen bóng), một loại cây cho quả khi chín có vị ngọt thanh, rất phổ biến ở nước ta. Nổi tiếng nhất có thể kể đến nhãn lồng ở Hưng Yên, và nhãn xuồng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  12. Phỉ dạ
    Thỏa lòng, thỏa mãn.
  13. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  14. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  15. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  16. Cá đuối
    Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.

    Cá đuối

    Cá đuối

  17. Cá bạc đầu
    Loài cá nước ngọt, thân nhỏ, có đầu dẹp bằng, đỉnh đầu có một đốm trắng bạc, hiện diện nhiều ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông đổ ra cửa Vàm Láng vùng Cần Đước, tỉnh Long An.

    Cá bạc đầu

    Cá bạc đầu

  18. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  19. Cá hoa tức cá cảnh.
  20. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  21. Người Nam Bộ phát âm hai chữ "úc" (cá úc) và "út" (ngón út) gần giống nhau.
  22. Kích
    Chỗ tiếp nối giữa thân trước và thân sau áo, ở dưới nách.
  23. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  24. Hình dong
    Hình dung, hình dáng bên ngoài (từ Hán Việt).
  25. Cá lìm kìm
    Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.

    Cá lìm kìm nước ngọt

    Cá lìm kìm nước ngọt

  26. Cá linh
    Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.

    Cá linh

    Cá linh

  27. Cá cóc
    Một loại động vật lưỡng cư, có bề ngoài nhìn giống thằn lằn (nên còn gọi là thằn lằn nước), đuôi dẹp và da thiếu vảy. Trên da cá cóc có nhiều mụn xù xì và tiết chất nhầy, nếu chạm phải có thể gây đau nhức.

    Cá cóc

    Cá cóc

  28. Cá hô
    Một loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có kích thước rất lớn (có những con nặng hơn 100kg), được đánh bắt để làm mắm và nhiều món ăn ngon. Cá hô trước đây có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay đã gần tuyệt chủng và được đưa vào sách đỏ.

    Cá hô

    Cá hô

  29. Cá chai
    Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.

    Cá chai chiên mật ong

    Cá chai chiên mật ong

  30. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  31. Cá lẹp
    Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).

    Cá lẹp

    Cá lẹp

  32. Cá kình
    Cá voi. Trong thơ văn cổ, hình ảnh cá kình thường tượng trưng cho những người mạnh mẽ hoặc hung tợn.
  33. Cá thác lác
    Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...

    Cá thác lác

    Cá thác lác

  34. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  35. Cá khoai
    Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.

    Canh chua cá khoai

    Canh chua cá khoai

  36. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  37. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  38. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  39. Có bản chép: Bên trái thì công (cùng một nghĩa).
  40. Sếu
    Loài chim lớn, có cổ và chân dài. Sếu sống theo đàn, và cứ mỗi mùa đông thì cả đàn bay về phương Nam tránh rét.

    Đàn sếu

    Đàn sếu

  41. Có bản chép: Bên phải thì sếu (cùng một nghĩa).
  42. Giang
    Một loài chim khá lớn, chân dài, cổ cao, thường bay theo bầy. Lông chim có màu ghi ở cánh và lưng, trắng nhạt ở phía bụng. Chim thường kiếm ăn ở sông, hoặc ở những cánh đồng mới gặt xong.

    Chim giang sen

    Chim giang sen

  43. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  44. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  45. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  46. Cò ma
    Một loại cò có bộ lông trắng, mỏ vàng và chân màu vàng xám. Trong mùa sinh sản, chim trưởng thành chuyển sang màu cam trên lưng, ngực và đầu, còn mỏ, chân và mắt chuyển màu đỏ.

    Cò ma

    Cò ma

  47. Mỏ nhát
    Một loài chim nhỏ, lông rằn, vàng nâu, mỏ dài nhọn, bay rất nhanh và xa; thường kiếm mồi trong các ruộng ít nước ban ngày và kêu ban đêm. Người dân quê thường bắt chim mỏ nhát làm món nướng.

    Chim mỏ nhát

    Chim mỏ nhát

  48. Manh manh
    Loại chim nhỏ, đẹp, hiện nay thường được nuôi làm cảnh. Có nhiều loại manh manh khác nhau. Manh manh trắng toàn thân lông màu trắng toát, trừ hai bên má có đốm lông vàng, mỏ đỏ, chân vàng, chim trống mỏ đỏ sậm, con mái mỏ đỏ lợt. Manh manh bông có mỏ đỏ, má vàng, hai bên mỏ có sọc trắng dọc theo mép tai, cổ vằn màu xám, ức đen, bụng trắng, lông dọc theo hai bên hông màu gạch có nổi bông trắng. Đuôi tuy nhỏ, ngắn nhưng lại cầu kỳ, khúc trắng khúc đen như chim trĩ. Manh manh nâu (sô-cô-la) ở má và cánh có đốm màu vàng anh.

    Một con chim manh manh

    Một con chim manh manh

  49. Sả sả
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Sả sả, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  50. Bồ câu
    Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.

    Chim bồ câu

    Chim bồ câu

  51. Chèo bẻo
    Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.

    Chèo bẻo

    Chèo bẻo

  52. Le te
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Le te, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  53. Chèo gấm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chèo gấm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  54. Xem thêm bài Vè cầm thú.
  55. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  56. Hành binh
    Tên chung của mười hai vị thần võ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Xem thêm: Hành khiển.
  57. Bói giò gà
    Cũng gọi là xem chân giò, một nghi thức tín ngưỡng dân gian sử dụng chân gà để đoán việc lành dữ. Xem thêm.
  58. Ngư lương
    Chỗ đắp bờ để nuôi cá (từ Hán Việt).
  59. Tử hổ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tử hổ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  60. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  61. Cá thơm
    Một loại cá nước ngọt có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.
  62. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  63. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  64. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  65. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  66. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  67. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  68. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  69. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  70. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  71. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  72. Phu
    Chồng (từ Hán Việt).
  73. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  74. Lang dâm
    Dâm ô, lăng nhăng, lang chạ bừa bãi.
  75. Trắc nết
    Tính nết hư hỏng, không đứng đắn.
  76. Một loại vòng trang sức giống như kiềng (phương ngữ vùng Đức Phong, Mộ Đức, Quảng Ngãi).
  77. Dong
    Dung dưỡng.
  78. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  79. Phu xướng phụ tòng
    Chồng nói, vợ nghe theo (từ Hán Việt).
  80. Xuất giá
    Lấy chồng (từ Hán Việt)
  81. Khơi chừng
    Xa xôi.

    Đường đi khuất nẻo khơi chừng,
    Tuyết sương mấy dặm, suối rừng bao nhiêu.

    (Phan Trần)

  82. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  83. Cúp đầu
    Cắt tóc. Xem Cúp.
  84. Bài này phản đối phong trào cắt tóc hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng.
  85. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  86. Tấn lai
    Bước đến.
  87. Chánh ngoạt
    Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
  88. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  89. Nam chiếu phúc bồn
    Chậu úp khó mà soi thấu.
  90. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  91. Bình Long
    Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
  92. Hà do
    Tại sao.
  93. Hàm mai
    Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
  94. Thảo
    Viết ra.
  95. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  96. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  97. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  98. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  99. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  100. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  101. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  102. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  103. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  104. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  105. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  106. Ngôn đa ngữ thất
    Trích từ sách Cảnh Hạnh Lục (Minh Tâm Bảo Giám): Ngôn đa ngữ thất giai nhân tửu, nghĩa đoạn thân sơ chỉ vị tiền (nói nhiều, nói bậy đều do rượu, dứt tình nghĩa, chia lìa thân thuộc cũng vì tiền).
  107. Nói pháo
    Nói khoác.
  108. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  109. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  110. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  111. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  112. Trung lương
    Trung chính và lương thiện.
  113. Xã tắc
    Đất nước ( là đất, tắc là một loại lúa).
  114. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  115. Nguyễn Phúc Khoát
    Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).

    Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

  116. Nhà Đường (618 - 907) và nhà Ngu dưới thời vua Nghiêu (2337 TCN –2258 TCN) được coi là hai thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc.
  117. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  118. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  119. Bàn thạch
    Đá tảng (từ Hán Việt).
  120. Hải thủy sơn man
    Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
  121. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, tức năm Mậu Dần (1878).
  122. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  123. Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa.
  124. Cháy háp
    Cháy một phần.
  125. Lúa nhồng
    Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
  126. Có bản chép: Vẳng tai nghe tiếng đài đầu. "Đài đầu" ở đây có lẽ là đoạn đầu đài.
  127. Nghĩa sĩ
    Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
  128. Có bản chép: nghĩa liệt.
  129. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  130. Giàng
    Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
  131. Liệt sĩ bốn người
    Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
  132. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  133. Đòi phen
    Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").

    Trông tư bề chân trời mặt đất;
    Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen

    (Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)

  134. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  135. Xóm Bóng
    Còn gọi là bến Bóng, một địa danh thuộc thành phố Nha Trang. Xóm Bóng gồm hai phần: một nằm bên bờ sông Cái, nơi sông đổ ra biển Đông qua cửa Lớn, và phần còn lại là cù lao trên sông. Giữa hai phần này là cầu xóm Bóng, đứng trên cầu có thể thấy tháp Bà Ponagar, thắng cảnh nổi tiếng của Khánh Hòa.

    Tên xóm Bóng bắt nguồn từ một thói quen của làng cù lao xưa: Vào các dịp lễ vía cúng bà, tức thánh Mẫu Thiên Y A Nam, những "cô bóng, bà bóng" của làng lại tập trung múa hát.

    Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu xóm Bóng

    Tháp bà Ponagar nhìn từ cầu xóm Bóng

  136. Hòn Chữ
    Một tảng đá lớn có những tảng nhỏ sát cạnh nằm ở cửa sông Cái (Nha Trang), chu vi chừng 100 m2, cao từ mặt nước lên khoảng vài mét, thường làm du khách chú ý khi đi dọc theo cầu Xóm Bóng hay từ trên khuôn viên Tháp Bà nhìn xuống hướng Đông Nam. Trên đá có in khắc chữ, một lối chữ hình giống như những con nòng nọc nối đuôi nhau, được cho là chữ cổ của người Chiêm Thành xưa.

    Hòn Chữ

    Hòn Chữ