Tìm kiếm "tám chín mười"

Chú thích

  1. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  2. Quần Phương trung, Quần Phương thượng, và Phương Đê đều là các địa danh thuộc tổng Quần Phương (tên cũ là Quần Anh), nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Quần Phương trung có nghề làm thợ mộc, Quần Phương thượng có nghề cắt may, và Phương Đê có nghề nề, đắp tượng.
  3. Troàn
    Truyền.
  4. Ngươn soái
    Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Tổng nhung
    Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
  6. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  7. Sanh sản
    Sinh sản.
  8. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  9. Di địch
    Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
  10. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  11. Phân
    Nói cho rõ, bày tỏ.
  12. Ôm cầm
    Ôm đàn, trong văn chương thường được dùng để chỉ việc phụ nữ lấy chồng, tái giá, hoặc bỏ chồng cũ lấy chồng mới. Các thành ngữ ôm cầm thuyền ai, ôm đàn qua thuyền được cho là xuất phát từ lời thề nguyền chung thủy của nàng Kiều Oanh trong Thiên Hương Tập, khi nàng nói với chồng rằng: Thiếp đã đem thân theo chàng, dẫu nát ngọc chìm châu, cũng không ôm đàn tỳ bà qua thuyền khác.
  13. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  14. Tràng hạt
    Một vòng dây gồm nhiều hạt xâu lại với nhau. Khi tụng niệm, người tụng dùng tay lần từng hạt để đếm.

    Chuỗi tràng hạt

    Chuỗi tràng hạt

  15. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  16. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  17. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  18. Sú ba dăng
    Phiên âm từ tiếng Pháp surveillant (người giám sát).
  19. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  20. Đưng
    Một loại cây cỏ thân cao cùng họ với cỏ lác, cỏ bàng, có thân cắt ngang hình tam giác, mọc nhiều ở các vùng đầm lầy ngập mặn.

    Bụi cây đưng ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

    Bụi cây đưng ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

  21. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  22. Đu tiên
    Một trò chơi có nguồn gốc từ miền Bắc, được tổ chức trong các dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc đu phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về.”

    Đu tiên

    Đu tiên

  23. Giỗ Tổ Hùng Vương
    Ngày giỗ hằng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của mười tám đời vua Hùng. Vào ngày này lễ hội Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

    Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương

  24. Sông Lô
    Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

  25. Sông Đà
    Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).

    Sông Đà

    Sông Đà

  26. Tam Đảo
    Tên một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc nước ta nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi cao là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ. Đầu thế kỉ XX, đây là nơi thực dân Pháp chọn làm nơi nghỉ mát. Ngày nay Tam Đảo là địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc.

    Tam Đảo trong sương

    Tam Đảo trong sương

  27. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  28. Sở cầu như ý
    Được như mong muốn. Cụm từ này thường được dùng khi cầu xin với thần Phật. Cũng đọc là như ý sở cầu.
  29. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  30. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  31. Cài chữ sen
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cài chữ sen, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  32. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  33. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  34. Trai tân
    Con trai chưa vợ.
  35. Thanh nhàn
    Thảnh thơi, sung sướng.
  36. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  37. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  38. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  39. Gie
    (Nhánh cây) chìa ra.
  40. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  41. Sùng
    Bị sâu, bị thối. Sùng cũng có nghĩa là sâu.
  42. Lang quân
    Chồng (từ Hán Việt).
  43. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  44. Vài
    Từ cổ là (kèo), kết cấu nối hai nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó.

    Cầu Tràng Tiền có 12 vài và 6 nhịp

    Cầu Tràng Tiền có 12 vài và 6 nhịp

  45. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  46. Cấu trúc cầu Tràng Tiền thực ra có 12 vài và 6 nhịp. Trong thi ca dân gian, để hợp vần người ta hay nói thành "sáu vài, mười hai nhịp."
  47. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  48. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  49. Có bản chép: Cũng tại ông Trời nên xa.
  50. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  51. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  52. Bàng
    Một loài cây thân gỗ lớn, có tán lá rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm và làm cảnh. Quả ăn được và có vị hơi chua. Vào mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ trước khi rụng.

    Cây bàng

    Cây bàng

  53. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  54. Làng Vọng
    Tên một làng nhỏ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Làng Vọng nằm cạnh Kẻ Mơ, là nơi buôn bán sầm uất. Tương truyền, nơi đây có nghề dệt gối rất phát triển. Ngày nay, phố Vọng cũng được coi là thủ phủ của mặt hàng chăn, ga, gối, đệm.
  55. Yên Duyên
    Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
  56. Kẻ Giả
    Tên gọi chung của các làng Giả Chọ, Giả Cầu, Giả Viềng, Giả Vĩnh, nay là các thôn Lạc Thị (xã Ngọc Hồi), Quỳnh Đô, Ích Vịnh, Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh) đều thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  57. Bùi nhùi
    Rơm hoặc giẻ bện chặt để đốt và giữ lửa.
  58. Làng Lê
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Lê, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  59. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  60. Làng Ngâu
    Tên nôm của làng Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Làng Ngâu nổi tiếng trồng lúa. Rượu làng Ngâu cũng là một đặc sản nổi tiếng từ xưa.
  61. Tựu Liệt
    Một làng cổ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  62. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  63. Có bản chép: Hôm xưa.
  64. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  65. Thang giường
    Thanh gỗ bắc theo chiều ngang của khung giường, để kê ván hoặc chiếu nệm lên trên.
  66. Có bản chép: thếp vàng.
  67. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  68. Chợ Thầy Phó
    Tên mới là chợ Hựu Thành, một cái chợ ở Thầy Phó, tỉnh Vĩnh Long.

    Chợ Thầy Phó hiện nay

    Chợ Thầy Phó hiện nay

    Xem phóng sự về chợ Thầy Phó.