Tìm kiếm "bà mụ"

Chú thích

  1. Sú ba dăng
    Phiên âm từ tiếng Pháp surveillant (người giám sát).
  2. Ba toong
    Gậy chống, thường cong một đầu để làm tay cầm. Từ này có gốc từ tiếng Pháp bâton. Các viên chức, trí thức dưới thời Pháp thuộc thường mang theo gậy này.
  3. Cô soong
    Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
  4. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  5. Mi nơ
    Từ tiếng Pháp miner (thợ mỏ).
  6. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  7. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  8. Súng hai nòng
    Loại súng trường có hai ống, một ống hơi và buồng súng ghép song song nhau. Người ta cũng gọi súng này là súng hai lòng, nên cụ Nguyễn Đình Chiểu gọi là súng song tâm.

    Các bậc sĩ nông công cổ, liều mang tai với súng song tâm
    Mấy nơi tổng lý xã thôn, đều mang hại cùng cờ tam sắc
    (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh)

  9. Ba ngầu
    Hay ba ngù, hung dữ, lầm lì (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  11. Ngã ba Chanh
    Ngã ba sông nơi sông Hóa hợp lưu với sông Luộc, nay thuộc địa phận thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Cái tên này bắt nguồn từ làng Chanh Chử thuộc khu vực này.
  12. Cổ Loa
    Kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thành Cổ Loa được xây theo hình trôn ốc (loa từ Hán Việt nghĩa là ốc, nên còn gọi là Loa Thành), tương truyền có chín vòng, nhưng căn cứ theo dấu tích thì có ba vòng. Theo truyền thuyết, thành Cổ Loa được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của thần Kim Quy.

    Sơ đồ Cổ Loa

    Sơ đồ Cổ Loa

  13. Dầu mè
    Còn gọi là dầu lai, đậu cọc rào, bã đậu, loài cây bụi lâu năm, có độc, hay được trồng làm hàng rào. Lá, dầu và nhựa cây được sử dụng trong một số bài thuốc Đông y giúp tan máu ứ, tiêu sưng, chống ngứa...

    Dầu mè

    Dầu mè

  14. Chơi chữ giữa tên cây bã đậu và “bả (bà ấy) đậu.”
  15. Ngã ba Bông
    Một ngã ba sông ở Thanh Hóa, nơi sông Mã tách ra một nhánh phụ để làm nên sông Lèn.

    Ngã ba Bông

    Ngã ba Bông

  16. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  17. Sông Con
    Con sông chảy qua địa phận xã Định Hải, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  18. Thượng Nông
    Tên một làng nay là thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ở đây có Cầu ngói chợ Thượng, được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2012.

    Cầu ngói chợ Thượng

    Cầu ngói chợ Thượng

  19. Cổ Chử
    Một làng nay là thôn Cổ Chử, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
  20. Đàn bà Thượng Nông, đàn ông Cổ Chử
    Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh: "Nói hai nơi này ăn nói khoe khoang dối trá không thể tin được."
  21. Tháp Bánh Ít
    Còn có tên là tháp Bạc, là một cụm các tháp cổ Chăm Pa, hiện nay nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 10. Sách Đại Nam nhất thống chí trong mục “Thổ sơn cổ tháp” cho biết tục danh của tháp là Thị Thiện và giải thích rằng dưới chân núi xưa có quán bán bánh ít của một người đàn bà tên là Thiện.

    Tháp Bánh Ít

    Tháp Bánh Ít

  22. Cầu Bà Di
    Tên một cây cầu nay thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Cầu Bà Di

    Cầu Bà Di

  23. Bể dâu
    Từ tiếng Hán thương hải tang điền (biển xanh, nương dâu). Tiếng Việt ta có thành ngữ là bãi bể nương dâu. Theo Thần tiên truyện, tiên nữ Ma Cô nói với Vương Phương Bình rằng "Từ khi được hầu tiếp ông đến nay đã thấy biển xanh ba lần biến thành nương dâu."

    Các từ ngữ bể dâu, bãi bể nương dâu, dâu biển (biển dâu) đều chỉ sự biến đổi, thăng trầm của cuộc đời.

    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

    (Truyện Kiều)

  24. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  25. Có bản chép: Gương thề.
  26. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  27. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  28. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  29. Bà Nà - Núi Chúa
    Một dãy núi nằm ở phía tây thành phố Đà Nẵng hiện nay. Đây là dãy núi cổ, tuổi trên 400 triệu năm, nhờ những khối đá hoa cương và thạch anh bền vững nên chóp núi còn khá cao (1.487m so với mặt nước biển). Hiện nay Bà Nà - Núi Chúa là điểm đến du lịch nổi tiếng của cả miền Trung.

    Bà Nà - Núi Chúa

    Bà Nà - Núi Chúa

  30. Vũng Thùng
    Tức vịnh Hàn, hay cửa biển Đà Nẵng.
  31. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  32. Núi Bà
    Một dãy núi nằm địa phận huyện Phù Cát, phía Nam đầm Đạm Thủy, Bình Định, gồm trên sáu mươi ngọn cao thấp khác nhau, nổi bật là hòn Hang Rái ở phía đông bắc, hòn Hèo ở phía Đông - Nam và đỉnh cao nhất, tới gần 900 m, là hòn Chuông (Chung Sơn) ở phía Tây. Nếu nhìn toàn cảnh núi Bà thì thấy vùng quanh hòn Chuông tương đối bằng phẳng, giống như một cái chiêng đồng úp sấp mà núm chiêng chính là hòn Chuông. Có lẽ bởi dáng núi như vậy mà người ta đã đặt tên chữ cho núi Bà là Phô Chinh Đại Sơn (nghĩa là núi lớn bày chiêng). Núi Bà là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Núi Bà

    Núi Bà

  33. Ếch tháng ba, gà tháng bảy
    Tháng ba và tháng bảy là hai thời kì giáp hạt trong năm, gà và ếch đều thiếu ăn, gầy gò, nên thịt không ngon.
  34. Bún giò bà Lương, bún xương bà Tỳ, bánh mì bà Khánh
    Các địa chỉ ẩm thực có tiếng ở Hội An.
  35. Huỳnh liên
    Còn có tên là so đo bông vàng, một loại cây cao từ 2-4m, có hoa to màu vàng tươi, rễ được dùng làm thuốc.

    Huỳnh liên

    Huỳnh liên

  36. Gáo vàng
    Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.

    Gáo vàng

    Gáo vàng

  37. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  38. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  39. Nhứt
    Nhất (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  40. Ăn quận Năm, nằm quận Ba, xa hoa quận Nhất, cướp giật quận Tư
    Ở Sài Gòn trước đây (và thành phố Hồ Chí Minh trong thời bao cấp), quận 5 có nhiều quán ăn ngon, quận 3 có nhiều biệt thự, quận 1 có nhiều hàng xa xỉ phẩm, còn quận 4 có nhiều băng nhóm du đãng.
  41. Chuối ba hương
    Còn gọi là chuối bà hương, một loại chuối lùn, quả khi chín rất dễ rụng.
  42. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  43. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  44. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  45. Ba Gò
    Một địa danh nằm giữa hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Vào thời xa xưa, đây là vùng cây cối rậm rạp, có nhiều giặc cướp và thú dữ.