Tìm kiếm "một cắc"

  • Anh về ở với em, em may cho anh một năm ba quần ba áo

    Anh về ở với em, em may cho anh một năm ba quần ba áo,
    Em sắm cho anh một nón dấu một mẩu tơi mo,
    Ngày anh ra đồng cuốc ruộng, ăn ở thật thà em thương!
    – Anh ở với em, em sắm cho anh một năm ba quần ba áo,
    Em sắm cho anh một nón dấu một mẩu tơi mo,
    Ngày anh ra đồng cuốc ruộng, tối em cho ngủ nhờ mới vâng!

  • Con gái lấy thợ câu cua

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh cù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng?
    Mười một em hãy còn son
    Mười hai vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ thai

  • Quả địa cầu có bốn đại dương

    Một quả cầu có bốn đại dương
    Dương dương dương cái giường đi ngủ
    Ngủ ngủ ngủ cái tủ đựng tiền
    Tiền tiền tiền cô tiên biết múa
    Múa múa múa công chúa biết bay
    Bay bay bay tàu bay hạ cánh
    Cánh cánh cánh đòn gánh qua sông
    Sông sông sông bông hồng mới nở
    Nở nở nở Thị Nở Chí Phèo
    Phèo phèo phèo con mèo ăn vụng
    Vụng vụng vụng cái bụng nó to
    To to to con bò ăn cỏ
    Cỏ cỏ cỏ tao bỏ mày đi
    Đi đi đi tao phi mày chết
    Chết chết chết là hết cuộc đời.

  • Vè uống rượu

    Một chén giải cơn sầu
    Hai chén còn nhơn đạo
    Ba chén còn gượng gạo
    Bốn chén nổi sân si
    Năm chén sập thần vì
    Sáu chén ngồi ghì xuống đó
    Bảy chén thì đuổi chẳng đi
    Tám chén lóc trộn lộn ra
    Chín chén lóc trộn lộn vô
    Mười chén ai xô tôi ngã
    Mười một chén chửi cha ai xô

    Dị bản

    • Uống một ly nhâm nhi tình bạn
      Uống hai ly giải cạn cơn sầu
      Uống ba ly mũi chảy đầy râu
      Uống bốn ly ngồi đâu nói đó
      Uống năm ly cho chó ăn chè
      Uống sáu ly ai nói nấy nghe
      Uống bảy ly làm xe lội nước
      Uống tám ly chân bước chân quỳ
      Uống chín ly còn gì mà kể
      Uống mười ly khiêng để xuống xuồng

    • Một xị giải phá cơn sầu
      Hai xị mũi chảy đầy râu
      Ba xị nằm đâu ngủ đó
      Bốn xị cho chó ăn chè
      Năm xị làm xe lội nước
      Sáu xị vợ rước về nhà
      Bảy xị ông bà chửi nát
      Tám xị ra đống rác nằm
      Chín xị lên băng ca
      Mười xị ra nghĩa địa

    • Nhất xị mở mang trí hoá,
      Nhị xị giải phá thành sầu,
      Tam xị mũi chảy đầy râu,
      Tứ xị ngồi đâu “đứa” đó,
      Ngũ xị cho chó ăn chè,
      Lục xị vợ đè cạo gió,
      Thất xị mua hòm để đó,
      Bát xị … cho nó chết luôn!

  • Mười lo

    Một lo con nít trắng răng
    Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
    Ba lo thầy bói té nhào
    Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
    Năm lo thợ đúc méo khuôn
    Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
    Bảy lo bà chúa chửa hoang
    Tám lo trai làng không vợ chạy rông
    Chín lo trong ngục không gông
    Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma

    Dị bản

    • Một lo em bé trắng răng,
      Hai lo người thấp không bằng người cao.
      Ba lo thầy bói té rào,
      Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn
      Năm lo thợ đúc có khuôn,
      Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.
      Bảy lo bà góa chửa hoang,
      Tám lo dân làng hết gạo đi xâu
      Chín lo biển rộng hơn cầu,
      Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.

  • Chơi thuyền

    Cái mốt, cái mai
    Con trai, con hến
    Con nhện chăng tơ
    Quả mơ, quả mận
    Cái cận, lên bàn đôi
    Đôi chúng tôi
    Đôi chúng nó
    Đôi con chó
    Đôi con mèo
    Hai chèo ba
    Ba đi xa
    Ba về gần
    Ba luống cần
    Một lên tư
    Tư củ từ
    Tư củ tỏi
    Hai hỏi năm
    Năm em nằm
    Năm lên sáu
    Sáu lẻ tư
    Tư lên bảy
    Bảy lẻ ba
    Ba lên tám
    Tám lẻ đôi
    Đôi lên chín
    Chín lẻ một
    Mốt lên mười
    Chuyền chuyền một, một đôi…

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

  • Vè kể giăng

    Mồng một cho tới mồng năm
    Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
    Mồng sáu, mồng bảy trở đi
    Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
    Mồng chín giăng ánh vườn đào
    Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
    Mười một sáng cả vườn dâu
    Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
    Mười ba giăng gió giữ duyên
    Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
    Gặp giăng em hỏi em chơi
    Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
    Đến rằm giăng đã lên cao
    Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
    Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
    Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
    Mười chín em định em ngồi
    Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
    Kể từ hăm mốt nửa đêm
    Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
    Cuối tháng giăng xuống biển sâu
    Ba mươi mồng một ai cầu được giăng

  • Thư gửi chồng

    Jê-cờ-ri một bức tình thư,
    Ăng-voa, thăm hỏi me-xừ di-đăng
    Tú xon gạt nước mắt than rằng:
    Cô-song cái phận lăng nhăng nhỡ nhàng.
    Đờ-puy thiếp bén duyên chàng,
    Nô-xờ chưa được một bàn tiệc vui.
    Ê-loa-nhê ai khéo giục xui,
    Cu-tô ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa
    La cua mút mọc, luyn tà,
    La săm biết lấy ai là a-mi
    Lạnh lùng mảnh áo sơ-mi
    Năm canh trằn trọc lơ li một mình.
    A-mi ai có thấu tình,
    Để cho đến nỗi thân mình biếng ba
    Pơ-răng qua để làm quà,
    Jê-cơ-ri uyn lét để mà ca-đô
    Tự ngày bước xuống ba-tô
    Lác-mơ nó chảy như hồ Trúc Yên
    Xi vu lét-xê moa tiền,
    Thì moa cũng chẳng được yên bông cờ
    Tiện lời thăm hỏi ta xơ,
    Cùng cả gia quyến ơ-rơ thanh nhàn.
    Lơ roa Thành Thái Annam
    23 tháng Tám bước sang tháng Mười
    Tên em là Nguyễn Thị Thời.​

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Trên trời có vẩy tê tê

    Trên trời có vẩy tê tê
    Một ông bảy vợ, chẳng chê vợ nào.
    Một vợ tát nước bờ ao
    Phải trận mưa rào, đứng nép bụi tre
    Một vợ thì đi buôn bè
    Cơn sóng, cơn gió nó đè xuống sông.
    Một vợ thì đi buôn bông
    Chẳng may, cơn táp nó giông lên trời.
    Một vợ thì đi buôn vôi
    Không may phải nước vôi sôi ầm ầm.
    Một vợ thì đi buôn mâm
    Không may mâm thủng lại nằm ăn toi.
    Một vợ thì đi buôn nồi
    Không may nồi méo, một nồi hai vung.
    Một vợ thì đi buôn hồng
    Không may hồng bẹp, một đồng ba đôi.
    Than rằng: Đất hỡi trời ơi!
    Trời cho bảy vợ như tôi làm gì!

    Dị bản

    • Trên trời có vẩy tê tê
      Có ông bốn vợ chẳng chê vợ nào
      Một vợ rửa bát cầu ao
      Chẳng may gió cả dạt vào bụi tre
      Một vợ thì đi buôn bè
      Chẳng may gió cả nó đè xuống sông
      Một vợ thì đi buôn bông
      Chẳng may gió cả nó bồng lên mây
      Một vợ thì đi buôn cây
      Chẳng may gió cả cuốn bay lên trời.

  • Nguồn ân bể ái hẹn hò

    Nguồn ân bể ái hẹn hò
    Một ngày nên nghĩa chuyến đò nên quen
    Công cha nghĩa mẹ thiếp đền
    Xin chàng đừng có kết duyên chốn nào
    Xin đừng đứng thấp trông cao
    Xin đừng tơ tưởng chốn nào hơn đây
    Xin đừng tham gió bỏ mây
    Tham vườn táo rụng bỏ cây nhãn lồng.

    Dị bản

    • Nguồn ân bể ái hẹn hò
      Nước xanh in bóng trăng mờ chung soi
      Nhắn cô nhân ngãi đôi lời
      Sông to nước cả khôn dời lòng nhau

    • Nguồn ân bể ái hẹn hò
      Mấy sông cũng lội mấy đò cũng đi
      Gặp em tên họ là chi
      Ngược thuyền mấy buổi
      Sao nỡ ngoảnh đi chẳng nhìn

Chú thích

  1. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  2. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  3. Hạt tấm
    Mảnh vỡ từ hạt gạo.
  4. Nón dấu
    Cũng gọi là nón sơn hoặc nón dầu sơn, loại nón của lính thời Lê - Nguyễn, gần giống như nón lá nhưng nhỏ hơn, thường đan bằng mây, có chóp bằng đồng.

    Nón dấu

    Nón dấu

  5. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  6. Tương truyền câu này xuất hiện khoảng năm Bính Ngọ (1906), khi Sài Gòn bị nạn dịch hạch làm chết rất nhiều người.
  7. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  9. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  10. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  11. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  12. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  13. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Sân si
    Sân: nóng giận, thù hận; Si: si mê, ngu tối. Theo quan niệm Phật giáo, tham, sân, si là tam độc, những nguyên nhân gây nên nỗi khổ của con người.
  15. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  16. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Xị
    Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.
  18. Băng ca
    Cáng y tế dành khiêng người bị thương hoặc đau ốm, lấy từ từ brancard trong tiếng Pháp.
  19. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  20. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  21. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  22. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  23. Thảo
    Viết ra.
  24. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  25. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  26. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  27. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  28. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  29. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  30. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  31. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  32. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  33. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  34. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  35. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  36. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  37. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  38. Jê-cờ-ri
    Tôi viết (từ tiếng Pháp J'écris).
  39. Ăng-voa
    Gửi (từ tiếng Pháp envoie).
  40. Me xừ
    Từ tiếng Pháp monsieur, nghĩa là "quý ông."
  41. Di-đăng
    Công sứ (từ tiếng Pháp résident).
  42. Tú xon
    Cô đơn, một mình (từ tiếng Pháp tout seul).
  43. Cô soong
    Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
  44. Đờ-puy
    Từ khi (từ tiếng Pháp depuis).
  45. Nô-xờ
    Tiệc cưới (từ tiếng Pháp noce).
  46. Ê-loa-nhê
    Xa cách (từ tiếng Pháp éloigné).
  47. Cu-tô
    Con dao (từ tiếng Pháp couteau).
  48. La cua
    Cái sân (từ tiếng Pháp la cour).
  49. Mút
    Rêu (từ tiếng Pháp mousse).
  50. Luyn
    Mặt trăng (từ tiếng Pháp lune).
  51. La săm
    Buồng (từ tiếng Pháp la chambre).
  52. A-mi
    Bạn thân, bạn gái (từ tiếng Pháp amie).
  53. Sơ-mi
    Nghĩa gốc là áo lót (từ tiếng Pháp chemise). Ngày nay, sơ mi có cổ áo, tay áo và hàng nút phía trước.
  54. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  55. Lơ li
    Cái giường (từ tiếng Pháp le lit).
  56. Biếng ba
    Xanh xao (từ tiếng Pháp bien pale).
  57. Pơ-răng qua
    Lấy gì (từ tiếng Pháp prendre quoi).
  58. Uyn lét
    Một lá thư (từ tiếng Pháp une lettre).
  59. Ca-đô
    Quà (từ tiếng Pháp cadeau).
  60. Ba-tô
    Tàu thủy (từ tiếng Pháp bateau).
  61. Lác-mơ
    Nước mắt (từ tiếng Pháp larme).
  62. Hồ Trúc Bạch
    Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

  63. Xi vu lét-xê moa
    Nếu anh để lại cho tôi (từ tiếng Pháp si vous laissez moi).
  64. Bông cờ
    Lòng tốt (từ tiếng Pháp bon cœur).
  65. Ta xơ
    Chị gái của anh (từ tiếng Pháp ta sœur).
  66. Ơ-rơ
    Sung sướng (từ tiếng Pháp heureux).
  67. Lơ roa
    Vua (từ tiếng Pháp le roi).
  68. Thành Thái
    (14/3/1879 – 24/3/1954) Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Lên ngôi khi mới mười tuổi, ông sớm bộc lộ tinh thần dân tộc và chủ trương đánh Pháp. Nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, đến tháng 5 năm 1945 mới được cho về Việt Nam. Ông sống tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đến năm 1954 thì mất.

    Vua Thành Thái

    Vua Thành Thái

  69. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  70. 23 tháng Tám là ngày âm lịch; tháng Mười là dương lịch, cách nhau hơn một tháng.
  71. Theo Hoàng Ngọc Phách thì Nguyễn Thị Thời là tên một người phụ nữ quê ở Hải Phòng cưới chồng Tây, theo chồng lên Bắc Ninh. Được ít lâu thì chồng về Tây, cô nhờ người viết hộ một lá thư (cô nói ra, người viết ghi vào giấy), sau thành bài ca dao truyền miệng này.
  72. Lý Quốc Sư
    (1065-1141) Tên thật là Nguyễn Chí Thành, tên hiệu Nguyễn Minh Không, đạo hiệu Không Lộ, được nhân dân tôn là Đức thánh Nguyễn. Ông sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình), là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo thời nhà Lý. Ông đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt, đồng thời là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng, được suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng. Lý Quốc Sư là người đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên ở Thăng Long, hai trong số bốn báu vật nổi tiếng gọi là "An Nam Tứ đại khí” của nước Đại Việt thời Lý - Trần (hai báu vật còn lại là chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh).

    Tháp Báo Thiên

    Tháp Báo Thiên

  73. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  74. Quang
    Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.

    Cái quang

    Cái quang

    Quang gánh

    Quang gánh

  75. Tương truyền khi Lý Quốc Sư vào chữa bệnh cho vua đã thổi một niêu đồng gạo mà nở ra nhiều cơm người ăn không hết.
  76. Tê tê
    Còn gọi là con trút (tên gọi dân dã ở miền Trung và miền Nam), thân có lớp vẩy dày. "Vẩy tê tê" là đám mây có dạng như vẩy con tê tê.

    Con tê tê

    Con tê tê

    Mây vẩy tê tê

    Mây vẩy tê tê

  77. Cơn táp
    Cơn gió lốc.
  78. Sự thế
    Việc (sự 事) ở trên đời (thế 世).

    Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
    Ai bày trò bãi bể nương dâu

    (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)

  79. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  80. Siết cạnh
    Nghiêm khắc.
  81. Roi song
    Roi làm bằng cây song, một loại cây họ gỗ, giống cây mây nhưng to và dài hơn. Đánh bằng roi song rất đau. Thời xưa khi tra tấn người ta còn đánh bằng roi song ngâm muối.

    Cây song

    Cây song

  82. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  83. Khôn
    Khó mà, không thể.