Nguồn cơn tôi biết thế này
Thà tôi làm chú ăn mày cho xong
Ngày ngày vác bị đi rong
Tối về nghỉ mát đình trung sướng đời
Giang sơn bên bị bên nồi
Nào ai vui thú với đời thì đi
Tìm kiếm "sương sa"
-
-
Vì sương nên núi bạc đầu
Vì sương nên núi bạc đầu
Biển lay bởi gió, hoa sầu bởi mưa -
Trồng trầu đắp nấm cho cao
-
Nhà em ở cạnh cầu ao
Nhà em ở cạnh cầu ao
Chàng đi xuôi ngược, chàng vào nghỉ chân
Chàng ngồi chàng nghỉ ngoài sân
Cơm thì nhỡ bữa, canh cần nấu suông
Rau cải chưa rắc, rau muống chưa leo
Cơm em mới có lưng niêu
Lửa em tắt mất từ chiều hôm qua
Ngược lên bãi Phú thì xa
Xuôi về bãi Mộc trồng cà lấy dưa … -
Cơ khổ cho đứa giữ trâu
Cơ khổ cho đứa giữ trâu
Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha
Hai hàng nước mắt nhỏ sa
Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?
Tinh sương thức dậy mở trâu
Nón nảy chẳng có lấy đầu che mưa
Thân tôi đi sớm về trưa
Vác cày vác bừa cho mỏi hai vai
Chúa thuê quan mốt chẳng giả quan hai
Tôi ở với ngài cho chẵn ba năm … -
Thân em thái thể đồng tiền
– Thân em thái thể đồng tiền
Lớn thời ăn sáu nhỏ nguyền ăn ba
Chữ đề thông bửu quốc gia
Dân yêu quan chuộng nghĩ đà sướng chưa?
– Thân anh thái thể chuối già
Ăn sáu anh cũng xỏ, ăn ba không từ
Đi ra mua bán đời chừ
Đồng sứt đồng mẻ anh không từ đồng mô
Nói ra thì sợ mất lòng cô
Chứ đường ngay tôi xỏ thẳng, lẽ mô cô giận hờn -
Nhà anh thật khó, không giàu
Nhà anh thật khó, không giàu
Có lời trước, kẻo sau phàn nàn
Nhà anh chỉ có một gian
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
Nồi đất anh treo tứ phương
Chổi cùn, chiếu rách đầy giường em ơi
Không tin, em về mà coi
Chả rồi em bảo là người nói ngoa
Nhà anh có một vườn hoa
Bốn cây cứt lợn xinh đà nên xinh
Trong nhà sập gụ mới tinh
Niễng chui vào bếp, gập ghềnh ba chân
Em lấy anh sung sướng nhất trên trần!Dị bản
Anh đây thật khó, không giàu,
Anh xin nói trước, kẻo sau phàn nàn
Nhà anh chỉ có một gian,
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
Trời làm một trận mưa tuôn,
Nửa bếp cũng đổ, nửa buồng cũng xiêu.
-
Em thấy anh tương tư bệnh chắc
Em thấy anh tương tư bệnh chắc,
em rước ông thầy thuốc Bắc,
em sắc hai chục chén còn lại một phân,
bỏ thêm một lát gừng sống,
một đống gừng lùi,
một nùi chuối hột,
một hộp đương quy,
một ky trái táo,
năm sáu chục trái cà na,
thần sa một lượng,
khoai sượng một chục,
măng cụt một trăm,
rau răm một đám,
cám một bao,
con gái lao rao mười hai đứa,
sứa lửa vài trăm,
lại thêm huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm.
Uống ba thang mà anh không mạnh,
thì em đào hầm chôn luôn! -
Nhớ cơn chung chiếu chung giường
Nhớ cơn chung chiếu chung giường
Nhớ cơn chung lược, chung gương, chung phòng
Nhớ cơn chung gối, chung mùng
Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan
Nhớ cơn nguyệt đổi sao tàn
Cùng nhau thu cúc xuân lan sánh bày
Liễu đông sánh với đào tây
Nước non chỉ nguyện rồng mây đá vàng … -
Bữa rày mồng tám tháng ba
Bữa rày mồng tám tháng ba
Chính thức húy nhật, thật là giỗ anh
Bát cơm, đĩa cá, lưng canh
Nắm rau, hạt muối, xin anh hãy về
Vợ này là vợ chính thê
Phải đời chồng trước thì về ngửi hương
Giỗ này hết khó, hết thương
Hết trông, hết đợi, đoạn trường khúc nôi
Hết buồn rồi lại sang vui
Tiết phu tiết phụ như tôi mấy người?
Nhất tuần mời, nhị tuần mời
Ba năm nay tôi không chửa, sướng đời anh chưa?
Bây giờ tôi được, anh thua
Cho tôi sinh năm đẻ bảy, tôi mua cho ngàn vàng
Vợ chồng đồng tịch, đồng sàng
Đồng sinh đồng tử, giỗ chàng hôm nay
Tại nam quy nam! Tại tây quy tây!
Anh đừng về nữa, nỏ có chi đây mà về! -
Vè đánh Tây
Tượng nghe:
Nước có nguồn, cây có gốc
Huống chi người có da, có tóc
Mà sao không biết chúa, biết cha?
Huống chi người có nóc có gia
Mà sao không biết trung biết hiếu
Hai vai nặng trĩu
Gánh chi bằng gánh cang thường
Một dạ trung lương
Gồng chi bằng gồng xã tắc
Bớ những người tai mắt
Thử xem loại thú cầm:
Trâu ngựa dòng điếc câm
Còn biết đền ơn cho nhà chủ
Muông gà loài gáy sủa
Còn biết đáp nghĩa lại người nuôi … -
Chỉ vì một chữ ăn
Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
Người không chịu làm, hay đi ăn ké
Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng … -
Lý kéo chài
Gió lên rồi căng buồm cho sướng
Gác chèo lên ta nướng khô khoai
Nhậu cho tiêu hết mấy chai
Bỏ ghe nghiêng ngửa không ai chống chèoVideo
-
Ví dầu quần áo tả tơi
-
Quanh năm cấy hái cày bừa
-
Vừa nghe tàu điện rung chuông
Vừa nghe tàu điện rung chuông
Leng keng đánh thức màn sương Tây Hồ
Đường vui rộn bánh xe bò,
Lao xao Yên Phụ tiếng hò gọi nhau
Hỏi mình: – Chuyên chở về đâu
Ngụy trang xanh ngắt một màu thế kia?
Rằng: – Rau Quảng Bá đây mà,
Rau vào xí nghiệp, rau ra chiến trường
Rau tình, rau nghĩa quê hương
Lại đây, đẩy một đoạn đường hộ rau -
Chiều trông về núi Tô Châu
-
Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
Dấn thân vào những chỗ hang sâu
Quanh năm cơm nắm nước bầu
Trời xanh mây biếc trên đầu biết chi
Dưới lò giếng lần đi từng bước
Đào khoét ra mới được đồng công
Suốt ngày cặm cụi lao lung
Than già, đá rắn cũng không quản gì
Tay cầm cuốc, mặt thì cúi gập
Lưng gò vào như gấp làm đôi
Loanh quanh xoay xở hết hơi
Tấm thân như hãm vào nơi ngục tù
Mãi đến lúc sương mù ngả bóng
Mới là giờ vội vã trèo lên
Trong ra non nước hai bên
Biết mình còn sống ở trên cõi trần. -
Vè tàu điện
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
“La ga” thì ở Thụy Chương
Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên
Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền kí cược đi làm sơ vơ … -
Nam Định là chốn quê nhà
Nam Định là chốn quê nhà
Có ai về mộ cu li ra làm
Anh em cơm nắm rời Nam
Theo ông cai mộ đi làm mỏ than
Cu li kể có hàng ngàn
Toàn là rách mặc, đói ăn, vật vờ
Điểm mặt nhớn bé cũng vừa
Từ nhớn chí bé không thừa một ai
Điểm rồi lại phải theo cai
Những cai đầu dài thúc giục ra đi
Ra ngay cà rạp tức thì
Hỏi chủ cà rạp ta đi tàu nào?
Anh em bàn tán xôn xao
– “Ta đi tàu nào đấy hả ông cai?”
– Xô-pha tới bến đây rồi
Anh em cơm nước, nghỉ ngơi, xuống tàu
Xuống tàu chờ đợi đã lâu
Đến giờ tàu tiến chẳng thấy cai ra
Cai dặn cứ xuống Xô-pha
Chừng độ sáu rưỡi thì ra tới Phòng
Hải Phòng hai sở song song
Bên kia Hạ Lý, Hải Phòng bên đây
Một ngày tàu đã tới ngay
Trông lên Cẩm Phả vui thay trăm đường …
Chú thích
-
- Đình trung
- Giữa (sân) đình.
-
- Giang sơn
- Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Sào
- Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
-
- Mẫu
- Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
-
- Rau cần
- Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.
-
- Suông
- Thiếu hẳn nội dung quan trọng, gây nên sự nhạt nhẽo: Nấu canh suông (nấu canh chỉ có rau, không thịt cá), uống rượu suông (uống rượu không có thức nhắm)...
Ðêm suông vô số cái suông xuồng,
Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông!
(Đêm suông phủ Vĩnh - Tản Đà)
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Cơ khổ
- Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
-
- Hói
- Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.
-
- Chúa
- Chủ, vua.
-
- Giả
- Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
-
- Thái thể
- Như thể.
-
- Ăn một, ăn ba, ăn sáu
- Cách tính giá trị của đồng tiền trước đây. Tiền ăn một là một đồng tiền kẽm. Tiền ăn ba có pha đồng thau, có giá trị bằng ba đồng kẽm. Tiền ăn sáu to bản hơn, dày nặng, không thông dụng bằng hai đồng kia.
Xem thêm bài Một quan tiền tốt mang đi.
-
- Thông Bảo
- 通寶, hai chữ thường thấy nhất trên các đồng tiền ngày trước, nghĩa là đồng tiền lưu hành thông dụng. Hai chữ này xuất hiện lần đầu tiên trong tiền Khai Nguyên Thông Bảo do Đường Cao Tổ của Trung Quốc đúc năm 621.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Cứt lợn
- Còn có tên là cỏ hôi hoặc cây bù xít, một loại cây mọc hoang có mùi rất hắc. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng; thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...
-
- Sập
- Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.
-
- Niễng
- Có nơi gọi là mễ, đà, dụng cụ dùng để kê sập, kê phản.
-
- Thuốc bắc
- Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.
-
- Lùi
- Nướng bằng cách ủ (khoai, mía, bắp...) vào tro nóng cho chín.
-
- Chuối hột
- Một loại chuối dại bản địa của vùng Đông Nam Á, quả có nhiều hạt, là một trong những tổ tiên của các loại chuối hiện đại. Ở ta, chuối hột non (chuối chát) được chế biến thành nhiều món ăn phong phú, ngoài ra chuối hột còn được dùng làm vị thuốc.
-
- Ki
- Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
-
- Trám
- Người Nam Bộ gọi là cà na từ cách phát âm của người Triều Châu, âm Hán Việt là cảm lãm, một loại cây thân gỗ thường đươc trồng để lấy gỗ và nhựa. Quả trám căng tròn màu xanh nhạt, dài hơn một lóng tay, vị chua chua hơi chát, dùng kho cá hoặc muối dưa.
-
- Chu sa
- Thể bột được gọi là chu sa, thể cục gọi là thần sa, một loại khoáng thạch có màu đỏ (chu sa có nghĩa là cát đỏ) được dùng trong Đông y, có tác dụng an thần.
-
- Măng cụt
- Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.
-
- Rau răm
- Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.
-
- Sứa lửa
- Một loại sứa có màu hồng nhạt, trong xúc tu có nhiều tế bào gai chứa chất độc có thể gây nguy hiểm cho người nếu chạm phải.
-
- Huỳnh liên
- Còn có tên là so đo bông vàng, một loại cây cao từ 2-4m, có hoa to màu vàng tươi, rễ được dùng làm thuốc.
-
- Gáo vàng
- Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.
-
- Hoàng cầm
- Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...
-
- Thang thuốc
- Một gói gồm các vị thuốc có một tác dụng chung nào đó (trị bệnh, bồi bổ cơ thể...). Một thang thuốc thường chia sắc uống làm hai lần hoặc ba lần, tùy đơn kê của thầy thuốc.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Nguyệt
- Mặt trăng (từ Hán Việt).
-
- Rồng mây
- Còn nói hội rồng mây, hội long vân, chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt, nguyên từ một câu trong Kinh Dịch "Vân tùng long, phong tùng hổ" (mây theo rồng, gió theo hổ), ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm đến nhau. Trong ca dao Nam Bộ, rồng mây lại biểu trưng cho sự hòa hợp gắn bó giữa đôi lứa trong tình yêu.
-
- Đá vàng
- Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
-
- Húy nhật
- Ngày kị, ngày giỗ. Từ Hán Việt húy nghĩa là tên của người chết.
-
- Chính thê
- Vợ chính, vợ cả.
-
- Đoạn trường
- Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
-
- Khúc nôi
- Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
-
- Tiết phu tiết phụ
- Giữ trọn tình nghĩa vợ chồng.
-
- Tuần
- Một lần rót (rượu, trà...)
-
- Đồng tịch đồng sàng
- Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
-
- Đồng sinh đồng tử
- Sống chết có nhau.
-
- Nỏ
- Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Gia
- Nhà (từ Hán Việt).
-
- Cương thường
- Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).
Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
-
- Trung lương
- Trung chính và lương thiện.
-
- Xã tắc
- Đất nước (xã là đất, tắc là một loại lúa).
-
- Thuở tạo thiên
- Lúc mới lập ra trời đất.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Khô khoai
- Khô cá khoai. Cá khoai, có nơi gọi là cá cháo, là một loại cá có nhiều ở các vùng biển Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, và nhất là Cà Mau. Cá dùng để nấu canh, nấu lẩu, hoặc làm cá khô.
-
- Ví dầu
- Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
-
- Chiêm, mùa
- Trước đây, nông dân thường làm một năm hai vụ. Vụ chiêm cấy trước Tết và gặt vào tháng năm âm lịch, vụ mùa cấy tháng sáu và gặt tháng mười âm lịch.
-
- Cần
- Siêng năng (từ Hán Việt).
-
- Hồ Tây
- Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.
-
- Yên Phụ
- Tên cũ là Yên Hoa, một làng cổ nằm ven Hồ Tây, có nghề nuôi cá cảnh và nghề làm hương đốt. Nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ô Yên Phụ nằm ở làng là một trong năm cửa ô nổi tiếng từ thời xưa của Hà Nội.
-
- Quảng Bá
- Tên cũ là Quảng Bố, một làng cổ nằm ven đê sông Hồng và bên bờ Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Quảng Bá nổi tiếng từ xưa với nghề trồng rau, trồng đào và các loại hoa Tết. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng các loại hoa đã bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa.
-
- Núi Tô Châu
- Một dãy núi nằm ở phía tây của vũng Đông Hồ, Hà Tiên, bao gồm hai ngọn núi là Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu, nay thuộc phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tiểu Tô Châu nằm sát bờ Đông Hồ, trên có nhiều chùa chiền, tịnh xá. Đại Tô Châu nằm về phía đông nam của Tiểu Tô Châu, trên núi có nền đá xưa từ thời họ Mạc
-
- Đồi mồi
- Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.
-
- Lò giếng
- Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- La ga
- Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
-
- Nhà ga Sở Xe điện Hà Nội được xây năm 1889 ở làng Thụy Khuê (tên cũ là Thụy Chương), phía gần sông Tô Lịch, nay là nhà số 67B phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
-
- Bồi
- Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.
Biết thân, thuở trước đi làm quách,
Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!
(Than nghèo - Tú Xương)
-
- Tiền kí cược
- Khoản tiền cọc, đặt trước để bảo đảm.
-
- Sơ vơ
- Người soát vé tàu, theo âm tiếng Pháp serveur.
-
- Nam Định
- Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Cai mộ
- Người trông coi, quản lí việc tuyển mộ phu phen dưới thời Pháp thuộc.
-
- Cà rạp
- Cách phiên âm từ craft, nghĩa là tàu.
-
- Sauvage
- Tên một hãng vận tải đường thủy lớn của Pháp ở các nước Đông Dương vào đầu thế kỉ 20. Dân gian cũng gọi hãng này là hãng Tây Điếc vì chủ hãng là Fortuné Sauvage bị điếc.
-
- Hải Phòng
- Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn và Ngô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.
-
- Hạ Lý
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hải Phòng, nằm bên bờ sông Cấm.
-
- Cẩm Phả
- Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.