Bốn thầy trò lên núi thỉnh kinh
Cái bụng chình ình là Trư Bát Giới
Cái mặt phơi phới là quỷ Sa Tăng
Cái mặt lăng nhăng là Đường Tam Tạng
Cái mặt liều mạng là Tôn Ngộ Không
Cái mặt có lông là Tam Thái Tử
Cái mặt hung dữ là Hồng Hài Nhi
Ai cầm cái li là Quan Âm Bồ Tát
Ai cầm cái bát là Phật Tổ Như Lai
Ai mà hay sai là Ngọc Hoàng Thượng Đế
Tìm kiếm "từ nan"
-
-
Ai đem tôi đến chốn này
Ai đem tôi đến chốn này
Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
Trên đồn có lão quan hai
Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
Một chiếc thì chạy Cốt Na
Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
Đến mười hai giờ bốn mươi
Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
Nó quát một tiếng chẳng là
Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
Người thì ghè đá nung vôi
Người thì vác gỗ ai coi cho tường
Người thì xẻ đất đắp đường
Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
Người thì xẻ ván đóng xe
Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
Người xe hỏa, người máy rồng
Người biên kho gỗ, người trông kho dầu … -
Trà Vinh có bún nước lèo
-
Chim gì kêu suốt mùa hè
Chim gì kêu suốt mùa hè,
Nó kêu “nước nước” ven đê, ven đường?
Chim gì kêu chẳng ai thương,
Kêu ra người mắng tìm đường bay xa?
Chim gì kêu giữa tháng ba,
Giục chùm vải chín là đà bên sông?
Chim gì nhảy nhót trên đồng,
Trên lưng trâu đậu mà trông luống cày?
Chim gì làm tổ trên cây,
Chim gì sẵn đó đẻ ngay tức thì,
Đẻ rồi chắp cánh bay đi,
Ấp nở mặc trứng, con thì không nuôi?
Chim gì mà lượn trên giời,
Rình con gà nhỏ làm mồi nó ăn?
Chim gì bé tị lăn tăn,
Làm tổ cây ngáinhện chăng ven đường?
Chim gì đuôi, cánh màu vàng,
Véo von cho cả xóm làng đều thân?
Chim gì bay ra ầm ầm?
Chim gì ăn tối âm thầm đó ai?
Chim gì hót đủ trăm bài?
Chim gì mặt nguyệt xòe dài lông đuôi?
Chim gì chả thấy ai nuôi,
Chỉ đậu cửa điện, đứng nơi cửa đền?Là những loại chim gì?Chim cuốc kêu suốt mùa hè,
Nó kêu “nước, nước” ven đê ven đường.
Chim quạ kêu chẳng ai thương,
Kêu ra người mắng, tìm đường bay xa.
Tu hú kêu vào tháng ba,
Giục chùm vải chín là đà ven sông.
Sáo sậu nhảy nhót trên đồng,
Trên lưng trâu đậu mà trông luống cày.
Bồ các làm tổ trên cây,
Tu hú đẻ đó liền ngay tức thì.
Đẻ rồi chắp cánh bay đi,
Ấp nở mặc trứng, con thì không nuôi.
Diều hâu mà lượn trên giời,
Rình con gà nhỏ làm mồi nó ăn.
Chim sâu bé tị lăn tăn,
Làm tổ cây ngái nhện chăng ven đường.
Hoàng anh đuôi cánh màu vàng,
Véo von cho cả xóm làng đều thân.
Én, mòng bay lượn ầm ầm,
Chim vạc ăn tối âm thầm đó ai.
Chim khướu hót đủ trăm bài,
Chim công mặt nguyệt xòe dài lông đuôi.
Chim hạc chẳng thấy ai nuôi
Chỉ đậu cửa điện, đứng nơi cửa đền. -
Mẹ mình khéo đẻ mình ra
Mẹ mình khéo đẻ mình ra
Đẻ mình mười bốn, đẻ ta hôm rằm.
Mình đen ta cũng ngăm ngăm
Mẹ ta thách cưới một trăm quan tiền
Mình về bán tổ bán tiên
Bán ruộng tư điền chẳng lấy được ta
Mình về bán cửa bán nhà
Bán kèo bán cột bán xà đòn tay
Mình về bán mẹ đêm nay
Lấy được quân này đất lở trời long.
Bao giờ bạc đổ ra nong
Tiền quây, thóc cót lấy xong quân này
Quân này quân ăn quân chơi
Quân đánh trống bỏi, quân bơi thuyền rồng.
Gái này là gái kén chồng
Kén từ tỉnh Bắc, tỉnh Đông, tỉnh Đoài
Kén từ mười tám ông cai
Mười lăm ông đội, mười hai ông đồn.
Kén từ con cháu nhà vua
Bước chân xuống chùa lễ Phật ăn chay -
Canh một nổi ngọn đèn loan
Canh một nổi ngọn đèn loan,
Chờ người thục nữ thở than đôi lời.
Canh hai nguyệt đổi sao dời,
Tính sao thì tính trọn đời thủy chung.
Canh ba cờ phất, trống rung,
Mặc cho ai thẳng, ai chùn mặc ai.
Canh tư hạc đậu cành mai,
Sương sa lác đác, biết ai mà tầm.
Canh năm không ngủ, không nằm,
Trông cho mau sáng đặng tầm người thươngDị bản
Canh một thơ thẩn vào ra
Chờ trăng trăng lặn, chờ hoa hoa tàn,
Canh hai ngồi tựa phòng loan,
Để cho thiếp tới thở than đôi lời.
Canh ba đang nói đang cười
Còn hai canh nữa mỗi người một nơi
Canh tư cắt tóc thề nguyền
Khởi lai minh bạch trọn niềm thủy chung.
Canh năm cờ phất trống rung,
Gá tiếng cùng em hỡi nghe ai!
Đặt mình xuống chiếu không sai
Đừng thương mà nhớ đừng sầu mà hưCanh một thơ thẩn vào ra
Chờ trăng trăng lặn, chờ hoa hoa tàn,
Canh hai thắp ngọn đèn loan,
Chờ người quân tử thở than vài lời.
Canh ba đương nói đương cười
Còn hai canh nữa mỗi người một phương.
Canh tư cất bút thề nguyền
Khứ lai minh bạch cho tuyền thủy chung.
Canh năm cờ phất trống rung,
Anh gá tiếng cùng bậu chớ nghe ai.Bước qua canh một, anh đốt ngọn đèn vàng,
Chờ người bạn cũ thở than đôi lời.
Canh hai nguyệt đổi, sao dời,
Cùng nhau tính chuyện trọn đời thủy chung.
Canh ba cờ phất trống rung,
Mặc ai, ai thẳng, ai dùng, mặc ai.
Canh tư hạc đậu nhành mai,
Sương sa lác đác biết ai mà tầm.
Canh năm nằm dựa phòng loan,
Mỏi mòn chờ đợi người bạn vàng của anh.
-
Cô mơ cô mận cô đào
Cô mơ cô mận cô đào
Trong ba cô ấy ai nào kém ai
Cô mít thì chỉ nói dai
Còn như cô dứa sởn gai cũng kì
Bình boong lại giống hồng bì
Trong lòng những hạt có gì nữa đâu
Quý thay bậc nhất cô cau
Cúng người cúng Phật khấn cầu bình yên
Trước là hai chữ nhân duyên
Nghinh hôn sính lễ được nên vợ chồng
Trung thu mới thấy cô hồng
Cô cam, cô quýt ra lòng đua chơi
Lạ lùng anh mới tới nơi
Hỏi thăm cô nhãn là người ở đâu
Xuân xanh chừng mấy tuổi đầu
Mà xem ăn vận ra mầu gái tơ
Cô táo chính thực lẳng lơ
Ở cao có ý đợi chờ tình nhân … -
Lương duyên do túc đế,
-
Thư gửi chồng
Jê-cờ-ri một bức tình thư,
Ăng-voa, thăm hỏi me-xừ di-đăng
Tú xon gạt nước mắt than rằng:
Cô-song cái phận lăng nhăng nhỡ nhàng.
Đờ-puy thiếp bén duyên chàng,
Nô-xờ chưa được một bàn tiệc vui.
Ê-loa-nhê ai khéo giục xui,
Cu-tô ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa
La cua mút mọc, luyn tà,
La săm biết lấy ai là a-mi
Lạnh lùng mảnh áo sơ-mi
Năm canh trằn trọc lơ li một mình.
A-mi ai có thấu tình,
Để cho đến nỗi thân mình biếng ba
Pơ-răng qua để làm quà,
Jê-cơ-ri uyn lét để mà ca-đô
Tự ngày bước xuống ba-tô
Lác-mơ nó chảy như hồ Trúc Yên
Xi vu lét-xê moa tiền,
Thì moa cũng chẳng được yên bông cờ
Tiện lời thăm hỏi ta xơ,
Cùng cả gia quyến ơ-rơ thanh nhàn.
Lơ roa Thành Thái Annam
23 tháng Tám bước sang tháng Mười
Tên em là Nguyễn Thị Thời. -
Quít giấy Hương Cần
-
Cô Thỉ cô Thi
Cô Thỉ cô Thi
Cô đang đương thì, cô kẹo với ai ?
Cô Tú kẽo kẹt cô cai
Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông
Mâm cốm kẹo với mâm hồng
Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi
Mâm thịt kẹo với mâm xôi
Thịt bùi xôi dẻo kẹo nơi bà già
Cùi dừa kẹo với bánh đa
Cái đĩa thịt gà kẹo với lá chanh
Nồi cơm kẹo với nồi canh
Quả bí trên cành kẹo với tôm he
Bánh rán kẹo với nước chè
Cô kia cò kè kẹo với ai đây ?
Bà cốt kẹo với ông thầy
Con chim loan phượng kẹo cây ngô đồng -
Vè cá biển
Hai bên cô bác
Lẳng lặng mà nghe
Nghe tôi kể cái vè
Ngư lương, tử hổ
Lý sâm, lý chuối
Dưới rạch, dưới ngòi
Cá nục, cá úc
Cá thơm, cá thác
Hơi nào mà kể hết
Cá nơi làng này
Thần linh chiêm bái
Vậy mới cất chùa chiền
Mới đúc Phật, đúc chuông
Cô bác xóm giềng
Lẳng lặng mà nghe
Cá nuôi thiên hạ
Là con cá cơm,
Không ăn bằng mồm
Là con cá ngát
Không ăn mà ú
Là con cá voi,
Hai mắt thòi lòi
Là cá trao tráo … -
Bực mình lên tận thiên cung
Bực mình lên tận thiên cung
Bắt ông Nguyệt lão hỏi thăm vài lời
Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi
Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì
Biết người biết mặt nhau chi
Để đêm em tưởng ngày thì em mơ
Bắc Ninh cho đến Phủ Từ
Qua cầu sông Nhị ngẩn ngơ tìm người
Tìm người chẳng biết mấy nơi
Tìm ba mươi sáu phố thấy người ở đây. … -
Nghìn thu gặp hội thái bình
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe. … -
Tử vi xem số cho người
Tử vi xem số cho người
Số thầy thì để cho ruồi nó bâu -
Tự nhiên cắt cổ đem chôn
-
Tứ bề thành lũy rất cao
-
Từ khi em gái lấy chồng
Dị bản
Một mai em gái theo chồng,
Còn đâu bánh giá Chợ Giồng mời anh?
-
Từ ngày em về nhà này
Từ ngày em về nhà này
Tưởng ngày một khá, hóa ngày một hư
Đi chợ ăn những quà trừ
Đi tắm mất váy khư khư chạy về
Nấu cơm trên sống dưới khê
Đủ cả tứ bề như thể cháo hoa
Bữa ăn nồi bảy nồi ba
Quanh năm ngày tháng chẳng ra đồng nào
Rửa bát ngủ gật cầu ao
Ngủ trưa chồng gọi kêu sao nhức đầu
Ăn nói cảu nhảu càu nhàu
Sai em rinh nước đổ vào tàu khoai
Việc ăn em chẳng kém ai
Hễ mó đến gánh thì vai sứt hờ
Việc làm chểnh mảng thờ ơ
Lại thêm một chút làm thơ với chồng. -
Từ khi em về làm dâu
Từ khi em về làm dâu
Thì anh dặn bảo trước sau mọi lời
Mẹ già dữ lắm em ơi
Nhịn ăn, nhịn mặc nhịn lời mẹ cha
Nhịn cho nên cửa nên nhà
Nên kèo nên cột nên xà tầm vông
Nhịn cho nên vợ nên chồng
Thì em coi sóc lấy trong cửa nhà
Đi chợ thì chớ ăn quà
Về chợ thì chớ rề rà ở trưa
Dù ai bảo đợi bảo chờ
Thì em nói dối: con thơ em về
Chú thích
-
- Trư Bát Giới
- Một trong ba đồ đệ phò tá Đường Tam Tạng đi Tây Thiên lấy kinh trong truyện Tây Du Ký. Vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình, vì say rượu và trêu ghẹo Hằng Nga mà y bị đày xuống hạ giới trong bộ dạng nửa người nửa lợn với tính cách lười biếng, tham ăn, mê sắc dục, và hay đố kị với Tôn Ngộ Không. Bát Giới có tổng cộng 36 phép biến hóa thần thông, sử dụng vũ khí là cái bồ cào.
-
- Sa Ngộ Tịnh
- Thường gọi là Sa Tăng, đồ đệ út (sau Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới) của Đường Tam Tạng trong tiểu thuyết Tây Du Ký. Y vốn lãnh chức Quyển Liêm Đại Tướng trên thiên đình, chuyên coi rèm cho Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì say rượu đánh vỡ chén lưu ly ở hội Bàn Đào mà bị đày xuống sông Lưu Sa làm thủy quái, rồi sau được Đường Tăng thu phục, chuyên gánh đồ đạc và giữ ngựa Bạch Long trên đường thỉnh kinh. Sa Tăng có 18 phép thuật, giỏi chiến đấu dưới nước, và dùng vũ khí là một cây bảo trượng nặng 5.048 cân.
-
- Huyền Trang
- Thường gọi là Đường Tam Tạng hoặc Đường Tăng, một cao tăng sống vào thời Đại Đường ở Trung Quốc (nên cũng gọi là Đường Huyền Trang). Ông tên tục Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y), sinh khoảng năm 602-604 tại Lạc Châu, huyện Câu Thị, tỉnh Hà Nam, quy y từ rất sớm. Ông là người đã sang Ấn Độ (thời ấy gọi là Tây Trúc) để học Phật pháp trong nguyên gốc tiếng Phạn và đem về phổ biến ở Trung Quốc. Chuyến đi Ấn Độ của ông được dân gian thần thoại hóa, và được Ngô Thừa Ân chép lại thành bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa. Trong truyện, Đường Tăng được mô tả là một người hiền lành nhưng nhu nhược và u mê, thường bị yêu quái đón bắt để ăn thịt.
-
- Tôn Ngộ Không
- Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.
-
- Na Tra
- Một vị thần trong thần thoại dân gian Trung Hoa, được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc như Tây du ký và Phong thần diễn nghĩa. Ông là con út của Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, em của Kim Tra và Mộc Tra (nên cũng gọi là Tam thái tử). Na Tra được miêu tả là một vị thiên tướng khôi ngô, tuấn tú, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng, môi đỏ, bản tính nóng nảy, thẳng thắn, tay cầm thương, tay cầm vòng càn khôn, chân đi bánh xe Phong Hỏa.
-
- Hồng Hài Nhi
- Một con yêu quái trong truyện Tây Du Ký. Hồng Hài Nhi là con của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công chúa (Bà La Sát), có hình hài của một đứa bé nhưng đã trên ba trăm tuổi, ngụ ở Hỏa Vân Động. Hồng Hài Nhi là khắc tinh của Tôn Ngộ Không, đã đốt chết Tôn Ngộ Không một mạng tại núi Hồng Lĩnh. Sau Hồng Hài Nhi được Quan Âm thu phục, phong làm Thiện Tài Đồng Tử.
-
- Quan Âm bồ tát
- Quan Âm, Quan Thế Âm, Quán Âm, Phật Bà đều là các tên gọi khác nhau của Quán Thế Âm, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Theo đạo Phật cũng như dân gian, Quan Âm có hình hài của một người phụ nữ, gương mặt hiền lành phúc hậu, đứng hoặc ngồi xếp bằng trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn - vì vậy những người gặp nạn thường niệm "Nam mô Quan Thế Âm bồ tát." Một số tài liệu, hình vẽ và tượng lại mô tả Quan Âm là một vị phật có nghìn mắt, nghìn tay để quán xuyến việc thế gian.
-
- Thích Ca
- Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.
-
- Ngọc Hoàng Thượng Đế
- Thường được gọi tắt là Ngọc Hoàng, cũng gọi là Ngọc Đế hoặc Thiên Đế, vị vua tối cao của bầu trời, cai quản Thiên đình trong quan niệm của Trung Quốc và Việt Nam. Theo thần thoại, Ngọc Hoàng Thượng Đế là người trần, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Ngọc Hoàng cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên.
-
- Bãi Cháy
- Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Quan hai
- Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
-
- Cửa Lục
- Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.
-
- Hà Tu
- Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.
-
- Hà Lầm
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Còi tầm
- Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Síp lê
- Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
-
- Bún nước lèo
- Một loại bún đặc sản ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Nước lèo của bún được nấu từ một số loại mắm thông thường như mắm cá sặc hay cá linh, riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc, cá kèo, cá lóc hoặc lươn. Khi ăn, bún được nhúng vào nồi nước lèo đang sôi, sau đó vớt ra cho vào tô rồi múc nước lèo đổ vào, thêm rau cải, cá, thịt, tép, chanh, giấm ớt…
-
- Chùa Ông Mẹt
- Một ngôi chùa cổ ở Trà Vinh. Theo lời truyền kể thì chùa được tạo dựng đầu tiên vào khoảng năm 642 tại khu vực gần sân vận động tỉnh bây giờ. Đến khoảng năm 711, chùa mới được dời về vị trí hiện nay (đường Lê Lợi, phường 1, thành phố Trà Vinh). Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, và hiện là nơi đặt Trường trung cấp Phật học Nam tông Khmer.
-
- Ao Bà Om
- Một thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh. Theo truyền thuyết, ao được đào bởi bên nữ trong một cuộc thi, dưới sự lãnh đạo của một người tên là Om. Ao có hình chữ nhật, rộng 300m, dài 500m (vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông). Ngày nay ao Bà Om thường được các học sinh sinh viên chọn làm nơi cắm trại vào những dịp lễ hay lúc nghỉ hè.
-
- Quan Công
- Tên thật là Quan Vũ, tự là Vân Trường, Trường Sinh, một danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Quan Công là một trong những nhân vật lịch sử được biết đến nhiều nhất ở Đông Á, hình ảnh của ông được đưa vào nhiều loại hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh v.v. Ông được biểu tượng hóa thành hình mẫu con người trung nghĩa, chính trực, được thờ phụng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hồng Kông.
-
- Hiếu Tử
- Tên một xã thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, trước thuộc vùng Trà Tử. Tại đây có đình Vĩnh Yên, nơi thờ Bố chính Trần Tuyên.
-
- Trần Tuyên
- Còn có tên là Trần Trung Tiên, một vị quan nhà Nguyễn. Ông quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1841, ông được cử làm Bố chính sứ Vĩnh Long. Cùng năm, ông tử trận ở vùng Trà Tử khi đang cầm quân đánh dẹp quân nổi loạn Sâm Lâm. Tại xã Hiếu Tử hiện vẫn còn đền thờ ông.
-
- Đê
- Một lũy đất nhân tạo hay tự nhiên kéo dài dọc theo các bờ sông hoặc bờ biển để ngăn lũ lụt.
-
- Vải
- Tên Hán Việt là lệ chi, một loại cây ăn quả thân gỗ vùng nhiệt đới. Quả có lớp vỏ màu đỏ, sần sùi dễ bóc, bên trong là lớp cùi thịt màu trắng mờ, ăn rất ngọt. Quả được thu hoạch vào mùa hè.
-
- Giời
- Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
-
- Ngái
- Một loại cây thuộc họ dâu tằm, có tên khác là sung ngái, dã vô hoa. Theo kinh nghiệm dân gian, tất cả các bộ phận của cây ngái đều có tác dụng chữa bệnh.
-
- Mặt nguyệt
- Một loại họa tiết cổ gồm một hình dĩa tròn tựa trên mấy cụm mây, thường xuất hiện trên mái đình, chùa. Họa tiết này thường kèm theo hình hai con rồng.
-
- Quạ
- Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.
-
- Tu hú
- Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.
-
- Sáo sậu
- Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.
-
- Ác là
- Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.
-
- Diều hâu
- Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.
-
- Chim sâu
- Tên chung của một số loài chim nhỏ như chim sẻ, thường ăn mật hoa, quả mọng, nhện và sâu bọ.
-
- Hoàng anh
- Còn gọi là chim vàng anh hay hoàng oanh, là loài chim di cư nhỏ, ăn côn trùng và quả cây. Hoàng anh trống nổi bật với bộ lông vàng và đen, hoàng anh mái có bộ lông vàng ánh xanh lục.
-
- Én
- Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.
-
- Hải âu
- Còn gọi là chim mòng hay mòng biển. Là loài chim có kích thước từ trung bình tới lớn, thường có màu xám hay trắng, với các đốm đen trên đầu hay cánh, mỏ dài khỏe, chân có màng bơi. Người đi biển có thể xem chim hải âu bay để dự đoán thời tiết.
-
- Khướu
- Loại chim nhỏ, lông dày xốp, thường có màu xỉn, cánh tròn, chân khỏe và cao, thích nghi với việc di chuyển trên mặt đất và các cành cây. Chim khướu có nhiều loài khác nhau, có tiếng hót hay và vang xa nên thường được nuôi làm cảnh.
-
- Công
- Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.
-
- Hạc
- Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.
Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng
(Nhị thập tứ hiếu)
-
- Tư điền
- Ruộng của riêng.
-
- Kèo
- Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.
-
- Đòn tay
- Đoạn tre hay gỗ nằm trên kèo, dùng để đỡ rui của mái nhà.
-
- Trống bỏi
- Trống bằng giấy cho trẻ con chơi, hai bên có hai sợi dây, đầu buộc một hạt nặng, đập vào mặt giấy thành tiếng khi xoay nhanh.
-
- Kinh Bắc
- Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...
Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họ và lễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
-
- Xứ Đông
- Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
-
- Xứ Đoài
- Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Thục nữ
- Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
-
- Nguyệt
- Mặt trăng (từ Hán Việt).
-
- Thủy chung
- Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
-
- Tầm phơ tầm phất
- Từ chỉ những sự vật hoặc sự việc không có nghĩa lí gì.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Phòng loan
- Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.
Người vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài
(Truyện Kiều)
-
- Khởi lai
- Trỗi dậy, như khi đang nằm thì ngồi dậy (từ Hán Việt).
-
- Minh bạch
- Rõ ràng (từ Hán Việt).
-
- Gá tiếng
- Cất tiếng (phương ngữ). Còn nói gá lời.
-
- Khứ lai
- Đi lại (từ Hán Việt).
-
- Bậu
- Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Tầm
- Tìm (từ Hán Việt)
-
- Mơ
- Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Mận
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.
Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Đào
- Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.
-
- Mít
- Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...
-
- Dứa
- Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.
-
- Hồng bì
- Cũng gọi là quất bì, quất hồng bì hoặc hoàng bì, một loại cây được trồng nhiều ở miền Bắc. Quả hồng bì khi chín có vị chua, mùi thơm, có thể để ăn tươi, làm mứt, cất rượu hoặc làm thuốc.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Nghinh hôn
- Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
-
- Sính lễ
- Lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới.
-
- Hồng
- Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.
-
- Lương duyên do túc đế, giai ngẫu tự thiên thành
- Duyên lành do có cội gốc trước, chuyện đôi lứa là do trời định nên.
-
- Phên
- Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.
-
- Jê-cờ-ri
- Tôi viết (từ tiếng Pháp J'écris).
-
- Ăng-voa
- Gửi (từ tiếng Pháp envoie).
-
- Me xừ
- Từ tiếng Pháp monsieur, nghĩa là "quý ông."
-
- Tú xon
- Cô đơn, một mình (từ tiếng Pháp tout seul).
-
- Cô soong
- Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
-
- Đờ-puy
- Từ khi (từ tiếng Pháp depuis).
-
- Nô-xờ
- Tiệc cưới (từ tiếng Pháp noce).
-
- Ê-loa-nhê
- Xa cách (từ tiếng Pháp éloigné).
-
- Cu-tô
- Con dao (từ tiếng Pháp couteau).
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- La cua
- Cái sân (từ tiếng Pháp la cour).
-
- Mút
- Rêu (từ tiếng Pháp mousse).
-
- Luyn
- Mặt trăng (từ tiếng Pháp lune).
-
- La săm
- Buồng (từ tiếng Pháp la chambre).
-
- A-mi
- Bạn thân, bạn gái (từ tiếng Pháp amie).
-
- Sơ-mi
- Nghĩa gốc là áo lót (từ tiếng Pháp chemise). Ngày nay, sơ mi có cổ áo, tay áo và hàng nút phía trước.
-
- Lơ li
- Cái giường (từ tiếng Pháp le lit).
-
- Biếng ba
- Xanh xao (từ tiếng Pháp bien pale).
-
- Pơ-răng qua
- Lấy gì (từ tiếng Pháp prendre quoi).
-
- Uyn lét
- Một lá thư (từ tiếng Pháp une lettre).
-
- Ca-đô
- Quà (từ tiếng Pháp cadeau).
-
- Ba-tô
- Tàu thủy (từ tiếng Pháp bateau).
-
- Lác-mơ
- Nước mắt (từ tiếng Pháp larme).
-
- Hồ Trúc Bạch
- Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).
-
- Xi vu lét-xê moa
- Nếu anh để lại cho tôi (từ tiếng Pháp si vous laissez moi).
-
- Bông cờ
- Lòng tốt (từ tiếng Pháp bon cœur).
-
- Ta xơ
- Chị gái của anh (từ tiếng Pháp ta sœur).
-
- Ơ-rơ
- Sung sướng (từ tiếng Pháp heureux).
-
- Lơ roa
- Vua (từ tiếng Pháp le roi).
-
- Thành Thái
- (14/3/1879 – 24/3/1954) Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Lên ngôi khi mới mười tuổi, ông sớm bộc lộ tinh thần dân tộc và chủ trương đánh Pháp. Nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, đến tháng 5 năm 1945 mới được cho về Việt Nam. Ông sống tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đến năm 1954 thì mất.
-
- Quýt giấy
- Một giống quýt vỏ màu đỏ tươi, mọng căng, mỏng vỏ nhiều nước, vị chua đậm đà.
-
- Hương Cần
- Một làng bên sông Bồ, thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên–Huế. Quýt Hương Cần là giống quýt quý hiếm nổi tiếng, sinh thời Nguyễn Du và Tùng Thiện Vương có làm thơ ca tụng.
-
- Mỹ Lợi
- Làng cổ thành lập từ thế kỉ 16, thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Làng nổi tiếng với nhiều sản vật như cau, khoai mài, tơ đủi, lụa, thao, nón lá, các loại hải sản nuôi đầm, v.v...
-
- Vải trạng
- Còn gọi là hắc lệ chi (vải đen), tương truyền do các sứ thần của ta đi Trung Quốc mang về. Đây là một giống vải quý hiếm, gốc to, tán rộng, trái có cơm dày, hột nhỏ và đen bóng, xưa được dùng để tiến vua.
-
- Cung Diên Thọ
- Một hệ thống kiến trúc cung điện có quy mô lớn nhất còn tồn tại trong Hoàng thành Huế, nơi ở của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Cung được xây dựng từ năm 1804 và tu sửa qua nhiều đời vua, tên cũng thay đổi nhiều lần: Trường Thọ, Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ, đến triều Khải Định mới mang tên Diên Thọ. Năm 1993, cung được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
-
- Nhãn lồng
- Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.
-
- Điện Phụng Tiên
- Một ngôi điện thờ cúng các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn, nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng thành Huế. Điện trước làm bằng gỗ, tên Hoàng Nhân, nằm gần cửa Hiển Nhân, sau vua Minh Mạng cho dời về vị trí ngày nay và đổi tên thành Phụng Tiên. Điện đã bị phá hủy nhiều trong chiến tranh, hiện chỉ còn cửa tam quan và vòng tường thành còn tương đối nguyên vẹn.
-
- Thế Tổ Miếu
- Còn gọi là Thế Miếu, ngôi miếu thờ các vị vua triều Nguyễn, được xây dựng từ đầu thế kỉ XIX, nằm ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế.
-
- Thanh trà
- Loài cây ăn trái thuộc họ Bưởi, quả có múi trong, hơi vàng, vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, ăn nhiều không có hậu đắng trong cổ họng như một số loại bưởi khác. Thanh trà còn được trộn với khô mực làm món gỏi thanh trà. Thanh trà làng Nguyệt Biều (Huế) rất nổi tiếng, xưa được dùng để tiến vua.
-
- Nguyệt Biều, Lương Quán
- Tên hai làng nay được hợp nhất thành phường Thủy Biều thuộc thành phố Huế.
-
- Truồi
- Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.
-
- Tịnh Tâm
- Tên một hồ nước trong kinh thành Huế, nguyên là vết tích của sông Kim Long, dưới thời vua Minh Mạng được cải tạo thành hồ hình chữ nhật làm chỗ tiêu dao, giải trí. Trên hồ có ba đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Dưới thời vua Thiệu Trị hồ được coi là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh. Đây cũng là nơi hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân giả làm người câu cá bí mật gặp vua Duy Tân bàn kế hoạch cho phong trào Duy Tân chống Pháp.
-
- Đương thì
- Đang ở thời kì tuổi trẻ, đầy sức sống (thường nói về con gái).
-
- Cai
- Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.
-
- Cốm
- Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
-
- Bánh tráng
- Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
-
- Tôm he
- Một loại tôm ngon và quý, đặc sản của vùng biển Quảng Ninh. Từ tôm he có thể chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như ruốc tôm he, tôm he nhồi, tôm he nhúng...
-
- Đồng cốt
- Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Ngô đồng
- Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông
(Tì bà - Bích Khê).
-
- Ngư lương
- Chỗ đắp bờ để nuôi cá (từ Hán Việt).
-
- Tử hổ
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tử hổ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Cá nục
- Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...
-
- Cá úc
- Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.
-
- Cá thơm
- Một loại cá nước ngọt có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.
-
- Cá thác lác
- Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...
-
- Thiên hạ
- Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").
"Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)
-
- Cá cơm
- Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.
-
- Cá ngát
- Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.
-
- Cá bã trầu
- Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).
-
- Thiên cung
- Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Bắc Ninh
- Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.
-
- Từ Sơn
- Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
-
- Nhị Hà
- Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
-
- Ba mươi sáu phố
- Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.
"Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (cửa Bắc), Đại Hưng (cửa Nam), Quảng Phúc (cửa Tây), Tường Phù (cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hóa, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
-
- Hàng Giầy
- Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
-
- Hàng Bạc
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.
-
- Hàng Ngang
- Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
-
- Hàng Đào
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.
-
- Đài các
- Từ chữ Hán đài 臺: lầu cao, và các 閣: tầng gác. Chỉ những chỗ cao sang, quyền quý.
-
- Hàng Tiện
- Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…
-
- Hàng Gai
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.
-
- Hàng Thêu
- Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.
-
- Hàng Trống
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán. Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.
-
- Hàng Bài
- Một phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc và hai thôn Vũ Thạch Hạ, Hàm Châu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Xưa ở đầu phố có chợ Mới (chợ Hàng Bài) có bày bán nhiều cỗ bài lá nên phố mới có tên gọi Hàng Bài.
-
- Hàng Khay
- Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
-
- Tràng Tiền
- Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.
-
- Chợ Giồng
- Một địa danh hiện thuộc thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Tại đây có một đặc sản nổi tiếng là bánh giá Chợ Giồng.
-
- Cơm khê
- Cơm nấu quá lửa, có mùi khét.
-
- Cháo hoa
- Cháo loãng, chỉ nấu bằng gạo, ninh nhừ cho đến khi hạt gạo nở bung hết cỡ.
-
- Nồi bảy, nồi ba
- Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
-
- Bài này có nhiều câu tương tự với bài "Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày giần."
-
- Xà gồ
- Cũn gọi là đòn tay, thanh cứng (ngày xưa thường làm bằng gỗ hoặc tre) được đặt nằm ngang để đỡ các bộ phận bên trên của một công trình xây dựng (nhà cửa, đền chùa...).
-
- Tầm vông
- Một loài cây thuộc họ tre, có khả năng chịu khô hạn khá tốt, ưa ánh sáng dồi dào. Thân cây gần như đặc ruột và rất cứng, không gai, thường dùng trong xây dựng, sản xuất chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như những loài tre khác, do độ bền cao, đặc biệt là khả năng dễ uốn cong nên tầm vông còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác.