Tìm kiếm "sương sa"

Chú thích

  1. Trực tiết
    Cái đốt cây tre thẳng (từ Hán Việt). Nghĩa bóng chỉ lòng ngay thẳng.
  2. Tơ vương
    Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
  3. Phán mại
    Mua bán (phán: bán, mại: mua).
  4. Nại
    Nề hà, lấy làm điều (từ cổ, nay ít dùng).
  5. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  6. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  7. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  8. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  9. Cầu Đông
    Một phố cổ của Hà Nội, một trong những khu vực sầm uất nhất của Thăng Long - Hà Nội xưa, tương ứng với phố Hàng Đường ngày nay. Thời xưa, sông Tô Lịch chảy ngang Hà Nội từ sông Hồng, có cây cầu đá bắc qua sông (ở vị trí ngã tư Hàng Đường - Ngõ Gạch ngày nay) gọi là cầu Đông, người dân họp chợ ngay đầu cầu, gọi là chợ Cầu Đông hay chợ Chùa. Đoạn sông này bị lấp hoàn toàn vào năm 1889, cầu cũng không còn, và người Pháp giải tỏa chợ Cầu Đông và chợ Bạch Mã (họp quanh đền Bạch Mã), dời các hàng quán vào Đồng Xuân. Phố Cầu Đông nằm bên cạnh chợ Đồng Xuân ngày nay là một phố mới, đặt tên để kỉ niệm phố Cầu Đông cũ.

    Lọ là oanh yến hẹn hò,
    Cầu Đông sẵn lối cầu Ô đó mà.
    (Bích câu kì ngộ - Vũ Khắc Trân)

  10. Có bản chép: Buồn.
  11. Hà Tây
    Tên một tỉnh cũ, từ 2008 đã sát nhập vào Hà Nội. Hà Tây có trên 200 làng nghề với những sản phẩm đặc sắc và được nhiều người ưa chuộng như lụa Vạn Phúc, sơn mài - Duyên Thái, tiện gỗ - Nhị Khê, thêu - Quất Động, nón Chuông, quạt Vác, khảm trai Chuyên Mỹ, hàng mây tre Phú Vinh, đồ mộc Chàng Sơn, Sơn Đồng, may Trạch Xá, đàn Đào Xá, mộc Đại Nghiệp, tơ lưới Hà Thao, tò he Xuân La... Nơi đây cũng có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử như vườn quốc gia Ba Vì, ao Vua, làng cổ Đường Lâm, lăng Ngô Quyền, lăng Phùng Hưng, thành cổ Sơn Tây...

    Làng cổ Đường Lâm

    Làng cổ Đường Lâm

  12. Câu ca dao nhại theo lời bài hát Hà Tây quê lụa của nhạc sĩ Nhật Lai:

    Hà Tây cửa ngõ Thủ Đô
    Áo giáp chở che ngàn năm bền vững.

  13. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  14. Xáng
    Đánh, đập mạnh một cái gì (xáng chén, xáng bạt tai...).
  15. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  16. Có bản chép: quản.