Trai như dũng sĩ Hoàng Hoa,
Gái như quan tướng vợ ba Cai Vàng
Tìm kiếm "Thiên Thai"
-
-
Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên
Dị bản
Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên
Hỏi thăm ông Hậu thủ thiềng vì ai?Trung trinh thật đáng tướng hiền
Cảm thương ông Hậu thủ thiềng ba năm.
-
Chẳng thiêng ai gọi là thần
Chẳng thiêng ai gọi là thần
Lối ngang đường tắt chẳng gần ai đi -
Không thiêng cũng thể bụt nhà
Dị bản
Không thiêng cũng thể bụt nhà
Dầu khôn dầu dại cũng là chồng em.
-
Cái miễu linh thiêng
-
Có thờ có thiêng, có kiêng có lành
Có thờ có thiêng
Có kiêng có lành -
Sống khôn chết thiêng
Sống khôn chết thiêng
-
Bụt chùa nhà không thiêng
Bụt chùa nhà không thiêng
-
Làm đĩ chẳng đắt mắng đếch không thiêng
-
Cà Mau hãy đến mà coi
Dị bản
-
Anh đi ba tháng thì về
Anh đi ba tháng thì về
Rừng thiêng nước độc chớ hề ở lâu -
Bao phen biển tiến biển lui
Bao phen biển tiến biển lui,
Chúa thiêng quan giỏi đứng ngồi nơi đâu,
Biết bao nông nỗi buồn đau,
Nào ai tế độ siêu cầu cho ai?
Ở ăn chưa kịp yên vui,
Chúa quan đâu đã đứng ngồi ngay bên,
Muôn vàn đóng góp không tên,
Rằng cho phần xác phần hồn thảnh thơi! -
Chùa nát nhưng có Bụt vàng
Dị bản
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Hồ này có con cá rô rô
Hồ này có con cá rô rô
Anh câu cho được cũng xương khô cốt tàn
– Hồ này có con cá thiêng tinh
Anh câu không được anh rình anh đâm. -
Tôi lạy ông Cúm bà Co
Tôi lạy ông Cúm bà Co
Ông ở xứ Nghệ, ông bò tới đây
Khôn thiêng có mâm cỗ này
Ông xơi cho sạch, ông rày tha tôiDị bản
-
Giàu thì thịt cá cơm canh
Giàu thì thịt cá cơm canh
Khó thì rau muối cúng anh tôi đi lấy chồng
Hỡi anh xấu số, chồng cũ tôi ơi
Có khôn thiêng về hưởng đĩa xôi nhang đèn
Anh đà hết kiếp, xin chớ ghen
Để cho người khác cầm quyền thê nhi
Miệng em khóc, tay bưng cái thần vì
Tay em gạt nước mắt tay thì thắp nhang
Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn
Em cầm lòng chẳng được nên sang ngang từ ràyDị bản
Giàu thì thịt cá cơm canh
Khó thì lưng rau dĩa muối, cúng anh tôi đi lấy chồng
Hỡi anh chồng cũ tôi ơi
Anh có khôn thiêng thì anh trở dậy ăn xôi nghe kèn
Thôi anh đã về nghiệp ấy xin anh đừng ghen
Để cho người khác cầm quyền thê nhi
Miệng em khóc, tay em bế ẵm cái ông cái thần vì
Tay em gạt nước mắt, tay em thì thắp nén nhang
Bởi vì đâu gây nỗi xót xa muôn vàn!
-
Người trước bắc cầu, người sau theo dõi
Người trước bắc cầu, người sau theo dõi
Người thì xông khói, lời nói xông nhang
Chùa nát thì có Bụt vàng
Tuy rằng miếu đổ, Thành hoàng vẫn thiêng -
Ở đâu năm cửa nàng ơi
– Ở đâu năm cửa, nàng ơi?
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng ?
Sông nào bên đục bên trong?
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
Đền nào thiêng nhất tỉnh Thanh?
Ở đâu lại có cái thành tiên xây?
Ở đâu là chín từng mây?
Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?
Chùa nào mà lại có hang?
Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không?
Ai mà xin lấy túi đồng?
Ở đâu lại có con sông Ngân Hà?
Nước nào dệt gấm thêu hoa?
Ai mà sinh cửa, sinh nhà, nàng ơi?
Kìa ai đội đá vá trời?
Kìa ai trị thủy cho đời được yên?
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
Xin em giảng rõ từng nơi từng người.
– Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi
Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng
Nước sông Thương bên đục bên trong
Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh
Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh
Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây
Trên trời có chín từng mây
Dưới sông lắm nước, núi nay lắm vàng
Chùa Hương Tích mà lại ở hang
Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không
Ông Nguyễn Minh Không xin được túi đồng
Trên trời lại có con sông Ngân Hà
Nước Tàu dệt gấm thêu hoa
Ông Hữu Sào sinh ra cửa, ra nhà, chàng ơi
Bà Nữ Oa đội đá vá trời
Vua Đại Vũ trị thủy cho đời yên vui
Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời
Em xin giảng rõ từng nơi từng người. -
Giếng khơi gàu múc lưng chừng
Giếng khơi gàu múc lưng chừng,
Nếu mà vụng liệu xin đừng trách đây.
Cầm đàn mà bỏ quên dây,
Bõ công ao ước, bõ ngày ước ao.
Sông sâu em sẽ cắm sào,
Miếu thiêng em sẽ lọt vào cắm nhang.
Ví dù không lấy được nàng,
Mang thân đi xuống suối vàng cho xong.
Yêu nhau cho vẹn cho tròn,
Kẻo mai thẹn với nước non ở đời.
Thà rằng thác xuống giếng khơi,
Còn hơn sống ở trên đời xa nhau. -
Vè Thánh Gióng
Nhớ đời thứ sáu Hùng Vương
Ân sai hăm tám tướng cường ngũ nhung
Xâm cương cậy thế khỏe hùng
Kéo sang đóng chặt một vùng Vũ Ninh
Trời cho thánh tướng giáng sinh
Giáng về Phù Đổng ẩn hình ai hay
Mới lên ba tuổi thơ ngây
Thấy vua cầu tướng ngày rày ra quân …
Chú thích
-
- Hoàng Hoa Thám
- Còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885–1913), được nhân dân suy tôn là "Hùm thiêng Yên Thế." Ông sinh năm 1858 tại Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia chống Pháp khi mới 15 tuổi.Từ năm 1897, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, ông bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.
Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)
-
- Bà Ba Cai Vàng
- Người vợ thứ ba của Cai Vàng. Bà tên thật là Nguyễn Thị Miên, biệt hiệu là Hồng Y liệt nữ, người ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi Cai Vàng tử trận vào tháng 8 năm 1862, bà tiếp tục lãnh đạo nghĩa binh chiến đấu đến gần một năm sau mới giải tán lực lượng, rồi đi tu.
-
- Tháp Cánh Tiên
- Còn có tên gọi là tháp Đồng, một ngôi tháp nằm ở chính giữa thành Đồ Bàn, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 12, thuộc phong cách Bình Định và có một phần ảnh hưởng từ kiến trúc Khmer do thời kì này có sự giao lưu thường xuyên giữa vương quốc Khmer và Chăm Pa.
-
- Võ Tánh
- Danh tướng triều Nguyễn dưới thời Nguyễn Ánh. Ông có công giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn và mất trước khi nhà Nguyễn chính thức thành lập.
Năm 1800, ông và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ thành Bình Định. Thành bị hai đại tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây suốt 18 tháng liền. Đến ngày 7/7/1801, nhắm không cầm cự được nữa, ông cho người trao Trần Quang Diệu bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành, rồi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, châm ngòi tự vẫn.
Đương thời, ông được xếp cùng với Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp là "Gia Định tam hùng" (ba người hùng đất Gia Định). Ông giữ chức Hậu quân nên nhân dân yêu mến gọi ông là quan Hậu, hoặc ông Hậu.
-
- Thiềng
- Thành (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Miếu
- Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…
-
- Kiền kiền
- Còn gọi là tử mộc, mộc vương, một loại cây có nhiều ở các vùng đồi núi Trung Bộ và Tây Nguyên, chất gỗ cứng bền, lâu hỏng, xưa được dùng làm áo quan chôn sâu dưới đất hàng trăm năm không hư. Kiền kiền có ba loại: cây thớ trắng gọi là tử, thớ đỏ gọi là thu, thớ vàng gọi là ỷ. Lá cây kiền kiền dùng làm thuốc trị các chứng bệnh lở loét.
-
- Mè
- Thanh tre, nứa hoặc gỗ nhỏ và dại được đặt dọc trên mái nhà để đỡ và buộc những tấm lợp hoặc ngói bên trên.
-
- Trắc
- Loại cây lớn, cho gỗ quý, thường dùng để làm đồ thủ công mĩ nghệ, chạm khảm...
-
- Đách
- Từ thông tục, vốn nghĩa chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ, thường được dùng để phủ định (cũng như đếch).
-
- Vía lành, vía dữ
- Một quan niệm dân gian, theo đó những người vía dữ (nặng vía) dễ mang lại tai ương, xui xẻo cho người khác, ngược lại là vía lành (nhẹ vía). Xem thêm Ba hồn chín vía.
-
- Đỉa
- Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.
-
- Bánh canh
- Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.
-
- Cạnh Đền
- Địa danh nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
-
- Thành hoàng
- Cũng gọi là thần hoàng, vị thần được thờ trong các đình làng ở nước ta, được cho là người phù hộ, giúp đỡ cho làng đó. Thành hoàng có gốc từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành. Theo sách Việt Nam phong tục, mỗi làng phụng sự một vị Thành hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần. Phúc Thần có ba hạng: Thượng Đẳng Thần, Trung Đẳng Thần và Hạ Đẳng Thần.
-
- Bị
- Đồ đựng, thường đan bằng cói hay tre, có quai xách.
-
- Ông Cúm bà Co
- Hình tượng dân gian của bệnh cúm.
-
- Nghệ An
- Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.
Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Bánh đúc
- Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.
-
- Tín chủ
- Người tin tưởng Phật thần, là người tổ chức những cuộc cúng lễ, lên đồng...
-
- Thê nhi
- Vợ con (từ Hán Việt).
-
- Thần vì
- Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
-
- Thắt cổ bồng
- Eo thót ở giữa như cổ trống bồng.
-
- Thanh Hóa
- Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.
Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.
Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Trị thủy
- Cải tạo sông ngòi và điều tiết dòng chảy để sử dụng sức nước và ngăn ngừa lũ lụt.
-
- Các cửa ô Hà Nội
- Theo sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất) dựng năm 1831 có ghi vị trí và tên 16 cửa ô. Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô. Đến thế kỷ 20, trên sách vở, báo chí, trong các tác phẩm thi ca, người ta chỉ còn nhắc đến Hà Nội 5 cửa ô.
Thời xưa, các cửa ô là cửa ra vào kinh thành, có cổng ba cửa, có vọng lầu, xây bằng gạch vồ nâu đỏ. Đến nay, chỉ sót lại duy nhất Ô Quan Chưởng là giữ được hình tích cũ. Các cửa ô còn lại chỉ còn là địa danh của một số phố phường.
-
- Sông Lục Đầu
- Còn được gọi là Lục Đầu Giang, tên cũ là sông Phù Lan, quãng sông tạo thành bởi hợp lưu của sáu con sông: Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và Thái Bình, nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phong thủy gọi đây là thế đất “lục long tranh châu” (sáu con rồng tranh nhau hòn ngọc). Giặc ngoại xâm nhiều lần theo đường thủy vào cửa Bạch Đằng, vào sông Kinh Thầy, tập kết ở Lục Đầu Giang để tấn công vào Thăng Long. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc thủy chiến dữ dội, mà lớn nhất là cuộc chiến năm 1285 giữa quân nhà Trần (Đại Việt) với giặc Nguyên Mông.
Ngày nay, trong lễ hội tháng tám âm lịch ở đền Kiếp Bạc, người dân vẫn tổ chức nghi lễ rước thủy trên sông Lục Đầu để tôn vinh Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) và tái hiện chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285.
Khám phá Lục Đầu Giang - Phóng sự của kênh truyền hình VTC10
-
- Sông Thương
- Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.
Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.
-
- Tản Viên
- Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.
-
- Đền Sòng Sơn
- Gọi tắt là đền Sòng, một ngôi đền xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới. Vào ngày 15 tháng 3 hàng năm tại đền lại diễn ra lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Liễu Hạnh, có nhiều du khách thập phương tham dự.
-
- Lạng Sơn
- Còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, núi Tô Thị...
-
- Động Hương Tích
- Tên một hang động rất đẹp thuộc quần thể di tích Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tháng ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng tham quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức "động đẹp nhất trời Nam." Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô đẹp mắt.
-
- Lý Quốc Sư
- (1065-1141) Tên thật là Nguyễn Chí Thành, tên hiệu Nguyễn Minh Không, đạo hiệu Không Lộ, được nhân dân tôn là Đức thánh Nguyễn. Ông sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình), là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo thời nhà Lý. Ông đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt, đồng thời là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng, được suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng. Lý Quốc Sư là người đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên ở Thăng Long, hai trong số bốn báu vật nổi tiếng gọi là "An Nam Tứ đại khí” của nước Đại Việt thời Lý - Trần (hai báu vật còn lại là chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh).
-
- Hữu Sào
- Một vị vua huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.
-
- Nữ Oa
- Tên một vị nữ thần khổng lồ có mặt trong cả trong thần thoại Trung Quốc và Việt Nam với tích "Nữ Oa đội đá vá trời." Theo đó, trước đây bầu trời được chống bởi một ngọn núi cao (gọi là trụ trời). Một hôm trụ trời bị gãy sụp, trời thủng, khắp nơi hỗn độn, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Không nỡ nhìn nhân dân lâm vào cảnh cực khổ, bà Nữ Oa bèn bay khắp nơi tìm đá ngũ sắc, vá lại bầu trời.
Nữ Oa còn là một nhân vật huyền thoại trong Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.
-
- Hạ Vũ
- Tên khai sinh là Tự Văn Mệnh, thường được gọi là Đại Vũ, sinh vào khoảng năm 2205 - 2200 TCN, mất khoảng 2198 - 2100 TCN. Ông là người sáng lập ra triều đại nhà Hạ, là một vị vua huyền thoại ở Trung Quốc cổ đại, được nhớ tới nhiều nhất bởi đã có công phát triển kỹ thuật trị thủy chinh phục các sông ngòi Trung Quốc.
-
- Giếng khơi
- Giếng sâu.
-
- Gàu
- Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.
-
- Sào
- Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.
-
- Ví dầu
- Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
-
- Suối vàng
- Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho
(Truyện Kiều)
-
- Thác
- Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
-
- Thương
- Còn gọi là Ân, hay Ân Thương, một triều đại trong lịch sử Trung Quốc (khoảng 1766-1122 trước Công nguyên), cai trị cả một vùng đồng bằng rộng lớn phía Bắc Trung Quốc thời bấy giờ. Vua thứ 30 của nhà Thương là Trụ Vương khét tiếng tàn bạo, bị bộ tộc Chu nổi dậy giết chết, lập nên nhà Chu. Nhà Chu không tận diệt hậu duệ nhà Thương, thậm chí còn phong đất nhưng nhà Thương từ đó tự suy dần và diệt vong.
-
- Ngũ nhung
- Năm món đồ binh khí thời xưa: cung, nỏ, giáo, mác, kích.
-
- Xâm cương
- Xâm lấn biên cương, bờ cõi.
-
- Vũ Ninh
- Tên một ngọn núi ở tỉnh Bắc Ninh, theo sự tích là quê của Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương). Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử), là người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước. Truyền thuyết kể rằng: Ông sinh ra thời vua Hùng thứ 6 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, do mẹ ông ướm chân vào một vết chân lớn trên đất về mang thai. Tuy lên ba nhưng Gióng không biết nói cười, đi đứng. Đến khi giặc Ân kéo đến bờ cõi, Gióng bỗng dưng cất tiếng gọi mẹ nhờ mời sứ giả của vua vào, đưa yêu sách đòi áo giáp, roi và ngựa sắt để đánh giặc. Chỉ trong mấy hôm, Gióng vươn vai thành một tráng sĩ cao lớn, cưỡi ngựa sắt vua ban đánh giặc Ân tan tác. Đuổi đám tàn quân đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), Gióng cởi áo giáp, thả dao, cùng ngựa bay về trời.
-
- Phù Đổng
- Tên một ngôi làng theo truyền thuyết là quê hương của Thánh Gióng, nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.