Tìm kiếm "bổ chửng"

  • Một cành hoa sói, một gói hoa chanh

    Một cành hoa sói, một gói hoa chanh,
    Ai mua em bán một cành năm quan.
    Hoa em còn nụ chưa tàn,
    Ai mua em bán năm quan bảy đồng.
    Hoa em chính thực còn không,
    Anh nào có vợ thì đừng chơi hoa.
    Hoa em tan cửa nát nhà,
    Đánh con bỏ vợ vì hoa em này.
    Chẳng yêu hoa đem trả tận cây,
    Xin đừng đày đọa mà rầy thân hoa.

  • Vè đi phu Cửa Rào

    Từ ngày có mặt thằng Tây
    Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân!
    Tai vạ trửa dân
    Hắn mần đã nghiệt:
    Khắp nơi ráo riết
    Giở sổ đếm người
    Kể chi lão phụ con trai
    Người đi phu cũng tội
    Kẻ ở nhà cũng tội
    Vua quan bối rối
    Họ đập đánh lút đầu:
    – Phu phải đi cho mau
    Việc quan cần cho kịp!
    Một ngày phải kíp
    Để kiểm phu chợ Lường

  • Cái sáo mặc áo em tao

    Cái sáo mặc áo em tao
    Làm tổ cây cà
    Làm nhà cây chanh
    Đọc canh bờ giếng
    Mỏi miệng tiếng kèn
    Hỡi cô trồng sen!
    Cho anh hái lá
    Hỡi cô trồng bưởi!
    Cho anh hái hoa
    Cứ một cụm cà
    Là ba cụm lý
    Con nhà ông lý
    Mặc áo tía tô

  • Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh

    Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh
    Thân vì muốn lập thân mà ngại nặng gánh gia đình
    Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng em có một ông cha già đành cỡi hạc chầu tiên
    Còn bà mẹ hiền như trái chín trên nhành chờ khi ướm rụng.
    Chàng ơi! Em ra đây, gặp chàng em hỏi thiệt
    Trai chàng tính cho em ở vậy hay là em cất bước thượng trình tòng phu
    Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng của em, mấy ống tre ngã xiêu ngã tó.
    Mấy tấm vạt cau rớt lên rớt xuống, ai ngó vào cũng chặc lưỡi lắc đầu, hỡi ôi cho thân phận thiếp.
    Anh kết nghĩa lương duyên với em tình chồng nghĩa vợ. Anh em bạn của anh đứng ngoài xa, miệng kêu tay ngoắc.
    Bớ Tư ơi ! Người đâu sao không khác chi chị Thoại Khanh thuở trước khảy đàn tầm bạn mà kết nghĩa ái ân làm gì?

  • Vè lính mộ

    Tai nghe nhà nước mộ dân,
    những lo những sợ chín mười phần em ôi.
    Anh đi ra mặt biển chưn trời,
    ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
    Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
    nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
    Xót em vò võ một mình,
    anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
    Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
    thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
    Ví dầu anh có mần răng,
    nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
    Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
    trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
    Tư bề sóng bể như sơn,
    đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
    Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
    đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
    Làm thịt con heo quy tế tại đình,
    rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
    Tay bắt tay miệng lại hỏi liền:
    anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
    Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
    tối tăm mù mịt như rồng với mây.
    Hai bên những lính cùng Tây,
    quân gia kéo tới chở đầy tàu binh…

  • Vè Tà Lơn

    Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú
    Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan
    Ngó dưới sông thấy cá mập lội nghinh ngang
    Nhìn dưới suối thấy sấu nằm hơn trăm khúc
    Con tới đây là nguồn cao nước đục
    Loài thú cầm nhiều thứ gớm ghê
    Gấu chằn tinh lai vãng dựa bên hè
    Còn gấu ngựa tới lui khít vách
    Ra một đỗi xa ngoài mé rạch
    Thấy beo nằm đếm biết mấy ngàn
    Ngó lên bờ thấy cọp dọc ngang
    Lần tay tính biết bao nhiêu chục
    Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc
    Lũ heo rừng trừng giỡn bất loạn thiên

  • Giàu như ai thì tôi không biết

    Giàu như ai thì tôi không biết
    Chớ giàu như tôi chừ, ít kẻ muốn vô:
    Trong nhà trống rỗng, chỗ mô cũng thấy trời
    Trong nhà chẳng thiếu chi đồ chơi
    Nàng nàng, bợp bợp mọc thời huyên thuyên
    Rau dền, rau má mọc riêng
    Cỏ chỉ, cỏ cú mọc liền đầy sân
    Trong nhà có sắm một cái giàn
    Để năm ba tấm đệm, vài ngàn lá tơi
    Lại thêm năm bảy cái nón cời
    Vài gùi giẻ rách để chờ thời diện sang

  • Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi”

    – Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi
    Sơ nhi bất lậu” lưới trời bủa giăng
    Xa xôi chưa kịp nói năng
    Từ qua đến bậu như trăng xế chiều
    Thân em như tấm lụa điều
    Phất phơ trước chợ nhiều điều đáng thương
    Dốc lòng trồng cửu lý hương
    Ba năm hai lá, người thương giã đầu

  • Vè loài cá

    Nghe vẻ nghe ve, nghe vè loài cá
    No lòng phỉ dạ là con cá cơm
    Không ướp mà thơm là con cá ngát
    Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim
    Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối
    Lớn năm, nhiều tuổi là cá bạc đầu
    Đủ chữ xứng câu là con cá đối
    Nở mai tàn tối là con cá hoa
    Xuống nước bệu da là cá úc thịt
    Dài lưng hẹp kích là cá lòng tong
    Ốm yếu hình dong là con cá nhái
    Thiệt như lời vái là con cá linh
    Từ miệng nhái in là con cá cóc
    Răng phơi khô khốc là con cá hô
    Gặp sự ái ố là con cá hố
    Dầy mình chẳng hổ là con cá chai
    Lội ngược lên hoài là con cá lóc
    Thắp đèn coi sách là cá học Trò
    Dài miệng hẹn hò là con cá Thệ
    Đút đầu se sẻ là cá Bống Kèo
    Cái nháp, cái keo là cá Bống Mú
    Lớn năm nhiều tuổi là cá bạc đầu
    Nó ở trong hầu, là con cá lẹp
    Cái mình dẹp lép là con cá kình
    Vẩy xủi đầy mình là cá thác lác
    Đỏ mầu bỏ xác là cá bã trầu
    Chưa tới bữa hầu là con cá cháo
    Chân đi chí áo là con cá Còm

  • Vè đội Cấn

    Năm Đinh Tỵ mười ba tháng bảy
    Nước Nam mình phút dậy can qua
    Thái Nguyên nay có một tòa
    Khố xanh, khố đỏ được ba trăm người
    Cũng chí toan chọc trời khuấy nước
    Ông Đội ra đi trước cầm binh
    Rủ nhau lập tiểu triều đình
    Những là cai đội khố xanh bằng lòng
    Duy phó quản bất tòng quân lệnh
    Hóa cho nên hủy mệnh xót xa
    Sai người mở cửa nhà pha
    Đem tù ra điểm được là bao nhiêu?
    Truyền tù nhân cứ theo quân lệnh
    Chớ thị thường uổng mệnh như chơi
    Rồi ra làm lễ tế trời
    Cờ đề “Phục Quốc” tài bồi Nam bang

  • Thơ đúm

    Sớm đi chơi hội
    Tối về quay tơ
    Dải yếm phất phơ
    Miếng trầu, mồi thuốc
    Miếng ăn, miếng buộc
    Miếng gối đầu giường
    Muốn tìm người thương
    Tìm đâu cho thấy?
    Đôi tay nâng lấy
    Cất lấy thoi vàng
    Cái sợi nằm ngang
    Đứt đâu nối đấy

    Đầu rối biếng gỡ
    Tơ rối biếng quay
    Lông mặt lông mày
    Sao anh biếng đánh
    Quần hồ áo cánh
    Bác mẹ sắm sanh
    May áo để dành
    Cho anh mặc mát
    Anh mặc cho mát
    Anh xếp cho gãy nếp ra
    Bác mẹ tuổi già
    Con thơ vấn vít

  • Vui nhất là chợ Đồng Xuân

    Vui nhất là chợ Đồng Xuân
    Mùa nào thức ấy xa gần bán mua
    Cổng chợ có anh hàng dừa
    Hàng cau, hàng quýt, hàng mơ, hàng đào
    Xăm xăm anh mới bước vào
    Thấy anh hàng thuốc hút vào say sưa
    Nứt nẻ thì anh hàng na
    Chua chát hàng sấu, ngọt nga hàng đường
    Thơm ngát thì chị hàng hương
    Tanh ngắt hàng cá, phô trương hàng vàng

  • Vè xin xâu

    Lẳng lặng mà nghe
    Cái vè xin thuế
    Mùa màng mất tệ
    Buôn bán không ra
    Kẻ gần người xa
    Cũng nghèo cũng khổ
    Hai đồng xâu nọ
    Bảy ngày công sưu
    Cao đã quá đầu
    Kêu đà ngắn cổ
    Ở đâu ở đó
    Cũng rúc mà ra
    Kẻ kéo xuống Tòa
    Người nằm trên tỉnh
    Đông đà quá đông
    Trong tự Hà Đông
    Ngoài từ Diên Phước

  • Vè Cần vương

    Vâng lời troàn ngươn soái
    Mình đeo ấn Tổng nhung
    Lời khuyên rao chư sĩ anh hùng
    Mặt phải trái coi qua thời biết
    Mình là con trong đất Việt
    Chẳng phải người sanh sản cõi Tây phiên
    Mà ham di địch tước quyền
    Lại nỡ khiến tấm lòng vô hậu
    Chớ bắt chước những loài quân dậu
    A dua hùa lưng lớn thờ chồn
    Đừng bày theo những đảng ác côn

  • Tằm sao tằm chẳng ăn dâu

    Tằm sao tằm chẳng ăn dâu
    Tằm đòi ăn ruộng, ăn trâu, ăn nhà

    Dị bản

    • Tằm sao tằm chẳng ăn dâu
      Tằm đòi ăn lúa, ăn rau, ăn cà?

    • Tằm ơi tằm chẳng ăn dâu
      Ăn đất, ăn ruộng, ăn trâu, ăn nhà
    • Con tằm nó ăn lá dâu
      Có khi ăn mất cả trâu lẫn bò

  • Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi

    – Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi
    Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm.
    – Bờ bụi tối tăm, anh quơ nhằm cái tộ bể
    Cưới vợ có chửa về thổi lửa queo râu.

    Dị bản

    • – Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi,
      Kẻo giông khói đèn bờ bụi tối tăm
      – Bờ bụi tối tăm, anh quơ nhằm cái tộ bể
      Cưới vợ có chửa về thổi lửa queo râu.

    • Bởi tối tăm, tôi quơ nhằm con vợ chửa,
      Cưới chẳng mấy ngày, thổi lửa queo râu.

  • Giấy Tây bán mấy tôi cũng mua lấy một tờ

    Giấy Tây bán mấy (tôi cũng) mua lấy một tờ
    Đem về viết một phong thơ quốc ngữ
    Dán trên trái bưởi, thả dưới giang hà
    Cất tiếng kêu người trong nhà
    Xuống sông vớt bưởi lên mà xem thơ

    Dị bản

    • Giấy hồng đơn bán mấy
      Cho anh mua lấy một tờ
      Viết thơ quốc ngữ
      Dán trên trái bưởi
      Thả xuống giang hà
      Bớ cô gánh nước bên bờ
      Xuống sông vớt bưởi để mà xem thơ

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Cô ơi cô cô có chồng chưa

    Cô ơi cô cô có chồng chưa?
    – Dạ thưa bác con chưa có chồng
    Chưa có chồng sao lại có con?
    – Dạ thưa bác con nuôi giùm họ
    Nuôi giùm họ có lấy tiền không?
    – Dạ thưa bác con không lấy tiền
    Không lấy tiền cô lấy chi ăn?
    – Dạ thưa bác con ăn cứt mèo
    Ăn cứt mèo có béo không cô?
    – Dạ thưa bác béo hơn bánh xèo

    Dị bản

    • Cô kia cô có chồng chưa?
      – Dạ thưa bác cháu chưa có chồng
      Chưa có chồng sao cháu có con?
      – Dạ thưa bác cháu nuôi giùm người
      Nuôi giùm người rồi lấy gì ăn?
      – Dạ thưa bác cháu ăn cứt bò
      Ăn cứt bò có ngon lắm không?
      – Dạ thưa bác ăn ngon thấy mồ!

Chú thích

  1. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  2. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  3. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  4. Tạp dịch
    Những việc lặt vặt (từ Hán Việt).
  5. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  6. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  7. Nghiệt
    Ác nghiệt, nghiệt ngã.
  8. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  9. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  10. Có bản chép: mặc áo của cô.
  11. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  12. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  13. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  14. Thoại Khanh - Châu Tuấn
    Một truyện thơ Nôm khuyết danh rất nổi tiếng ở Nam Bộ ngày trước, đã được chuyển thể thành cải lương và phim. Thoại Khanh là một phụ nữ xinh đẹp, người vợ hiền, dâu thảo. Châu Tuấn - chồng nàng, bị đày đi sứ 17 năm. Thoại Khanh lưu lạc, đói rách, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo với mẹ chồng, thậm chí cắt thịt ở cánh tay để nuôi mẹ, khoét mắt mình để cứu mẹ. Châu Tuấn thi đỗ Trạng nguyên, hai lần được hai vua Tống vương và Tề vương gả con gái, nhưng chàng đều khước từ, không phụ người vợ thuở hàn vi. Mối tình chung thủy của Thoại Khanh, Châu Tuấn đã cảm hoá cả hai vị vua và hai nàng công chúa, làm thần Phật xúc động. Sau cùng Châu Tuấn được lên ngôi vua, sống sung sướng cùng Thoại Khanh và hai người vợ thứ con Tề vương và Tống vương.

    Xem vở cải lương Thoại Khanh - Châu Tuấn.

  15. Bài ca dao này rút từ truyện Ngày xưa tháng chạp trong tập Biển cỏ miền Tây của nhà văn Sơn Nam. Theo nhà văn Sơn Nam, đây là một bài hát huê tình, lớp hò nghèo (than nghèo). Hát huê tình là một thể loại ca dao đặc biệt của người miền Tây: "Hát đưa em với hát huê tình không khác nhau. Đưa em ở trong nhà. Hò hát ở ngoài ruộng."
  16. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  17. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  18. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Vạn tử nhất sinh
    Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
  21. Bể
    Biển (từ cũ).
  22. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  23. Quy tế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  24. Diên
    Tiệc rượu (từ Hán Việt).
  25. Hiểm địa
    Vùng đất hiểm trở, đi lại khó khăn (từ Hán Việt).
  26. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  27. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  28. Cá sấu
    Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.

    Cá sấu

    Cá sấu

  29. Gấu ngựa
    Một loài gấu lớn có tai lớn, toàn thân lông đen, dài, thô, có yếm hình chữ V ở ngực màu kem hoặc trắng mờ, leo trèo giỏi, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Gấu ngựa ăn tạp, từ quả chín, mầm cây, mật ong tới các loài cá và chim thú nhỏ. Hiện gấu ngựa được xếp vào một trong số các động vật đang bị đe dọa.

    Gấu ngựa

    Gấu ngựa

  30. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  31. Báo đen
    Còn gọi là beo, là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn, có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc giúp báo đen dễ sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp. Báo đen không được xem là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai. Ở nước ta ghi nhận có 3 loại báo là báo hoa mai, báo gấm, và báo lửa.
  32. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  33. Chồn
    Một họ động vật có vú thuộc bộ Ăn thịt, có loài sống trên cạn, có loài sống dưới nước (như rái cá). Xem thêm về các loài chồn có tại Việt Nam ở đây.

    Chồn vàng ở Việt Nam

    Chồn vàng ở Việt Nam

  34. Cáo
    Loài thú ăn thịt thuộc họ chó, cỡ trung bình, ăn các loài lợn rừng nhỏ, nai, hoẵng và các loài chim thú khác. Cáo thường sống thành đàn lớn, có thể lớn tới 15 - 20 con, ở các kiểu rừng khác nhau, từ rừng già, rừng tái sinh, đến rừng hỗn giao tre nứa. Đây là loài rất hiếm, hiện đang suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ở nước ta, chúng thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.

    Cáo

    Cáo

  35. Lợn rừng
    Cũng gọi là lợn lòi, loài lợn được xem là thủy tổ của lợn nhà. Lợn rừng nặng 40-200 kg, lông thô cứng màu đen xám, thường có răng nanh to dài chìa ra ngoài mõm, sống thành đàn 5-20 con trong rừng hoặc ven các nương rẫy, kiếm ăn đêm , ngày nghỉ trong các bụi rậm, thích đằm mình trong vũng nước. Lợn rừng ăn tạp gồm các loại củ, quả giàu tinh bột, các loại quả cây rừng, măng tre nứa, chuối và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngoé, giun đất, ong...

    Tại nước ta, lợn rừng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du.

    Lợn rừng

    Lợn rừng

  36. Bất loạn thiên
    Cũng nói là bắt loạn thiên hoặc nói tắt là bắt loạn, cách nói mô tả mức độ rất nhiều của người Nam Bộ.
  37. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  38. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  39. Nàng nàng
    Một loại cây dại có quả nhỏ màu tím mọc thành chùm, là cây thuốc dùng chữa cảm nắng, cảm hàn, thương thực, nôn cả ra máu, no hơi đầy bụng, kém ăn, mụn nhọt... Nhân dân thường dùng toàn cây sắc nước cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để ăn ngon cơm. Thân lá tán bột uống giải nhiệt, giảm đau. Hạt sắc uống làm sáng mắt.

    Nàng nàng

    Nàng nàng

  40. Thù lù
    Còn có các tên là lồng đèn, tầm bóp, ở miền Trung gọi là lụp bụp (có thể đọc trại thành bụp bụp hay bợp bợp), một loại cây mọc hoang, cho quả mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín có màu hơi đỏ, bên trong chứa nhiều hạt, bên ngoài có một lớp vỏ mỏng bao trùm như cái lồng đèn. Trẻ em thường bóp vỏ để ăn quả bên trong (tên lụp bụp có lẽ bắt nguồn từ âm thanh phát ra khi làm việc này). Lá cây dùng làm rau ăn và làm thuốc chữa một số bệnh.

    Quả lụp bụp

    Quả lụp bụp

  41. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  42. Rau dền
    Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.

    Rau dền đỏ

    Rau dền đỏ

  43. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  44. Cỏ gà
    Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."

    Cỏ gà

    Cỏ gà

  45. Củ gấu
    Cũng gọi là cỏ gấu hoặc cỏ cú, một loại cỏ thân cao, có nhiều củ màu nâu đỏ sẫm. Củ gấu có thể dùng làm vị thuốc dân gian, nhưng cũng là một loài cỏ rất có hại đối với nhà nông vì rất khó diệt trừ.

    Củ gấu

    Củ gấu

  46. Thật ra đây chính là cái áo tơi.
  47. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  48. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu
    Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
  49. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  50. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  51. Cửu lý hương
    Tên chung của một số loài cây có mùi thơm rất mạnh, thường được trồng vừa làm cây cảnh vừa làm thuốc.

    Một loài cửu lý hương

    Một loài cửu lý hương

  52. Phỉ dạ
    Thỏa lòng, thỏa mãn.
  53. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  54. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  55. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  56. Cá đuối
    Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.

    Cá đuối

    Cá đuối

  57. Cá bạc đầu
    Loài cá nước ngọt, thân nhỏ, có đầu dẹp bằng, đỉnh đầu có một đốm trắng bạc, hiện diện nhiều ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông đổ ra cửa Vàm Láng vùng Cần Đước, tỉnh Long An.

    Cá bạc đầu

    Cá bạc đầu

  58. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  59. Cá hoa tức cá cảnh.
  60. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  61. Người Nam Bộ phát âm hai chữ "úc" (cá úc) và "út" (ngón út) gần giống nhau.
  62. Kích
    Chỗ tiếp nối giữa thân trước và thân sau áo, ở dưới nách.
  63. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  64. Hình dong
    Hình dung, hình dáng bên ngoài (từ Hán Việt).
  65. Cá lìm kìm
    Còn gọi là cá kìm hay cá nhái, tên chung của những loài cá có thân hình thuôn dài với đặc trưng là mỏ kéo dài ra như cái kìm (xem ảnh). Cá lìm kìm có nhiều loài khác nhau, một số loài sống ở nước ngọt (sông, hồ), một số loài khác lại sống ở nước lợ hay nước mặn. Cá lìm kìm nước ngọt trong hình dưới đây có thân màu trắng trong, dài từ 5 đến 10 milimet. Những loài khác sống ở nước mặn (biển) hay nước lợ có kích thước lớn hơn. Cá lìm kìm nước ngọt là loài cá rất dễ gặp ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu như ở sông, hồ, mương kênh hay ao nào ta cũng có thể dễ dàng thấy chúng nếu để ý quan sát kỹ.

    Cá lìm kìm nước ngọt

    Cá lìm kìm nước ngọt

  66. Cá linh
    Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.

    Cá linh

    Cá linh

  67. Cá cóc
    Một loại động vật lưỡng cư, có bề ngoài nhìn giống thằn lằn (nên còn gọi là thằn lằn nước), đuôi dẹp và da thiếu vảy. Trên da cá cóc có nhiều mụn xù xì và tiết chất nhầy, nếu chạm phải có thể gây đau nhức.

    Cá cóc

    Cá cóc

  68. Cá hô
    Một loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có kích thước rất lớn (có những con nặng hơn 100kg), được đánh bắt để làm mắm và nhiều món ăn ngon. Cá hô trước đây có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện nay đã gần tuyệt chủng và được đưa vào sách đỏ.

    Cá hô

    Cá hô

  69. Cá chai
    Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.

    Cá chai chiên mật ong

    Cá chai chiên mật ong

  70. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  71. Cá lẹp
    Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).

    Cá lẹp

    Cá lẹp

  72. Cá kình
    Cá voi. Trong thơ văn cổ, hình ảnh cá kình thường tượng trưng cho những người mạnh mẽ hoặc hung tợn.
  73. Cá thác lác
    Cũng gọi là cá thát lát hoặc cá phác lác, một loại cá nước ngọt rất thường gặp ở Trung và Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Cá thường được đánh bắt để làm chả cá thác lác - một đặc sản nổi tiếng - và các món ngon khác như lẩu cá, muối sả ớt, canh...

    Cá thác lác

    Cá thác lác

  74. Cá bã trầu
    Một loại cá biển thân dẹp, vẩy có màu hồng nhạt, mắt to. Cá cho thịt mềm, rất ngọt, được chế biến nhiều món ngon như nướng, chiên, nấu canh chua... Tùy vùng miền mà loại cá này có những cái tên khác nhau như cá thóc, cá mắt kiếng, cá trao tráo (hai tên sau có lẽ là dựa vào đặc điểm của mắt cá).

    Cá bã trầu

    Cá bã trầu

  75. Cá khoai
    Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.

    Canh chua cá khoai

    Canh chua cá khoai

  76. Tức 30/8/1917 dương lịch, ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do đội Cấn chỉ huy.
  77. Can qua
    Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
  78. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  79. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  80. Có bản chép: Rủ nhau.
  81. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  82. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  83. Theo lệnh của Đội Cấn, Đội Trường đã tiêu diệt Giám binh Noen, Ba Chén giết tên Phó quản Lạp và 7-8 binh sĩ chống đối.
  84. Nhà pha
    Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
  85. Thị thường
    Xem thường.
  86. Tài bồi
    Vun đắp, vun trồng (từ Hán Việt).
  87. Nam bang
    Bờ cõi nước Nam.
  88. Nghĩa quân sử dụng quân kì màu vàng đề bốn chữ "Nam binh phục quốc."
  89. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  90. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  91. Con thoi
    Bộ phận của khung cửi hay máy dệt, ở giữa phình to, hai đầu thon dần và nhọn (vì vậy có hình thoi), có lắp suốt để luồn sợi.

    Máy dệt và con thoi

    Máy dệt và con thoi

  92. Hồ
    Kĩ thuật làm cho sợi dệt hoặc vải thấm đều một lớp nước có pha lớp bột hoặc keo cho cứng.
  93. Chợ Đồng Xuân
    Một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, nằm trong khu phố cổ. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại thành 3 tầng với tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² như hiện nay.

    Cổng chợ Đồng Xuân

    Cổng chợ Đồng Xuân

  94. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  95. Quýt
    Một loại cây thân gỗ. Quả hình cầu hơi dẹt, màu xanh, vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm, ăn có vị ngọt; hạt trắng xanh. Hoa, lá, vỏ, xơ và múi quýt cũng là những vị thuộc dân gian.

    Quả quýt

    Quả quýt

  96. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  97. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  98. Mãng cầu
    Miền Bắc gọi là na, một loại cây ăn quả cho quả tròn có nhiều múi (thực ra, mỗi múi là một quả) khi chín có vị ngọt, mùi rất thơm. Lá, hạt và rễ mãng cầu cũng là những vị thuốc dân gian.

    Trái mãng cầu

    Trái mãng cầu

  99. Sấu
    Loại cây gỗ lớn sống lâu năm, lá thường xanh. Hoa sấu màu trắng, mọc thành chùm, nở vào tháng ba, tháng tư. Quả sấu vị chua, mùi thơm đặc trưng, thường dùng để nấu canh, làm ô mai, sấu dầm, sấu ngâm nước đường... Sấu được trồng phổ biến ở miền Bắc nước ta để lấy bóng mát và lấy quả. Vỏ cây, lá, hoa và quả sấu còn được dùng làm thuốc.

    Quả sấu

    Quả sấu

  100. Sưu thuế
    Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
  101. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  102. Đây là Tòa Đại lí Tam Kỳ chứ không phải Tòa Công sứ Hội An (theo Nguyễn Q. Thắng).
  103. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  104. Diên Phước
    Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
  105. Troàn
    Truyền.
  106. Ngươn soái
    Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
  107. Tổng nhung
    Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
  108. Sanh sản
    Sinh sản.
  109. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  110. Di địch
    Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
  111. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  112. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  113. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  114. Có ý kiến cho rằng bài ca dao này nhằm đả kích chế độ sưu cao thế nặng của triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp.
  115. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  116. Tộ
    Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)

    Cá kho tộ

    Cá kho tộ

  117. Giông khói đèn
    Giông gió lớn thường được báo trước bằng đám mây đen đặc có những sọc chỉ nhỏ như vệt khói đèn dầu xuất hiện ở chân trời.
  118. Lúa chiêm chín vào đầu mùa mưa, nên thu hoạch sớm.
  119. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  120. Quốc ngữ
    Trước gọi là chữ tân trào, hệ thống chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Hệ thống này được xây dựng dựa trên chữ cái Latin thêm các chữ ghép và 9 dấu phụ. Chữ Quốc ngữ được phổ biến sâu rộng vào khoảng thế kỷ 19 và 20 nhưng đã xuất hiện phôi thai từ lâu vào khoảng thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam và giao tiếp với người Việt rồi vì nhu cầu học hỏi ngôn ngữ Việt (lúc đó còn dùng chữ Hán và chữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ mà bắt đầu ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ Latin.
  121. Giang hà
    Sông nước nói chung (từ Hán Việt).

    Con chim chết dưới cội hoa
    Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

    (Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)

  122. Giấy hồng đơn
    Cũng gọi là giấy hồng điều, loại giấy đỏ dùng để viết câu đối hoặc chữ để dán lên trái dưa, trái bưởi, thường dùng vào dịp Tết.

    Viết chữ ngày Tết trên giấy hồng đơn

    Viết chữ ngày Tết trên giấy hồng đơn

  123. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo