Cô kia cột tóc đuôi gà
Nắm đuôi cô lại, hỏi nhà cô đâu
Nhà tôi ở dưới đám dâu
Bên cạnh đám mía, đầu cầu ngó qua
Ngó qua đám bắp trổ cờ,
Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.
Tìm kiếm "cò bợ"
-
-
Một yêu em béo như bồ
Một yêu em béo như bồ
Chân tay ngắn ngủn, đít to như giành
Hai yêu mắt toét ba vành
Đầu đuôi khoé mắt nhử xanh bám đầy
Ba yêu tới cặp môi dày
Mỗi khi ăn nói bắn đầy dãi ra
Bốn yêu bộ mặt rỗ hoa
Lại thêm em có nước da mực Tàu
Năm yêu mái tóc trên đầu
Hôi như tổ cú, chấy bâu đầy đàn … -
Ở đây lắm kẻ gièm pha
-
Cái cò là cái cò kì
Cái cò là cái cò kì
Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô.
Đêm nằm thì ngáy o o
Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
Hàng bánh hàng bún bày ra
Củ từ khoai nước cùng là cháo kê
Ăn rồi cắp đít ra về
Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
Chả này bà bán làm sao?
Ba đồng một gắp lẽ nào không mua
Nói dối rằng mua cho chồng
Đến giữa quãng đồng ngả nón ra ăn
Ăn rồi xúc miệng xỉa răng
Về nhà đau quặn đau quăn dạ này
Đem tiền đi bói ông thầy
Bói ra quẻ này những chả cùng nem
Cô nàng nói dối đã quen
Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ?Dị bản
Con cò là con cò kì
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
Về sau lấy cháu ông đồ
Thầy mẹ thách cưới ba bồ khoai lang
Một bồ thì để phần làng
Hai bồ thì để họ hàng ăn cheo.
-
Chuồn chuồn đánh giặc
Chuồn chuồn đánh giặc
Voi đậu bờ rào
Rộng nhất thì ao
Hẹp hòi thì biển
Đẹp nhất thì khỉ
Xấu xa thì tiên
Bong bóng thì chìm
Gỗ lim thì nổi
Đào ao bằng chổi
Quét nhà bằng mai
Tròn thì bồ đài
Méo thì miệng thúng … -
Sáng ngày cắp nón đón đò
Sáng ngày cắp nón đón đò
Gặp thầy, gặp mẹ chả cho xuống đò
Lạy thầy, lạy mẹ xin chừa
Từ rày chả dám đò đưa với chàng
Chốn sơn lâm lá cỗi thông vàng
Cây bao nhiêu lá thương chàng bấy nhiêu
Bởi chưng bác mẹ nhiều điều
Cho nên tôi phải đăm chiêu về chàng
Ruột tôi héo, gan tôi vàng
Nào ai có biết đoạn trường này không? -
Nhà anh có một cây chanh
Nhà anh có một cây chanh
Nó chửa ra cành, nó đã ra hoa,
Nhà anh có một mụ già,
Thổi cơm, nấu nước, quét nhà chẳng nên.
Ăn cỗ thì đòi mâm trên,
Mâm son bát sứ đưa lên hầu bà,
Ăn rồi bà chết giữa nhà
Gọi con gọi cháu, dắt bà đi chôn
Có chôn thì chôn cho sâu
Để hai con mắt coi trâu coi bò,
Có chôn thì chôn cho xa
Đừng chôn gần nhà bà về bà nhát trẻ con. -
Vè kiến
Kiến lửa tập đoàn, kiến vàng ở ổ
Cao đầu lớn cổ thiệt là kiến hùm
Cắn chúng la um: kiến kim, kiến nhọt
Nhỏ như con mọt thiệt là kiến hôi
Động trời nó sôi: kiến cánh, kiến lửa
Bò ngang, bò ngửa: kiến riện đơn chai
Bò dông, bò dài, bò qua, bò lại
Kiến đực nói phải, kiến cái làm khôn
Rủ nhau lên cồn xoi hang lạch cạch
Thuở xưa, trong sách Bàn Cổ sở phân
Sanh ra chúng dân đỏ đen như kiến
Ấu tử làm biếng chẳng có mẹ cha
Không ai dạy la, nên không biết sợ -
Vè chợ Lường
Chợ Lường họp lại vui thay
Đàng đông lúa gạo, đàng tây tru bò
Xã đã khéo lo
Lập lều hai dãy
Hàng sồi hàng vải
Thì kéo lên đình
Hàng xén xung quanh
Hàng thịt hàng lòng ở giữa
Ngong vô trửa chợ
Chộ thị với hồng
Dòm ngang xuống sông
Chộ thuyền với lái
Ngong sang bên phải
Chộ những vịt gà
Hàng nhãn, hàng na
Hàng trầu, hàng mấu
Hàng ngô, hàng đậu
Hàng mít, hàng cà
Hàng bánh, hàng quà
Hàng chi có cả
Rồi nào hàng cá
Hàng bưởi, hàng bòng … -
Nu na nu nống
Nu na nu nống,
Thằng cộng, các cạc,
Chân vàng, chân bạc.
Đá xỉa, đá xoi,
Đá đầu con voi,
Đá lên, đá xuống,
Đá ruộng bồ câu,
Đá râu ông già,
Đá ra đường cái,
Gặp gái đi đường.
Có phường trống quân,
Có chân thì rụt.Dị bản
Nu na nu nống,
Cái cống càng cạng,
Đá rạng đôi bên,
Đá lên đá xuống,
Đá ruộng bồ câu,
Đá đầu con voi,
Đá xoi đá xỉa,
Đá nửa cành xung,
Đá ung trứng gà,
Đá ra đường cái,
Gặp gái giữa đường,
Gặp phường trống quân,
Có chân thì rụt.
-
Vô duyên lấy phải chồng già
Vô duyên lấy phải chồng già
Ra đường bạn hỏi rằng cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng
Chính thực là chồng có phải cha đâu.
Ngày ngày vác cối giã trầu
Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm.
Đêm đêm đưa lão đi nằm
Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ.
Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ
Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng.
Nữa mai người có thiếp không
Xấu hổ với chúng bạn, cực lòng mẹ cha.Dị bản
Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già
Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng
Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!Tốt số lấy được chồng già
Ra đường bạn hỏi: Ông gia hay chồng?
Không nói ra thì cực trong lòng
– Ông gia tôi đó, nỏ phải chồng tôi đâu
Cơm xong, múc nước, nhai trầu
Đêm tắt đèn đi ngủ, hàm râu ông kề vào
Tôi xê ra ông lại xịch vào
Phận tôi là gái má đào mắt xanh
Lẽ nào kêu cố bằng anh?
-
Vè thằng nhác
Lẳng lặng mà nghe
Cái vè thằng nhác
Trời đà phó thác
Tính khí anh ta
Buổi còn mẹ cha
Theo đòi thư sự
Cho đi học chữ
“Nhiều chữ ai vay?”
Cho đi học cày
Rằng “Nghề ở đợ!”
Cho đi học thợ
Nói “Nghề ấy buồn”
Cho đi tập buôn
“Ấy nghề ngồi chợ!” … -
Rạng ngày mai, lên quán mua đồ
Rạng ngày mai, lên quán mua đồ:
Tần ô, cá chép, tôm tép, bí đao,
Trầu cau, bánh thuốc, mắm ruốc, ốc sò
Thịt bò, thịt sấu, trái ấu, gân nai,
Bột khoai, bún nấm, nước mắm, tiêu hành
Sâm-banh, rượu chát, cô-nhắc, la ve,
Cà phê, bánh sữa, đãi anh một bữa cho phỉ tâm tình
Mai sau anh rõ lại, biết mình là con gái khôn. -
Phú bói giò gà
Đầu năm ra mắt mồng ba
Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
Bói giò phải bói cho tinh
Xem tường màu sắc chân hình rủi may
Đôi giò cần để thẳng ngay
Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu
No rồi chụm móng khít khao
Đỡ cái chặt chẽ cũng giàu cũng sang
Đỏ mà gân máu nổi loang
Là điềm hao của tan hoang cửa nhà
Trắng xanh bền bệt thây ma
Ấy điềm tang chế ông bà cháu con
Da gà tươi mượt vàng son
Đi thi chắc đậu đi buôn chắc lời
Khe chân gà hở tơi bời
Tiền vô nhiều cũng phủi rồi tay không … -
Em về thưa với mẹ cha
Em về thưa với mẹ cha
Anh chẳng có lợn, có gà đi cheo
Anh có cái cối giã bèo
Anh xin bán để nộp cheo cho làng
Bao giờ anh cưới được nàng
Vợ chồng ta dựng tòa ngang dãy dài
Toà này hương lí đánh bài
Nhà trong thờ tổ, sân ngoài mổ trâu
Một bên thì hát ả đầu
Một bên hai họ têm trầu bổ cau
Làng trên xóm dưới đồn nhau
Đám cheo nhà ấy, đứng đầu tổng ta
Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa
Mai ngày cheo nộp, hết chín vạn ba cái cối giã bèo. -
Bốn thầy trò lên núi thỉnh kinh
Bốn thầy trò lên núi thỉnh kinh
Cái bụng chình ình là Trư Bát Giới
Cái mặt phơi phới là quỷ Sa Tăng
Cái mặt lăng nhăng là Đường Tam Tạng
Cái mặt liều mạng là Tôn Ngộ Không
Cái mặt có lông là Tam Thái Tử
Cái mặt hung dữ là Hồng Hài Nhi
Ai cầm cái li là Quan Âm Bồ Tát
Ai cầm cái bát là Phật Tổ Như Lai
Ai mà hay sai là Ngọc Hoàng Thượng Đế -
Một quan tiền tốt mang đi
– Một quan tiền tốt mang đi
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?
– Thoạt tiên mua ba tiền gà,
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
Trở lại mua sáu đồng cau,
Tiền rưỡi miếng thịt, bó rau mười đồng.
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
Ba mươi đồng rượu, chàng ơi!
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi.
Hăm mốt đồng bột nấu chè,
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan. -
Nhớ cơn chung chiếu chung giường
Nhớ cơn chung chiếu chung giường
Nhớ cơn chung lược, chung gương, chung phòng
Nhớ cơn chung gối, chung mùng
Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan
Nhớ cơn nguyệt đổi sao tàn
Cùng nhau thu cúc xuân lan sánh bày
Liễu đông sánh với đào tây
Nước non chỉ nguyện rồng mây đá vàng … -
Ngó lên dốc Một, chùa Lầu
Ngó lên dốc Một, chùa Lầu,
Cảm thương người bạn buổi đầu thâm ân
Kể từ qua lại mấy lần,
Nào ai khỏa lấp sông Ngân, suối Vàng.
Gẫm trong kim cổ kì quan,
Bướm vô vườn liễu, hoa tàn vì ai?
Nhìn xem nguyệt xế non Đoài,
Bóng trăng mờ lợt không ai nương cùng.
Xưa rày nhân nghĩa bập bùng,
Xuống lên không đặng tỏ cùng anh hay.
Mưu kia, kế nọ ai bày,
Làm cho chàng thiếp mỗi ngày mỗi xa. -
Vè Thanh Hóa
Khu Bốn đẩy ra
Khu Ba đẩy vào
Bỏ chạy sang Lào
Nước Lào không nhận
Tức mình nổi giận
Lập quốc gia riêng
Thủ đô thiêng liêng
Là huyện Nông Cống
Quốc ca chính thống:
“Dô tá dô tà”
Nông nghiệp nước nhà:
Trồng cây rau má
Biển khơi lắm cá
Mười mẻ một cân
Nhà máy phân lân
Một năm hai tạ
Vang tiếng xa gần
Nem chua toàn lá
Còn công nghiệp hoá
Là phá đường tàu …
Chú thích
-
- Trổ cờ
- Ra hoa.
-
- Bồ
- Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.
-
- Giành
- Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.
-
- Ba vành
- Hiện tượng mắt bị gió cát làm cho toét, tạo thành ba vạnh.
-
- Dử
- Gỉ mắt (có nơi gọi là nhử). Miền Trung và miền Nam gọi là ghèn.
-
- Mực Tàu
- Mực đen đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết thư pháp (chữ Hán và gần đây là chữ quốc ngữ) bằng bút lông, hoặc để vẽ.
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Đãi bôi
- (Nói chuyện) niềm nở nhưng giả dối, không thực lòng. Theo học giả An Chi, từ này có thể bắt nguồn từ chữ Hán đãi 紿 (lừa dối) và bội 倍 (phản, trái lại). Một số địa phương Nam Bộ phát âm thành đãi buôi hoặc bãi buôi.
-
- Mai
- Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.
-
- Bồ đài
- Đồ dùng để múc nước, làm bằng mo cau gập và nẹp lại.
-
- Thúng
- Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.
-
- Thầy
- Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Đò đưa
- Sang ngang, lấy chồng nhiều lần.
-
- Sơn lâm
- Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
-
- Thông
- Tên loài cây thân gỗ, thẳng và cao, thường xanh (lá hầu như xanh quanh năm), nhựa thơm, quả nón, thường mọc trong các rừng rậm nhiệt đới khắp nước ta. Trong quan niệm Nho giáo, thông cũng tượng trưng cho người quân tử.
-
- Bởi chưng
- Bởi vì (từ cổ).
-
- Bác mẹ
- Cha mẹ (từ cổ).
-
- Đoạn trường
- Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
-
- Kiến lửa
- Loài kiến có đầu và thân màu đồng hoặc nâu, có râu hai nhánh rất đặc biệt. Kiến lửa thường làm ổ dưới đất, đá, cây mục... cắn đau, tạo mụn mủ.
-
- Kiến vàng
- Loài kiến nhỏ, màu vàng, đốt đau, làm tổ trên cây. Ở Tây Nguyên người ta dùng kiến vàng làm muối chấm với thịt nướng rất ngon.
-
- Kiến hùm
- Loại kiến lớn, thân màu đen, thường làm tổ trên các cây cao.
-
- Kiến gió
- Còn gọi kiến kim, loài kiến rất nhỏ, màu hơi đen, cắn rất đau, vết cắn thành mẩn to.
-
- Kiến nhọt
- Loại kiến có màu đen bóng, đốt rất đau và độc.
-
- Mọt
- Giống bọ cánh cứng có hàm khỏe, chuyên đục khoét tre, gỗ, ngũ cốc khô.
-
- Kiến hôi
- Loài kiến màu nâu hoặc đen, làm tổ dưới đất hoặc trên các cây ăn quả, thức ăn là các chất đường, mật. Kiến hôi có tên gọi như vậy do có một mùi hôi rất đặc trưng.
-
- Kiến cánh
- Kiến chúa và kiến đực thường có cánh. Tới mùa sinh sản chúng bay đi tìm nơi giao phối và lập tổ kiến mới.
-
- Kiến riện
- Loại kiến có màu nâu đen, kích thước nhỏ khoảng đầu kim. Kiến riện thường làm tổ gây hại trên các loại cây ăn quả.
-
- Đơn chai
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đơn chai, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bàn Cổ
- Vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.
-
- Sở phân
- Phân chia rõ ràng (từ Hán Việt).
-
- Ấu tử
- Trẻ con (từ Hán Việt).
-
- Chợ Lường
- Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
-
- Tru
- Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
-
- Lụa sồi
- Lụa dệt bằng tơ tằm nhưng sợi thô, nếu sợi dệt xe đôi thì gọi là sồi xe, khác với lụa tơ tằm được dệt bằng tơ tằm sợi nhỏ nên mỏng, mềm và mịn hơn.
-
- Hàng xén
- Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
-
- Ngong
- Ngóng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Trửa
- Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Chộ
- Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Hồng
- Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.
-
- Mấu
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mấu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Bòng
- Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
-
- Hát trống quân
- Hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Hát trống quân ở mỗi địa phương có khác nhau về làn điệu, lối hát và thời điểm hát, nhưng đều mang một số điểm chung như: những người tham gia chia thành hai bên "hát xướng" và "hát đáp", lời ca thường mang tính ứng đối, sử dụng trống dẫn nhịp gọi là "trống thùng", giữa những câu đối đáp có đoạn ngừng gọi là "lưu không".
Hát trống quân thường được tổ chức vào rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, vào chiều tối, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với nhau hoặc với trai gái trong làng.
Xem phóng sự Hát trống quân - Nét dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.
-
- Nu na nu nống
- Tên của một bài đồng dao cũng là tên của một trò chơi thiếu nhi phổ biến. Ba, bốn em nhỏ ngồi tụm lại, duỗi thẳng hai chân ra. Các em đọc to bài đồng dao trong khi một em lấy tay đếm từng chân một theo từng chữ trong bài đồng dao. Tiếng "rụt" cuối bài rơi vào chân nào, chân đó phải tức thì rụt lại.
-
- Ông gia
- Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
-
- Nỏ
- Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Cố
- Gắng, gắng gượng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Thư sự
- Chuyện sách vở, học hành (chữ Hán).
-
- Cải cúc
- Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.
-
- Cá chép
- Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.
Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.
-
- Bí đao
- Còn gọi là bí trắng, là một cây họ dây leo, trái được xào, nấu phổ biến ở mọi miền nước ta. Ngoài ra, hạt và quả còn được dùng trong các bài thuốc dân gian.
-
- Thuốc rê
- Thuốc lá sợi được sản xuất theo lối thủ công, khi hút thường phải tự tay vấn thành điếu. Thuốc rê cũng có thể dùng để nhai. Những người nghiện thuốc ngày trước thường đi đâu cũng mang theo một bọc thuốc rê.
-
- Củ ấu
- Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.
-
- Sâm banh
- Cũng gọi là sâm-panh, một loại rượu vang nổi tiếng có nguồn gốc từ vùng Champagne của Pháp.
-
- Rượu chát
- Rượu vang, vì có vị chát nên dân ta gọi là rượu chát.
-
- Cô nhắc
- Từ tiếng Pháp Cognac, một loại rượu rất nổi tiếng được sản xuất từ vùng Cognac của Pháp.
-
- La ve
- Cũng gọi là la de theo giọng Nam Bộ, cách phát âm bình dân của la bière, tiếng Pháp nghĩa là bia.
-
- Phỉ
- Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
-
- Hành khiển
- Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
-
- Hành binh
- Tên chung của mười hai vị thần võ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Xem thêm: Hành khiển.
-
- Bói giò gà
- Cũng gọi là xem chân giò, một nghi thức tín ngưỡng dân gian sử dụng chân gà để đoán việc lành dữ. Xem thêm.
-
- Cheo
- Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
-
- Bèo ong
- Còn gọi là bèo tai chuột, lá mọc thành cụm dày, cuộn lại dọc theo sống lá như tổ ong. Nhân dân ta thường băm bèo ong cho lợn ăn.
-
- Hương
- Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
-
- Lí trưởng
- Tên một chức quan đứng đầu làng (lí: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
-
- Nhà trò
- Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
-
- Tổng
- Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
-
- Trư Bát Giới
- Một trong ba đồ đệ phò tá Đường Tam Tạng đi Tây Thiên lấy kinh trong truyện Tây Du Ký. Vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình, vì say rượu và trêu ghẹo Hằng Nga mà y bị đày xuống hạ giới trong bộ dạng nửa người nửa lợn với tính cách lười biếng, tham ăn, mê sắc dục, và hay đố kị với Tôn Ngộ Không. Bát Giới có tổng cộng 36 phép biến hóa thần thông, sử dụng vũ khí là cái bồ cào.
-
- Sa Ngộ Tịnh
- Thường gọi là Sa Tăng, đồ đệ út (sau Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới) của Đường Tam Tạng trong tiểu thuyết Tây Du Ký. Y vốn lãnh chức Quyển Liêm Đại Tướng trên thiên đình, chuyên coi rèm cho Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì say rượu đánh vỡ chén lưu ly ở hội Bàn Đào mà bị đày xuống sông Lưu Sa làm thủy quái, rồi sau được Đường Tăng thu phục, chuyên gánh đồ đạc và giữ ngựa Bạch Long trên đường thỉnh kinh. Sa Tăng có 18 phép thuật, giỏi chiến đấu dưới nước, và dùng vũ khí là một cây bảo trượng nặng 5.048 cân.
-
- Huyền Trang
- Thường gọi là Đường Tam Tạng hoặc Đường Tăng, một cao tăng sống vào thời Đại Đường ở Trung Quốc (nên cũng gọi là Đường Huyền Trang). Ông tên tục Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y), sinh khoảng năm 602-604 tại Lạc Châu, huyện Câu Thị, tỉnh Hà Nam, quy y từ rất sớm. Ông là người đã sang Ấn Độ (thời ấy gọi là Tây Trúc) để học Phật pháp trong nguyên gốc tiếng Phạn và đem về phổ biến ở Trung Quốc. Chuyến đi Ấn Độ của ông được dân gian thần thoại hóa, và được Ngô Thừa Ân chép lại thành bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa. Trong truyện, Đường Tăng được mô tả là một người hiền lành nhưng nhu nhược và u mê, thường bị yêu quái đón bắt để ăn thịt.
-
- Tôn Ngộ Không
- Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.
-
- Na Tra
- Một vị thần trong thần thoại dân gian Trung Hoa, được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc như Tây du ký và Phong thần diễn nghĩa. Ông là con út của Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, em của Kim Tra và Mộc Tra (nên cũng gọi là Tam thái tử). Na Tra được miêu tả là một vị thiên tướng khôi ngô, tuấn tú, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng, môi đỏ, bản tính nóng nảy, thẳng thắn, tay cầm thương, tay cầm vòng càn khôn, chân đi bánh xe Phong Hỏa.
-
- Hồng Hài Nhi
- Một con yêu quái trong truyện Tây Du Ký. Hồng Hài Nhi là con của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công chúa (Bà La Sát), có hình hài của một đứa bé nhưng đã trên ba trăm tuổi, ngụ ở Hỏa Vân Động. Hồng Hài Nhi là khắc tinh của Tôn Ngộ Không, đã đốt chết Tôn Ngộ Không một mạng tại núi Hồng Lĩnh. Sau Hồng Hài Nhi được Quan Âm thu phục, phong làm Thiện Tài Đồng Tử.
-
- Quan Âm bồ tát
- Quan Âm, Quan Thế Âm, Quán Âm, Phật Bà đều là các tên gọi khác nhau của Quán Thế Âm, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Theo đạo Phật cũng như dân gian, Quan Âm có hình hài của một người phụ nữ, gương mặt hiền lành phúc hậu, đứng hoặc ngồi xếp bằng trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn - vì vậy những người gặp nạn thường niệm "Nam mô Quan Thế Âm bồ tát." Một số tài liệu, hình vẽ và tượng lại mô tả Quan Âm là một vị phật có nghìn mắt, nghìn tay để quán xuyến việc thế gian.
-
- Thích Ca
- Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.
-
- Ngọc Hoàng Thượng Đế
- Thường được gọi tắt là Ngọc Hoàng, cũng gọi là Ngọc Đế hoặc Thiên Đế, vị vua tối cao của bầu trời, cai quản Thiên đình trong quan niệm của Trung Quốc và Việt Nam. Theo thần thoại, Ngọc Hoàng Thượng Đế là người trần, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Ngọc Hoàng cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên.
-
- Tiền quý
- Tiền có hai hạng, tiền quý (còn gọi là cổ tiền, tiền tốt) thì một tiền bằng 60 đồng tiền kẽm (một quan bằng 10 tiền, tức 600 đồng kẽm), tiền gián (còn gọi là sử tiền) thì một tiền bằng 36 đồng kẽm (tức một quan bằng 360 đồng kẽm). Hình thức lưu hành hai loại tiền tệ này xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18, và tồn tại không lâu vì cách tính phức tạp của nó.
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Vàng
- Vàng mã để đốt cho người đã khuất.
-
- Loan
- Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)
Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai
(Truyện Kiều)
-
- Nguyệt
- Mặt trăng (từ Hán Việt).
-
- Rồng mây
- Còn nói hội rồng mây, hội long vân, chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt, nguyên từ một câu trong Kinh Dịch "Vân tùng long, phong tùng hổ" (mây theo rồng, gió theo hổ), ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm đến nhau. Trong ca dao Nam Bộ, rồng mây lại biểu trưng cho sự hòa hợp gắn bó giữa đôi lứa trong tình yêu.
-
- Đá vàng
- Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
-
- Dốc Một, chùa Lầu
- Hai địa danh nay thuộc tỉnh Phú Yên. Dốc Một ở cách đèo Quán Cau về phía núi Đọ 3 km, trên dốc có một chùa có gác chuông cao nên gọi là Chùa Lầu. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết của một đôi trai gái không lấy được nhau, bỏ nhà đi tu.
-
- Thâm ân
- Ân tình, ân nghĩa sâu nặng.
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Suối vàng
- Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho
(Truyện Kiều)
-
- Kim cổ kì quan
- Những cảnh lạ (kì quan, hiểu rộng ra là chuyện lạ) từ xưa (cổ) đến nay (kim).
-
- Đoài
- Phía Tây.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Khu 4
- Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng Bắc Trung Bộ, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
-
- Khu 3
- Một đơn vị hành chính - quân sự cũ ở vùng đồng bằng sông Hồng, do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra và sử dụng từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1948, gồm có các tỉnh thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng.
-
- Nông Cống
- Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
-
- Hò sông Mã
- Một thể loại hò đặc sắc của Thanh Hóa, được những người chèo đò (gọi là trai đò) hát trên sông Mã. Hò sông Mã được gọi tên theo từng chặng khác nhau từ lúc đò rời bến cho đến khi cập bến: Hò rời bến, sắng đò ngược, hò xuôi dòng, hò đường trường, hò ru ngủ, hò mắc cạn, hò niệm Phật, hò cập bến...
Xem phóng sự Điệu hò trên một dòng sông.
-
- Rau má
- Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.
-
- Nem
- Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...