Những bài ca dao - tục ngữ về "bột":

  • Một quan tiền tốt mang đi

    – Một quan tiền tốt mang đi
    Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?
    – Thoạt tiên mua ba tiền gà,
    Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
    Trở lại mua sáu đồng cau,
    Tiền rưỡi miếng thịt, bó rau  mười đồng.
    Có gì mà tính chẳng thông?
    Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
    Ba mươi đồng rượu, chàng ơi!
    Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.
    Hai chén nước mắm rõ ràng,
    Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi.
    Hăm mốt đồng bột nấu chè,
    Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan.

Chú thích

  1. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  2. Tiền quý
    Tiền có hai hạng, tiền quý (còn gọi là cổ tiền, tiền tốt) thì một tiền bằng 60 đồng tiền kẽm (một quan bằng 10 tiền, tức 600 đồng kẽm), tiền gián (còn gọi là sử tiền) thì một tiền bằng 36 đồng kẽm (tức một quan bằng 360 đồng kẽm). Hình thức lưu hành hai loại tiền tệ này xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18, và tồn tại không lâu vì cách tính phức tạp của nó.
  3. Có bản chép: Nàng mua những gì hãy tính cho ra.
  4. Có bản chép: giá, rau.
  5. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  6. Vàng
    Vàng mã để đốt cho người đã khuất.