Tìm kiếm "hỗn mang"

  • Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả

    Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả
    Kiếp khổ nghèo ai chả như ai
    Còi tầm chiều, tối, ban mai
    Búa rìu, đèn đất khoác vai vào lò
    Tìm cái sống hơn lo cái chết
    Sập hầm lò hết kiếp ngựa trâu
    Chui vào lò giếng sâu sâu
    Chui sang lò chợ trông nhau dặn dò
    Đã đeo cái thẻ phu lò
    Khéo chui thì thoát, khéo bò thì lên
    Khói cửa lò người đen như cháy
    Mình đầu trần nhễ nhại mồ hôi
    Đời người đến thế thì thôi
    Bát cơm mấy bát mồ hôi cho vừa
    Mong đất nước bao giờ đổi mới
    Dân Nam mình thoát khỏi cùm gông
    Hai mươi nhăm triệu tiên rồng
    Chen vai gánh vác non sông mới là.

  • Gà tơ xào với mướp già

    Gà tơ xào với mướp già
    Vợ hai mươi mốt chồng đà sáu mươi
    Ra đường, chị giễu em cười
    Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng
    Đêm nằm tưởng cái gối bông
    Giật mình gối phải râu chồng nằm bên
    Sụt sùi tủi phận hờn duyên
    Oán cha trách mẹ tham tiền bán con

    Dị bản

    • Mướp non nấu với gà già
      Chồng mới mười tám, vợ đà bốn mươi
      Ra đường chị chế em cười
      Tưởng hai cô cháu, hóa đôi vợ chồng

  • Con dâu tôi dại lại khờ

    Con dâu tôi dại lại khờ
    Nấu cơm trong bếp quên sơ, quên vần
    Nấu canh như thể xà bần
    Bữa mặn bữa lạt, không lần nào ngon
    Làm bánh, nắn cục nắn hòn
    Bỏ vô mà hấp chẳng còn chút nhưn
    May áo rồi lại may quần
    Tra khuy lộn ngược sau lưng vá quàng
    Đi chợ phải thói ăn hàng
    Mua ba đồng mắm chợ tan mới về
    Về nhà rồi đi ngồi lê
    Cửa nhà dơ dáy chắng hề quét lau
    Nuôi heo sợ tốn cám rau
    Tới mùa gặt hái giả đau ở nhà!

    Dị bản

    • Con nhà ai nho nhỏ lại khờ
      Nấu cơm trong bếp quên sơ, quên vần

  • Chắp tay con lạy bác, bác ơi

    – Chắp tay con lạy bác, bác ơi!
    Bác già rồi, đừng có thấy chuối, thấy xôi mà bác thèm
    – Ít nhiều chi qua cũng lớn tuổi hơn mấy em
    Qua già lẩm cẩm, qua có quyền thèm tứ tung!

    Dị bản

    • – Con cúi đầu lạy bác, bác ơi
      Bác đừng thấy chuối thấy xôi mà bác thèm!
      – Dẫu gì thì qua cũng lớn hơn em
      Qua lú qua lẫn nên qua thèm của tơ

  • Vè kể giăng

    Mồng một cho tới mồng năm
    Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
    Mồng sáu, mồng bảy trở đi
    Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
    Mồng chín giăng ánh vườn đào
    Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
    Mười một sáng cả vườn dâu
    Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
    Mười ba giăng gió giữ duyên
    Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
    Gặp giăng em hỏi em chơi
    Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
    Đến rằm giăng đã lên cao
    Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
    Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
    Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
    Mười chín em định em ngồi
    Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
    Kể từ hăm mốt nửa đêm
    Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
    Cuối tháng giăng xuống biển sâu
    Ba mươi mồng một ai cầu được giăng

  • Da em mát lạnh miệng em tròn

    Da em mát lạnh miệng em tròn
    Chà xát ngày đêm cũng chả mòn
    Dưới chống hai chân dài thòng thọc
    Giữa là tu huýt nhỏ con con
    Vênh râu nhắp nhắp vang lừng động
    Chúm miệng phun phun tít mịt mùng
    Nghĩ lại thân em đà cũng sướng
    Công hầu khanh tướng cũng ôm hôn

    Là cái gì?

    Điếu cày

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Lồn em lồn bạc lồn vàng

    Lồn em lồn bạc lồn vàng
    Thương cho lồn chị, lồn gang lồn đồng
    Lồn em ấp phượng ấp rồng
    Thương cho lồn chị ngồi không ngáp ruồi
    Lồn em kẻ ngược người xuôi
    Tủi thay lồn chị à ơi một mình
    Một đêm em bán chữ tình
    Hơn mười đời chị chữ trinh để thờ

  • Anh A tuổi Tí

    Anh A tuổi Tí
    Chị B tuổi Thìn
    Hai người đồng tình
    Gia đình đồng ý
    Lên Ban quản lí
    Xin cho chữ kí
    Quản lí không cho
    Hai người hét to
    “Độc lập tự do
    Không cho cũng lấy”
    Một con lợn béo
    Một bó rau thơm
    Anh A ăn trước
    Chị B ăn sau
    Hai người hôn nhau
    Ôm nhau vào giường
    Tù ti tú tí

  • Tiếng anh ăn học cựu trào

    Tiếng anh ăn học cựu trào
    Chị dâu té giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên?
    – Nắm đầu thì sợ tội trời
    Nắm ngang khúc giữa sợ lời thế gian
    Giếng sâu anh phải thông thang
    Kéo chị dâu lên đặng kẻo chết oan linh hồn

    Dị bản

    • Tiếng đồn anh ăn học đã cao
      Chị dâu rớt xuống giếng, anh nắm chỗ nào anh kéo lên?
      –  Chị dâu mà rớt xuống giếng
      Anh tìm miếng để cứu chị lên
      Nắm đầu thì sợ tội trời
      Hai tay nâng đỡ, sợ lời thế gian
      Nhanh tay liền bắc cái thang
      Kéo chị dâu một thuở kẻo chết oan con người

    • Em nghe anh ăn học trong trào
      Chị dâu té giếng níu chỗ nào kéo lên?
      – Anh nắm đầu thì sợ tội
      Nắm tay thì lại lỗi đạo tam cang
      Dậm chân kêu bớ ông trời vàng
      Cho hai con rồng bạch xuống cứu nàng chị dâu

    • Tiếng anh ăn học cựu trào
      Chị dâu té giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên?
      – Nắm đầu thì khổ
      Nắm cổ lại không nên
      Nắm chân tay thì lỗi niềm huynh đệ
      Vậy anh cứ bớ làng là hơn!

    • Tiếng anh ăn học cựu trào
      Chị dâu té giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên?
      – Chị dâu té giếng cái ào
      Hồn bất phụ thể, nắm chỗ nào cũng xong!

    • – Tiếng đồn anh học chữ ngoài triều
      Chị dâu rớt xuống giếng, anh nắm đằng nào anh kéo lên
      – Anh xách cái đầu, lỗi đạo nhân huynh
      Thò tay vào mình, thụ thụ bất thân
      Không cứu chị dâu thì lỗi đạo từ đường
      Dòng dây anh thả xuống chị nương chị vào

  • Một yêu mặt trắng má tròn

    Một yêu mặt trắng má tròn
    Hai yêu môi mọng thoa son điểm hồng
    Ba yêu mắt sáng mày cong
    Bốn yêu mái tóc nực nồng nước hoa
    Năm yêu mảnh áo ngắn tà
    Sáu yêu quần trắng là đà gót sen
    Bảy yêu vóc liễu dịu mềm
    Tám yêu giọng nói vừa hiền vừa vui
    Chín yêu học thức hơn người
    Mười yêu, yêu cả đức tài hình dong!

  • Ai về Giáp Nhị năm xưa

    Ai về Giáp Nhị năm xưa
    Chê ao thối đặc, chê mưa ngập làng
    Chê nhà mái dột, vách tàn
    Chê lúa mọc mậm đầu làng, cuối thôn
    Giờ về Giáp Nhị một hôm
    Khen rau muống tốt nhiều hơn lá rừng
    Khen ao lắm cá vẫy vùng
    Khen nhà ngói đỏ như vung Hàng Nồi

  • Ru con giữa buổi chiều đông

    Ru con giữa buổi chiều đông,
    Để mẹ tát nước giữa đồng đêm nay.
    Cầu giai mẹ đổ luôn tay,
    Cho lành manh áo cho đầy cơm con.
    Cho lòng mẹ đỡ héo hon,
    Cho khuôn mặt trẻ đẹp tròn như gương.
    Quản gì một nắng hai sương,
    Quản gì gió bụi trên đường con ơi.
    Ru con mẹ hát mấy lời,
    Ngủ đi cho mẹ còn rời gối tay.

  • Chẳng thà con giết mẹ đi

    Chẳng thà con giết mẹ đi
    Chẳng thà con chết từ khi lọt lòng
    Ba năm bú mớm ẵm bồng
    Mong con khôn lớn đền công sinh thành
    Tưởng con tuổi trẻ đầu xanh
    Nên cơ nên nghiệp rạng danh cửa nhà
    Nghe lời lừa phỉnh dèm pha
    Bỏ bê nhà cửa con ra ở đồn
    Ở đời cay đắng gì hơn
    Theo Tây cướp nước phụ ơn sinh thành
    Súng Tây con bắn người mình
    Nhẫn tâm đến thế sao đành hỡi con

  • Một năm ba trăm sáu mươi ngày

    Một năm ba trăm sáu mươi ngày
    Ước gì được sống một ngày bên em
    Miếng trầu cánh phượng em têm
    Trao anh anh giữ cả đêm lẫn ngày
    Khi mô rỗi rãi cấy cày,
    Giở ra xem chút cho khuây dạ buồn
    Khi mô lội suối trèo non
    Đói cơm, anh giở ra hôn trầu này
    Trầu này có mặn có cay,
    Cũng là duyên nghĩa một ngày trao nhau

Chú thích

  1. Mèo
    Phương ngữ Nam Bộ lấy ý từ thành ngữ "mèo mả gà đồng" hoặc "mèo đàng chó điếm," chỉ nhân tình vụng trộm. Trong một số ngữ cảnh, mèo cũng chỉ người được được hứa hẹn là sẽ cưới hỏi sau này.
  2. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  3. Tiết Nhơn Quý
    Một danh tướng thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến nhiều bởi hình tượng nhân vật tiêu biểu trong văn hóa kinh kịch Trung Quốc. Hình ảnh Tiết Nhơn Quý được thần thoại hóa thành "tướng tinh cọp trắng" và có nhiều câu chuyện dân gian xung quanh nhân vật này.

    Ở nước ta, cuốn tiểu thuyết dã sử của Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông đã được chuyển thể thành vở cải lương cùng tên được nhân dân khá yêu thích. Xem trích đoạn vở cải lương này tại đây.

  4. Ma Thiên Lãnh
    Tên một ngọn núi được nhắc đến trong tác phẩm Tiết Nhơn Quý Chinh Đông, trên có một sơn trại do hai tướng Châu Văn và Châu Võ trấn giữ. Tiết Nhơn Quý đánh chiếm trại này, đồng thời cùng với hai tướng kết nghĩa anh em.
  5. Bạch giáp, bạch bào
    Giáp trắng, áo bào trắng.
  6. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  7. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  8. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  9. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  10. Đèn đất
    Loại đèn của thợ mỏ ngày trước, được thắp sáng bằng phản ứng hóa học giữa đất đèn (acétylen) và nước.

    Đèn đất

    Đèn đất

  11. Lò giếng
    Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
  12. Lò chợ
    Nơi nhiều thợ mỏ cùng trực tiếp khai thác than trong mỏ.
  13. Giễu
    Nói ra, đưa ra để đùa bỡn, châm chọc hoặc đả kích.
  14. Dùng đũa cả (đũa bếp) xới cơm đang nấu trong nồi cho mau khô, chín cơm.
  15. Xà bần
    Đồ phế thải như gạch ngói, vôi vữa... từ các công trình xây dựng, cũng có thể hiểu rộng là rác rến. Từ này có gốc từ tiếng Trung Quốc thập bình 什平, nghĩa là "nhiều món trộn lẫn với nhau," dùng chỉ đồ ăn vụn, đồ thừa.
  16. Nhưn
    Nhân (cách phát âm của người Nam Bộ).
  17. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  18. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  20. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  21. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  22. Công hầu
    Công và hầu, nghĩa gốc là hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  23. Khanh tướng
    Khanh và tướng, hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  24. Điếu cày
    Một loại điếu để hút thuốc lào, phổ biến trong giới bình dân. Điếu cày làm bằng một khúc ống tre hoặc nứa dài non nửa mét, khoét lỗ nhỏ để tra nõ điếu gọt bằng gỗ. Hút bằng điếu cày vị thuốc rất đậm.

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

  25. Tư Nghĩa
    Tên một huyện đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Huyện Tư Nghĩa nổi tiếng với hai trong mười hai cảnh đẹp Quảng Ngãi là Cổ Luỹ cô thônLa Hà thạch trận. Phố cổ Thu Xà trước đây cũng là một thương cảng lớn của miền Trung và sầm uất chỉ sau thương cảng Hội An của Quảng Nam.

    La Hà thạch trận

    La Hà thạch trận

  26. Đại Cổ Lũy
    Gọi tắt là cửa Đại, một cửa sông thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi sông Trà Khúc đổ ra biển. Tại đây trước kia có thành Cổ Lũy, một tiền đồn gồm ba thành liên kết nhau nhằm ngăn thuyền bè tiến vào cửa sông. Hiện nay di tích này không còn nữa.
  27. Súng
    Loài cây sống lâu năm, mọc hoang dại trong ao, mương, kênh, rạch, láng nước, bàu trũng... Bông súng có lá tròn giống lá sen, phía trên màu xanh, phía dưới mầu hồng nhạt, gắn liền cọng với cuống. Hoa to, màu xanh nhạt, trắng hay hồng, có bốn lá đài. Củ súng nằm bồng bềnh trên mặt nước, ăn được.

    Hoa súng

    Hoa súng

  28. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  29. Hòn Sụp
    Một đảo đá nhỏ gần cửa biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  30. Dương
    Còn gọi là cây phi lao (từ gốc tiếng Pháp filao), một loại cây mọc nhiều dọc theo các bờ biển nước ta. Phi lao có vai trò rất lớn trong việc chắn cát, giữ cho các làng ven biển khỏi bị sa mạc hoá.

    Hàng phi lao ven biển

    Hàng phi lao ven biển

  31. Rau thơm
    Tên chung dùng để chỉ các loại rau ăn được (có thể là rau, củ, quả thơm), được trồng hoặc hái từ tự nhiên, có mùi thơm đặc biệt tùy theo loại do các tinh dầu trong rau bay hơi tạo thành. Thơm còn là tên gọi tắt của người Hà Nội dành cho loại húng thơm mà nổi tiếng nhất là húng Láng.
  32. Cựu trào
    Triều cũ, thời cũ.
  33. Ăn học cựu trào
    Học theo lối cũ, học đạo Khổng, chữ Nho.
  34. Hồn bất phụ thể
    Hồn không nương vào xác, sợ mất hết cả hồn vía.
  35. Nhân huynh
    Tiếng tôn xưng dùng gọi anh em, bạn (từ Hán Việt).
  36. Nam nữ thụ thụ bất thân
    Quan niệm hành xử của Nho giáo, rằng nam nữ không được đụng chạm vào nhau (hai chữ thụ, một chữ nghĩa là cho, chữ kia nghĩa là nhận).
  37. Từ đường
    Nhà thờ tổ tiên (từ Hán Việt).
  38. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  39. Bình phong
    Bức vách làm bằng các tấm gỗ, mây tre đan hoặc gạch đất. Ngoài tác dụng chắn gió hoặc ngăn không gian trong nhà, bình phong còn dùng để trang trí.

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

  40. Chiếu miến
    Loại chiếu nhỏ sợi, nằm êm.
  41. Xuyến
    Loại vải dệt bằng tơ tằm có cát nổi ngang, mỏng hơn the trơn và thoáng trông tựa mành mành do sợi dày xen lẫn sợi thưa.
  42. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  43. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  44. Mậm
    Mầm (thường dùng cho các loại cây lương thực như lúa, ngô). Lúa mọc mậm là lúa đã mọc mầm, rễ từ hạt, thường là do ngâm lâu dưới nước.
  45. Hàng Nồi
    Thời Pháp thuộc tên Rue de Paris, nay là phố Nguyễn Thiện Thuật, một phố cổ ở thành phố Nam Định.
  46. Tư lương
    Tư: lo nghĩ. Lương: đo lường. Tư lương: Đoán trước sự thể về sau.

    Đạo học ngày nay đã chán rồi
    Mười người đi học, chín người thôi
    Cô hàng bán sách lim dim ngủ
    Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi

    (Đạo học ngày nay - Tú Xương)

  47. Hồng đào
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồng đào, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  48. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  49. Trọng
    Nặng (từ Hán Việt). Cũng đọc là trượng.
  50. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  51. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  52. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề