Những bài ca dao - tục ngữ về "chị dâu":

  • Tiếng anh ăn học cựu trào

    Tiếng anh ăn học cựu trào
    Chị dâu té giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên?
    – Nắm đầu thì sợ tội trời
    Nắm ngang khúc giữa sợ lời thế gian
    Giếng sâu anh phải thông thang
    Kéo chị dâu lên đặng kẻo chết oan linh hồn

    Dị bản

    • Tiếng đồn anh ăn học đã cao
      Chị dâu rớt xuống giếng, anh nắm chỗ nào anh kéo lên?
      –  Chị dâu mà rớt xuống giếng
      Anh tìm miếng để cứu chị lên
      Nắm đầu thì sợ tội trời
      Hai tay nâng đỡ, sợ lời thế gian
      Nhanh tay liền bắc cái thang
      Kéo chị dâu một thuở kẻo chết oan con người

    • Em nghe anh ăn học trong trào
      Chị dâu té giếng níu chỗ nào kéo lên?
      – Anh nắm đầu thì sợ tội
      Nắm tay thì lại lỗi đạo tam cang
      Dậm chân kêu bớ ông trời vàng
      Cho hai con rồng bạch xuống cứu nàng chị dâu

    • Tiếng anh ăn học cựu trào
      Chị dâu té giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên?
      – Nắm đầu thì khổ
      Nắm cổ lại không nên
      Nắm chân tay thì lỗi niềm huynh đệ
      Vậy anh cứ bớ làng là hơn!

    • Tiếng anh ăn học cựu trào
      Chị dâu té giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên?
      – Chị dâu té giếng cái ào
      Hồn bất phụ thể, nắm chỗ nào cũng xong!

    • – Tiếng đồn anh học chữ ngoài triều
      Chị dâu rớt xuống giếng, anh nắm đằng nào anh kéo lên
      – Anh xách cái đầu, lỗi đạo nhân huynh
      Thò tay vào mình, thụ thụ bất thân
      Không cứu chị dâu thì lỗi đạo từ đường
      Dòng dây anh thả xuống chị nương chị vào

Chú thích

  1. Đỗ vàng mơ
    Đỗ (đậu) đã gần chín, nhưng chưa khô hẳn.
  2. Cựu trào
    Triều cũ, thời cũ.
  3. Ăn học cựu trào
    Học theo lối cũ, học đạo Khổng, chữ Nho.
  4. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  5. Hồn bất phụ thể
    Hồn không nương vào xác, sợ mất hết cả hồn vía.
  6. Nhân huynh
    Tiếng tôn xưng dùng gọi anh em, bạn (từ Hán Việt).
  7. Nam nữ thụ thụ bất thân
    Quan niệm hành xử của Nho giáo, rằng nam nữ không được đụng chạm vào nhau (hai chữ thụ, một chữ nghĩa là cho, chữ kia nghĩa là nhận).
  8. Từ đường
    Nhà thờ tổ tiên (từ Hán Việt).