Tìm kiếm "ông ĐỊa"

Chú thích

  1. Đền A Sào
    Đền thờ Trần Hưng Đạo (tên thật Trần Quốc Tuấn, còn được gọi là Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương), thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền còn được gọi là A Sào linh miếu, Đệ nhị sinh từ, hay đền Gạo (do làng A Sào xưa có tên nôm là làng Gạo). Đền nằm trong thái ấp của Trần Liễu, phụ thân Trần Hưng Đạo.

    Địa danh A Sào gắn liền với vương triều Trần và chiến tích ba lần đại phá quân Nguyên - Mông vào các năm 1258, 1285, và 1288. Hàng năm, dân làng mở hội tế lễ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Trần Hưng Đạo.

     

    Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

    Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

  2. Cù lao Ông Chưởng
    Tên một cù lao thuộc tỉnh An Giang, nằm trên con rạch cùng tên chia nước từ sông Tiền qua sông Hậu. Tên cù lao và rạch được đặt theo tên của quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh. Cù lao này cùng với vùng đất hai bên bờ rạch rất màu mỡ, nhiều ruộng vườn tươi tốt, giàu tôm cá. Gia Định thành thông chí chép:

    Tục gọi là vàm Ông Chưởng; cửa sông nầy rộng 8 tầm, sâu 8 thước ta. Trước cửa sông có cù lao nhỏ và nhân tên sông mà gọi tên cù lao ấy, ở cách phía tây đạo Đông Khẩu 90 dặm rưỡi. Sông chảy vào nam 60 dặm rưỡi đến hạ khẩu rồi hợp lưu với Hậu Giang. Bờ phía tây có sở thủ ngự Hùng Sai, bờ phía tây thượng khẩu có miếu thờ Khâm sai Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn (Nguyễn Hữu Cảnh) vì dân ở đấy cho rằng ông có công dẹp yên Cao Miên, khai thác đất này, nên nhân dân nhớ công đức mà lập miếu thờ...

    Rạch Ông Chưởng

    Rạch Ông Chưởng

  3. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  4. Cá bông lau
    Một loại cá nước lợ có nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cá có mình trắng, da trơn, thân có lớp mỡ dày rất béo. Cá bông lau gắn liền với các món ăn dân dã đặc trưng miền Tây Nam Bộ như canh chua cá bông lau, cá bông lau kho tộ...

    Cá bông lau

    Cá bông lau

    Cá bông lau kho tộ

    Cá bông lau kho tộ

  5. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Sinh đồ
    Một học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, được xác định trong kỳ thi Hương (là kỳ thi sơ khởi nhất để triều đình tuyển chọn người tài; người nào đỗ kỳ thi Hương thì năm sau mới được dự kỳ thi cao hơn là thi Hội, thi Đình).
  7. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  8. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  9. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  10. Tiến sĩ
    Học vị được trao cho những người đỗ tất cả ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình, được ghi danh trong khoa bảng (trừ thời nhà Nguyễn, có thêm học vị Phó bảng không phải là tiến sĩ, nhưng cũng được chấm đỗ ba kỳ thi trên). Thời nhà Trần, những người đỗ Tiến sĩ được gọi là Thái học sinh.
  11. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  12. Bảng nhãn
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến, dưới Trạng nguyên và trên Thám hoa.
  13. Bài vè này nói về truyền thống hiếu học, khoa bảng của Bắc Ninh.
  14. Tể Dư
    (522–458 TCN) Tự là Tử Ngã, cũng gọi là Tể Ngã, học trò của Khổng Tử. Ông là người nước Lỗ, có khiếu chính trị và tài biện bác (được xem là người giỏi hùng biện nhất trong số các học trò của Khổng Tử).
  15. Phàn Tu
    (515-? TCN) Tự là Tử Trì, cũng gọi là Phàn Trì, một học trò của Khổng Tử.
  16. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  18. Cô Trúc
    Một nước chư hầu của các triều đại Thương, Chu trong lịch sử Trung Quốc. Năm 664 TCN, Cô Trúc bị liên minh Tề-Yên tiêu diệt. Một phần lớn lãnh thổ Cô Trúc bị nhập vào Yên.
  19. Trúc
    Trốc, đổ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Đơm
    Đặt bẫy để bẫy chim, cò.
  21. Chu Vũ Vương
    Tên thật là Cơ Phát hay Tây Bá Phát, vị vua sáng lập nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc sau khi lật đổ nhà Thương. Nhà Chu tồn tại được 867 năm, là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc.
  22. Vương: Vướng.
  23. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  24. Nường
    Nàng (từ cũ).
  25. Ngầy ngà
    Rầy rà, phiền nhiễu.
  26. Dức
    Mắng nhiếc. Còn nói dức bẩn (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  28. Mít
    Loại cây ăn quả thân gỗ nhỡ, lá thường xanh, cao từ 8-15m. Cây ra quả vào mùa xuân, quả chín vào mùa hè. Vỏ quả có gai xù xì, ruột chứa nhiều múi, vị ngọt, có loại mít dai và mít mật. Mít là loại cây quen thuộc ở làng quê nước ta, gỗ mít dùng để làm nhà, đóng đồ đạc, thịt quả để ăn tươi, sấy khô, làm các món ăn như xôi mít, gỏi mít, hạt mít ăn được, có thể luộc, rang hay hấp, xơ mít dùng làm dưa muối (gọi là nhút), quả non dùng để nấu canh, kho cá...

    Quả mít

    Quả mít

  29. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  30. Hĩm
    Bộ phận sinh dục phụ nữ (phương ngữ miền Trung). Cũng dùng để gọi bé gái còn nhỏ tuổi.
  31. Thiên Hạt
    Tên dân gian là Thần Nông, còn gọi là chòm Bọ Cạp hoặc gọi tắt là sao Thần, một chòm sao lớn nằm ở bầu trời phía nam gần trung tâm của dải Ngân Hà. Nhà nông nước ta xưa kia xác định vụ lúa bằng cách quan sát biến đổi của chòm sao này.

    Chòm sao Thần Nông với đường nối tưởng tượng

    Chòm sao Thần Nông với đường nối tưởng tượng

  32. Sao chổi
    Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.

    Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.

    Sao chổi

    Sao chổi

  33. Minh Giám
    Một ngôi làng thuộc huyện Vũ Tiên, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đây là quê hương của Phan Bá Vành, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại nhà Nguyễn đầu thế kỉ 19.
  34. Phan Bá Vành
    Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân từ năm 1821 đến năm 1827 chống lại ách thống trị của nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Ông quê ở làng Minh Giám, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vì là con thứ ba trong gia đình, ông còn được gọi là Ba Vành. Ba Vành có sức khỏe phi thường và tài ném lao. Khoảng năm 1821 (có sách chép là 1825 hoặc 1826), ông tập hợp dân nghèo nổi dậy, đánh chiếm nhiều đồn của quan quân nhà Nguyễn ở Thái Bình. Đến năm 1827 thì cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Ba Vành bị bắt và cắn lưỡi tự sát trên đường áp giải về kinh.
  35. Theo sử chép lại, vào năm Phan Bá Vành nổi dậy khởi nghĩa thì trên trời xuất hiện sao chổi (sao tua). Theo Trần tộc gia phả diễn âm:

    Đời vua Minh Mạng lên ngôi,
    Giữa năm Ất Dậu sao đuôi ngang trời.
    Bỗng đùng đùng bể khơi vang động,
    Giặc Ba Vành ngang dọc một phương...

  36. Hung tinh
    Ngôi sao xấu (từ Hán Việt), có thể gây ra tai hoạ cho con người, theo chiêm tinh học.
  37. Ba làng Trà Lũ
    Ba làng Trà Trung, Trà Bắc và Trà Đoài (ba thôn Trung, Bắc, Nam) thuộc huyện Giao Thủy, xã Xuân Trường, trấn Nam Định, nay là xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là nơi nghĩa quân của Phan Bá Vành rút về cố thủ khi bị quân triều đình đàn áp.
  38. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  39. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  40. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  41. Đây là vua Tự Đức.
  42. Thất đức thất uy
    Mất đạo đức và uy quyền.
  43. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  44. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  45. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  46. Đàng Ngoài
    Còn có tên là Bắc Hà hoặc Đường Ngoài (ít gặp), tên gọi bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, chỉ phần lãnh thổ nước ta từ sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) trở ra Bắc, được kiểm soát bởi vua Lê - chúa Trịnh. Đến năm 1786, quân Tây Sơn tiến ra Bắc diệt Trịnh, chính thức chấm dứt chính thể Đàng Ngoài.
  47. Ở đây là đạo Công giáo, phát triển mạnh ở nước ta dưới thời nhà Nguyễn.
  48. Đèn dầu
    Đèn đốt bằng dầu hỏa, gồm một bầu đựng dầu bằng thủy tinh hoặc kim loại, một sợi bấc (tim đèn) để hút dầu, và hệ thống núm vặn. Đèn dầu còn được gọi là đèn Hoa Kỳ (Huê Kỳ), mà theo tác giả Nguyễn Dư thì tên này bắt nguồn từ tên cửa hiệu Hoa Kỳ phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) chuyên làm đồ khảm xà cừ và bán đèn sắt tây. Hiện nay đèn dầu vẫn còn được thấy ở các vùng quê nghèo.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  49. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  50. Nhật Lệ
    Tên một dòng sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi thuộc dãy Trường Sơn, chảy ra Biển Đông tại cửa Nhật Lệ. Cùng với sông Gianh, dãy Hoành Sơn, đèo Ngang, sông Nhật Lệ là một trong những biểu tượng của tỉnh Quảng Bình.

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

    Sông Nhật Lệ đoạn chảy qua Đồng Hới

  51. Hoành Sơn
    Tên một dãy núi ở phía nam tỉnh Hà Tĩnh, phía bắc tỉnh Quảng Bình. Hoành Sơn và sông Gianh là biểu trưng lịch sử, văn hoá, địa lý của tỉnh Quảng Bình. Thế kỷ 17, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói với sứ của chúa Nguyễn Hoàng "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân," nghĩa là "một dải Hoành Sơn có thể dung thân đời đời." Nguyễn Hoàng đã vượt Hoành Sơn vào đến Thuận Hóa và dựng nên nghiệp lớn của các chúa NguyễnĐàng Trong và nhà Nguyễn sau này.

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

  52. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  53. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.