Tìm kiếm "chân tay"

  • Thơ thầy Thông Chánh

    Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
    Chép làm một bổn để mà coi chơi
    Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
    Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
    Đêm nằm khô héo lá gan
    Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
    Chừng nào tỏ nỗi đục trong
    Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
    Lang sa làm việc Châu thành
    Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
    Chỉ sai đua ngựa rần rần
    Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
    Bốn giờ đua ngựa cát bay
    Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
    Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
    Xách súng nai nịt đi coi châu thành

  • Bạn hẹn với ta mồng bốn tháng giêng

    – Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng giêng
    Trông hoài không thấy bạn hiền vãng lai
    Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng hai
    Tiết xuân con én đưa thoi đã rồi
    Tháng ba, tháng tư ta không thấy bạn thời thôi
    Chim kêu thỏ thẻ trước nơi sân hòe
    Tháng năm, tháng sáu ta chẳng thấy nhắn nhe
    Chim kêu nhỏ nhẻ, mùa hè sang thu
    Chim kêu, vượn hú, cu gù
    Cây khô lá rụng, mịt mù tang thương
    Tháng bảy, tháng tám, tháng chín mưa trường
    Đến khi ta nhắn gửi, hết lời ta lại qua
    Tháng mười, tháng mười một, nước chảy mưa sa
    Đương khi tiết lạnh bạn với ta xa vời
    Còn mình tháng chạp bạn ơi
    Niên tàn nguyệt tận, bạn phải tính cho rồi mưu chi?
    Về nhà ngửa bàn tay tính lại đính đi
    Tháng thời mười hai tháng, mùa y bốn mùa
    Chuỗi sầu ai khéo thêu thùa
    Đớn đau dạ ngọc, xót chua gan vàng!

  • Giời làm sóng lở cát bay

    Giời làm sóng lở cát bay
    Cho tớ bỏ thày cho mẹ bỏ con
    Cửa nhà trôi mất chẳng còn
    Vợ chồng cõng bế đàn con lên chùa
    Năm nay nạn nước ơn vua
    Quan trên phát chẩn ở chùa Tây Phương
    Giời làm một trận lỡ đường
    Cho nên mới biết Tây Phương thế này
    Giời làm sóng lở cát bay
    Quan trên phát chẩn mỗi ngày hai ca
    Đàn ông cho chí đàn bà
    Rạng ngày hăm tám đi ra mà về
    Quan tuần, quan án ngồi nghĩ cũng ghê
    Thuê ngay hai chiếc thuyền về đình chung
    Giàu cùng, khó lại chẳng cùng
    Ai ơi còn cậy anh hùng làm chi
    Sinh ra nước lụt làm gì
    Giàu thì bán ruộng, khó thì bán con
    Nghèo thì bán cả nồi cấn lẫn lon đựng cà
    Có thì bán cửa bán nhà
    Nghèo bán đứa bé lấy ba bẩy hào

  • Trời mưa lác đác ruộng dâu

    Trời mưa lác đác ruộng dâu
    Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay
    Bước chân xuống hái dâu này
    Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ
    Thương em chút phận ngây thơ
    Lầm than đã trải nắng mưa đã từng
    Xa xôi ai có tỏ chừng?
    Gian nan tân khổ, ta đừng quên nhau

  • Mẹ già ở tấm lều tranh

    Mẹ già ở tấm lều tranh
    Đói no chẳng quản, rách lành chẳng hay
    Ra đi công vụ nặng nề
    Nửa lo thê tử nửa sầu từ thân
    Bởi vậy cho nên con vợ tui nó mới biểu tui rằng:
    Ới anh ơi, anh ở đây làm chi cho vua quan sưu thuế nặng nề
    Đứa lên một, đứa lên hai, đứa lên năm, đứa lên bảy
    Tao biểu mày quảy, mày không quảy
    Để phần tao quảy, quảy, quảy, quảy về cái đất Phú Ơn
    Nặng nề gánh vác giang sơn
    Đầu con đầu vợ cái đất Phú Ơn ta lặng về
    Kìa hỡi kia đỉnh núi tứ bề,
    Nhành mai chớm nở ta về xứ ta
    Biết bao về tới quê nhà…
    Hết hòn Vay, ta qua hòn Trả
    Hết hòn Trả, lại sang hòn Hành
    Tấc dạ bao đành dắt con cùng vợ,
    Biết no nào trả xong nợ bên dương trần
    Nợ lần lần, tay bồng tay dắt
    Tay đặt chân trèo, ta về xứ ta
    Biết bao là về tới quê nhà…

    Dị bản

    • Hết Hòn Vay đến Hòn Trả
      Hết Hòn Trả, lại đến Hòn Hành
      Tấc dạ cam đành,
      Dắt con cùng vợ.
      Biết bao giờ trả nợ dương trần?
      Nợ dương trần, tay lần tay vác,
      Tay vịn, chân trèo,
      Ta về xứ ta!
      Biết bao giờ trở lại quê nhà?

    • Tao biểu mày quảy, mày không chịu quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn!

    • Đầu con, đầu vợ
      Đứa lớn, đứa bé, đứa bế, đứa nằm
      Đứa lên một, đứa lên ba, đứa lên năm, đứa lên bảy
      Tao biểu mày quảy, mày không quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn
      Nặng nề gánh vác giang sơn
      Đầu con, đầu vợ, cái đất Phú Ơn ta lại về
      Nhìn trông đỉnh núi tứ bề
      Cành mai chớm nở, ta về xứ ta!

  • Truyện Kiều em đã kể làu

    – Truyện Kiều em đã kể làu
    Đố em kể được một câu ba càng
    Kể sao cho được rõ ràng
    Mảnh hương với lại phím đàn trao tay
    Bấy lâu mới được một ngày
    Dừng chân anh đố niềm tây gọi là
    Nhân tình trong đạo chúng ta
    Yêu nhau mới đố một và câu chơi
    Em khôn anh mới thử lời
    Em mà giảng được là người tài hoa
    – Lạ gì đôi lứa chúng ta
    Anh đố em giảng mới là mưu sâu
    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    Em nay phận gái nữ hài
    Anh đố em giảng một bài đã xong
    Xin anh đừng có đèo bòng
    Vui gì thế sự mà mong nhân tình
    Anh đố em mà làm thinh
    Thì anh lại bảo gái trinh không tài
    Bây giờ em đố một bài
    Anh mà giảng được dây hài xin trao
    Truyền Kiều kể lại tiêu hao
    Một câu anh kể làm sao hết Kiều
    – Em đố anh lại giảng ra
    Anh giảng chẳng được người ta chê cười
    Dây hài của đáng mấy mươi
    Bây giờ anh giảng em thời đem ra
    Trăm năm trong cõi người ta
    Mua vui cũng được một vài trống canh

  • Ba mươi tết, tết lại ba mươi

    Ba mươi tết, tết lại ba mươi
    Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách
    Một tay cầm cái dù rách
    Một tay xách cái chăn bông
    Em đứng bờ sông
    Em trông sang bên nước người
    – Hỡi chú chiệc ơi là chú chiệc ơi!
    Một tay em cầm quan tiền
    Một tay em xách thằng bù nhìn em ném xuống sông
    Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
    Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi
    Ối ai ơi! Của nặng hơn người!

  • Trên trời có đám mây xanh

    Trên trời có đám mây xanh
    Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
    Ước gì anh lấy được nàng
    Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
    Xây dọc rồi lại xây ngang
    Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
    Rửa chân cho chí rửa tay
    Chớ rửa lông mày chết cá ao anh

    Video

  • Tôi là con gái xóm trong

    Tôi là con gái xóm trong
    Chân đi yểu điệu hình dong ai tày
    Đôi cổ tay nhỏ nhi nhỏ nhí bằng cái bắp cày
    Chân đi sừng sững rõ tày voi nan
    Đôi má hồng cô bay trắng khốn trắng nạn trắng tựa hòn than
    Nằm đâu ngủ đấy lại toan kén chồng

Chú thích

  1. Nhật trình
    Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
  2. Trương Vĩnh Ký
    Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

    Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.

    Trương Vĩnh Ký

    Trương Vĩnh Ký

  3. Bổn
    Bản (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Trà Vinh
    Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

  5. Kỳ tời
    Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
  6. Thầy Thông Chánh
    Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
  7. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  8. Châu thành
    Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
  9. Lễ Chánh Chung
    Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
  10. Trát
    Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
  11. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  12. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  13. Tiết khí
    Gọi tắt là tiết, một khái niệm về thiên văn bắt nguồn từ Trung Quốc. Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°, khoảng cách kề nhau giữa hai tiết khí là 14-16 ngày. Tiết khí có mối liên quan gần gũi với các yếu tố khí hậu, thời tiết ở các nước nông nghiệp. Hiểu theo nghĩa rộng, tiết còn chỉ một khoảng thời gian, thời cuộc.

    Tiết khí

    Tiết khí

  14. Én đưa thoi
    Én bay lượn trên bầu trời như thoi trong khung cửi. Thường dùng để chỉ hoặc miêu tả mùa xuân.

    Ngày xuân con én đưa thoi
    Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

    (Truyện Kiều)

  15. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  16. Sân hòe
    Từ chữ Hán hòe đình, nghĩa là sân có trồng cây hòe. Đời nhà Tống, Vương Hựu tự tay trồng ba cây hòe trong sân nhà và nói rằng "Con cháu ta sau này sẽ có đứa làm đến Tam công." Về sau, con của Vương Hựu là Vương Đán làm đến Tam công thật. Sân hòe vì vậy chỉ nhà có con cái đỗ đạt, song cũng dùng để chỉ nhà cha mẹ.

    Sân hòe đôi chút thơ ngây,
    Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình

    (Truyện Kiều)

  17. Niên tàn nguyệt tận
    Hết năm hết tháng (chữ Hán). Cũng nói là niên cùng nguyệt tận.
  18. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Tay không chân rồi
    Gia tài không, nghề ngỗng không nốt.
  20. Phát chẩn
    Phân phát tiền, gạo,... để cứu giúp người nghèo đói, gặp khó khăn hoạn nạn.
  21. Chùa Tây Phương
    Tên chữ là Sùng Phúc Tự (崇福寺), là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, trong đó có bộ tượng 16 vị La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau.

    Các vị La Hán chùa Tây Phương
    Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
    Há chẳng phải đây là xứ Phật,
    Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

    (Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

  22. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào

  23. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  24. Thiên Thai
    Một dãy núi gồm chín ngọn núi liền nhau (ngọn cao nhất cao 150 mét) tạo thành hình rồng lượn, nằm bên bờ sông Đuống, về phía tây bắc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Trên núi có nhiều đền chùa, từ xưa đã là một thắng cảnh.

    Trên núi Thiên Thai
    Trong chùa Bút Tháp
    Giữa huyện Lang Tài
    Gửi về may áo cho ai?
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  25. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  26. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  27. Hữu
    Có (từ Hán Việt)
  28. Trù
    Dự tính, dự trù.
  29. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  30. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  31. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  32. Lầm than
    Lầm có nghĩa là bùn nhão ở đáy ao, hồ... Lầm than vì vậy có nghĩa gốc là những thứ bẩn thỉu nói chung, từ đó có nghĩa rộng (phổ biến) hiện nay là sự cực khổ, vất vả của người lao động, giai cấp bị trị - tương đương với chữ đồ thán trong tiếng Hán.
  33. Tân khổ
    Cay đắng, khổ sở (từ Hán Việt, thường dùng trong văn chương cổ).
  34. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  35. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  36. Cội
    Gốc cây.
  37. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  38. Thê tử
    Vợ con (từ Hán-Việt).
  39. Từ thân
    Cha mẹ hiền (từ Hán Việt).
  40. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  41. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  42. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  43. Hòn Vay, hòn Trả
    Hai quả núi tại tỉnh Phú Yên. Nhà yêu nước Trần Cao Vân có một bài thơ vịnh về hai hòn núi này, như sau:

    Ai nhủ hỏi đòi khéo lá lay
    Ở qua Hòn Trả bởi vì Vay,
    Tờ mây bóng rợp bà so chỉ,
    Nợ nước ơn đền ông phủi tay
    Ngày tháng rảnh chân muốn cụm bước,
    Cỏ cây dâng lộc bốn mùa thay
    Khách giang hồ những tha hồ mượn,
    Lân Hải Vân rồi đó sẽ hay.

  44. Hòn Hành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Hành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  45. Những hòn núi này, có bản chép: Hòn Vậy, hòn Cả, hòn Trả, hòn Hành...
  46. No nào
    Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
  47. Đây là một bài hát của một người Hời được nhắc đến trong tác phẩm Tuồng cổ có còn hi vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? của nhà văn Vũ Bằng.
  48. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  49. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  50. Niềm tây
    Nỗi lòng, tâm sự riêng.

    Sứ trời sớm giục đường mây,
    Phép công là trọng, niềm tây sá nào
    (Chinh Phụ Ngâm)

  51. Bài ca dao này sử dụng một số câu hoặc từ trong Truyện Kiều, ví dụ:

    Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (câu 740)

    Rút trâm sẵn giắt mái đầu
    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
    Lại càng mê mẩn tâm thần
    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
    Lại càng ủ dột nét hoa
    Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
    (câu 99 đến câu 104)

  52. Phận nữ hài
    Phận đàn bà con gái.

    Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
    Đem thân giúp nước há nhường trai.

    (Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa – Á Nam Trần Tuấn Khải)

  53. Đây là câu sáu đầu tiên và câu bát cuối cùng (câu thứ 3254) của Truyện Kiều:

    1. Trăm năm trong cõi người ta
    2. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    ...
    3253. Lời quê chắp nhặt dông dài
    3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.

  54. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  55. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  56. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  57. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  58. Bát Tràng
    Tên một ngôi làng nay thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nổi tiếng với truyền thống làm gốm sứ.

    Gốm sứ Bát Tràng

    Gốm sứ Bát Tràng

  59. Hồ bán nguyệt
    Hồ có hình dạng nửa hình tròn. Bán nguyệt nghĩa là một nửa mặt trăng (từ Hán-Việt).

    Hồ bán nguyệt trong chùa Khai Nguyên

    Hồ bán nguyệt trong chùa Khai Nguyên


     

  60. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  61. Trọt
    Cũng gọi là dọt, mảnh đất phía trước hiên nhà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  62. Treo
    Chiếc gióng dùng để treo đồ ăn lên trên cao.
  63. Tày
    Bằng (từ cổ).
  64. Bắp cày
    Đoạn tre hoặc gỗ hình bắp, nối cán cày với chỗ mắc dây ách.

    Các bộ phận của cày

    Các bộ phận của cày

  65. Voi nan
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Voi nan, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  66. Cà Đó
    Một địa danh ở xã Đức Lương, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây nổi tiếng có thuốc lá rất ngon.
  67. Có bản chép: Lưng.
  68. Bài này đề cập đến kinh nghiệm trồng cây thuốc lá ngon của người dân Cà Đó: nhặt phân người làm phân bón.