Tìm kiếm "an bần"

Chú thích

  1. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  2. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  3. Nghệ An
    Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.

    Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...

    Biển Cửa Lò

    Biển Cửa Lò

  4. Nhân sâm
    Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.

    Nhân sâm

    Nhân sâm

  5. Thân phụ
    Cha (từ Hán Việt).
  6. Bồ câu
    Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.

    Chim bồ câu

    Chim bồ câu

  7. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  8. Lưu Bang
    Hiệu là Hán Cao Tổ, hoàng đế đầu triều Hán của Trung Quốc. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Lưu Bang có mũi cao, râu dài giống rồng và có 72 nốt ruồi trên chân trái, thích rượu và gái, tính tình phóng khoáng bao dung. Ông khởi binh chống Tần, tranh thiên hạ với Hạng Vũ (đời sau gọi là Hán-Sở phân tranh hoặc Hán-Sở tranh hùng), sau cùng diệt được Sở, lên ngôi đế vào năm 202 trước Công Nguyên. Nhà Hán do ông lập ra kéo dài hơn bốn thế kỉ, được xem là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến ngày nay, nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số Trung Quốc cũng tự cho mình là "người Hán," và chữ viết Trung Quốc cũng được xem là "Hán tự."

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

  9. Tiêu Hà
    Thừa tướng nhà Hán, cùng với Trương Lương, Hàn Tín được xưng tụng là Hán triều tam kiệt (ba anh hùng hào kiệt nhà Hán), có công rất lớn trong việc bình định nhà Sở, lập nên nhà Hán trong thời kì Hán-Sở tranh hùng.

    Tiêu Hà

    Tiêu Hà

  10. Lý Bí
    Một tể tướng thời nhà Đường của Trung Quốc (chú ý phân biệt với Lý Nam Đế, vị vua sáng lập triều Lý của nước ta).
  11. Hoắc Quang
    Tên qua đại thần phụ chính dưới thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã phế truất Lưu Hạ và đưa Lưu Tuân (chắt của Hán Vũ Đế) lên ngôi, tức là Hán Tuyên Đế. Ông cùng với Y Doãn thời nhà Thương được xưng tụng là hai đại thần nhiếp chính phế lập vua nhưng được ca ngợi, gọi là chung là Y Hoắc.

    Hoắc Quang

    Hoắc Quang

  12. Tào Tháo
    Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.

    Tào Tháo

    Tào Tháo

  13. Có bản chép: Đánh bạc cố áo.
  14. Trần Bình
    Tả thừa tướng nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Theo Sử Ký, mỗi khi làng có lễ tế thần xã, Trần Bình thường lãnh việc chia thịt. Ông chia thịt rất cân, những bậc phụ lão thường khen: "Bé con họ Trần chia thịt giỏi đấy." Ông trả lời: "Chà chà! Nếu cho Bình này làm tể tướng cả thiên hạ, thì cũng làm giỏi như chia thịt vậy." Sau ông theo Lưu Bang, nhiều lần hiến kế bình định thiên hạ, lập nên nhà Hán.
  15. Lưu Bị
    Vua nhà Thục thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Huyền Đức, con cháu đời sau của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, dòng dõi nhà Hán. Theo giai thoại dân gian và trong tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông là người nhân hậu, trọng tình nghĩa, nhất là trong tình cảm anh em kết nghĩa với Quan VũTrương Phi.

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

  16. Hàng Dầu
    Địa danh nay là một phố thuộc khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Dầu được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Nhiễm Thượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Thời Pháp thuộc phố có tên là phố Bên Hồ (Rue de Lac), từ sau năm 1945 mới đổi tên thành Hàng Dầu. Có tên như vậy vì phố này trước đây có bán các thứ dầu thảo mộc (dầu lạc, dầu vừng, dầu bông...) dùng để ăn và thắp đèn. Ngày nay phố chủ yếu buôn bán giày dép.

    Phố Hàng Dầu ngày nay

    Phố Hàng Dầu ngày nay

  17. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  18. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  19. Bồ kết
    Một loại cây lâu năm, thân gỗ có gai, cho hạt giống hạt đậu. Mỗi quả bồ kết có từ 30 đến 40 hạt. Quả bồ kết chứa nhiều dầu, do vậy từ xưa nhân dân ta đã biết gội đầu bằng bồ kết để có mái tóc bóng mượt. Ngoài ra, bồ kết còn là một vị thuốc dân gian.

    Bồ kết

    Bồ kết

  20. Phèn chua
    Một loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục. Người ta dùng phèn chua để đánh nước cho trong hoặc làm thuốc giữ màu trong quá trình nhuộm vải.

    Phèn chua

    Phèn chua

  21. Bồ
    Đồ đan bằng tre, quẩy sau lưng, để đựng nông sản khi lượm hái.
  22. Trần bì
    Vỏ quýt sấy khô, dùng làm thuốc.

    Trần bì

    Trần bì

  23. Cam thảo
    Một loại cây lâu năm có thể cao đến 1 hoặc 1,5m. Rễ cam thảo sấy khô là một vị thuốc Đông y cũng tên là cam thảo, vị ngọt mát, có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc. Cam thảo cũng được dùng trong công nghệ làm thuốc lá và nước ngọt.

    Cam thảo

    Cam thảo

  24. Sài hồ
    Một loại cây thuốc Đông y, rễ có tác dụng chữa cảm sốt, tức ngực, chóng mặt, nhức đầu...

    Sài hồ

    Sài hồ

  25. Hoàng liên
    Cũng gọi là vương liên, một loại cây thuốc cho thân và rễ có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, táo thấp, tả hoả, tiêu sưng, làm sáng mắt.

    Hoàng liên sấy khô

    Hoàng liên sấy khô

  26. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  27. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Thi Phổ
    Tên một làng nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có nghề làm mạch nha truyền thống nổi tiếng cả nước.
  29. Thổ
    Đất đai (từ Hán Việt).
  30. An Ba
    Cũng có tên là Ba Tơ, một vùng cát trắng phẳng lì rộng lớn nằm ở thượng lưu sông, ngày nay thuộc xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
  31. Cờ
    Bông (hoa) của các loại cây như mía, lau, ngô...

    Bắp đang trổ cờ

    Bắp đang trổ cờ

  32. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  33. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  34. Bàng
    Một loài cây thân gỗ lớn, có tán lá rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm và làm cảnh. Quả ăn được và có vị hơi chua. Vào mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ trước khi rụng.

    Cây bàng

    Cây bàng

  35. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  36. Làng Vọng
    Tên một làng nhỏ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Làng Vọng nằm cạnh Kẻ Mơ, là nơi buôn bán sầm uất. Tương truyền, nơi đây có nghề dệt gối rất phát triển. Ngày nay, phố Vọng cũng được coi là thủ phủ của mặt hàng chăn, ga, gối, đệm.
  37. Yên Duyên
    Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
  38. Kẻ Giả
    Tên gọi chung của các làng Giả Chọ, Giả Cầu, Giả Viềng, Giả Vĩnh, nay là các thôn Lạc Thị (xã Ngọc Hồi), Quỳnh Đô, Ích Vịnh, Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh) đều thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  39. Bùi nhùi
    Rơm hoặc giẻ bện chặt để đốt và giữ lửa.
  40. Làng Lê
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Lê, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  41. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  42. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  43. Làng Ngâu
    Tên nôm của làng Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Làng Ngâu nổi tiếng trồng lúa. Rượu làng Ngâu cũng là một đặc sản nổi tiếng từ xưa.
  44. Tựu Liệt
    Một làng cổ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  45. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  46. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  47. Tạp dịch
    Những việc lặt vặt (từ Hán Việt).
  48. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  49. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  50. Nghiệt
    Ác nghiệt, nghiệt ngã.
  51. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  52. Chợ Lường
    Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
  53. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).