Tìm kiếm "hương án"

Chú thích

  1. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  2. Tháp Rùa
    Tên một ngọn tháp nằm trên đảo Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm. Xưa là Điếu Đài, nơi vua Lê ra câu cá (điếu), rồi chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng, sau vua Lê Chiêu Thống cho đập phá hết. Tháp Rùa ngày nay do bá hộ Nguyễn Ngọc Kim xây dựng năm 1886 với ý đồ táng mộ cha ở đó, nên ban đầu có tên là Tháp Bá hộ Kim.

    Hồ Gươm đầu thế kỉ XX

    Tháp Rùa xưa

  3. Cầu Thê Húc
    Cây cầu gỗ sơn màu đỏ, nối bờ hồ Hoàn Kiếm với cổng đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), được Nguyễn Văn Siêu xây dựng vào năm 1865. Cầu bị gãy vào năm 1953 và được sửa lại, gia cố phần móng bằng xi măng. Tên cầu Thê Húc 棲旭 nghĩa là "đón ánh sáng mặt trời buổi sớm."

    Cầu Thê Húc năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh

    Cầu Thê Húc năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh

  4. Yên Duyên
    Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
  5. Thời xưa nhân dân làng Mui hay đi vớt củi rều trên sông và chặt thân ngô đem bán.
  6. Nam Dư
    Tên một làng nay thuộc phường Lĩnh Nam, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng này ngày xưa có lò nấu đường, làm mật.
  7. Thanh Trì
    Một địa danh trước đây thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, đến năm 1961 được sát nhập và Hà Nội. Lần lượt vào năm 2001 và 2003, một phần của Thanh Trì được cắt ra để thành lập quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai. Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, với nhiều ao, hồ, đầm. Tên cổ của huyện là Thanh Đàm có nghĩa là "đầm xanh," chính là dựa vào đặc điểm địa hình của huyện, đến thế kỉ 16 do kị húy vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm) nên đổi thành Thanh Trì (ao xanh). Tại đây có món đặc sản rất nổi tiếng là bánh cuốn Thanh Trì.
  8. Đồng Nhân
    Tên một làng nay thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại đây có đền Đồng Nhân, thờ Trưng Trắc – Trưng Nhị, hằng năm từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 2 âm lịch lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn Hai Bà.
  9. Thúy Ái
    Một làng nằm bên bờ sông Hồng, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Toàn bộ đồng đất của làng là đất bãi phù sa tươi tốt, rất thuận lợi cho việc trồng dâu, mía.
  10. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  11. Sở Lờ
    Còn có tên là Sở Thượng, một phần của xã Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay. Làng ngày xưa có nghề đánh cá, đơm lờ, vì vậy thành tên.
  12. Kẹo kéo
    Một loại kẹo làm từ mật mía hoặc đường, trong có nhân đậu phộng. Kẹo kéo dẻo, được cuộn lại thành kẹo to và dài như cánh tay, bọc vải sạch hoặc nylon, khi ăn thì kéo ra một đoạn vừa phải (nên gọi là kẹo kéo). Kẹo kéo ngọt, thơm, rẻ, là một món quà vặt rất quen thuộc của trẻ em.

    Kẹo kéo

    Kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

  13. Ba kỳ
    Tức Tam Kỳ, tên gọi chung cho ba vùng đất do thực dân Pháp và triều đình bù nhìn nhà Nguyễn phân chia nước ta vào thế kỉ 19. Ba kỳ gồm có: Bắc Kỳ (Tonkin, từ phía Nam tỉnh Ninh Bình trở ra), Trung Kỳ (Annam, từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Đèo Ngang) và Nam Kỳ (Cochinchine).

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

    Bản đồ Việt Nam thời Pháp thuộc

  14. Đây là một câu rao của những người bán kẹo kéo ở miền Bắc ngày trước.
  15. Thị Nghè
    Tên một con rạch nay thuộc địa phận quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là tên một chiếc cầu bắt ngang qua con rạch này. Cái tên Thị Nghè bắt nguồn từ bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Trịnh Hoài Đức viết: "[bà] có chồng là thư ký Mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại, nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè."

    Cầu Thị Nghè

    Cầu Thị Nghè

  16. Giồng Ông Tố
    Tên một cái giồng trước thuộc làng Bình Trưng, tổng An Bình, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay là phường Bình Trưng, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Tên giồng lấy theo tên ông Trương Vĩnh Tố, một vị tướng tài của tả quân Lê Văn Duyệt. Ông là người đầu tiên đến khai hoang lập ấp, sống bằng nghề đưa đò chở khách qua sông. Sau khi ông mất, cảm nhớ đến công ơn ông, dân làng đặt tên vùng đất này là đất Giồng Ông Tố. Chợ, rạch và cây cầu bắc ngang rạch cũng lấy theo tên này.

    (Lưu ý phân biệt với địa danh ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).

  17. Trà Đông
    Cũng gọi là Chè Đông, tên Nôm là kẻ Chè, xa xưa gọi là kẻ Rỵ, một làng nay thuộc địa phận xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Làng có nghề đúc đồng truyền thống (nên cũng gọi là làng Trà Đúc), đồng thời là quê hương của những danh nhân nổi tiếng như Trấn Quốc Công, Bộc Xạ Tướng Công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu...
  18. Đũi
    Một loại vải dệt bằng sợi kéo từ kén cắn tổ của tằm tơ. Ở những kén tằm già được nhà nuôi tằm để lại để gây giống, hoặc không ươm tơ kịp, nhộng tằm cắn kén để chui ra thành con ngài, làm cho tơ kén bị đứt, không thể ươm thành tơ được nữa, mà chỉ có thể dùng để kéo thành sợi đũi. Vải đũi thô hơn lụa, nên xưa kia được cho là loại vải thường, chỉ nhà nghèo mới mặc.
  19. Chợ Chùa
    Tên một ngôi chợ nằm ở địa bàn xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tương truyền, tại làng Quảng Phong (tức thôn 5 xã Tam Quang hiện nay) có một người làm nhũ mẫu cho vua Gia Long, sau này thể theo ý nguyện của bà, vua cho lập ngôi chùa để bà thờ tự khói hương. Ngày ấy chùa được người địa phương gọi là chùa Bà Vú, trong sử sách ghi lại là chùa Quảng Phong. Sau đó ít lâu, người dân địa phương họp chợ ngay tại sân bãi cạnh chùa, bèn lấy tên chùa làm tên chợ là chợ Quảng Phong, sau dần dần gọi tắt là chợ Chùa.
  20. Chợ Vạn
    Tên một ngôi chợ là trung tâm mua bán ngày xưa của phủ Tam Kỳ, nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tên "Chợ Vạn" đôi khi còn được dùng để chỉ Tam Kỳ.
  21. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  22. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  23. Nông Cống
    Tên một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trước đây còn có tên là Tư Nông.
  24. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  25. Bà Triệu
    Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:

    Hoành qua đương hổ dị
    Đối diện Bà vương nan

    (Vung giáo chống cọp dễ
    Giáp mặt vua Bà khó)

    Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

  26. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  27. Ruốc
    Một loại tôm nhỏ (chỉ dài khoán 10-40mm), thường được đánh bắt dùng để làm mắm (mắm ruốc, mắm tôm hoặc mắm chua) hay phơi khô thành ruốc khô, có thể xay vụn thành bột ruốc.

    Ruốc khô

    Ruốc khô

  28. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  29. Thanh Liệt
    Tên nôm là làng Quang, một làng cổ thuộc Thăng Long, chạy dọc theo bờ sông Tô Lịch, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Đây là quê hương của võ tướng Phạm Tu - khai quốc công thần nhà Tiền Lý, và nhà giáo Chu Văn An.
  30. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  31. La Sơn
    Tên một xã thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam hiện nay. Xã La Sơn là một vùng đồng chiêm trũng.
  32. Rau dừa
    Cũng gọi là cây hoa giếng, một loại cây thân thảo mọc bò, nổi trên mặt nước nhờ có phao xốp màu trắng, kết thành bè như rau muống, thường gặp ở các ao hồ. Trước đây những năm mất mùa, nhân dân ta thường vớt rau dừa về ăn độn.

    Cây rau dừa nước

    Cây rau dừa nước

  33. Lý Nhân
    Một huyện thuộc tỉnh Hà Nam, có tên cũ là huyện Nam Xương, biến âm thành Nam Xang. Huyện nằm ở phía đông của tỉnh, bên bờ sông Hồng. Tên Nam Xương được nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng Người con gái Nam Xương, câu chuyện xảy ra từ thời Trần, lưu truyền trong dân gian và được Nguyễn Dư được chép lại vào cuối thế kỷ 16 trong tập Truyền kỳ mạn lục.

    Lý Nhân là nơi giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Trống đồng Ngọc Lũ - chiếc trồng đồng còn nguyên vẹn và có giá trị nhất nước ta - được tìm thấy ở đây.

  34. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  35. Hàm Ninh
    Tên một làng chài nằm trên bờ biển phía Ðông đảo Phú Quốc, nay là một xã thuộc huyện đảo này, đồng thời là một điểm đến du lịch có tiếng.

    Làng chài Hàm Ninh

    Làng chài Hàm Ninh

  36. Ke
    Từ dùng kèm với từ khác, hàm ý chê bai, coi thường, như xạo ke, dóc ke, nói lẽ ke... (phương ngữ Nam Bộ).
  37. Yến sào
    Tổ chim yến, được hình thành bằng nước bọt của chim yến, tìm thấy trên các vách đá nơi chim ở. Yến sào có hình dạng như chén trà bổ đôi, là thực phẩm rất bổ dưỡng nên từ xưa đã được coi là một món cao lương mĩ vị. Ở nước ta, yến sào nổi tiếng nhất có lẽ là ở Khánh Hòa.

    Yến sào

    Yến sào

  38. Đường phèn
    Loại đường làm từ mía (như đường cát bình thường) nhưng công đoạn chế biến phức tạp hơn. Người ta làm đường phèn bằng cách nấu sôi đường cát với trứng gà và nước vôi, hớt bọt rồi thả những cái đũa có buộc các búi chỉ vào, để khô thành những cục đường kết tinh trong suốt gọi là đường phèn. Đường phèn có vị thanh và dịu hơn đường cát. Vì nhìn giống đá băng nên đường phèn còn có tên là băng đường.

    Đường phèn

    Đường phèn

  39. Mang Thít
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long. Trước đây huyện có tên gọi là Măng Thít hay Mân Thít. Chúa Nguyễn Ánh sau khi khôi phục đất Gia Định, đặt phủ Mân Thít, giao cho Thổ quan là Nguyễn Văn Tồn quản lí. Mang Thít có nghề làm gạch, gốm, và nổi tiếng là vùng đất trồng nhiều lúa gạo và trái cây ngon của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Gạch Mang Thít

    Gạch Mang Thít

  40. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  41. Ba Gò
    Một địa danh nằm giữa hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Vào thời xa xưa, đây là vùng cây cối rậm rạp, có nhiều giặc cướp và thú dữ.
  42. Tam Quan
    Thị trấn phía bắc tỉnh Bình Định, thuộc huyện Hoài Nhơn. Đây nổi tiếng là "xứ dừa" của Bình Định.

    Dừa Tam Quan

    Dừa Tam Quan

  43. Nam thanh nữ tú
    Đảo ngữ của "nam tú nữ thanh," có nghĩa là nam thì khôi ngô tuấn tú, nữ thì dịu dàng, thanh cao.
  44. Hòn Dứa
    Một hòn đảo nhỏ thuộc địa phận thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Xung quanh đảo có gành đá rạng lô nhô trên mặt nước, một số chìm khuất nên thuyền bè không thể cập bến được. Phía nam hòn đảo này không có rạn (bãi đá), rộng khoảng 50m, thuyền vào được nhưng phải là dân địa phương, am tường địa thế mới dám lái thuyền vào đậu sát mé. Trên đảo có rất nhiều dứa mọc thành từng chòm. Có lẽ vì đặc điểm này nên đảo có tên Hòn Dứa.

    Hòn Dứa ngoài khơi huyện Tuy An, Phú Yên. Bãi đá đen phía trước Hòn Dứa là một phần của bãi đá cạn được gọi là Hòn Than. Xa xa phía nam đằng sau Hòn Dứa là núi Đá Bia.

    Một góc bãi cát phía tây nam Hòn Dứa. Bãi cạn đá đen phía trước Hòn Dứa là Hòn Than. Phía xa xa đằng sau là núi Đá Bia.

  45. Hòn Chùa
    Tên một hòn đảo thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cùng cụm đảo với hai hòn khác là Hòn DứaHòn Than. Hiện nay Hòn Chùa là một địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa

    Hòn Chùa

  46. Ngã ba Bông
    Một ngã ba sông ở Thanh Hóa, nơi sông Mã tách ra một nhánh phụ để làm nên sông Lèn.

    Ngã ba Bông

    Ngã ba Bông

  47. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  48. Sông Con
    Con sông chảy qua địa phận xã Định Hải, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.