Tìm kiếm "hương án"

Chú thích

  1. Năm Căn
    Một địa danh thuộc tỉnh Cà Mau, phía Đông tiếp giáp biển Đông, phía Tây tiếp giáp vịnh Thái Lan. Đây là vùng đất thấp, kênh rạch chằng chịt bao bọc những cánh rừng sú vẹt, đước, bần, mắm... với nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng biển vô cùng phong phú.

    Theo truyền miệng trong dân gian thì tên gọi "Năm Căn" đã có từ hơn 200 năm nay. Đầu tiên, có một người Hoa Kiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên năm căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy. Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy năm căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh "Năm Căn."

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

  2. Bánh hỏi
    Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.

    Bánh hỏi thịt heo

    Bánh hỏi thịt heo

  3. Sóc Trăng
    Một tỉnh ven biển nằm ở hạ nguồn sông Hậu, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng với chùa Đất Sét và chùa Dơi. Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ," "cõi," Kh'leang là "kho," "vựa," "chỗ chứa bạc." Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng.

    Chùa Dơi

    Chùa Dơi

  4. Bãi Xàu
    Tên gọi đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay. Đây là một thương cảng lớn hồi đầu thế kỷ 20, được hình thành từ sông Ba Xuyên ăn thông ra sông Hậu, thuận tiện cho ghe xuồng, tàu lớn hoạt động liên tục suốt ngày đêm, là tuyến đường chính ăn thông với các xã huyện nhà, các huyện lân cận và liên tỉnh. Ngoài gạo, nơi đây còn buôn bán nhiều loại trái cây, rau, gà, vịt, heo...

    Giải thích cho tên gọi Bãi Xàu, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển nêu ra mấy giả thuyết sau:
    - Tương truyền ngày xưa người Khmer đang nấu cơm, bỗng nghe tin giặc sắp tới, nên hối hả ăn cơm còn sống để chạy, do đó mới gọi là srok Bày Chau, sau này người Việt đọc chệch thành Bãi Xàu.
    - Khi quân triều đình nhà Nguyễn truy đuổi giặc Xà Na Téa tới đây thì quân giặc bỏ chạy khi đang nấu cơm còn sống.
    - Xưa có người vào rừng đốn củi, nhân đó lấy trứng trong rừng đem luộc nấu cơm ăn. Trứng chưa chín thì cặp rắn thần xuất hiện đòi trứng, người này bỏ chạy. Lúc trở lại, lửa đã tắt, trứng đã được rắn thần lấy đi, nồi cơm thì còn sống. Hiện nay, cạnh miếu ông Ba Thắc ở xóm Chợ Cũ có hang rắn hổ ngựa, đồn rằng là chỗ đó.

  5. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  6. Chuối chát
    Chuối hột lúc còn non, thường được dùng trong các món trộn hoặc rau sống.

    Chuối chát

    Chuối chát

  7. Đại Ngãi
    Một địa danh nay thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Trước đây sông rạch ở Đại Ngãi nổi tiếng nhiều tôm càng, nhưng hiện nay đã bị khai thác gần hết.
  8. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  9. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  10. Bún song thần
    Tên gốc là song thằng, có nghĩa là dây (bún) đôi, một loại bún của vùng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bún song thần là đặc sản của người Minh Hương, tương truyền có từ thế kỷ thứ 18, nghĩa là lúc người Hoa đến định cư ở đây và phát triển làm bột đậu xanh và nghề làm bún. Bún song thần dùng để xào hay nấu canh cá đều ngon.

    Làm bún song thần

    Làm bún song thần

  11. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  12. Đậu
    Chắp hai hay nhiều sợi với nhau. Vải (lụa) đậu ba, đậu tư là loại vải tốt, dệt dày.
  13. Nhơn Ngãi
    Tên một trong bốn tổng của phủ An Nhơn, Bình Định ngày trước.
  14. Hưng Long
    Một địa danh nay thuộc xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
  15. Lam Cầu
    Cũng gọi là làng Cầu, nay là một thôn thuộc xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trước đây là xã Lam Cầu thuộc tổng Lam Cầu.
  16. Có bản chép: Tháng hai hoặc Tháng tư.
  17. Hòn Chông
    Một địa danh trước đây là một hòn đảo thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, dần về sau dính vào đất liền mà thành núi. Có tên gọi như vậy vì núi này bao gồm nhiều tảng đá nhọn, trông xa như một bàn chông. Hiện nay đây là một thắnh cảnh có tiếng của tỉnh Kiên Giang.

    Thắng cảnh Hòn Chông

    Thắng cảnh Hòn Chông

  18. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  19. Hang Mai
    Có ý kiến cho rằng đây là tên của cái hang nằm trên núi Hòn Chông, trong có ngôi chùa Hải Sơn Tự, tục gọi là chùa Hang. Tuy nhiên, trong cuốn phóng sự Đồng Quê, giải thưởng hội Khuyến Học Cần Thơ năm 1943, tác giả Phi Vân lại viết: Mai [nghĩa là] khỉ... Hang Mai tức là hang của loài khỉ. Kinh Hang Mai ở làng Khánh Lâm, Cà Mau, bắt đầu từ kinh Biện Nhi trổ ra Tiểu Dừa.
  20. Cá lẹp
    Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).

    Cá lẹp

    Cá lẹp

  21. Lộc vừng
    Còn gọi là chiếc hay lộc mưng, loài cây thân gỗ, phân bổ khắp nước ta, thường mọc hoang ở rừng ngập nước, ven hồ, suối, rạch, gần đây được trồng làm cảnh. Lá non thường được dân ta dùng làm rau ăn kèm. Rễ, lá, quả lộc vừng còn dùng làm vị thuốc Đông y.

    Cây lộc vừng bên Hồ Gươm

    Cây lộc vừng bên Hồ Gươm

  22. La Qua
    Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
  23. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  24. Tòa sứ
    Nơi ở và làm việc của một cơ quan ngoại giao ở nước khác.
  25. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  26. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  27. Cá sặc
    Một loại cá đồng, có rất nhiều ở vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân Nam Bộ thường đánh bắt cá sặc để làm khô cá, mắm sặc, hoặc nấu thành nhiều món ăn ngon như gỏi, cháo, canh chua bông súng...

    Khô cá sặc

    Khô cá sặc

  28. Lấp Vò
    Tên cũ là Thạnh Hưng, một huyện phía Nam thuộc tỉnh Đồng Tháp, nằm giữa sông Tiềnsông Hậu. Huyện có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản, và là vị trí thuận lợi về giao thông đường thủy cũng như đường bộ.

    Kênh xáng Lấp Vò

    Kênh xáng Lấp Vò

  29. Chợ Lẫm
    Tên một phiên chợ thuộc thôn Mỹ Huân, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngôi chợ có cây đa cổ thụ tán nhánh tỏa ra che mát cả một vùng. Trước đây chợ nổi tiếng phồn thịnh. Từ ngày chợ Thứ thiết lập, người dân khắp nơi về nhóm họp thì chợ Lẫm thưa dần rồi không tồn tại nữa.
  30. Đà
    Màu nâu sẫm. Ở một số tỉnh miền Trung (Phú Yên, Bình Định...) màu này cũng được gọi là màu dà. Thuốc nhuộm màu dà được lấy từ cây dà.

    Da thuộc màu đà

    Da thuộc màu đà

  31. Bánh rế
    Loại bánh ngọt được làm bằng khoai lang hoặc khoai mì và đường nấu chảy, tưới lên mặt bánh như cái rế. Bánh là đặc sản của nhiều nơi như Sóc Trăng, Bình Định, Phan Rang, Phan Thiết...

    Bánh rế

    Bánh rế

  32. Chế Bồng Nga
    Che Bonguar (tên thật là Po Binasor hay Po Bhinethuor), tên hiệu của vị vua thứ 3 thuộc vương triều thứ 12 (tức là vị vua đời thứ 39) của nhà nước Chiêm Thành. Trong thời kỳ ông cầm quyền, Chiêm Thành rất hùng mạnh, từng đem quân nhiều lần xâm phạm Đại Việt của nhà Trần. Ông bị giết năm 1390 khi đang đem quân tấn công Thăng Long lần thứ 4. Chế Bồng Nga chết, các vùng đất dưới ảnh hưởng Chiêm Thành đều được Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly sau này) thu hồi.
  33. Hát trống quân
    Hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Hát trống quân ở mỗi địa phương có khác nhau về làn điệu, lối hát và thời điểm hát, nhưng đều mang một số điểm chung như: những người tham gia chia thành hai bên "hát xướng" và "hát đáp", lời ca thường mang tính ứng đối, sử dụng trống dẫn nhịp gọi là "trống thùng", giữa những câu đối đáp có đoạn ngừng gọi là "lưu không".

    Hát trống quân thường được tổ chức vào rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, vào chiều tối, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với nhau hoặc với trai gái trong làng.

    Hát trống quân

    Hát trống quân

    Xem phóng sự Hát trống quân - Nét dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.

  34. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  35. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  36. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  37. Cơn
    Cây (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  38. Kẹ
    Bờ ruộng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  39. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  40. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  41. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  42. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  43. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  44. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  45. Túy Loan
    Một làng cổ thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Xưa là nơi buôn bán tấp nập, sầm uất.

    Hội làng Túy Loan

    Hội làng Túy Loan

  46. An Phước
    Tên một ngôi trường tồn tại hơn 100 năm, nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ban đầu trường tên Cẩm Toại (do lập ở làng Cẩm Toại), sau đổi thành trường An Phước, nay là tiểu học An Phước. Do trường từng hưởng ứng Phong trào Duy tân, cách tân giáo dục và dạy học miễn phí, nên còn được gọi là nghĩa thục An Phước.

    Tiểu học An Phước qua ảnh cũ

    Tiểu học An Phước qua ảnh cũ

  47. Kẻ Chéo
    Một làng nay thuộc địa phận xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.