Tìm kiếm "tương cà"

Chú thích

  1. Thuyền Quan đại tướng quân
    Tên tự xưng của sư Sổ, một thủ lĩnh của phong trào kháng Pháp tỉnh Thái Bình những năm cuối thế kỉ 19, ngụ tại chùa Thuyền Quan (nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của sư Sổ thường căng ngọn cờ có chữ "Nam mô Thuyền Quan đại tướng quân," kéo đi đốt phá các cơ sở nhà thờ Thiên chúa giáo theo Pháp. Từ sau tháng 3-1890, nghĩa quân chịu nhiều tổn thất phải giải thể, sư Sổ về tu lại ở chùa và viên tịch tại đây, ngày nay vẫn còn mộ tháp của ông.
  2. Mũ ni
    Mũ có diềm che kín hai mang tai và sau gáy, sư tăng và các cụ già miền Bắc thường hay đội.

    Đội mũ ni

    Đội mũ ni

  3. Tích trượng
    Cũng gọi là thanh trượng, đức trượng hay minh trượng, một loại gậy mà các nhà sư hay dùng để đi đường hoặc khi khất thực. Đầu gậy có những vòng thiếc, khi rung phát ra tiếng.

    Tích trượng

    Tích trượng

  4. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  5. Bình Tây kiến lập vệ cơ: Thành lập đội dân quân đánh Tây.
  6. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  7. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  8. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  9. Tiểu
    Người mới tập sự tu hành trong đạo Phật, thường tuổi còn nhỏ.
  10. Thân
    Bản thân.
  11. Dưa cần
    Một loại dưa muối (rau củ trộn muối để lên men) làm từ rau cần.
  12. Kiến bất thủ nhi tầm thiên lí
    Ở ngay trước mắt mà không giữ lấy, cứ mải đi tìm ở chốn xa xôi.
  13. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  14. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  15. Đáo xứ lai
    Bay về nơi nao.
  16. Tưởng
    Nghĩ, cho rằng.
  17. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  18. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  19. Tang chế
    Phép tắc để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  20. Âm hao
    Tin tức. Như âm háo 音耗  tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).

    Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
    Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
    Dịch thơ:
    Xa cách các em tin tức bặt
    Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.

    (Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

  21. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  22. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  23. Quán Sở lầu Tần
    Quán Sở: Nơi vua Sở Tương Vương nằm mộng được chung chăn gối với tiên nữ ở núi Vu Sơn. Lầu Tần: Ngôi lầu do vua Tần Mục Công dựng lên để rước Tiêu Sử về dạy thổi sáo cho công chúa Lộng Ngọc, về sau hai người yêu rồi lấy nhau. Quán Sở lầu Tần do đó chỉ nơi hò hẹn tình tự của đôi trai gái yêu nhau.

    Hương đèn khuya sớm độ thân
    Biết đâu quán Sở lầu Tần viển vông
    (Truyện Phan Trần)

  24. Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ
    Có duyên với nhau thì xa xôi cách trở mấy cũng có thể gặp nhau.

    Nghe bài dân ca Hữu duyên thiên lí ngộ.

  25. Ý nói thương con trai, con gái đồng đều. Ngày xưa, với quan niệm trọng nam khinh nữ, thường là con trai trong gia đình được thương, được quý hơn con gái.
  26. Hán tự của từ Hán Việt kim có hai cách viết: 金 nghĩa là vàng, tiền, và 今 nghĩa là hiện nay.
  27. Hán tự của từ Hán Việt phùng có 逢 nghĩa là gặp (như 相逢 tương phùng) và 縫 nghĩa là may vá.
  28. Tương phùng
    Gặp nhau (từ Hán Việt).
  29. Nỉ
    Hàng dệt bằng sợi len chải xơ, che lấp sợi dọc và sợi ngang.

    Vải nỉ

    Vải nỉ

  30. Hán tự của từ Hán Việt đăng có chữ 登 nghĩa là lên (như 登壇宮 Đăng đàn cung, tên của bản quốc thiều thời nhà Nguyễn), và 燈 nghĩa là cái đèn.
  31. Hán tự của từ Hán Việt thành có chữ 成 nghĩa là nên (ví dụ 成就 thành tựu) và 誠 nghĩa là thật, tin.
  32. Lập tâm thành chí
    Quyết tâm để đạt được chí hướng, ước nguyện.
  33. Chim khách
    Còn gọi là yến nhung hoặc chim chèo bẻo, có bộ lông màu đen than, đuôi dài tẽ làm đôi. Tiếng kêu của chim nghe như "khách... khách" nên nó có tên như vậy. Theo dân gian, chim kêu tức là điềm báo có khách đến chơi nhà.

    Chim khách

    Chim khách

  34. Tương liên
    Có mối quan hệ gắn kết với nhau (từ Hán Việt).
  35. Xống
    Váy (từ cổ).
  36. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  37. Quản voi
    Còn gọi là quản tượng, người lo việc coi sóc và huấn luyện voi.

    Quản tượng cưỡi voi

    Quản tượng cưỡi voi

  38. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  39. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  40. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  41. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  42. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  43. Hương án
    Bàn thờ, thường để bát hương và các vật thờ cúng khác.

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

  44. Vô doan
    Vô duyên (do cách phát âm của người Nam Bộ).
  45. Khòm
    Lưng gù, hoặc tướng người khom xuống về phía trước.
  46. Nam vận
    Vận mệnh của nước Nam.
  47. Đề đốc
    Chức quan võ thời phong kiến, quản lí một đạo binh.
  48. Chưởng cơ
    Một chức quan võ thời nhà Nguyễn, cai quản 500 quân.
  49. Tán tương quân vụ
    Gọi tắt là tán tương, một chức võ quan dưới triều Nguyễn. Lãnh tụ Cần Vương Nguyễn Thiện Thuật từng giữa chức quan này, nên nhân dân cũng gọi ông là Tán Thuật.
  50. Tán lý quân vụ
    Gọi tắt là tán lý, một chức quan văn giúp việc quan võ khi dẹp giặc dưới triều Nguyễn.
  51. Kim lan
    Bạn bè tâm đầu ý hợp, do lấy từ hai chữ của một câu trong Kinh Dịch: Nhị nhân đồng tâm kỳ lợi đoạn kim, đồng tâm chi ngôn kỳ xú như lan (hai người đồng tâm với nhau lợi có thể chặt đứt được vàng, lời nói đồng tâm thì mùi thơm như hoa lan). Rượu kim lan là rượu hai người bạn tri kỉ mời nhau.
  52. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  53. Chước tưởu
    Rót rượu mời (chữ Hán).
  54. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  55. Xem chú thích Tri âm.
  56. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  57. Luống chịu
    Đeo đẳng mãi hoàn cảnh không may mà đành phải chấp nhận (phương ngữ Nam Bộ).
  58. Tân trào
    Nghĩa đen là "triều đại mới", còn gọi là đàng mới, phương ngữ Nam Bộ chỉ chính phủ người Pháp lập ra để cai trị nước ta và thời kì (triều / trào) dân ta sống dưới sự cai trị này. Đối lập với tân tràođàng cựu hay cựu trào chỉ chính quyền triều Nguyễn trước khi người Pháp tới.
  59. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  60. Xu
    Phiên âm từ tiêng Pháp sou, một đơn vị tiền tệ thời Pháp thuộc có trị giá bằng một phần trăm của đồng bạc Đông Dương.

    Đồng một xu Đông Dương năm 1896

    Đồng một xu Đông Dương năm 1896

  61. Lúi
    Tiền (theo Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí, xuất bản năm 1971).
  62. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  63. Trăng gió
    Từ từ Hán Việt phong nguyệt, thú tiêu khiển hóng gió xem trăng, cũng chỉ sự tình tự hẹn hò của trai gái (thường hàm ý chê bai).
  64. Đường Mới
    Theo Sơn Nam: Đường Mới thời trước nổi danh về du đãng, nay là đường Huỳnh Tịnh Của, chợ Bến Thành.
  65. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  66. Đào, kép
    Vai diễn trong một vở tuồng, chèo, cải lương... Đào là vai nữ, kép là vai nam. Cô dâu, chú rể trong đám cưới đôi khi cũng gọi là đào kép.

    Thanh Nga, nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20

    Thanh Nga, nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20

  67. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  68. Rào
    Khúc sông (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  69. Huấn chỉ đế vương
    Theo lệnh của vua.
  70. Rún
    Rốn (phương ngữ Bắc Trung Bộ).