Tìm kiếm "rồng"

  • Mười lo

    Một lo con nít trắng răng
    Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
    Ba lo thầy bói té nhào
    Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
    Năm lo thợ đúc méo khuôn
    Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
    Bảy lo bà chúa chửa hoang
    Tám lo trai làng không vợ chạy rông
    Chín lo trong ngục không gông
    Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma

    Dị bản

    • Một lo em bé trắng răng,
      Hai lo người thấp không bằng người cao.
      Ba lo thầy bói té rào,
      Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn
      Năm lo thợ đúc có khuôn,
      Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.
      Bảy lo bà góa chửa hoang,
      Tám lo dân làng hết gạo đi xâu
      Chín lo biển rộng hơn cầu,
      Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.

  • Cổ tay em vừa trắng vừa tròn

    Cổ tay em vừa trắng vừa tròn
    Răng đen rưng rức, chồng con kém người
    Khốn nạn thay nhạn ở với ruồi
    Tiên ở với cú, người cười với ma
    Con công ăn lẫn với gà,
    Rồng kia rắn nọ, xem đà sao nên?
    Nói nên mà ở chẳng nên
    Quang rơm gánh đá sao bền hơn mây

  • Dám khuyên khách ở trên đời

    Dám khuyên khách ở trên đời
    Ước cho no đủ mọi mùi ăn chơi
    Ước gì gặp tiên trên trời
    Như chàng Lưu Nguyễn lên chơi động đào
    Ước gì làm được quan cao
    Giã ghe ngựa cưỡi võng đào nghênh ngang
    Ước gì lắm bạc nhiều vàng
    Như chàng Vương Khải thế gian ai tài
    Ước gì gặp hội rồng mây
    Đăng khoa chiếm bảng ngày rày vinh hoa
    Ước gì trăm tám tuổi già
    Sống như Bành Tổ mới là sống lâu
    Ước gì lắm rể nhiều dâu
    Lắm con nhiều cháu bề sau thọ tràng
    Ước gì được cả trăm đàng
    Như lan như huệ cùng chung một đoàn
    Ước gì như quạt như gương
    Phan Trần sánh lại mà thương nhau cùng
    Ước cho có thủy có chung
    Ước cho no đủ chữ đồng mà thôi
    Thế là anh đã ước rồi
    Thì nàng ước lại cho tôi bằng lòng

  • Con gái lấy thợ câu cua

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh cù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng?
    Mười một em hãy còn son
    Mười hai vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ thai

  • Hỡi người mặc áo nhuộm nâu

    Hỡi người mặc áo nhuộm nâu
    Tay bưng cơi trầu đi dạm gái choa
    Bưng vô rồi lại bưng ra
    Trai bây cờ bạc, gái choa không màng
    Gái choa là gái vẻ vang
    Khoét một cổ yếm khuyênh khoang ba vòng
    Trai bây như con mòng mòng
    Ăn rồi tắm mát chơi rong cả ngày
    Gái choa như ngọn trầu cay
    Ăn vào một miếng thơm bay nhiều mùi

  • Một thương em nhỏ móng tay

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh phù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
    Mười một thương em hãy còn son
    Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba thương em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
    Mười lăm sinh đặng con trai
    Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
    Mười bảy em còn ở không
    Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
    Mười chín lấy thợ đóng thuyền
    Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
    Hai mốt lấy chàng câu cua
    Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
    Hai ba lấy thợ đóng dù
    Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
    Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
    Trở về em lấy dân làng cho xong.

  • Giấn vốn chỉ có ba đồng

    Giấn vốn chỉ có ba đồng
    Nửa để nuôi chồng, nửa để nuôi tôi
    Còn thừa mua cái bình vôi
    Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
    Còn thừa mua nhiễu quấn khăn
    Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
    Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
    Đem ra cửa bể cho chồng thả chơi
    Còn thờ mua khám thờ trời
    Mua tranh sơn thủy treo chơi đầu thuyền

    Dị bản

    • Lưng vốn chỉ có mười đồng
      Phần để nuôi chồng, phần để nuôi tôi
      Còn thừa mua cái bình vôi
      Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
      Còn thừa mua nhiễu vấn khăn
      Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
      Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
      Đem ra cửa bể cho chồng chèo chơi
      Để chàng tùy thích, thảnh thơi
      Danh lam thắng cảnh, ngược xuôi mặc lòng

  • Tàu xúp lê một, còn trông còn đợi

    Tàu xúp lê một, còn trông còn đợi,
    Tàu xúp lê hai, còn đợi còn chờ,
    Tàu xúp lê ba, tàu ra biển Bắc
    Hai tay tôi vịn song sắt, nước mắt chảy ròng ròng
    Miệng kêu bớ chú tài công
    Khoan khoan, chậm chậm,
    Vợ chồng tôi thôi đành ngàn dặm cách phân.

    Dị bản

    • Tàu xúp lê một, còn than còn thở,
      Tàu xúp lê hai, còn đợi còn chờ,
      Tàu xúp lê ba, tàu ra biển Bắc…
      Hai tay tôi vịn song sắt, chắc lưỡi kêu trời,
      Ngỡi nhân đứng đó, nghẹn lời khó phân.

    • Xúp lê một, còn than còn thở,
      Xúp lê hai, nửa ở nửa về,
      Xúp lê ba, tàu ra biển Bắc,
      Tay vịn song sắt miệng chắc lưỡi kêu trời,
      Chồng Nam vợ Bắc sống đời đặng sao?

    • Tàu xúp lê một
      Em ơi anh còn trông còn đợi
      Tàu xúp lê hai
      Anh còn đợi còn chờ
      Tàu xúp lê ba
      Tàu ra biển Bắc
      Tay anh vịn song sắt nước mắt nhỏ từng hồi
      Trời ơi nhân nghĩa của tôi xa rồi
      Bướm xa tại nhụy, anh với em xa rồi cũng bởi tại ai?

    • Tàu xúp lê một em còn trông đợi
      Tàu xúp lê hai em còn đợi còn chờ
      Tàu xúp lê ba tàu ra biển
      Hai tay em vịn song sắt nước mắt nhỏ dòng
      Em kêu hỏi chú tài công
      Lấy khăn lông em chặm
      Đạo vợ chồng ngàn dặm em không quên.

  • Ăn chanh ngồi gốc cây chanh

    Ăn chanh ngồi gốc cây chanh
    Thầy mẹ gả bán cho anh thật thà
    Bây giờ chê xấu chê xa
    Chê cửa chê nhà chê khó chê khăn
    Ở đâu yểu điệu thanh tân
    Sao anh chẳng chịu cầm cân đi lừa?
    Vàng mười đắt mấy sao anh chẳng mua?
    Cầm cân đi lừa lại phải thau năm
    Thau năm đánh lẫn vàng mười
    Rồng vàng cuộn khúc nghĩ đuôi thằn lằn

  • Vè Tết

    Hạ lợi bước qua
    Chánh ngày hăm ba
    Lễ đưa ông Táo
    Hai là lễ đáo
    Tảo mộ ông bà
    Cổ tích bày ra
    Truyền cho con cháu
    Từ ngày hăm sáu
    Dĩ chí ba mươi
    Cá thịt tốt tươi
    Ông bà tiếp rước
    Phải dùng cây trước
    Lấy nó làm nêu
    Thiên hạ cũng đều
    Lo chưng đồ đạc

  • Lính anh là lính Đàng Trong

    Lính anh là lính Đàng Trong
    Anh dốc một lòng đi hỏi nàng kia
    Tháng giêng anh mắc đi thề
    Tháng hai đi dạo, trở về làm sao?
    Tháng ba anh mắc khảo đao
    Tháng tư tập súng, khi nao cho rồi
    Tháng năm anh mắc kiệu voi
    Tháng sáu anh mắc dọn chòi cầu Đông
    Tháng bảy anh mắc thuyền rồng
    Tháng tám anh mắc dọn trong công đường
    Tháng chín anh mắc tải lương
    Tháng mười anh mắc dọn đường vua ra
    Tháng một mắc tuổi đôi ta
    Tháng chạp mắc tuổi mẹ cha sinh thành
    Nàng ơi nàng chớ trách anh!

  • Hôm qua anh đến chơi nhà

    Hôm qua anh đến chơi nhà,
    Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường.
    Thấy em nằm đất anh thương,
    Anh ra Kẻ Chợ đóng giường tám thang.
    Bốn góc thời anh bịt vàng,
    Bốn chân bịt bạc, tám thang chạm rồng.
    Bây giờ phải bỏ giường không,
    Em đi lấy chồng phí cả công anh.

  • Năm ngoái anh mới sang Tây

    Năm ngoái anh mới sang Tây
    Đồn rằng buôn bán năm nay phát tài
    Lòng anh muốn lấy vợ hai
    Rằng: “Nhà có thuận, nay mai nó về?
    Rồi ra một quán đôi quê
    Tôi muốn nó về làm bạn sớm hôm
    Trước là sinh tử sinh tôn
    Sau nữa thờ phụng công môn ông bà
    Trước con nhà sau ra con nó,
    Xin nhà rồi chớ có ghen tuông
    Chợ rộng thì lắm gái buôn,
    Sông rộng lắm nước trong nguồn chảy ra
    Lòng anh ăn ở thật thà
    Coi nó mười tám, coi nhà hai mươi
    Lòng anh chẳng có như người,
    Có mới nới cũ, tội trời ai mang
    Lòng anh ăn ở bằng ngang
    Nó giàu bằng mấy cũng nàng thứ hai”.
    – “Thôi thôi, tôi biết anh rồi,
    Bụng anh nông nổi giếng khơi không bằng!
    Bây giờ anh khéo khôn ngoan,
    Sau anh tư túi, tôi làm chi anh?
    Anh mà bắt chước Thúc Sinh,
    Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư”

  • Ăn cơm cũng thấy nghẹn

    Ăn cơm cũng thấy nghẹn
    Uống nước cũng thấy nghẹn
    Nghe lời em hẹn ra bãi đứng trông
    Biển xanh bát ngát nhìn không thấy người
    Mênh mông sông nước xa vời
    Biết rằng còn nhớ những lời thề xưa
    Trông ai như cá trông mưa
    Ngày đêm tưởng nhớ, như đò đưa trông nồm
    Bậu ơi! bậu có nhớ không?
    Anh trông ngóng bậu, như rồng ngóng mưa

    Dị bản

    • Ăn cơm cũng nghẹn
      Uống nước cũng nghẹn
      Nghe lời bạn hẹn
      Ra bãi đứng trông
      Bãi không thấy bãi mà người không thấy người.

Chú thích

  1. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  2. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  3. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  4. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  5. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  7. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  8. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  9. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  10. Quang
    Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.

    Cái quang

    Cái quang

    Quang gánh

    Quang gánh

  11. Mây
    Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.

    Dây mây

    Dây mây

  12. Quần Phương trung, Quần Phương thượng, và Phương Đê đều là các địa danh thuộc tổng Quần Phương (tên cũ là Quần Anh), nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Quần Phương trung có nghề làm thợ mộc, Quần Phương thượng có nghề cắt may, và Phương Đê có nghề nề, đắp tượng.
  13. Một hệ thống ngư cụ gồm nhiều cọc tre và lưới khá lớn và phức tạp, được đặt ở hướng nước chảy để hứng luồng cá lúc nước ròng.

    Nò cá (nò sáo)

    Nò cá (nò sáo)

  14. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  15. Dĩa đèn dầu
    Loại đèn thắp ngày xưa, trước khi đèn Hoa Kỳ xuất hiện. Dĩa đèn dầu là một cái dĩa (thường bằng sứ), trong chứa dầu lạc và có một sợi bấc.

    Dĩa đèn dầu lạc thời Trần, Lê

    Dĩa đèn dầu lạc thời Trần, Lê

  16. Lưu Nguyễn
    Tên của hai nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.
  17. Ghe giã
    Tên một loại ghe cổ, nay vẫn còn gặp ở các tỉnh miền Trung.
  18. Vương Khải
    Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
  19. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  20. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  21. Trường thọ
    Sống lâu (từ Hán Việt).
  22. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Phan Trần
    Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
  24. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  25. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  26. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  27. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  28. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  29. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  30. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  31. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  32. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  33. Cơi trầu
    Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  34. Choa
    Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).
  35. Mòng
    Cũng gọi là mòng mòng hoặc ruồi trâu, loài ruồi lớn chuyên hút máu trâu bò, truyền nhiễm bệnh dịch ở gia súc.

    Ruồi trâu

    Ruồi trâu

  36. Vong
    Vong hồn (nói tắt).
  37. Xạ hương
    Chất do hươu xạ và một số loại cầy tiết ra, có mùi thơm đặc biệt, thường được khai thác làm hương liệu, nước hoa và các loại dược phẩm.
  38. Giấn
    Cũng viết là dấn, động tác cố thêm một chút để đặt mình/ sự vật vào tình trạng mới, môi trường mới nhằm đạt được mục đích. Ví dụ: dấn bước = bước cố thêm để đạt được mục đích; dấn thân = cố gắng thêm để đặt thân mình vào một môi trường, tình trạng mới; dấn men = nhúng cốt gốm sứ vào men trước khi nung; dấn vốn = vốn liếng có được sau khi cố gắng huy động.
  39. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  40. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  41. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  42. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  43. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  44. Khám
    Vật làm bằng gỗ, giống như cái tủ nhỏ không có cánh, dùng để đặt bài vị, đồ thờ, thường được gác hay treo cao.

    Khám thờ

    Khám thờ

  45. Xúp lê
    Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
  46. Tàu kéo ba hồi còi cách nhau. Hồi một là chuẩn bị. Hồi hai là thúc giục khách lên tàu. Hồi ba là lúc nhổ neo.
  47. Tài công
    Người phụ trách lái tàu, thuyền chạy bằng máy. Từ này có gốc từ giọng Quảng Đông của "tải công."
  48. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  49. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  50. Thanh tân
    Tươi trẻ, trong sáng (thường dùng để nói về người phụ nữ).
  51. Lừa
    Lựa chọn.
  52. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  53. Hạ lợi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hạ lợi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  54. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  55. Lễ đáo
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lễ đáo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  56. Tảo mộ
    Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.

    Thanh minh trong tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  57. Dĩ chí
    Cho đến (từ Hán Việt).
  58. Cây trước
    Cây trúc (cách phát âm của người Nam Bộ).
  59. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  60. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  61. Đàng Trong
    Cũng gọi là Nam Hà, một khái niệm bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17, chỉ phần lãnh thổ Đại Việt từ sông Gianh trở vào Nam, do chúa Nguyễn kiểm soát. Đàng Trong chấm dứt sự tồn tại của nó trong lịch sử từ năm 1786, khi phong trào Tây Sơn lật đổ chế độ Vua Lê-Chúa Trịnh.

    Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710

    Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710

  62. Mắc
    Bận làm một việc gì đó (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  63. Khảo đao
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Khảo đao, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  64. Công đường
    Nơi quan trường dưới chế độ phong kiến. Người Nam Bộ cũng gọi chữ này là công đàng.
  65. Có bản chép: Hôm xưa.
  66. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  67. Thang giường
    Thanh gỗ bắc theo chiều ngang của khung giường, để kê ván hoặc chiếu nệm lên trên.
  68. Có bản chép: thếp vàng.
  69. Phát tài
    (Làm ăn, buôn bán) thuận lợi, gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều tiền.
  70. Sinh tử sinh tôn
    Sinh con sinh cháu (từ Hán Việt tử: con, tôn: cháu).
  71. Công môn
    Cửa công (từ Hán Việt). Thường chỉ cửa quan.
  72. Tư túi
    Lấy của chung làm của riêng một cách lén lút.
  73. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  74. Hoạn Thư
    Một nhân vật nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là vợ của Thúc Sinh, Hoạn Thư là người thông minh, sắc sảo và thể hiện sự ghen tuông ghê gớm khi biết chồng lén cưới vợ lẽ là Thúy Kiều. Ngày nay những người phụ nữ hay ghen thường được gọi là Hoạn Thư hoặc "có máu Hoạn Thư."

    Vốn dòng họ Hoạn danh gia
    Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
    Duyên đằng thuận nẻo gió đưa
    Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
    Ở ăn thì nết cũng hay
    Nói điều ràng buộc thì tay cũng già

  75. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.