Tìm kiếm "tua rua"

Chú thích

  1. Sao chổi
    Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.

    Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.

    Sao chổi

    Sao chổi

  2. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  3. Đây là vua Tự Đức.
  4. Thất đức thất uy
    Mất đạo đức và uy quyền.
  5. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  6. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  7. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  8. Đàng Ngoài
    Còn có tên là Bắc Hà hoặc Đường Ngoài (ít gặp), tên gọi bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, chỉ phần lãnh thổ nước ta từ sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) trở ra Bắc, được kiểm soát bởi vua Lê - chúa Trịnh. Đến năm 1786, quân Tây Sơn tiến ra Bắc diệt Trịnh, chính thức chấm dứt chính thể Đàng Ngoài.
  9. Ở đây là đạo Công giáo, phát triển mạnh ở nước ta dưới thời nhà Nguyễn.
  10. Quai thao
    Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

  11. Cai Vàng
    Nguyễn Văn Thịnh (hay Nguyễn Thịnh), tục danh là Vàng, vì có thời làm cai tổng nên được gọi là Cai Vàng hay Cai Tổng Vàng. Năm 1862, lấy danh nghĩa "phù Lê," ông khởi binh chống lại triều đình Tự Đức ở vùng Bắc Ninh vào năm 1862. Ông tử trận ngày 30 tháng 8 năm đó, nhưng với tài chỉ huy của người vợ thứ (tục gọi là Bà Ba Cai Vàng), cuộc nổi dậy do ông khởi xướng vẫn tồn tại cho đến tháng 3 năm sau mới chấm dứt.
  12. Mo
    Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.

    Mo cau

    Mo cau

    Cơm nắm gói trong mo cau.

    Cơm nắm gói trong mo cau.

  13. Từ Đạo Hạnh
    (1072-1116) Tục gọi là đức thánh Láng, một thiền sư người Việt Nam thời nhà Lý. Tại Hà Nội có chùa Láng, thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông.
  14. Thánh Gióng
    Cũng gọi là Phù Đổng Thiên Vương, một trong bốn vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử). Theo truyền thuyết, ông sinh ra tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thời vua Hùng thứ 6. Gióng lên ba tuổi vẫn chưa biết nói, biết đi. Khi giặc Ân sang xâm lược nước ta, Gióng bỗng nhiên cất tiếng xin vua đóng cho ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt và nón sắt. Sau đó Gióng ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, vươn vai trở thành một chàng trai cao lớn, lên ngựa đi đánh tan giặc, rồi bay về trời tại chân núi Sóc Sơn.

    Hiện nay tại làng Phù Đổng vẫn còn đền thờ Thánh Gióng. Ở nhiều làng quê Hà Nội cũng có ngày hội Gióng.

  15. Nắng ông Từa, mưa ông Gióng
    Kinh nghiệm dân gian, cứ vào ngày hôị thánh Từa (tức Từ Đạo Hạnh) mồng 7 tháng 3 âm lịch thì thể nào cũng nắng to, còn vào hội Gióng mồng 9 tháng 4 âm lịch thì có mưa giông.
  16. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  17. Thước
    Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
  18. Phù Lưu
    Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  19. Quang Trung
    Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.

    Phơi lá lụi để làm nón

    Phơi lá lụi để làm nón

  20. Làng Già
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Già, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  21. Khương Thượng
    Còn có tên khác là làng Sại, trại Ông Đình, làng Đình Gừng, một làng cổ nay thuộc địa bàn phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Làng có giếng cổ được cho là vết tích của "giếng Cao Biền."
  22. Khua
    Vành tròn đan bằng tre hoặc đay, gắn vào lòng nón để đội cho chắc.

    Khâu nón lá thủ công

    Khâu nón lá thủ công

  23. Bấy chầy
    Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).

    Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
    Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
    (Truyện Kiều)

  24. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  25. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  26. Trung lương
    Trung chính và lương thiện.
  27. Xã tắc
    Đất nước ( là đất, tắc là một loại lúa).
  28. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  29. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  30. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  31. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  32. Thung dung
    Thong dong.
  33. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  34. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  35. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  36. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  37. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  38. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  39. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  40. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  41. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  42. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  43. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  44. Tri kỉ
    Người thân thiết, hiểu rõ mình, từ chữ tri (biết) và kỉ (mình).
  45. Bõ công
    Đáng công.
  46. Thuyền rồng
    Loại thuyền có trang trí, chạm khắc hình rồng, ngày xưa là thuyền dành cho vua chúa. Dân tộc ta cũng có truyền thống đua thuyền rồng trong các dịp lễ hội.

    Mô hình thuyền rồng triều Nguyễn

    Mô hình thuyền rồng triều Nguyễn

    Đua thuyền rồng trên sông Hàn, Đà Nẵng

    Đua thuyền rồng trên sông Hàn, Đà Nẵng

  47. Thuyền chài
    Loại thuyền đánh cá nhỏ của người dân chài.

    Thuyền chài

    Thuyền chài

  48. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  49. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  50. Song đào
    Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
  51. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  52. Chòi
    Với lên cao.
  53. Hằng Nga
    Một nàng tiên trong thần thoại Trung Hoa, sống trong cung Quảng Hàn trên mặt trăng. Trong văn học, Hằng Nga hoặc chị Hằng là hình ảnh ước lệ chỉ mặt trăng.

    Thần thoại Trung Hoa kể rằng Hằng Nga và Hậu Nghệ là hai vợ chồng thần tiên sống trên trời. Vào thời cổ đại, Ngọc Hoàng có mười con trai là mười mặt trời, luân phiên soi sáng thế gian. Nhưng vào thời vua Nghiêu, một hôm mười mặt trời lại xuất hiện cùng một lúc, thiêu đốt mặt đất, gây ra hạn hán khủng khiếp. Hậu Nghệ ra tay bắn hạ chín mặt trời để cứu nhân dân, nhưng bị Ngọc Hoàng trừng phạt, đày cả hai vợ chồng xuống làm người trần gian, không cho làm thần tiên nữa.

    Hậu Nghệ đi tìm Tây Vương Mẫu ở núi Côn Luân, được Tây Vương Mẫu ban cho một viên thuốc trường sinh và dặn rằng hai vợ chồng chia nhau uống mỗi người nửa viên thì có thể trường sinh bất lão. Hậu Nghệ vui mừng mang thuốc về để vợ chồng chia nhau uống, nhưng Hằng Nga lại lén chồng lấy trộm viên thuốc uống một mình. Do thuốc quá mạnh, vừa uống xong thì Hằng Nga bay vút lên trời, bay mãi cho đến khi đến mặt trăng mới đáp xuống. Từ đó Hằng Nga sống trên cung trăng.

    Hằng Nga bay lên cung trăng

    Hằng Nga bay lên cung trăng

  54. Thuyền bồng
    Loại thuyền mình bầu, mũi bằng, đuôi cao và có mui.
  55. Chạnh lòng
    Do cảm xúc mà thấy gợi lên trong lòng một tình cảm, ý nghĩ nào đó, thường là buồn.
  56. Dưa khú
    Dưa muối lâu bị thâm lại và có mùi, ăn dở hoặc không ăn được.
  57. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  58. Tiên sa
    Tiên giáng trần (từ Hán Việt).
  59. Chạ
    Hỗn tạp, chung lộn.
  60. Hai Cua
    Tên một sòng bạc lớn ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) trước 1945.