Tìm kiếm "tháng ba"

  • Giời làm chết đói tháng ba

    Giời làm chết đói tháng ba
    Người thì bán cửa bán nhà để ăn
    Người thì bán áo bán khăn
    Bán đi cho sạch, cốt ăn sống người
    Người thì bán mâm bán nồi
    Người thì bán cả đồ chơi trong nhà
    Người thì bán đất bán nhà
    Người thì bán cả mâm xà bát hương
    Người thì bán sập bán giường
    Có người bán chĩnh làm tương độ chầy
    Giời ơi đất hỡi có hay?

  • Mình rằng mình quyết lấy ta

    Mình rằng mình quyết lấy ta
    Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này
    Hăm ba nay đã đến ngày
    Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng
    Tháng giêng năm mới chưa nên
    Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai
    Tháng hai có đỗ có khoai
    Ta lại vật nài cho đến tháng tư
    Tháng tư ngày chẵn tháng dư
    Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
    Tháng năm là tháng trâu đầm
    Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
    Tháng sáu lo chửa kịp tiền
    Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu
    Tháng bảy là tháng mưa ngâu
    Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
    Tháng tám là tháng trăng thu
    Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
    Tháng chín là tháng mưa rươi
    Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
    Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
    Như chim trong lồng, như cá cắn câu

  • Gió đánh cành đa

    Gió đánh cành đa
    Thầy tưởng rằng ma
    Thầy ù thầy chạy
    Ba thằng ba gậy
    Đi đón thầy về
    Bắt con lợn sề
    Cho thầy chọc tiết
    Bắt con cá diếc
    Cho thầy bóc mang
    Bát con tôm càng
    Cho thầy bóc vỏ
    Lấy đôi đũa đỏ
    Cho thầy gãi lưng
    Bóc đồng bánh chưng
    Cho thầy chấm mật

    Dị bản

    • Đom đóm bay qua
      Gió đập cành đa
      Gió đánh cành đa
      Thầy tưởng rằng ma
      Thầy ù thầy chạy
      Ba thằng ba gậy
      Đi đón thầy về

  • Khó thay công việc nhà quê

    Khó thay công việc nhà quê
    Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
    Tháng chạp thì mắc trồng khoai
    Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
    Tháng ba cày vỡ ruộng ra
    Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
    Tháng năm gặt hái vừa rồi
    Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
    Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
    Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
    Tháng sáu tháng bảy khi vừa
    Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
    Tháng tám lúa giỗ đã đành
    Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
    Khó khăn làm mấy tháng trời
    Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
    Cắt rồi nộp thuế nhà công
    Từ rày mới được yên lòng ấm no.

  • Tháng giêng là nắng hơi hơi

    Tháng giêng là nắng hơi hơi
    Tháng hai là nắng giữa trời nắng ra
    Thứ nhất là nắng tháng ba
    Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
    Tháng năm nắng đẹp nắng giòn
    Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
    Tháng bảy là nắng vừa vừa
    Tháng tám là nắng tờ ơ thế này
    Tháng chín nắng gắt nắng gay
    Tháng mười có nắng, nhưng ngày nắng không
    Tháng một là nắng mùa đông
    Tháng chạp có nắng nhưng không có gì

    Dị bản

    • Tháng giêng thì nắng hơi hơi
      Tháng hai thì nắng tuyết giời nắng ra
      Tháng ba được trận nắng già
      Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non
      Tháng năm nắng đẹp nắng ròn
      Tháng sáu có nắng bóng tròn về trưa
      Tháng bảy vừa nắng vừa mưa
      Tháng tám còn nắng nhưng chưa ngắn ngày
      Tháng chín nắng ớt, nắng cay
      Tháng mười có nắng nhưng ngày ngắn hơn

  • Tháng Giêng xuân tuyết mau mưa

    Tháng giêng xuân tuyết mau mưa
    Nhớ chàng những lúc sớm trưa vui cười
    Tháng hai hoa đã nở rồi
    Nhớ chàng em phải đứng ngồi thở than
    Tháng ba nắng lửa mưa dầu
    Nhớ chàng em những âu sầu chả tươi
    Tháng tư sấm giục mưa rơi
    Nhớ chàng thơ thẩn ra chơi vườn cà
    Tháng năm gặt hái rồi rà
    Nhớ chàng như thể nhớ hoa trên cành

  • Buồn về một nỗi tháng Giêng

    Buồn về một nỗi tháng Giêng
    Con chim, cái cú nằm nghiêng thở dài
    Buồn về một nỗi tháng Hai
    Ðêm ngắn, ngày dài thua thiệt người ta
    Buồn về một nỗi tháng Ba
    Mưa rầu, nắng lửa người ta lừ đừ
    Buồn về một nỗi tháng Tư
    Con mắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
    Buồn về một nỗi tháng Năm
    Chửa đặt mình nằm gà gáy, chim kêu.
    Bước sang tháng Sáu lại đều
    Thiên hạ cày cấy râm riu ngoài đồng.

  • Ai về ngoài Huế cho tôi nhắn với ông thợ rèn

    Ai về ngoài Huế cho tôi nhắn với ông thợ rèn
    Rèn cho tôi một trăm cái đục
    Một chục cái chàng
    Về tôi đốn một cây huỳnh đàn
    Tôi cưa làm tư, tôi xẻ làm tám
    Tôi đóng một cái thang một trăm ba mươi sáu nấc
    Bắc từ dưới đất lên trời
    Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu

    Dị bản

    • Em về ngoài Huế
      Mướn ông thợ mộc
      Đủ đục đủ chàng
      Mần một cái thang
      Ba mươi sáu nấc
      Bắc tự trời đất
      Lên tới trên Trời
      Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu?

  • Một năm chia mười hai kì

    Một năm chia mười hai kì
    Em ngồi em tính khó gì chẳng ra
    Tháng giêng ăn tết ở nhà
    Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm
    Tháng ba đi bán vải thâm
    Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về
    Tháng sáu em đi buôn bè
    Tháng bảy tháng tám trở về đong ngô
    Chín, mười cắt rạ đồng mùa
    Một, chạp vớ được anh đồ dài lưng
    Anh ăn rồi anh lại nằm
    Làm cho em phải quanh năm lo phiền
    Chẳng thà lấy chú lực điền
    Gạo bồ thóc đống còn phiền nỗi chi?

  • Chỉ vì một chữ ăn

    Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
    Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
    Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
    Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
    Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
    Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
    Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
    Người không chịu làm, hay đi ăn ké
    Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
    Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
    Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
    Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng

  • Vè Lụt Bất Quá

    Thuở vua Tự Đức trị vì
    Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
    Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
    Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
    Tuy loài hải thủy sơn man
    Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
    Cớ sao vận hội bất kỳ
    Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
    Tai trời khắp xuống chúng dân
    Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
    Nắng cho năm bảy tháng trời
    Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
    Tháng ba bị háp đã xong
    Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô

  • Vè chàng Lía

    Lía ta nổi tiếng anh hào
    Sơn hà một góc thiếu nào người hay
    Bạc tiền thừa đủ một hai
    Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông
    Làm cho bốn biển anh hùng
    Mến danh đều tới phục tùng chân tay.
    Kẻ nào tàn ác lâu nay
    Lía sai cướp của đoạt tài chẳng dung
    Nhà giàu mấy tỉnh trong vùng
    Thảy đều kinh sợ vô cùng lo toan
    Nhất nhì những bực nhà quan
    Nghe chàng Lía doạ kinh hoàng như điên
    Nhà nào nhiều bạc dư tiền
    Mà vô ân đức, Lía bèn đoạt thâu.
    Tuy chàng ở chốn non đầu
    Nhưng mà lương thực vật nào lại không
    Lâu la ngày một tụ đông
    Vỡ rừng làm rẫy, vun trồng bắp khoai
    Mọi người trên dưới trong ngoài
    Thảy đều no đủ sớm trưa an nhàn
    Tiếng tăm về đến trào đàng
    Làm cho văn võ bàng hoàng chẳng an.
    Nam triều chúa ngự ngai vàng
    Bá quan chầu chực hai hàng tung hô
    Có quan ngự sử bày phô
    Tâu lên vua rõ lai do sự tình
    Đem việc chàng Lía chiêu binh
    Trình lên cặn kẽ phân minh mọi đàng
    Nào khi Lía phá xóm làng
    Đến khi lên núi dọc ngang thế nào
    Kể tên những bậc phú hào
    Từng bị quân Lía đoạt thâu gia tài
    Vua ngồi nghe rõ một hai,
    Đập bàn, vỗ án giận rày thét la:
    – Dè đâu có đứa gian tà
    Giết người, đoạt của thiệt là khó dung
    Truyền cho mười vạn binh hùng
    Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng
    Đại quân vâng lệnh Nam hoàng
    Hành quân tức khắc thẳng đàng ruổi dong
    Gập ghềnh bao quản núi non
    Dậy trời sát khí quân bon lên rừng.

Chú thích

  1. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  2. Chợ Ba Đồn
    Chợ ở Ba Đồn, thị trấn huyện lị của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Người các nơi đến họp rất đông vào các ngày phiên vào các ngày mồng một và mồng sáu, các ngày hàng tháng. Chợ Ba Đồn hàng hóa phong phú và đa dạng, có đủ các thứ của vùng xuôi, vùng ngược, trong đó đặc sắc nhất có lẽ là hàng thịt bò và món thịt chó.

    Mua bán thịt bò ở chợ Ba Đồn

    Mua bán thịt bò ở chợ Ba Đồn

  3. Chợ phiên
    Chợ họp có ngày giờ nhất định.
  4. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Tháng ba và tháng bảy, tháng tám là hai thời kì giáp hạt trong năm.
  6. Mâm xà
    Loại mâm thờ chân cao, không có nắp.
  7. Bình hương
    Loại lọ bằng gỗ, sành hoặc sứ, thường có hoa văn, để cắm và thắp nhang trên bàn thờ hoặc những chỗ thờ cúng khác. Tùy theo hình dạng mà bình hương cũng gọi là bát hương hoặc nồi hương.

    Bát hương và cặp lọ trang trí

    Bát hương và cặp lọ trang trí

  8. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  9. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  10. Độ chầy
    Lần hồi qua ngày. Như độ nhật.
  11. Thập tam trại
    Tên gọi chung chỉ 13 làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long, gồm có Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Đại Yên, Liễu Giai, Kim Mã, Vạn Phúc (Vĩnh Phúc), Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Giảng Võ. Tương truyền, các làng này được lập nên thời vua Lý Nhân Tông, bởi công của dũng sĩ họ Hoàng và dân làng Lệ Mật, đóng vai trò cung cấp các nhu yếu phẩm cho kinh thành Thăng Long.
  12. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  13. Kinh quán
    (Dân) ở nơi kinh đô.
  14. Cựu quán
    (Dân) ở nơi làng cũ.
  15. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  16. Hàng năm, vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, dân thập tam trại rủ nhau tấp nập về làng Lệ Mật (huyện Gia Lâm, Hà Nội) để tỏ mối tình ruột thịt với dân làng cổ và nhất là với họ hàng thân thuộc.
  17. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  18. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  19. Mưa ngâu
    Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
  20. Mưa rươi
    Mưa nhỏ và rất ngắn, thường có vào cuối mùa mưa ở miền Bắc, vào khoảng tháng chín âm lịch, trùng với mùa có rươi ở vùng biển.
  21. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  22. Đẵn
    Đốn, chặt.
  23. Chuối hột
    Một loại chuối dại bản địa của vùng Đông Nam Á, quả có nhiều hạt, là một trong những tổ tiên của các loại chuối hiện đại. Ở ta, chuối hột non (chuối chát) được chế biến thành nhiều món ăn phong phú, ngoài ra chuối hột còn được dùng làm vị thuốc.

    Chuối chát (Chuối hột non)

    Chuối chát (Chuối hột non)

  24. Quỳnh
    Tên gọi chung cho loài cây cảnh có hoa thường nở về đêm, được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm. Dân ta có có thói quen trồng quỳnh chung với cây cành giao. Hoa quỳnh từ lâu đã đi vào thơ văn và nhạc.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

    Nghe bài Chuyện đóa quỳnh hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

    Hoa quỳnh trắng

    Hoa quỳnh trắng

  25. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  26. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  27. Có bản chép: Đom đóm bay qua.
  28. Lợn sề
    Cũng hay được viết nhầm thành lợn xề, chỉ lợn nái đã đẻ nhiều lứa. Từ nái sề cũng thường được dùng để chỉ người phụ nữ nhiều con một cách trào phúng.
  29. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  30. Có bản chép: Mua rổ lạc rang.
  31. Có bản chép:

    Mua tấm lụa đỏ
    Cho thầy thắt lưng

  32. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  33. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  34. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  35. Mưa dầu
    Mưa ít quá, làm cho nóng thêm.
  36. Rồi rà
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Rồi rà, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  37. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  38. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  39. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  40. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  41. Sưa
    Còn được gọi là huỳnh đàn, trắc thối, một loại cây thân cao, tán rộng, dẻo dai, chống chịu gió bão tốt, cho gỗ quý. Gỗ sưa chắc, thơm và nặng hơn gỗ bình thường, đặc biệt có vân gỗ rất đẹp nên rất được ưa chuộng để làm những đồ mĩ nghệ có ý nghĩa phong thủy, tâm linh. Cây sưa cũng được trồng lấy bóng mát.

    Tượng Phật làm từ gỗ sưa

    Tượng Phật làm từ gỗ sưa

  42. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  43. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  44. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  45. Lực điền
    Người làm ruộng có sức khỏe.
  46. Thuở tạo thiên
    Lúc mới lập ra trời đất.
  47. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  48. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  49. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  50. Nguyễn Phúc Khoát
    Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).

    Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

  51. Nhà Đường (618 - 907) và nhà Ngu dưới thời vua Nghiêu (2337 TCN –2258 TCN) được coi là hai thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc.
  52. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  53. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  54. Bàn thạch
    Đá tảng (từ Hán Việt).
  55. Hải thủy sơn man
    Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
  56. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, tức năm Mậu Dần (1878).
  57. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  58. Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa.
  59. Cháy háp
    Cháy một phần.
  60. Lúa nhồng
    Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
  61. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  62. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  63. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  64. Chiêu binh mãi mã
    Chiêu mộ binh lính và mua ngựa chiến (để chuẩn bị cho chiến tranh). Hiểu rộng ra là tập hợp lực lượng, vây cánh.
  65. Dung
    Biết là việc xấu, sai nhưng vẫn để tồn tại.
  66. Lâu la
    Từ chữ Hán 嘍囉, chỉ quân lính, tay chân của giặc cướp.
  67. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  68. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  69. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  70. Lai do
    Nguyên do sự việc.
  71. Phú hào
    Những người giàu và có thế lực ở nông thôn thời phong kiến (từ Hán Việt).
  72. Ngờ (phương ngữ Nam Bộ).
  73. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  74. Nam hoàng
    Vua nước Nam.
  75. Quản
    E ngại (từ cổ).
  76. Rỗi ràng
    Rỗi rãi, rảnh rỗi.
  77. Có bản chép: Tháng hai hoặc Tháng tư.
  78. Hòn Chông
    Một địa danh trước đây là một hòn đảo thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, dần về sau dính vào đất liền mà thành núi. Có tên gọi như vậy vì núi này bao gồm nhiều tảng đá nhọn, trông xa như một bàn chông. Hiện nay đây là một thắnh cảnh có tiếng của tỉnh Kiên Giang.

    Thắng cảnh Hòn Chông

    Thắng cảnh Hòn Chông

  79. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  80. Hang Mai
    Có ý kiến cho rằng đây là tên của cái hang nằm trên núi Hòn Chông, trong có ngôi chùa Hải Sơn Tự, tục gọi là chùa Hang. Tuy nhiên, trong cuốn phóng sự Đồng Quê, giải thưởng hội Khuyến Học Cần Thơ năm 1943, tác giả Phi Vân lại viết: Mai [nghĩa là] khỉ... Hang Mai tức là hang của loài khỉ. Kinh Hang Mai ở làng Khánh Lâm, Cà Mau, bắt đầu từ kinh Biện Nhi trổ ra Tiểu Dừa.
  81. Đê
    Một lũy đất nhân tạo hay tự nhiên kéo dài dọc theo các bờ sông hoặc bờ biển để ngăn lũ lụt.

    Đường đê

    Đường đê

  82. Vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch, ở nước ta thường có mưa to làm nước sông dâng cao.