Tìm kiếm "sa tượng"

Chú thích

  1. Nhơn Ái
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
  2. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  3. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  4. Ba Xuyên
    Tên một phủ dưới thời nhà Nguyễn, gồm ba tổng: Vĩnh Định, Phong Nhiêu và Phong Thạnh. Từ năm 1889, Pháp nâng phủ lên thành tỉnh, lấy tên cũ là Sóc Trăng.
  5. Nhật trình
    Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
  6. Trương Vĩnh Ký
    Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

    Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.

    Trương Vĩnh Ký

    Trương Vĩnh Ký

  7. Bổn
    Bản (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Trà Vinh
    Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

  9. Kỳ tời
    Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
  10. Thầy Thông Chánh
    Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
  11. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  12. Châu thành
    Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
  13. Lễ Chánh Chung
    Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
  14. Trát
    Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
  15. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  16. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  17. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  18. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  19. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  20. Giáp Nước
    Nơi hai dòng hải lưu gặp nhau ở ngoài khơi Vũng Tàu.
  21. Vũng Tàu
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vũng Tàu từng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa và giáo dục của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Tại đây nổi tiếng với ngành nghề du lịch biển với nhiều bãi biển lí tưởng, đồng thời có các danh lam thắng cảnh như Chùa Thích Ca Phật Đài, tượng Chúa Kitô, Bạch Dinh, Núi Nhỏ, Núi Lớn...

    Bãi biển Vũng Tàu

    Bãi biển Vũng Tàu

  22. Mũi Kỳ Vân
    Còn gọi là Thuỳ Vân, một mũi đất nhô ra biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mũi đất này có độ cao chừng 327m, là đích nhắm của lái buôn ghe thuyền ngày xưa khi đi qua khu vực này.

    Bình minh ở mũi Kỳ Vân

    Bình minh ở mũi Kỳ Vân

  23. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  24. Xích Ram
    Một địa danh thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày nay đọc trại thành Xích Lam. Theo Gia Định thành thông chí: [Sông Xích Ram] Ở về phía đông bắc cách trấn 209 dặm, có cầu ván bắc ngang. Sông dài 173 tầm, là nơi đường bộ đi ngang qua, nước sâu 5 thước ta. Phía hạ lưu của cầu chuyển quanh vào nam 3 dặm là cảng biển Xích Ram, khi thủy triều lên sâu 10 thước ta, rộng 33 trượng rưỡi, cảng dời đổi, thông kẹt bất thường...
  25. Bãi Dầm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bãi Dầm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  26. Hồ Tràm
    Một dải bờ biển dài nằm giữa Long Hải và Bình Châu, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một bãi biển đẹp và còn hoang sơ, hiện nay đang được khai thác tiềm năng du lịch.

    Theo Gia Định thành thông chí: [Hải Động Hồ] Tục gọi là Hồ Tràm, cách trấn về phía đông bắc 227 dặm rưỡi. Nơi đây, động cát nối liền, cỏ cây xanh tốt, trong có hồ lớn xanh trong, nước đều ngọt cả, không khi nào khô, mọi người đều nhờ nước ấy.

    Bãi biển Hồ Tràm

    Bãi biển Hồ Tràm

  27. Hồ Đắng
    Tên một làng chài nhỏ (hiện chỉ có trên dưới hai mươi hộ dân) thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngư dân ở đây sống bằng nghề chài lưới và đánh bắt ven bờ; cuộc sống cho đến nay vẫn còn gần như hoang sơ và tạm bợ.

    Hồ Đắng

    Hồ Đắng

  28. Thân Trong
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thân Trong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  29. Mũi Bà Kiệm
    Một mũi đất nhô ra biển thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nằm giữa hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.
  30. Thiên địa chí công
    Trời đất rất công bằng.
  31. Huỳnh Công Miêng
    Con trai của lãnh binh Huỳnh Công Tấn, một tay sai đắc lực của thực dân Pháp vào cuối thế kỉ 19. Trái ngược với cha, ông là người có máu giang hồ mã thượng, thích ngao du và làm việc nghĩa, tính tình hào phóng, hay bênh vực kẻ yếu, vì vậy được nhân dân yêu mến và gọi là "cậu." Nhờ oai danh cha, cậu hai Miêng được mệnh danh là "miễn tử lưu linh," có nghĩa là được miễn sưu thuế, đi đâu mặc tình, không ai được phép "hỏi giấy"... và cũng lợi dụng những đặc ân đó để làm những chuyện nghĩa hiệp.
  32. Lãnh binh Tấn
    Tên thật là Huỳnh Tấn hay Huỳnh Văn Tấn, cũng gọi là Huỳnh Công Tấn, một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân vào những năm gần cuối thế kỷ 19 tại các tỉnh Nam Kỳ. Tấn là người đã dẫn quân Pháp tấn công, vây bắt Trương Định năm 1864, Võ Duy Dương (1866) và Nguyễn Trung Trực (1968). Nhờ những "công lao" này, ông được Pháp ban cho huy chương “Bắc đẩu Bội tinh” và chức Lãnh binh, đồng thời xây dựng "đài ghi công" tại Gò Công (sau đã bị đập nát).
  33. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  34. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  35. Hiểm địa
    Vùng đất hiểm trở, đi lại khó khăn (từ Hán Việt).
  36. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  37. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  38. Cá sấu
    Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.

    Cá sấu

    Cá sấu

  39. Gấu ngựa
    Một loài gấu lớn có tai lớn, toàn thân lông đen, dài, thô, có yếm hình chữ V ở ngực màu kem hoặc trắng mờ, leo trèo giỏi, kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm. Gấu ngựa ăn tạp, từ quả chín, mầm cây, mật ong tới các loài cá và chim thú nhỏ. Hiện gấu ngựa được xếp vào một trong số các động vật đang bị đe dọa.

    Gấu ngựa

    Gấu ngựa

  40. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  41. Báo đen
    Còn gọi là beo, là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn, có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc giúp báo đen dễ sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp. Báo đen không được xem là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai. Ở nước ta ghi nhận có 3 loại báo là báo hoa mai, báo gấm, và báo lửa.
  42. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  43. Chồn
    Một họ động vật có vú thuộc bộ Ăn thịt, có loài sống trên cạn, có loài sống dưới nước (như rái cá). Xem thêm về các loài chồn có tại Việt Nam ở đây.

    Chồn vàng ở Việt Nam

    Chồn vàng ở Việt Nam

  44. Cáo
    Loài thú ăn thịt thuộc họ chó, cỡ trung bình, ăn các loài lợn rừng nhỏ, nai, hoẵng và các loài chim thú khác. Cáo thường sống thành đàn lớn, có thể lớn tới 15 - 20 con, ở các kiểu rừng khác nhau, từ rừng già, rừng tái sinh, đến rừng hỗn giao tre nứa. Đây là loài rất hiếm, hiện đang suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ở nước ta, chúng thường phân bố ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.

    Cáo

    Cáo

  45. Lợn rừng
    Cũng gọi là lợn lòi, loài lợn được xem là thủy tổ của lợn nhà. Lợn rừng nặng 40-200 kg, lông thô cứng màu đen xám, thường có răng nanh to dài chìa ra ngoài mõm, sống thành đàn 5-20 con trong rừng hoặc ven các nương rẫy, kiếm ăn đêm , ngày nghỉ trong các bụi rậm, thích đằm mình trong vũng nước. Lợn rừng ăn tạp gồm các loại củ, quả giàu tinh bột, các loại quả cây rừng, măng tre nứa, chuối và nhiều động vật nhỏ như nhái, ngoé, giun đất, ong...

    Tại nước ta, lợn rừng có mặt khắp các tỉnh miền núi và trung du.

    Lợn rừng

    Lợn rừng

  46. Bất loạn thiên
    Cũng nói là bắt loạn thiên hoặc nói tắt là bắt loạn, cách nói mô tả mức độ rất nhiều của người Nam Bộ.
  47. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  48. Tiền
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta, bằng 60 đồng tiền kẽm.
  49. Tên các con bài trong bộ bài tới.
  50. Cơ trời đất
    Cơ nghĩa là "máy." Người xưa quan niệm trời đất là một cỗ máy, vì vậy có từ "thiên cơ" nghĩa là máy trời.
  51. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  52. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  53. Đinh Công Tráng
    (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
  54. Ý nhắc đến trận đánh năm Nhâm Ngọ (1882) của nghĩa quân của Đinh Công Tráng, trong đó nghĩa quân cướp được tới 50 khẩu súng.
  55. Nga Sơn
    Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
  56. Thần công
    Vũ khí hạng nặng, sử dụng thuốc súng hoặc các nhiên liệu cháy nổ khác để đẩy một viên đạn đi xa. Có sức sát thương lớn, súng thần công thường dùng để chống bộ binh và phá thành.

    Súng thần công

    Súng thần công

  57. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  58. Sa trường
    Bãi chiến trường (từ Hán Việt).

    Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
    Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
    Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu,
    Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

    (Lương Châu từ - Vương Hàn)

    Trần Nam Trân dịch:

    Bồ đào rượu ngát chén lưu ly,
    Toan nhắp tỳ bà đã giục đi
    Say khướt chiến trường anh chớ mỉa
    Xưa nay chinh chiến mấy ai về?

  59. Đèn kéo quân
    Còn gọi là đèn cù, là một loại đồ chơi bằng giấy có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày xưa phổ biến trong nhiều dịp lễ tết, nay chỉ còn xuất hiện trong dịp Tết Trung Thu. Đèn có đặc điểm khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn và xoay vòng theo một chiều liên tục không dừng lại.

    Đèn kéo quân

    Đèn kéo quân

  60. Cửa Thanh Hà
    Tức cửa sông Gianh, con sông lớn nhất chảy qua tỉnh Quảng Bình. Đại Nam nhất thống chí viết: “Sông Linh Giang: ở cách huyện Bình Chính 3 dặm về phía nam, bờ bắc thuộc huyện Bình Chính, bờ nam thuộc huyện Bố Trạch, lại có tên là sông Thanh Hà.”
  61. Lũy Thầy
    Tên một công trình thành lũy quân sự tại khu vực ngày nay là Đồng Hới, Quảng Bình, bao gồm các lũy Trường Dục, Nhật Lệ, và Trường Sa. Hệ thống lũy này được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng vào thế kỉ 17 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. "Thầy" chính là danh xưng mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên gọi Đào Duy Từ để tỏ lòng kính trọng. Về sau nhân dân cũng theo đó mà gọi hệ thống thành lũy là lũy Thầy. Hiện nay lũy đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

    Luỹ Trường Sa, một phần của hệ thống Luỹ Thầy

    Lũy Trường Sa, một phần của hệ thống lũy Thầy

  62. Sông La
    Một phụ lưu của sông Lam, chảy qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là hợp lưu của hai sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu tại bến Tam Soa. Sông La là một dòng sông rất đẹp, có phong cảnh nên thơ, sơn thủy hữu tình, là nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân và nhạc sĩ.

    Cầu Thọ Tường bắc qua sông La

    Cầu Thọ Tường bắc qua sông La

  63. Sông Gianh
    Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng TrongĐàng Ngoài.

    Một khúc sông Gianh

    Một khúc sông Gianh

  64. Võ Xá
    Tên một làng thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Tại đây có đầm lầy Võ Xá, vốn là một dải đầm lầy tự nhiên kéo theo đường thiên lí từ Quảng Bình vào Thuận Hóa. Làng Võ Xá là một trong "bát danh hương" (tám ngôi làng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng) của Quảng Bình, gồm: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa (cùng thuộc huyện Quảng Trạch), và Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại (cùng thuộc huyện Quảng Ninh).
  65. Năm 1648, sau khi thất bại trong việc đánh Lũy Thầy (lũy Trường Dục), quân Trịnh quay sang đánh vào vùng Võ Xá và thu được thắng lợi. Song, khi chiếm được chỗ đứng chân thì lại bị quân Lưu Đôn chặn đánh ở Thập Dinh (nay vẫn còn xã Dinh Mười, huyện Quảng Ninh) đẩy xuống vùng đầm lầy Võ Xá. Quân Trịnh bị sa lầy tại đây, và trong thế trận tiến thoái lưỡng nan do không có được sự hỗ trợ từ đường thủy, sau đó buộc phải rút quân ra Bắc.
  66. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  67. Có bản chép: sông Dinh. Tuy nhiên hiện chưa có thông tin chính xác về tên con sông này.
  68. Hồng Lĩnh
    Tên dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, cùng với sông Lam là biểu tượng cho xứ Nghệ (bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An). Theo một số nghiên cứu, đây là cố đô của Việt Thường, thủy tổ của dân tộc ta, trước khi dời về dãy Nghĩa Lĩnh, bắt đầu thời đại các vua Hùng.

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

  69. Sông Lam
    Còn gọi là sông Ngàn Cả hay sông Cả, một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chính sông Lam chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội.

    Sông Lam

    Sông Lam

  70. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  71. Beng
    So sánh, bì (phương ngữ Bình Định).
  72. Trống chầu
    Loại trống lớn thường được đặt trên giá gỗ, đánh bằng dùi lớn trong các buổi hát bội, lễ hội đình chùa. Lưu ý: phân biệt với loại trống chầu gõ trong các buổi hát ả đào ở miền Bắc.

    Trống chầu

    Trống chầu

  73. Bắt
    Phát, khiến cho (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  74. Bạch Huê
    Cũng gọi là Bạch Tuyết, một quân bài trong bài chòi, tượng trưng bộ phận sinh dục nữ. Ở một số địa phương miền Trung, bộ phận sinh dục nữ cũng được gọi là huê.
  75. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bạch Huê.
  76. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  77. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  78. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  79. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  80. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  81. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  82. Bến Thuận An
    Bến cảng nằm bên cửa biển Thuận An cách thành phố Huế 15km về phía Đông Bắc, là nơi sông Hương chảy qua phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông. Trước đây cửa biển này có tên cửa Eo, cửa Nộn. Tên Thuận An là do vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đặt cho, còn vua Thiệu Trị thì liệt Thuận An là một trong hai mươi thắng cảnh của kinh thành Huế. Vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, nơi đây có lễ hội truyền thống gọi là lễ Cầu Ngư, có hàng ngàn người tham dự.

    Biển Thuận An

    Biển Thuận An

  83. Chạy giác
    Kĩ thuật lái ghe thuyền chạy theo góc (giác), tức là theo đường dích dắc để tránh hoặc lợi dụng gió ngược. Từ này cũng được viết trại thành vát.
  84. Cửa Tư Hiền
    Tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện, cửa biển thông đầm Cầu Hai với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cửa biển này từ thời nhà Lý đã được nhắc đến dưới tên cửa Ô Long. Đời Trần gọi là cửa Tư Dung. Sang thời nhà Mạc vì kiêng tên vua Mạc Thái Tổ nên gọi là cửa Tư Khách. Nhà Lê vẫn dùng tên Tư Dung. Tên Tư Hiền thì mãi đến triều Thiệu Trị mới đặt.

    Cửa Tư Hiền

    Cửa Tư Hiền

  85. Có bản chép: Hòn Om.
  86. Cửa Kiểng
    Tên một cửa biển ở Huế, là nơi dòng sông Bù Lu đổ ra biển Đông.
  87. Sả
    Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.

    Sả

    Sả

  88. Sa
    Rơi xuống (từ Hán Việt).
  89. Xa
    Đồ dùng để kéo sợi dệt vải.