Tìm kiếm "bach mã"

  • Khi đầu em nói em thương

    Khi đầu em nói em thương
    Bây giờ gánh nặng giữa đường đứt dây
    Tưởng là rồng ấp lấy mây
    Ai ngờ rồng ấp lấy cây bạch đàn

    Dị bản

    • Khi đầu em nói em thương
      Bây giờ gánh nặng giữa đường đứt dây
      Tưởng là rồng ấp được mây
      Ai ngờ rồng ấp phải cây chổi cùn!

  • Hoa phi đào phi cúc

    Hoa phi đào phi cúc
    Sắc phi lục phi hồng
    Trơ như đá vững như đồng
    Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao
    Mỉa mai cụm liễu cửa đào
    Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu
    Bốn mùa đông hạ xuân thu
    Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi
    Chúa xuân ngó thấy mỉm cười
    Sắc hay vương vấn mấy người tài danh
    Có bông, có cuống, không cành
    Ở trong có nụ, bốn vành có tua
    Nhà dân cho chí nhà vua
    Ai ai có của cũng mua để dành
    Tử tôn do thử nhi sanh
    Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi

  • Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn

    Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn
    Gái tơ quá lứa, mất giòn, không xinh
    Vẳng tai nghe lời nói hữu tình
    Chim lồng không lẽ cất mình bay cao
    Gớm ghê thay cái số huê đào
    Cởi ra thời khó, buộc vào như chơi
    Chàng Thúc sinh quen thói bốc trời
    Trăm nghìn đổ một trận cười như không
    Chường vô chăn gối loan phòng
    Thiếp tôi ra tựa cái bóng đèn chong đêm dài
    Vả thiếp tôi nay phận gái nữ hài
    Thấy chàng quân tử tài trai anh hùng
    Gương bạch Nhật sánh với quạt thanh phong
    Sao chàng chẳng tới cái tiết mùa đông lạnh lùng
    Chường nằm đâu nhủ thiếp tôi cùng.

  • Thư gửi chồng

    Jê-cờ-ri một bức tình thư,
    Ăng-voa, thăm hỏi me-xừ di-đăng
    Tú xon gạt nước mắt than rằng:
    Cô-song cái phận lăng nhăng nhỡ nhàng.
    Đờ-puy thiếp bén duyên chàng,
    Nô-xờ chưa được một bàn tiệc vui.
    Ê-loa-nhê ai khéo giục xui,
    Cu-tô ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa
    La cua mút mọc, luyn tà,
    La săm biết lấy ai là a-mi
    Lạnh lùng mảnh áo sơ-mi
    Năm canh trằn trọc lơ li một mình.
    A-mi ai có thấu tình,
    Để cho đến nỗi thân mình biếng ba
    Pơ-răng qua để làm quà,
    Jê-cơ-ri uyn lét để mà ca-đô
    Tự ngày bước xuống ba-tô
    Lác-mơ nó chảy như hồ Trúc Yên
    Xi vu lét-xê moa tiền,
    Thì moa cũng chẳng được yên bông cờ
    Tiện lời thăm hỏi ta xơ,
    Cùng cả gia quyến ơ-rơ thanh nhàn.
    Lơ roa Thành Thái Annam
    23 tháng Tám bước sang tháng Mười
    Tên em là Nguyễn Thị Thời.​

  • Nhớ lời quan Trạng ngày xưa

    Nhớ lời quan Trạng ngày xưa
    Sấm ngài để lại tính vừa tới nay
    Năm Dậu nó kéo sang đây
    Vua về thượng giới thì Tây chiếm thành
    Ngả lim ra để làm hoành
    Đắp đường phá đá tan tành ruộng nương
    Bao nhiêu bờ bụi phát quang
    Thuê người gánh đá dọn đường cho yên
    Nhật công nó lại phạt tiền
    Thế gian ai được nằm yên ở nhà
    Đàn ông cho ý đàn bà
    Bao nhiêu trai gái trẻ già đều đi
    Bởi chưng vua nước đang suy
    Mới không vượt dậy mà đi chiếm thành

  • Từ năm Bính Tý đến giờ

    Từ năm Bính Tý đến giờ,
    Đồng điền bạch lạng bỏ đi thế này
    Dân ta đói khổ lắm thay,
    Công sưu công ích kẹp ba ngày chưa tha
    Đời ông cho chí đời cha,
    Đời nào khổ cực cho qua đời mình
    Thuế điền rồi lại thuế đinh,
    Thuế thuốc, thuế rượu, sát sinh, thuế đò.
    Năm ngày “công ích” phải lo,
    Chạy vạy không được bán bò mất thôi!
    Bán đi đặng nộp cho rồi,
    Miễn sao thoát khỏi tanh hôi ngục hình.

  • Trong nhà anh lát đá hoa

    Trong nhà anh lát đá hoa
    Chân tảng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
    Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
    Hai bên bức thuận anh chạm tứ linh rồng chầu
    Nhà anh kín trước rào sau
    Tường xây bốn mặt hơn đâu hỡi nàng
    Nhà anh vóc nhiễu nghênh ngang
    Nhiễu điều lót áo cho nàng đi chơi
    Áo này anh sắm mười đôi
    Bộ ba áo nhiễu mặc chơi ngày thường
    Dù nàng có bụng nàng thương
    Thì anh quyết đóng bốn thang giường gỗ lim

  • Lại đây anh nói câu này

    Lại đây anh nói câu này
    Cưới em nhà ngói anh xây ba toà
    Trong nhà anh lót đá hoa
    Chân táng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
    Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
    Hai bên bức thuận tứ linh rồng chầu
    Nhà anh kín trước rào sau
    Tường xây bốn mặt, hào sâu rõ ràng
    Trong rương vóc nhiễu nghênh ngang
    Nhiễu điều lót áo, cho nàng đi chơi
    Áo dài sắm đủ mười đôi
    Chăn hoa đệm gấm tiện nghi trên giường
    Nếu mà nàng có lòng thương
    Thì anh lại đóng cái giường gỗ lim

  • Canh một nổi ngọn đèn loan

    Canh một nổi ngọn đèn loan,
    Chờ người thục nữ thở than đôi lời.
    Canh hai nguyệt đổi sao dời,
    Tính sao thì tính trọn đời thủy chung.
    Canh ba cờ phất, trống rung,
    Mặc cho ai thẳng, ai chùn mặc ai.
    Canh tư hạc đậu cành mai,
    Sương sa lác đác, biết ai mà tầm.
    Canh năm không ngủ, không nằm,
    Trông cho mau sáng đặng tầm người thương

    Dị bản

    • Canh một thơ thẩn vào ra
      Chờ trăng trăng lặn, chờ hoa hoa tàn,
      Canh hai ngồi tựa phòng loan,
      Để cho thiếp tới thở than đôi lời.
      Canh ba đang nói đang cười
      Còn hai canh nữa mỗi người một nơi
      Canh tư cắt tóc thề nguyền
      Khởi lai minh bạch trọn niềm thủy chung.
      Canh năm cờ phất trống rung,
      Gá tiếng cùng em hỡi nghe ai!
      Đặt mình xuống chiếu không sai
      Đừng thương mà nhớ đừng sầu mà hư

    • Canh một thơ thẩn vào ra
      Chờ trăng trăng lặn, chờ hoa hoa tàn,
      Canh hai thắp ngọn đèn loan,
      Chờ người quân tử thở than vài lời.
      Canh ba đương nói đương cười
      Còn hai canh nữa mỗi người một phương.
      Canh tư cất bút thề nguyền
      Khứ lai minh bạch cho tuyền thủy chung.
      Canh năm cờ phất trống rung,
      Anh gá tiếng cùng bậu chớ nghe ai.

    • Bước qua canh một, anh đốt ngọn đèn vàng,
      Chờ người bạn cũ thở than đôi lời.
      Canh hai nguyệt đổi, sao dời,
      Cùng nhau tính chuyện trọn đời thủy chung.
      Canh ba cờ phất trống rung,
      Mặc ai, ai thẳng, ai dùng, mặc ai.
      Canh tư hạc đậu nhành mai,
      Sương sa lác đác biết ai mà tầm.
      Canh năm nằm dựa phòng loan,
      Mỏi mòn chờ đợi người bạn vàng của anh.

  • Gặp đời hải yến hà thanh

    Gặp đời hải yến hà thanh,
    Bốn dân trăm họ an lành ấm no.
    Nay mừng điển hội cầu nho,
    Văn nhân sĩ tử phải lo học hành,
    Làm sao cho được công danh,
    Bõ công bác mẹ sinh thành ra thân.
    Lại bàn đến việc nông dân,
    Cày mây cuốc gió, chuyên cần công phu.
    Đêm thời cổ phúc nhi du,
    Ngày thời kích nhưỡng khang cù vô ngu.

  • Cái cò trắng bạch như vôi

    Cái cò trắng bạch như vôi
    Có lấy làm lẽ chú tôi thì về
    Chú tôi chẳng mắng chẳng chê
    Thím tôi móc mắt mổ mề xem gan

    Dị bản

    • Cái cò trắng bạch như vôi
      Cô kia có lấy chú tôi thì về
      Chú tôi chẳng mắng chẳng chê
      Thím tôi thì mổ lấy mề nấu canh

    • Cái cò trắng bạch như vôi
      Có ai lấy lẽ chú tôi thì về
      Chú tôi chẳng đánh chẳng chê
      Thím tôi móc ruột, lôi mề ăn gan

    • Con cóc ăn trầu đỏ môi
      Ai muốn lấy lẽ bố tôi thì về
      Mẹ tôi chẳng đánh chẳng chê
      Mài dao cho sắc, mổ mề xem gan

  • Anh muốn trông

    Anh muốn trông
    Anh lên Ba Dội anh trông
    Một Dội anh trông
    Hai Dội anh trông
    Trống thu không ba hồi điểm chỉ
    Anh ngồi anh nghĩ
    Thở vắn than dài
    Trúc nhớ mai
    Thuyền quyên nhớ khách
    Quan nhớ ngựa bạch
    Bóng lại nhớ cây
    Anh nhớ em đây
    Biết bao giờ cho được
    Đạo vợ chồng chẳng trước thì sau
    Trăm năm xin chớ quên nhau.

  • Xưa kia ai gảy đàn cầm

    Xưa kia ai gảy đàn cầm
    Cuộc cờ ai đánh dưới trần gian nguy
    Ai mà tài đặt thơ ri
    Ai mà uống rượu chín mươi bì không say?
    Mong anh nói lại em hay
    Em lui về lấy nhẫn đeo tay cho liền
    – Xưa ông Bá Nha gảy đàn cầm
    Cuộc cờ Đế Thích đánh dưới trần gian nguy
    Tài Lý Bạch hay đặt thơ ri
    Lưu Linh uống rượu chín mươi bì không say
    Chàng đà nói đúng, thiếp tính răng đây thiếp hè

Chú thích

  1. Rồng mây
    Còn nói hội rồng mây, hội long vân, chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt, nguyên từ một câu trong Kinh Dịch "Vân tùng long, phong tùng hổ" (mây theo rồng, gió theo hổ), ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm đến nhau. Trong ca dao Nam Bộ, rồng mây lại biểu trưng cho sự hòa hợp gắn bó giữa đôi lứa trong tình yêu.
  2. Có bản chép: Gió nồm, nước rặc. Lại có bản khác chép: Mưa nguồn, chớp giật.
  3. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  4. Đọc thêm về chiến thắng Bạch Đằng năm 938 tại đây.
  5. Có bản chép: Chớ đánh chỗ cạn phải chông mà chìm.
  6. Ngựa bạch
    Ngựa trắng.
  7. Hoa không phải đào cũng chẳng phải cúc, màu không phải xanh cũng chẳng phải đỏ.
  8. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  9. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  10. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  11. Tử tôn do thử nhi sanh
    Con cháu từ chỗ ấy mà sinh ra.
  12. Bạch Huê
    Cũng gọi là Bạch Tuyết, một quân bài trong bài chòi, tượng trưng bộ phận sinh dục nữ. Ở một số địa phương miền Trung, bộ phận sinh dục nữ cũng được gọi là huê.
  13. Bài này mô tả bộ phận sinh dục nữ.
  14. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  15. Beng
    So sánh, bì (phương ngữ Bình Định).
  16. Trống chầu
    Loại trống lớn thường được đặt trên giá gỗ, đánh bằng dùi lớn trong các buổi hát bội, lễ hội đình chùa. Lưu ý: phân biệt với loại trống chầu gõ trong các buổi hát ả đào ở miền Bắc.

    Trống chầu

    Trống chầu

  17. Bắt
    Phát, khiến cho (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bạch Huê.
  19. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  20. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  21. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  22. Hài
    Giày, dép. Thường được dùng để chỉ giày thời xưa.
  23. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  24. Bạch nhật
    Mặt trời sáng (từ Hán Việt).
  25. Thanh phong
    Gió mát (từ Hán Việt).
  26. Jê-cờ-ri
    Tôi viết (từ tiếng Pháp J'écris).
  27. Ăng-voa
    Gửi (từ tiếng Pháp envoie).
  28. Me xừ
    Từ tiếng Pháp monsieur, nghĩa là "quý ông."
  29. Di-đăng
    Công sứ (từ tiếng Pháp résident).
  30. Tú xon
    Cô đơn, một mình (từ tiếng Pháp tout seul).
  31. Cô soong
    Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
  32. Đờ-puy
    Từ khi (từ tiếng Pháp depuis).
  33. Nô-xờ
    Tiệc cưới (từ tiếng Pháp noce).
  34. Ê-loa-nhê
    Xa cách (từ tiếng Pháp éloigné).
  35. Cu-tô
    Con dao (từ tiếng Pháp couteau).
  36. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  37. La cua
    Cái sân (từ tiếng Pháp la cour).
  38. Mút
    Rêu (từ tiếng Pháp mousse).
  39. Luyn
    Mặt trăng (từ tiếng Pháp lune).
  40. La săm
    Buồng (từ tiếng Pháp la chambre).
  41. A-mi
    Bạn thân, bạn gái (từ tiếng Pháp amie).
  42. Sơ-mi
    Nghĩa gốc là áo lót (từ tiếng Pháp chemise). Ngày nay, sơ mi có cổ áo, tay áo và hàng nút phía trước.
  43. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  44. Lơ li
    Cái giường (từ tiếng Pháp le lit).
  45. Biếng ba
    Xanh xao (từ tiếng Pháp bien pale).
  46. Pơ-răng qua
    Lấy gì (từ tiếng Pháp prendre quoi).
  47. Uyn lét
    Một lá thư (từ tiếng Pháp une lettre).
  48. Ca-đô
    Quà (từ tiếng Pháp cadeau).
  49. Ba-tô
    Tàu thủy (từ tiếng Pháp bateau).
  50. Lác-mơ
    Nước mắt (từ tiếng Pháp larme).
  51. Hồ Trúc Bạch
    Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

  52. Xi vu lét-xê moa
    Nếu anh để lại cho tôi (từ tiếng Pháp si vous laissez moi).
  53. Bông cờ
    Lòng tốt (từ tiếng Pháp bon cœur).
  54. Ta xơ
    Chị gái của anh (từ tiếng Pháp ta sœur).
  55. Ơ-rơ
    Sung sướng (từ tiếng Pháp heureux).
  56. Lơ roa
    Vua (từ tiếng Pháp le roi).
  57. Thành Thái
    (14/3/1879 – 24/3/1954) Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Lên ngôi khi mới mười tuổi, ông sớm bộc lộ tinh thần dân tộc và chủ trương đánh Pháp. Nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, đến tháng 5 năm 1945 mới được cho về Việt Nam. Ông sống tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đến năm 1954 thì mất.

    Vua Thành Thái

    Vua Thành Thái

  58. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  59. 23 tháng Tám là ngày âm lịch; tháng Mười là dương lịch, cách nhau hơn một tháng.
  60. Theo Hoàng Ngọc Phách thì Nguyễn Thị Thời là tên một người phụ nữ quê ở Hải Phòng cưới chồng Tây, theo chồng lên Bắc Ninh. Được ít lâu thì chồng về Tây, cô nhờ người viết hộ một lá thư (cô nói ra, người viết ghi vào giấy), sau thành bài ca dao truyền miệng này.
  61. Nguyễn Bỉnh Khiêm
    (1491–1585) Tên huý là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa nước ta trong thế kỷ 16. Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535), làm quan dưới triều Mạc, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công (nên dân gian gọi là trạng Trình). Ông được coi là tác giả của nhiều câu thơ có tính chất tiên tri (sấm kí) lưu hành trong dân gian, gọi chung là sấm Trạng Trình.

    Tượng đài trạng Trình

    Tượng đài trạng Trình

  62. Ngày mồng 7 tháng 4 năm Giáp Thân (tức 1 tháng 5 năm 1884), vua Kiến Phúc lâm bệnh qua đời, ở ngôi được hơn 6 tháng. Em ông là Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi, tức là vua Hàm Nghi. Tháng 5 năm 1885 (Ất Dậu), trận Kinh thành Huế nổ ra, quân nhà Nguyễn dưới sự chỉ Huy của Tôn Thất Thuyết thất bại nặng nề. Quân Pháp chiếm được thành; vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phải bỏ thành chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) và phát động phong trào Cần Vương.
  63. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  64. Hoành
    Tấm biển, tấm hoành, đồ treo ngang (Đại Nam quấc âm tự vị).
  65. Nhật công
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhật công, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  66. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  67. Năm 1876.
  68. Đồng điền bạch lạng
    Đồng ruộng trắng trơn, mất mùa.
  69. Sưu dịch
    Cũng gọi là công dịch, dao dịch hoặc công ích, một loại thuế thân nhưng không nộp bằng hiện kim hay phẩm vật mà nộp bằng sức lao động. Ở nước ta, sưu dịch có từ thời Hậu Lê hoặc sớm hơn. Dưới thời Pháp thuộc, người dân có thể nộp tiền thế bằng tiền hoặc thuê người khác làm thay.
  70. Thuế điền thổ
    Gọi tắt là thuế điền, cũng gọi là thuế ruộng đất, loại thế mà người có ruộng phải đóng.
  71. Thuế thân
    Cũng gọi là thuế đinh hay sưu, một loại đóng theo đầu người dưới chế độ phong kiến hoặc quân chủ. Trong lịch sử nước ta, thuế thân có từ thời nhà Lý, kéo dài đến hết thời thuộc Pháp.
  72. Năm ngày công ích
    Một chính sách do thực dân Pháp lập nên ở Trung Kỳ, theo đó mỗi công dân đến tuổi phải làm thêm năm ngày lao động công ích.
  73. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  74. Chân tảng
    Chân đá tảng để dựng cột nhà.

    Chân tảng

    Chân tảng

  75. Đồng bạch
    Cũng gọi là đồng thòa, hợp kim của đồng với niken, gọi như vậy vì có màu trắng bạc lấp lánh thay vì màu đỏ thông thường của đồng. Đồng bạch thường được dùng để đúc, tiện những vật trang trí tinh xảo.

    Lư làm bằng đồng bạch

    Lư làm bằng đồng bạch

  76. Tiền trinh
    Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.

    ... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
    Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
    Túi bên trái: bốn đồng trinh.
    - À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
    Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

    (Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)

  77. Bức bàn
    Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.

    Cử bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

    Cửa bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

  78. Tứ linh
    Bốn loài vật thiêng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, gồm long (rồng), lân (kì lân, cũng gọi là ly), quy (rùa) và phụng (chim phượng).

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

  79. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  80. Nhiễu điều
    Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
  81. Đá hoa
    Còn gọi là cẩm thạch, một loại đá có giá trị cao, thường dùng để tạc tượng hoặc các vật trang trí trong nhà.

    Lăng mộ Taj Mahal được làm từ đá hoa

    Lăng mộ Taj Mahal được làm từ đá hoa

  82. Bức thuận
    Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
  83. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  84. Có bản chép: Bộ ba áo nhiễu để mặc chơi ngày thường.
  85. Sáp vàng
    Tổ ong được nấu hoặc phơi cho chảy, rồi lọc, cô đặc thành bánh. Sáp ong từng được xem là sản vật quý hiếm, và nay vẫn được đánh giá cao vì giá trị dinh dưỡng và các lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.

    Bánh sáp ong

    Bánh sáp ong

  86. Yến huyết
    Loại tổ yến màu đỏ tươi, rất hiếm, ngày xưa chỉ dùng để tiến vua chúa, và hiện nay vẫn có giá thành đắt nhất trong các loại tổ yến ở nước ta.

    Tổ yến huyết

    Tổ yến huyết

  87. Hồng rim
    Rim là cách ướp đường cho thức ăn là trái cây (củ hoặc quả) và đun trên lửa cho ngấm vào. Hồng rim là quả hồng được rim lên, nghĩa bóng chỉ thức ăn ngon.
  88. Đường phổi
    Loại đường được nấu từ mật mía, được đúc thành bánh màu trắng hơi vàng, xốp và giòn, vị ngọt thanh. Đường phổi là đặc sản riêng của Quảng Ngãi. Có tên gọi đường phổi là do hình dạng thỏi đường nhìn tựa lá phổi.

    Đường phổi

    Đường phổi

  89. Vi cá
    Vây cá mập, được xem là món ăn bổ dưỡng, quý hiếm, và rất đắt đỏ.
  90. Hải sâm
    Tên dân gian là đồn đột, đột ngậu, đồm độp, đỉa biển hay nhím biển, là tên gọi chung của một nhóm động vật biển có thân hình thuôn dài, da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da. Hải sâm được xem là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và có nhiều công dụng trị bệnh.

    Hải sâm

    Hải sâm

  91. Báng
    Giống cây lâu năm thuộc họ Cau, còn có tên gọi khác là đoác, co pảng, quang lang, bụng báng, búng báng, báng búng. Ở ta báng mọc nhiều ở các chân núi ẩm, chân núi đá vôi, rừng thứ sinh. Bột bên trong lõi cây có thể ăn hay làm đồ uống. Báng còn được trồng làm cảnh vì dáng đẹp. Rượu báng là một đặc sản của các vùng núi đá cao (Tây Bắc).

    Cây báng

    Cây báng

  92. Dầu thông
    Tinh dầu được chưng cất từ lá, cành non và quả của một số loài thông. Dầu thông có tác dụng tẩy uế, làm đẹp và trị một số bệnh ngoài da.
  93. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  94. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  95. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  96. Tầm phơ tầm phất
    Từ chỉ những sự vật hoặc sự việc không có nghĩa lí gì.
  97. Khởi lai
    Trỗi dậy, như khi đang nằm thì ngồi dậy (từ Hán Việt).
  98. Minh bạch
    Rõ ràng (từ Hán Việt).
  99. Gá tiếng
    Cất tiếng (phương ngữ). Còn nói gá lời.
  100. Khứ lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  101. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  102. Tầm
    Tìm (từ Hán Việt)
  103. Hải yến hà thanh
    Biển lặng sông trong, điềm thánh nhân ra đời hoặc chỉ thời thái bình thịnh trị.
  104. Bốn dân
    Thời xưa, dân chia ra làm bốn hạng chính, gồm có: sĩ (người đi học hay làm quan), nông (người làm ruộng), công (người làm thợ), cổ (người buôn bán).
  105. Trăm họ
    Chỉ tất cả người dân trong nước, ngoại trừ dòng họ của nhà vua. "Trăm" là một con số mang tính biểu tượng chỉ sự đông đảo. Thật ra ở Trung Hoa có đến hàng nghìn họ; số họ của người Việt (Kinh) cũng lên đến vài trăm.
  106. Điển hội cầu nho
    Chỉ những kì thi Nho học được triều đình tổ chức để tuyển chọn người tài giỏi, có học thức ra làm quan.
  107. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  108. Sĩ tử
    Người đi thi, người theo nghiệp khoa cử Nho học.
  109. Bõ công
    Đáng công.
  110. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  111. Cổ phúc nhi du
    Vỗ bụng mà rong chơi. Chỉ cảnh thái bình chất phác thời thượng cổ. Chữ trong Nam Hoa Kinh, thiên Mã Đề: "Thời vua Hách Tư, dân sống không biết làm gì, đi không biết đến đâu, (hễ cứ) ngậm cơm thì vui vẻ, (ăn xong thì) vỗ bụng mà rong chơi."
  112. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  113. Vô ngu
    Không lo lắng.
  114. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  115. Luống thì
    Quá tuổi.
  116. Bậu
    Bâu, đậu.
  117. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  118. Thu không
    (Trống hoặc chiêng) đánh vào mỗi mỗi chiều tối, lính huyện thu quân và đóng cổng thành (thành bảo vệ huyện đường) sau khi xem xét trong thành không có gì khả nghi.

    Kiều từ trở gót trướng hoa,
    Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

    (Truyện Kiều)

  119. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  120. Đàn nguyệt
    Từ Hán Việt là nguyệt cầm, Nam Bộ gọi là đàn kìm. Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là "đàn nguyệt." Theo sách xưa thì đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây. Sách của Phạm Đình Hổ ghi rằng đàn nguyệt xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 18. Xem thêm nhạc sĩ Huỳnh Khải giải thích về đàn kìm tại đây.

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

  121. Ri
    Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  122. Bá Nha
    Xem chú thích tri âm.
  123. Đế Thích
    Một nhân vật thần thoại, được lập đền thờ ở một số nơi. Tương truyền Đế Thích đánh cờ tướng rất giỏi, có khi chấp đối phương cả đôi xe mà vẫn thắng.

    Hội cờ người ở chùa Vua (thờ Đế Thích)

    Hội cờ người ở chùa Vua (thờ Đế Thích)

  124. Lý Bạch
    (701- 762) Nhà thơ lớn trong lịch sử Trung Quốc, được hậu bối sùng bái tôn làm Thi Tiên. Ông thích ngao du sơn thủy và làm thơ rất nhiều, tương truyền tới hơn 20.000 bài, nhưng làm cho vui rồi vứt, thơ ông được truyền tụng đến nay phần lớn nhờ dân gian ghi chép lại. Lý Bạch còn nổi tiếng mê rượu, chuyện kể lúc ông cáo quan về quê, vua Đường Minh Hoàng ban tặng rất nhiều vàng bạc nhưng ông từ chối cả, sau được vua cho quyền uống rượu tại bất kì quán rượu nào đi qua, tiền rượu sẽ được thanh toán vào ngân khố.

    Lý Bạch qua tranh vẽ

    Lý Bạch qua tranh vẽ

  125. Lưu Linh
    Tự là Bá Luân, người đất Bái, đời Tấn (Trung Quốc) trong nhóm Trúc lâm thất hiền (bảy người hiền trong rừng trúc). Ông dung mạo xấu xí, tính tình phóng khoáng, thích uống rượu và uống không biết say. Ta hay gọi những người nghiện rượu là "đệ tử của Lưu Linh" là vì vậy.

    Trúc lâm thất hiền

    Trúc lâm thất hiền

  126. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  127. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  128. Nhỉ (phương ngữ Trung Bộ). Như lạ hè (lạ nhỉ), hay hè (hay nhỉ)...
  129. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  130. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  131. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  132. Có bản chép: Bên trái thì công (cùng một nghĩa).
  133. Sếu
    Loài chim lớn, có cổ và chân dài. Sếu sống theo đàn, và cứ mỗi mùa đông thì cả đàn bay về phương Nam tránh rét.

    Đàn sếu

    Đàn sếu

  134. Có bản chép: Bên phải thì sếu (cùng một nghĩa).
  135. Giang
    Một loài chim khá lớn, chân dài, cổ cao, thường bay theo bầy. Lông chim có màu ghi ở cánh và lưng, trắng nhạt ở phía bụng. Chim thường kiếm ăn ở sông, hoặc ở những cánh đồng mới gặt xong.

    Chim giang sen

    Chim giang sen

  136. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông