Tìm kiếm "bach mã"

Chú thích

  1. Quan xưởng Tràng Tiền
    Xưởng đúc tiền do nhà Nguyễn lập ra, hoạt động trong gần suốt thế kỉ 19. Xưởng đặt ở phía đông nam hồ Hoàn Kiếm, có tên là Cục Bảo tuyền, vì là một tràng (trường, nơi sản xuất) tiền nên cũng gọi là Tràng Tiền. Tràng đúc tiền được xây dựng trên một khu đất rộng, ngày nay tương ứng với một ô đất giáp các phố Tràng Tiền (bắc), Phạm Sư Mạnh (nam), Phan Chu Trinh (đông) và Ngô Quyền (tây) gồm lò đúc tiền và kho tạm chứa. Chiếm được Hà Nội năm 1883, Pháp đã phá tràng đúc để lấy đất xây dựng khu trung tâm vào năm 1887.
  2. Miếu Trung Hiền
    Tên một ngôi miếu xưa nằm ở kẻ Mơ, Hà Nội, nằm cạnh gốc cây đa ở đầu phố Trương Định hiện nay. Tương truyền, Trung Hiền là một người giỏi võ ở làng Tương Mai, hay hành hiệp trượng nghĩa. Khi ông bị kẻ gian sát hại, nhân dân đã dựng ngôi miếu này để thờ. Sau năm 1954 ngôi miếu bị dỡ bỏ. Năm 1980, cây đa cổ thụ cũng bị chặt hạ. Hiện nay Trung Hiền là tên gọi một ngã tư, nơi gặp gỡ của bốn con phố: Bạch Mai, Trương Định, Đại La, Minh Khai.
  3. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  4. Quan hiền kẻ Mơ
    Theo tác giả Trà Giang: Chế độ lao động sản xuất ở Tràng Tiền chủ yếu dựa trên chế độ công tượng (lao động nghĩa vụ cưỡng bức) có kết hợp với chế độ gia công thu thuế và phần nào với chế độ làm thuê tự do, trả lương hoán sản phẩm. Có giai đoạn triều đình trả công thấp, đám thợ không đủ nuôi vợ con nên thông đồng với nhau và với lính gác để ăn cắp tiền. Do ăn chia không đều, tin lọt đến tai Cai cơ Trương Văn Minh, đại sứ của Cục Bảo tuyền. Trương Văn Minh đã đích thân xuống kiểm tra. Ông này cho cân số tiền đã đúc thấy không khớp với số đồng và kẽm mà triều đình cấp đã ra lệnh điều tra nhưng không tìm ra kẻ chủ mưu cũng như người lấy cắp. Sợ nếu tiếp tục dùng thợ đúc là đàn ông thế nào cũng lại có chuyện thông đồng giữa thợ và lính gác nên Trương Văn Minh cho đám thợ đàn ông nghỉ việc và tuyển toàn phụ nữ [vì] họ thật thà hơn [...] Triều đình chấp thuận bản tấu của Trương Văn Minh. Tiếp đó Trương Văn Minh còn cho phép lính gác có quyền khám xét tất cả thợ đúc khi rời khỏi xưởng. Thế là hết giờ làm việc, chị em qua cổng về nhà đều bị lính gác kiểm tra, có lính lợi dụng sờ nắn ngực. Các cô chưa chồng đỏ mặt, còn những phụ nữ có chồng ức nổ cổ nhưng cũng không dám kêu.
  5. Thiên cung
    Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
  6. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  7. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  8. Từ Sơn
    Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
  9. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  10. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  11. Yên Duyên
    Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
  12. Thời xưa nhân dân làng Mui hay đi vớt củi rều trên sông và chặt thân ngô đem bán.
  13. Nam Dư
    Tên một làng nay thuộc phường Lĩnh Nam, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng này ngày xưa có lò nấu đường, làm mật.
  14. Thanh Trì
    Một địa danh trước đây thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, đến năm 1961 được sát nhập và Hà Nội. Lần lượt vào năm 2001 và 2003, một phần của Thanh Trì được cắt ra để thành lập quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai. Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, với nhiều ao, hồ, đầm. Tên cổ của huyện là Thanh Đàm có nghĩa là "đầm xanh," chính là dựa vào đặc điểm địa hình của huyện, đến thế kỉ 16 do kị húy vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm) nên đổi thành Thanh Trì (ao xanh). Tại đây có món đặc sản rất nổi tiếng là bánh cuốn Thanh Trì.
  15. Đồng Nhân
    Tên một làng nay thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại đây có đền Đồng Nhân, thờ Trưng Trắc – Trưng Nhị, hằng năm từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 2 âm lịch lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn Hai Bà.
  16. Thúy Ái
    Một làng nằm bên bờ sông Hồng, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Toàn bộ đồng đất của làng là đất bãi phù sa tươi tốt, rất thuận lợi cho việc trồng dâu, mía.
  17. Sở Lờ
    Còn có tên là Sở Thượng, một phần của xã Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay. Làng ngày xưa có nghề đánh cá, đơm lờ, vì vậy thành tên.
  18. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  19. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  20. Bàng
    Một loài cây thân gỗ lớn, có tán lá rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm và làm cảnh. Quả ăn được và có vị hơi chua. Vào mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ trước khi rụng.

    Cây bàng

    Cây bàng

  21. Làng Vọng
    Tên một làng nhỏ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Làng Vọng nằm cạnh Kẻ Mơ, là nơi buôn bán sầm uất. Tương truyền, nơi đây có nghề dệt gối rất phát triển. Ngày nay, phố Vọng cũng được coi là thủ phủ của mặt hàng chăn, ga, gối, đệm.
  22. Kẻ Giả
    Tên gọi chung của các làng Giả Chọ, Giả Cầu, Giả Viềng, Giả Vĩnh, nay là các thôn Lạc Thị (xã Ngọc Hồi), Quỳnh Đô, Ích Vịnh, Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh) đều thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  23. Bùi nhùi
    Rơm hoặc giẻ bện chặt để đốt và giữ lửa.
  24. Làng Lê
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Lê, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  25. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  26. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  27. Làng Ngâu
    Tên nôm của làng Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Làng Ngâu nổi tiếng trồng lúa. Rượu làng Ngâu cũng là một đặc sản nổi tiếng từ xưa.
  28. Tựu Liệt
    Một làng cổ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  29. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  30. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  31. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  32. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  33. Động Từ Thức
    Còn gọi là động Bích Đào, một hệ thống hang động núi đá vôi với nhiều nhũ đá, hiện thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi gắn liền với tích Từ Thức gặp tiên.

    Động Từ Thức

    Động Từ Thức

  34. Hang Bạch Á
    Một cái hang gần động Từ Thức, thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  35. Tiết Nhơn Quý
    Một danh tướng thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến nhiều bởi hình tượng nhân vật tiêu biểu trong văn hóa kinh kịch Trung Quốc. Hình ảnh Tiết Nhơn Quý được thần thoại hóa thành "tướng tinh cọp trắng" và có nhiều câu chuyện dân gian xung quanh nhân vật này.

    Ở nước ta, cuốn tiểu thuyết dã sử của Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông đã được chuyển thể thành vở cải lương cùng tên được nhân dân khá yêu thích. Xem trích đoạn vở cải lương này tại đây.

  36. Ma Thiên Lãnh
    Tên một ngọn núi được nhắc đến trong tác phẩm Tiết Nhơn Quý Chinh Đông, trên có một sơn trại do hai tướng Châu Văn và Châu Võ trấn giữ. Tiết Nhơn Quý đánh chiếm trại này, đồng thời cùng với hai tướng kết nghĩa anh em.
  37. Bạch giáp, bạch bào
    Giáp trắng, áo bào trắng.
  38. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  39. Ngựa bạch
    Ngựa trắng.
  40. Rấp
    Chôn vùi đi không thấy nữa.
  41. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  42. Vũ Ninh
    Tên một ngọn núi ở tỉnh Bắc Ninh, theo sự tích là quê của Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương). Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử), là người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước. Truyền thuyết kể rằng: Ông sinh ra thời vua Hùng thứ 6 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, do mẹ ông ướm chân vào một vết chân lớn trên đất về mang thai. Tuy lên ba nhưng Gióng không biết nói cười, đi đứng. Đến khi giặc Ân kéo đến bờ cõi, Gióng bỗng dưng cất tiếng gọi mẹ nhờ mời sứ giả của vua vào, đưa yêu sách đòi áo giáp, roi và ngựa sắt để đánh giặc. Chỉ trong mấy hôm, Gióng vươn vai thành một tráng sĩ cao lớn, cưỡi ngựa sắt vua ban đánh giặc Ân tan tác. Đuổi đám tàn quân đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), Gióng cởi áo giáp, thả dao, cùng ngựa bay về trời.
  43. Bách Việt
    Từ chỉ các bộ tộc Việt cổ không bị Hán hóa hoặc chỉ bị Hán hóa một phần từng sống ở vùng đất mà ngày nay thuộc lãnh thổ phía nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam trong khoảng thời gian giữa thiên niên kỉ 1 TCN và thiên niên kỉ 1 sau CN (theo công trình nghiên cứu Định nghĩa Bách Việt của học giả William Meacham, xuất bản năm 1996, và các nguồn khác). Đây cũng là từ cổ chỉ vùng đất mà các dân tộc này đã sinh sống.
  44. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  45. Thảo mãng
    Cỏ hoang (từ Hán Việt).
  46. Anh hài
    Trẻ con rất nhỏ (từ Hán Việt).
  47. Sóc Sơn
    Tên một huyện và cũng là tên một ngọn núi (còn gọi là núi Sóc, núi Mã, núi Dền hay núi Vệ Linh) ở phía Bắc thành phố Hà Nội. Theo truyền thuyết, đây là nơi sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng cởi áo giáp, bỏ lại roi và cùng ngựa sắt bay về trời. Núi Sóc trước kia thuộc địa phận Vĩnh Phúc, từ 1976 thuộc Hà Nội.
  48. Nói lái lại thành "thằng Tây."
  49. Đoàn Chí Tuân
    Có tài liệu ghi là Đoàn Đức Mậu, hiệu là Bạch Xỉ, sinh năm 1855 tại Hòa Ninh, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông lập căn cứ chống Pháp ở vùng núi miền Nam Quảng Bình. Ông dùng "pháp thuật" để kêu gọi quần chúng, đồng thời tự xưng hoàng đế (hiệu Long Đức), nên bị nhiều sĩ phu yêu nước cùng thời (trong đó có Phan Đình Phùng) không đồng tình. Năm 1896, cuộc khởi nghĩa thất bại, Đoàn Chí Tuân bị bắt, đến cuối năm 1897 thì mất trong nhà lao của Pháp. Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện có một đường phố mang tên ông.
  50. Bạch Cư Dị
    (772 - 846) tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ hoặc Túy Ngâm tiên sinh, đồng thời vì có thời gian làm chức tư mã ở Giang Châu nên cũng gọi là Giang Châu Tư mã. Ông là nhà thơ Trung Quốc đời Đường, rất nổi tiếng với hai bài thơ Trường hận ca kể về mối tình giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, và Tì bà hành kể về cuộc gặp gỡ của chính tác giả với một ca kĩ đàn tì bà. Người đời sau xếp tài thơ của ông chỉ sau Lý Bạch và Đỗ Phủ.

    Bạch Cư Dị

    Bạch Cư Dị

  51. Áo xanh Tư Mã
    Một ý trong bài thơ Tì bà hành của Bạch Cư Dị, sau khi nhà thơ cùng bạn hữu nghe câu chuyện của người ca nữ:

    Tọa trung khấp hạ tùy tối đa,
    Giang Châu tư mã thanh sam thấp.

    Dịch nghĩa:

    Trong những người ngồi (trong thuyền) ấy ai là người khóc nhiều nhất
    Tư mã Giang Châu ướt đẫm vạt áo xanh

    Bản dịch của Phan Huy Thực:

    Lệ ai chan chứa hơn người?
    Giang châu Tư mã đượm mùi áo xanh.

  52. Khách thiên nhai
    Khách ở chân trời, lấy ý từ bài Tì bà hành của Bạch Cư Dị:

    Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân,
    Tương phùng hà tất tằng tương thức.

    Dịch nghĩa:

    Cùng là kẻ lưu lạc ở nơi chân trời
    Gặp gỡ nhau hà tất đã từng quen biết

    Bản dịch của Phan Huy Thực:

    Cùng một lứa bên trời lận đận,
    Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.

  53. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  54. Chàng làng
    Loại chim nhỏ, khá hung dữ, mỏ hình móc câu, khỏe, thường đậu chỗ trống hoặc trên cao. Chim ăn côn trùng, sinh vật nhỏ hoặc chim nhỏ, non, thậm chí ếch nhái, chuột nhỏ. Chúng có tiếng hót khá đa dạng, có thể nhại được tiếng các loài chim khác nên còn gọi là bách thanh điểu.

    Chàng làng vằn

    Chàng làng vằn

  55. Nỏ mần chi
    Chẳng làm gì (phương ngữ Trung Bộ).
  56. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  57. Chàng làng
    Còn được gọi là chim bách thanh, thằn lằn chó, hoặc chim quích. Gồm 12 loài khác nhau, có chiều dài thường từ 19cm đến 25cm. Mỏ hình móc câu, khỏe. Thức ăn là côn trùng, có khi ăn cả chim nhỏ, ếch nhái, chuột nhỏ. Chàng làng có tập tính treo thức ăn lên cành cây hoặc bụi cây có gai. Có người cho rằng chúng làm vậy nhằm để dành thức ăn. Lại có người cho rằng, qua quan sát tỉ mỉ, họ nhận thấy chúng làm vậy chẳng qua theo thói quen, không phải để dành dụm, vì sau đó chúng không động đến những thức ăn đã treo nơi đó. Chàng làng có tiếng hót khá đa dạng, chúng có thể học và nhại lại tiếng hót của một số loài chim khác.

    Chim chàng làng

    Chim chàng làng

  58. Lác chác
    Om sòm, ồn ào (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  59. Trim trỉm
    Im lặng, tầm ngầm (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  60. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  61. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  62. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  63. Nguyễn Phúc Khoát
    Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).

    Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

  64. Nhà Đường (618 - 907) và nhà Ngu dưới thời vua Nghiêu (2337 TCN –2258 TCN) được coi là hai thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc.
  65. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  66. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  67. Bàn thạch
    Đá tảng (từ Hán Việt).
  68. Hải thủy sơn man
    Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
  69. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, tức năm Mậu Dần (1878).
  70. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  71. Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa.
  72. Cháy háp
    Cháy một phần.
  73. Lúa nhồng
    Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
  74. Hồ Trúc Bạch
    Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).

    Hồ Trúc Bạch ngày nay

    Hồ Trúc Bạch ngày nay