Tìm kiếm "bận quần áo"

  • Đồn rằng quan lớn có danh

    Đồn rằng quan lớn có danh
    Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai.
    Vua khen: Rằng ấy mới tài,
    Ban cho cái áo với hai đồng tiền.
    Đánh giặc thì chạy trước tiên,
    Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra.
    Giặc sợ giặc chạy về nhà,
    Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân.

  • Tài trai đâu đáng tài trai

    Tài trai đâu đáng tài trai
    Tổ tôm xóc đĩa dông dài cả đêm
    Canh trước tướng hãy còn tiền
    Canh sau thua hết, ngồi bên lọ hồ
    Cái ngoảnh đi, đưa tay thò
    Cái ngoảnh lại, giả đò chén say
    Còn tiền đánh cái cũng hay
    Hết tiền đi ngủ, cũng hay giật mình
    Tưởng sự tình, bạc nầy hai sấp
    Chẳng ai ngờ, nó lại sấp ba

  • Vè Lụt Bất Quá

    Thuở vua Tự Đức trị vì
    Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
    Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
    Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
    Tuy loài hải thủy sơn man
    Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
    Cớ sao vận hội bất kỳ
    Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
    Tai trời khắp xuống chúng dân
    Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
    Nắng cho năm bảy tháng trời
    Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
    Tháng ba bị háp đã xong
    Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô

  • Vè chăn vịt

    Thân tôi coi vịt cực khổ vô hồi
    Sáng ra ngồi trông trời mau xế như chúa trông hiền thần
    Hai cẳng lần lần như Địch Thanh thắng trận
    Quần áo chưa kịp bận như Tào Tháo bị vây
    Tay cầm cái cây như Tề Thiên cầm thiết bảng
    Vịt chạy qua bờ ngăn đón cản như Tiết Nhơn Quý rượt Cáp Tô Văn
    Quần bận còn xăn như Uất Trì tắm ngựa
    Vịt ăn ngồi dựa bóng tùng như Tần Thúc Bảo lúc bệnh đau
    Vịt chạy đuổi lao xao như La Thông tảo Bắc
    Tối về nhà đèn chưa tắt như đãi yến công nương
    Ngày ra tới đứng ngoài đường, chiều về như Phàn Lê Huê nhập trại.

  • Vè xin xâu

    Lẳng lặng mà nghe
    Cái vè xin thuế
    Mùa màng mất tệ
    Buôn bán không ra
    Kẻ gần người xa
    Cũng nghèo cũng khổ
    Hai đồng xâu nọ
    Bảy ngày công sưu
    Cao đã quá đầu
    Kêu đà ngắn cổ
    Ở đâu ở đó
    Cũng rúc mà ra
    Kẻ kéo xuống Tòa
    Người nằm trên tỉnh
    Đông đà quá đông
    Trong tự Hà Đông
    Ngoài từ Diên Phước

  • Con dâu tôi dại lại khờ

    Con dâu tôi dại lại khờ
    Nấu cơm trong bếp quên sơ, quên vần
    Nấu canh như thể xà bần
    Bữa mặn bữa lạt, không lần nào ngon
    Làm bánh, nắn cục nắn hòn
    Bỏ vô mà hấp chẳng còn chút nhưn
    May áo rồi lại may quần
    Tra khuy lộn ngược sau lưng vá quàng
    Đi chợ phải thói ăn hàng
    Mua ba đồng mắm chợ tan mới về
    Về nhà rồi đi ngồi lê
    Cửa nhà dơ dáy chắng hề quét lau
    Nuôi heo sợ tốn cám rau
    Tới mùa gặt hái giả đau ở nhà!

    Dị bản

    • Con nhà ai nho nhỏ lại khờ
      Nấu cơm trong bếp quên sơ, quên vần

  • Cò bắt lươn cò trườn xuống cỏ

    Cò bắt lươn cò trườn xuống cỏ
    Lươn bắt cò cò bỏ cò bay
    Từ ngày xa bạn đến nay
    Đêm đêm tưởng nhớ, ngày ngày trông luôn
    Kể từ Cầu Ván, Ao Vuông
    Bước qua Quán Ốc lòng buồn lụy sa
    Quán Cơm nào quán nào nhà
    Ngóng ra Trà Khúc trời đà rạng đông
    Buồn lòng đứng dựa ngồi trông
    Ngó vô Hàng Rượu mà không thấy chàng

  • Đứng bên ni thấy chiếc thuyền năm ván

    Đứng bên ni thấy chiếc thuyền năm ván
    Ngó sang bên kia, thấy chiếc quán năm gian
    Thuyền năm ván đang đợi người thương nhớ
    Quán năm gian đang đợi người nhớ thương
    Một em nói rằng thương,
    Hai em nói rằng nhớ
    Trách ông trời làm lỡ duyên anh
    Anh ngồi gốc cây chanh
    Anh đứng cội cây dừa
    Nước mắt anh nhỏ như mưa
    Ướt cái quần cái áo
    Cái quần anh vắt chưa ráo
    Cái áo anh vắt chưa khô
    Thầy mẹ gả bán khi mô
    Tiếc công anh lặn suốt giang hồ
    Trời cao anh kêu không thấu
    Đất rộng anh kêu nọ thông
    Những người bòn của bòn công
    Nam mô A Di Đà Phật, anh phủi tay không anh về.

  • Em ngó lên bàn thờ

    Em ngó lên bàn thờ
    Nhang tắt đèn lờ
    Trước bàn thờ có con nhện giăng
    Cơm em cúng sao chẳng thấy anh ăn
    Miệng em cắn răng kêu bớ ông trời
    Trăm năm sùng đục gốc xoài
    Chẳng ai vun núm mồ phần cho đấng lang quân
    Em thề quyết trong tâm
    Áo rách một manh em cũng vẫn thờ chồng

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

  • Thiên triều văn

    Thương thay, hỡi các chú ơi
    Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
    Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
    Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
    Một chi đánh ở Đống Đa
    Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
    Phép voi bại trận tiên phong
    Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
    Đao binh tử trận đầy khe
    Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
    Chú sang cứu viện nước Nam
    Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
    Chú thì thắt cổ trên cây
    Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
    Chú thì thác xuống Diêm La
    Chú nào còn sống về nhà đại minh

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?

  • Bên Tây có chiếc tàu sang

    Bên Tây có chiếc tàu sang
    Sinh ra khố đỏ, quần vàng, áo thâm
    Cho nên anh chịu âm thầm
    Vai vác khẩu súng, tay cầm bình-toong
    Ra đi sông cạn đá mòn
    Ra đi thương nhớ vợ con ở nhà
    Việc Tây anh phải trẩy xa
    Khi ở Hà Nội khi ra Hải Phòng
    Nói ra đau đớn trong lòng
    Vợ con nào biết vân mòng là đâu

    Dị bản

    • Bên Tây có chiếc tàu sang
      Sinh ra khố đỏ, quần vàng, áo thâm
      Cho nên anh chịu âm thầm
      Vai vác khẩu súng, tay cầm bình-toong
      Ra đi sông cạn đá mòn
      Ra đi thương nhớ vợ con ở nhà
      Việc Tây anh phải trẩy xa
      Khi ở Hà Nội khi ra Hải Phòng
      Nói ra đau đớn trong lòng
      Vợ con nào biết Hải Phòng là đâu
      Việc Tây như lửa trốc đầu
      Cho nên anh dặn trước sau mọi lời

  • Trời mưa cho ướt lá bầu

    Trời mưa cho ướt lá bầu
    Vì ai nên phải đi hầu chàng ơi
    Nhà vua cho lính về đòi
    Đồn rằng chàng trẩy hai mươi tháng này
    Tiền gạo em xếp đã dày
    Đồ nai, áo nịt, quần, giày, thắt lưng
    Đồn rằng chàng trẩy hay đừng
    Ở nhà công việc nửa mừng nửa lo

  • Ru con giữa buổi chiều đông

    Ru con giữa buổi chiều đông,
    Để mẹ tát nước giữa đồng đêm nay.
    Cầu giai mẹ đổ luôn tay,
    Cho lành manh áo cho đầy cơm con.
    Cho lòng mẹ đỡ héo hon,
    Cho khuôn mặt trẻ đẹp tròn như gương.
    Quản gì một nắng hai sương,
    Quản gì gió bụi trên đường con ơi.
    Ru con mẹ hát mấy lời,
    Ngủ đi cho mẹ còn rời gối tay.

  • Lạy trời mưa xuống

    Lạy trời mưa xuống
    Lấy nước tôi uống
    Lấy ruộng tôi cày
    Lấy đầy bát cơm
    Lấy rơm đun bếp
    Lấy nếp nấu xôi
    Lấy vôi ăn trầu
    Lấy bậu về ôm
    Lấy nơm đơm cá
    Lấy rá vo gạo
    Lấy dao thái thịt
    Lấy liếp làm nhà
    Lấy hoa về cúng

  • Đêm qua lốp đốp mưa rào

    Đêm qua lốp đốp mưa rào
    Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
    Đôi bên bác mẹ thì già
    Lấy anh hay chữ để mà cậy trông
    Mùa hè cho chí mùa đông
    Mùa nào áo ấy cho chồng đi thi
    Hết gạo em lại gánh đi
    Hỏi thăm chàng học trọ thì nơi nao
    Hỏi thăm phải ngõ mà vào
    Vai đặt gánh gạo, miệng chào: Kìa anh

Chú thích

  1. Có bản chép: quan tướng.
  2. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  3. Áo tứ thân
    Một trang phục xưa của phụ nữ Miền Bắc Việt Nam. Áo được sử dụng như trang phục hàng ngày đến đầu thế kỷ 20. Ngày nay, áo tứ thân chỉ được mặc trong các dịp lễ hội truyền thống.

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

  4. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  5. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  6. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  7. Lọ hồ
    Lọ đựng tiền xâu trong một canh bạc.
  8. Cái
    Cũng gọi là nhà cái, người nắm vai chủ của một ván bài, sới bạc hoặc cuộc cá cược.
  9. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  10. Nguyễn Phúc Khoát
    Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).

    Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

  11. Nhà Đường (618 - 907) và nhà Ngu dưới thời vua Nghiêu (2337 TCN –2258 TCN) được coi là hai thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc.
  12. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  13. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  14. Bàn thạch
    Đá tảng (từ Hán Việt).
  15. Hải thủy sơn man
    Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
  16. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, tức năm Mậu Dần (1878).
  17. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  18. Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa.
  19. Cháy háp
    Cháy một phần.
  20. Lúa nhồng
    Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
  21. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  22. Hiền thần
    Người bầy tôi giỏi (trong xã hội phong kiến).
  23. Địch Thanh
    Một danh tướng của nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc.

    Địch Thanh

    Địch Thanh

  24. Tào Tháo
    Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.

    Tào Tháo

    Tào Tháo

  25. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  26. Tiết Nhơn Quý
    Một danh tướng thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến nhiều bởi hình tượng nhân vật tiêu biểu trong văn hóa kinh kịch Trung Quốc. Hình ảnh Tiết Nhơn Quý được thần thoại hóa thành "tướng tinh cọp trắng" và có nhiều câu chuyện dân gian xung quanh nhân vật này.

    Ở nước ta, cuốn tiểu thuyết dã sử của Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông đã được chuyển thể thành vở cải lương cùng tên được nhân dân khá yêu thích. Xem trích đoạn vở cải lương này tại đây.

  27. Cáp Tô Văn
    Tướng tài của nước Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay). Theo chuyện ghi trong bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông sau được dựng thành tuồng và cải lương ở nước ta, trong chuyến xuất đại binh chinh phạt của vua Trung Quốc đời Đường là Đường Thái Tông, Cáp Tô Văn đánh bại tất thảy các tướng nhà Đường nhưng cuối cùng thua dưới tay Tiết Nhơn Quý, chặt đầu mình tự vẫn.
  28. Uất Trì Cung
    Một danh tướng thời Đường bên Trung Hoa. Ông họ Uất Trì tên Cung, tên chữ là Kính Đức, nổi tiếng có sức mạnh phi thường, phò tá vua Đường Thái Tông rất trung thành. Hình tượng Uất Trì Cung trong quan niệm dân gian Trung Hoa là một viên tướng mặt đen như than, cùng với Tần Quỳnh (mặt vàng) là hai vị thần giữ cửa (môn thần) trong tín ngưỡng truyền thống.

    Hai vị môn thần, mặt đen là Uất Trì Cung, mặt vàng là Tần Quỳnh.

    Hai vị môn thần, mặt đen là Uất Trì Cung, mặt vàng là Tần Quỳnh.

  29. Tần Thúc Bảo
    Danh tướng nhà Đường dưới thời Đường Thái Tông, là một trong những khai quốc công thần của nhà Đường, được dân gian tôn làm Môn Thần (thần giữ cửa) và được tiểu thuyết hoá trong nhiều tác phẩm văn học và sân khấu-điện ảnh.
  30. La Thông
    Một danh tướng đời Đường trong tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc La Thông tảo Bắc kể việc La Thông kéo quân lên cứu Đường Thái Tông bị vây khốn ở Bắc Phiên. Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành một vở cải lương cùng tên (còn có tên khác là "Công chúa Đồ Lư"), được nhân dân ta, đặc biệt là người miền trong, ưa chuộng. Nhân vật La Thông cũng được nhắc đến trong các vở tuồng cổ Tiết Nhơn Quý chinh ĐôngTiết Đinh San chinh Tây.

    Xem vở cải lương "La Thông tảo Bắc".

  31. Phàn Lê Huê
    Một nữ tướng thời Đường, vợ của Tiết Đinh San, cũng là một danh tướng trong dã sử Trung Quốc. Phàn Lê Huê là nhân vật chính trong nhiều vở tuồng và cải lương biên soạn dựa trên tiểu thuyết Trung Quốc ở nước ta.

    Xem trích đoạn cải lương Phàn Lê Huê phá Hồng thuỷ trận và Tiết Định San cầu Phàn Lê Huê tại đây.

  32. Sưu thuế
    Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
  33. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  34. Đây là Tòa Đại lí Tam Kỳ chứ không phải Tòa Công sứ Hội An (theo Nguyễn Q. Thắng).
  35. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  36. Diên Phước
    Tên một huyện ở phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày trước (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
  37. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  38. Mai
    Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.

    Nông cụ

  39. Bồ đài
    Đồ dùng để múc nước, làm bằng mo cau gập và nẹp lại.
  40. Thúng
    Dụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm (thúng con) đến 55 cm (thúng cái). Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

    Cái thúng

  41. Dùng đũa cả (đũa bếp) xới cơm đang nấu trong nồi cho mau khô, chín cơm.
  42. Xà bần
    Đồ phế thải như gạch ngói, vôi vữa... từ các công trình xây dựng, cũng có thể hiểu rộng là rác rến. Từ này có gốc từ tiếng Trung Quốc thập bình 什平, nghĩa là "nhiều món trộn lẫn với nhau," dùng chỉ đồ ăn vụn, đồ thừa.
  43. Nhưn
    Nhân (cách phát âm của người Nam Bộ).
  44. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  45. Cầu Ván
    Cầu bắc ngang qua sông Bến Ván, một con sông chảy qua huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
  46. Ao Vuông
    Một địa danh nằm ở phía bắc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, đây là vùng cây cối rậm rạp, nhiều giặc cướp và thú dữ.
  47. Quán Ốc
    Một địa danh nằm ở vùng giáp giới giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trước kia đây là nơi người dân thôn Trung An (nay thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mang ốc đến đó bán đổi cho khách qua đường, lâu ngày thành tên.
  48. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  49. Sa
    Rơi xuống (từ Hán Việt).
  50. Quán Cơm
    Tên một cái chợ nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  51. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  52. Hàng Rượu
    Tên một ngôi chợ ở thị trấn Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  53. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  54. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  55. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  56. Sùng
    Bị sâu, bị thối. Sùng cũng có nghĩa là sâu.
  57. Lang quân
    Chồng (từ Hán Việt).
  58. Be bờ
    Đắp đất thành bờ để ngăn nước.

    Be bờ

    Be bờ

  59. Có bản chép: Ai đi bờ đất một mình.
  60. Chéo áo
    Mảnh vải nhỏ hình tam giác may liền vào hai bên vạt áo để vạt áo rộng thêm ra ở phía dưới, theo kiểu cũ.
  61. Phu quân
    Tiếng người vợ gọi chồng (từ Hán Việt).
  62. Thảo
    Viết ra.
  63. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  64. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  65. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  66. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  67. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  68. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  69. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  70. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  71. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  72. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  73. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  74. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  75. Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sựViệt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
  76. Giờ Dần
    Khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng, là canh cuối cùng trong năm canh, nên thường dùng để chỉ sớm mai.
  77. Chính nguyệt
    Tháng giêng âm lịch.
  78. Huyên hoa
    Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
  79. Đống Đa
    Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

    Tượng đài Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa

  80. Cầu Duệ
    Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
  81. Tốt xa
    Quân lính (tốt) và xe (xa).
  82. Ý nói đội quân tiên phong của giặc đã thất bại vì khiếp sợ tượng binh của ta.
  83. Cầu nhương
    Tranh cướp nhau để lên cầu.
  84. Có bản chép: Cầu Tương.
  85. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  86. Năn năn
    Xót thương, oán hận (từ cổ).
  87. Hai vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo xuống nước ta, mang tiếng là cứu viện cho Lê Chiêu Thống, nhưng thực chất mang ý đồ xâm lược.
  88. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  89. Câu này có lẽ muốn ám chỉ tướng giặc Sầm Nghi Đống. Khi quan quân đại bại, y đã thắt cổ tự vẫn ở núi Loa, Khương Thượng, gần thành Thăng Long.
  90. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  91. Đại minh
    Giác ngộ, hiểu rõ.
  92. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  93. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  94. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  95. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  96. Thung dung
    Thong dong.
  97. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  98. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  99. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  100. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  101. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  102. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  103. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  104. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  105. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  106. Lính khố đỏ

    Lính khố đỏ

  107. Bi đông
    Cũng gọi là bình toong, phiên âm từ gốc Pháp bidon, đồ đựng bằng kim loại hoặc nhựa, miệng nhỏ, thân to và hơi dẹt, có nắp đậy bằng cách vặn, dùng đựng nước uống hoặc nói chung các chất lỏng để mang đi.

    Bi đông

    Bi đông

  108. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  109. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  110. Vân mòng
    Tăm hơi, tin tức. Tham khảo thêm.
  111. Trốc
    Nhổ, làm cho bị lật lên cả mảng, cả khối.
  112. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  113. Nếp
    Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.

    Xôi nếp

    Xôi nếp

  114. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  115. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  116. Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.

    Sàng và rá

    Sàng và rá

  117. Liếp
    Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.

    Tấm liếp

    Tấm liếp

  118. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).