Một cơn gió táp mưa sa
Non sông nổi giận, cỏ hoa đeo sầu
Gió mưa nghe vẳng bên lầu
Tưởng hồn nghĩa sĩ ở đâu ngang trời
Than ôi cũng một kiếp người
Một lòng yêu nước thương nòi xót xa
Non sông Hồng Lạc một nhà
Nhớ người ta phải hương hoa cúng giàng
Mực hòa máu lệ một chương
Khóc trang nghĩa dũng nêu gương muôn đời
Nhớ xưa liệt sĩ bốn người
Ở trong ban lính đóng nơi Hà thành
Đòi phen trận mạc tập tành
Thấy người xe ngựa, tủi mình non sông …
Tìm kiếm "ông bát"
-
-
Thơ thằng Lía
Ngàn năm dưới bóng thái dương,
Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
Noi nghề hàng mặc bấy nay,
Một pho dị sự vắn dài chép ra.
Trước là giải muộn ngâm nga,
Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
Xưa kia có một phú ông,
Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
Bấy lâu loan phụng hòa minh,
Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
Tuy là sành sỏi ruộng nương,
Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
Thuở trước cũng chẳng thua ai,
Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
Đến nay nhằm buổi lao lung,
Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
Tháng ngày khổ hại trăm đường,
Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
Bấm gan cam chịu gian nan,
Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
Lần hồi ngày lụn tháng qua,
Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
Thét rồi cũng chẳng than phiền,
Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
Đêm ngày lo tính gần xa,
Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai? … -
Tôi đây khách lạ xa đàng
Tôi đây khách lạ xa đàng
Tới đây hát đối biết nàng ở Dùi Chiêng
Mai ngày tôi trở lại Bình Yên
Thương mấy cô ở lại có chiêng mà không dùi
Về nhà lòng những ngậm ngùi
Nghĩ thương thân phận có dùi mà không chiêng
Trăm lạy ông trời cho tôi trở lại chốn đào nguyên
Để có ta, có bạn, có chiêng, có dùi.Dị bản
-
Ra khơi xem cá ông voi
-
Ông Trời phân rẽ bất nhân
-
Nhà vua bắt lính đàn ông
Nhà vua bắt lính đàn ông
Mười sáu tuổi rưỡi đứng trong công đường
Ai trông thấy lính chả thương
Đứng trong công đường nước mắt như mưa. -
Lính vua, lính chúa, lính làng
Lính vua, lính chúa, lính làng
Nhà vua bắt lính cho chàng phải ra
Giá vua bắt lính đàn bà
Để em đi đỡ chàng và bốn năm
Bởi vua bắt lính đàn ông
Tiền lưng gạo bị tiễn chồng ra điDị bản
Lính vua, lính chúa, lính làng
Nhà vua bắt lính cho chàng phải ra
Giá vua bắt lính bà già
Để em đi đỡ anh vài bốn năm
Bởi vua bắt lính đàn ông
Tiền lưng gạo bị sắm trong nhà này
-
Vè nói trạng
Láo thiên láo địa,
Láo từ ngoài Sịa láo vô
Ngồi buồn nói chuyện láo thiên:
Lúc nhỏ tôi có đi khiêng ông Trời
Ra đồng thấy muỗi bắt dơi,
Bọ hung làm giỗ có mời ông voi
Nhà tôi có một củ khoai,
Xắt ra bảy thúng hẳn hòi còn dư
Nhà tôi có một củ từ,
Bới lên một củ nó hư cả vườn.
Tôi vừa câu được con lươn
Cái thịt làm chả, cái xương đẽo chày
Nhà tôi có một cối xay
Đầu cong bịt bạc, đầu ngay bịt vàng … -
Cốc, cốc, cốc
Cốc, cốc, cốc
Con vỏi con voi
Hò nhau như rệt
To mấy cũng liệt
Bạo mấy cũng chùn
Dao búa đòn càn
Lưới bền nỏ chắc
Chạc mi ông trặc
Ngà mi thì văng … -
Thả đỉa ba ba
Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chốt hạt tiêu
Đổ niêu cứt gà
Đổ phải nhà nào
Nhà nấy phải chịuDị bản
-
Ông sấm ông sét
Ông sấm ông sét
Ông hét đùng đùng
Ông giật lung tung
Vỡ vung vỡ nồi
Vỡ cả bát đĩa nhà tôi
Tôi đánh ông một roi
Tôi đánh ông hai roi
Ông chạy lên trời
Ông sấm ông sét ơi! -
Em là con gái tỉnh Nam
Em là con gái tỉnh Nam
Chạy tàu vượt biển ra làm Cửa Ông
Từ khi mới mở Cửa Ông
Đi làm thì ít, đi rông thì nhiều
Chị em cực nhục trăm điều
Trước làm một lượt đã trèo cầu thang
Đặt mình chưa ấm chỗ nằm
Đã lại còi tầm hú gọi ra đi
Dế kêu, suối chảy rầm rì
Bắt cô trói cột não nề ngân nga
Đoàn người hay quỷ hay ma
Tay mai, tay cuốc, sương sa mịt mù
Hai bên gió núi ù ù
Tưởng oan hồn của dân phu hiện về. -
Vái ông Tơ một chầu bánh tráng
Vái ông Tơ một chầu bánh tráng
Vái bà Nguyệt một tán đường đinh
Đôi ta gá nghĩa chung tình
Dầu ăn cơm quán ngủ đình cũng ưngDị bản
Vái ông Tơ năm ba chầu hát
Vái bà Nguyệt năm bảy cuốn kinh
Cho đó với đây gá ngãi chung tình
Dẫu ăn cơm quán ngủ đình cũng ưngVái ông Tơ năm ba chầu hát
Vái bà Nguyệt năm bảy câu kinh
Cho anh với em trọn nghĩa chung tình
Dầu ăn cơm quán ngủ đình cũng ưng
-
Công anh đắp nấm, trồng chanh
Công anh đắp nấm trồng chanh
Ăn quả chẳng được, vin cành cho cam.
Xin em đừng ra dạ bắc nam,
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề.
Huống tam thu nhi bất kiến hề,
Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.
Chắc gì đâu đã hẳn hơn đâu,
Cầu tre vững nhịp hơn cầu thượng gia
Bắc thang lên thử hỏi trăng già
Phải rằng phận gái hạt mưa sa giữa trời?
May ra gặp được giếng khơi
Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn
Chẳng may số phận gian nan
Lầm than cũng chịu, dễ phần nào cậy ai!
Đã yêu nhau giá thú bất luận tài. -
Cồng cộc bắt cá dưới sông
-
Đũa ngọc sánh với bát vàng
Đũa ngọc sánh với bát vàng
Anh hay ăn thuốc, anh sang chơi nhà
Anh sang em nâng điếu ra
Điếu thời bằng bạc, xe là đồng đen
Điếu này còn lạ chưa quen
Điếu này sáng tỏ như đèn ba dây
Điếu này hút khói lên mây
Anh xơi một điếu anh say lừ đừ
Người ta say rượu lừ đừ
Sao anh say thuốc cũng như say tình?
– Say huê, say ngãi, say tình
Nào ai say đắm mà mình phải lo -
Nắng lên cho mối bắt gà
Nắng lên cho mối bắt gà
Một trăm đàn bà đánh giặc cho vua
Con tép nó kẹp con cua
Một bầy cá mại cõng rùa đi ăn
Chồn đèn cắn cổ chó săn
Chuột kêu chút chít, đòi ăn con mèo
Chó chạy, chồn rượt đuổi theo
Chuột gặm chân mèo, muỗi đốt cánh dơi
Cây cao bóng mát chơi vơi
Gà con tha quạ lên ngồi cành tre
Con voi ấp trứng sau hè
Gà con đi kiện, vịt què vô Nha
Nực cười rết nuốt trứng gà
Đàn ông có chửa, đàn bà có râu
Trai tơ sắm cối giã trầu
Bà già bạc đầu nằm ngửa trong nôi
Chẳng tin đốt đuốc mà coi
Thầy chùa đang ướp cá mòi nấu chay -
Ông sống ăn những cá thèn
-
Nhớ khi rửa bát cầu ao
Nhớ khi rửa bát cầu ao,
Ta cầm nắm đũa ta trao cho mình.
Nhớ khi ngồi quán, ngồi đình,
Ngồi phủ, ngồi huyện có mình, có ta.
Nhớ khi ngồi gốc cây đa,
Vặt nắm cỏ gà thề nguyện chỉ thiên.
Nhớ khi chiếc đũa, đồng tiền,
Bẻ tam, bẻ tứ kết nguyền cùng nhau.
Nhớ khi mình trước, ta sau,
Có một miếng trầu cũng xẻ làm hai.
Bây giờ mình đã nghe ai,
Đi qua ghé nón chạm vai không chào.
Một là vô ý không chào,
Hai là mình có nơi nào mình quên. -
Vè Lụt Bất Quá
Thuở vua Tự Đức trị vì
Thái hoà tự Võ khác gì Đường, Ngu
Nơi nơi kích nhưỡng khang cù
Thái Sơn bàn thạch cơ đồ vững an
Tuy loài hải thủy sơn man
Cũng mến oai đức thê bằng lai quy
Cớ sao vận hội bất kỳ
Năm ba mươi mốt can chi Mậu Dần
Tai trời khắp xuống chúng dân
Ba huyện Quảng Ngãi mười phần tả tơi
Nắng cho năm bảy tháng trời
Lúa lang bắp đậu cháy phơi cánh đồng
Tháng ba bị háp đã xong
Lúa nhồng, bát ngoạt làm đòng cũng khô …
Chú thích
-
- Nghĩa sĩ
- Người anh dũng dấn thân vì việc nghĩa.
-
- Lạc Hồng
- Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.
Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."
-
- Giàng
- Hay Yàng, Yang, tên gọi của vị chúa tể thần linh (ông trời) theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
-
- Liệt sĩ bốn người
- Bốn hạ sĩ quân đội lính khố đỏ cầm đầu vụ đầu độc binh lính Pháp thành Hà Nội, gồm: đội Bình, độc Cốc, đội Nhân, và cai Nga. Bốn người đều bị giặc Pháp xử tử ngày 8/7/1908.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Đòi phen
- Nhiều lúc, nhiều lần (đòi từ cổ nghĩa là "nhiều").
Trông tư bề chân trời mặt đất;
Lên, xuống lầu thấm thoát đòi phen
(Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn)
-
- Dị sự
- Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
-
- Vắn
- Ngắn (từ cổ).
Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền
(Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Loan phụng hòa minh
- Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
-
- Thung dung
- Thong dong.
-
- Thôn lân
- Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
-
- Lao lung
- Khổ cực (từ cổ).
-
- Thất phát
- Cũng như thất bát – mất mùa.
-
- Nàn
- Nạn (từ cũ).
-
- Đoạn trường
- Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
-
- Túng tíu
- Túng thiếu (từ cũ).
-
- Thét
- Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
-
- Kế tự
- Nối dõi (từ Hán Việt).
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Dùi Chiêng
- Tên một làng nay là thôn Dùi Chiêng, xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng nằm dọc ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước mặt là sông, sau lưng là núi, có hình thể giống như cái dùi của cái chiêng, nên có tên gọi như vậy.
-
- Đào nguyên
- Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.
Đào nguyên cũng gọi là động đào.
-
- Tương truyền đây là một bài thơ của ông Tú Quỳ, một danh nhân đất Quảng Nam.
-
- Phạm Bá Doãn
- Một người dân sống ở làng Dùi Chiêng vào đầu thế kỉ 20, tương truyền là người nghĩ ra một thứ bẫy để bắt cọp mà người địa phương quen gọi là cái chòi. Các bô lão làng Dùi Chiêng cho biết về hình dáng, chòi không to, ngang gần 1 mét, dài khoảng 5 mét, làm hoàn toàn bằng cây săn, chắc, được chôn sâu xuống đất, phía trên được cột kỹ, chèn đá to, làm sao để một khi cọp đã vào bẫy thì không thể vùng ra nổi. Trong chòi nhốt một con chó, ngăn lại. Cọp nghe tiếng chó sủa, mò đến. Khi nó vừa vào thì bẫy sụp xuống. Người ta chỉ việc dùng giáo nhọn mà đâm cho đến lúc cọp chết mới thôi.
-
- Nường
- Nàng (từ cũ).
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)
-
- Cá Ông
- Tên gọi của ngư dân dành cho cá voi. Do cá voi có tập tính nương vào vật lớn (như thuyền bè) mỗi khi có bão, nên nhiều ngư dân mắc nạn trên biển được cá voi đưa vào bờ mà thoát nạn. Cá voi được ngư dân tôn kính, gọi là cá Ông, lập nhiều đền miếu để thờ.
-
- Tiêu minh
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tiêu minh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Hóa cơ
- Cũng như thiên cơ, nghĩa là cơ của trời đất, tạo hóa. Người xưa xem trời đất là một cỗ máy (cơ).
-
- Bất nhân
- Không có tính người, tàn ác (từ Hán Việt).
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Sịa
- Một địa danh nay là tên thị trấn của huyện Quảng Điền nằm ở phía bắc của Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. Về tên Sịa, có một số giả thuyết:
- Sịa là cách đọc trại của sỉa, cũng như sẩy (trong sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.
- Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.
- Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy.
-
- Láo thiên
- Tương tự "láo địa", cùng nghĩa là nói tào lao, nói dóc trên trời dưới đất
-
- Bọ hung
- Một loài bọ cánh cứng ăn phân, đầu có râu và sừng cứng chắc, ngực gắn 6 chân.
-
- Khoai từ
- Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.
-
- Lươn
- Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.
Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...
-
- Chày giã gạo
- Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).
-
- Cối xay
- Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.
-
- Rệt
- Rượt, đuổi bắt (phương ngữ).
-
- Liệt
- Mỏi mệt, rã rời.
-
- Nỏ
- Một loại vũ khí cổ truyền thường được dùng trong săn bắn và chiến tranh trước đây. Một chiếc nỏ đơn giản gồm một cánh nỏ nằm ngang hơi cong, đẽo từ một loại gỗ có sức đàn hồi cao, lắp vào báng nỏ có xẻ rãnh để đặt mũi tên. Trước khi bắn, cánh nỏ bị uốn cong bằng cách kéo căng và gài dây cung vào lẫy nỏ. Khi bóp cò, sức đàn hồi của cánh nỏ bắn mũi tên ra với sức đâm xuyên lớn và độ chính xác cao. Cây nỏ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, bắn một phát ra nhiều mũi tên đồng, đánh lui quân xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều dân tộc Tây Nguyên đã dùng nỏ giết được nhiều quân địch.
Ở một số vùng, nỏ cũng được gọi là ná (lưu ý phân biệt với cái ná bắn đạn sỏi).
-
- Chạc
- Dây bện bằng lạt tre, lạt nứa, ngắn và nhỏ hơn dây thừng.
-
- Trặc
- Giật.
-
- Đỉa
- Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.
-
- Ba ba
- Động vật họ rùa mai mềm, thường có kích cỡ nhỏ hơn rùa, sống ở các vùng nước ngọt (hồ, ao, sông ngòi, đầm, v.v.). Ở nước ta có 5 loài rùa mai mềm: ba ba Nam Bộ, ba ba gai, giải, ba ba trơn, và giải sin hoe. Ba ba có bốn chân, không có đuôi, đầu có vẩy nhỏ, miệng nhiều răng.
-
- Niêu
- Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.
-
- Cồng
- Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.
-
- Cửa Ông
- Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.
-
- Còi tầm
- Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
-
- Bắt cô trói cột
- Một loài chim thuộc họ Cu cu, chim trưởng thành nửa thân trên có màu trắng, nửa dưới có nhiều vạch trắng đen. Tiếng chim kêu nghe như "Bắt cô trói cột" nên dân gian lấy làm tên, sinh sống hầu như trên khắp nước ta. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột.
-
- Dân phu
- Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
-
- Nguyệt Lão
- Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.
-
- Bánh tráng
- Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
-
- Đường bát
- Cũng gọi là đường tán hoặc đường đinh, loại đường mía được tạo hình bằng cách đổ nước đường thắng vào bát. Để bảo quản, đường bát được xếp từng cặp có dây rơm quấn quanh bỏ vào giỏ đem phơi rồi đậy kỹ treo lên xà nhà. Đường bát rất phổ biến ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam.
-
- Gá nghĩa
- Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
-
- Đình
- Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.
-
- Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
- Trích từ bài Thái Cát thuộc Kinh Thi. Câu đầy đủ là:
Bỉ thái tiêu hề,
Nhất nhật bất kiến
Như tam thu hề.Nghĩa là: Người đi cắt cỏ tiêu, một ngày không thấy nhau, tựa như ba thu (chín tháng) chưa gặp.
-
- Cầu thượng gia
- Tên đầy đủ là "thượng gia hạ kiều," một cấu trúc cầu có phía trên là nhà, phía dưới là cầu, thường gặp nhất ở các tỉnh Bắc Bộ. Cầu thường là nơi nối liền đôi bờ giữa khung cảnh có cây cao, bóng cả, lòng sông vừa phải, thuận tiện thi công vòm trụ, mái cầu giúp người bộ hành khi vào cầu có thể trú mưa, tránh nắng, an toàn như mái nhà của mình. Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan được cho là người tạo nên kiến trúc cầu này.
-
- Giá thú bất luận tài
- Cưới xin không cần bàn đến tiền bạc (thành ngữ Hán Việt).
-
- Cồng cộc
- Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.
-
- Điếu
- Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.
-
- Xe
- Ống dài dùng để hút thuốc lào hay thuốc phiện. Ống cắm vào điếu bát để hút thuốc lào được gọi là xe điếu hoặc cần hút. Ống để hút thuốc phiện gọi là xe lọ.
-
- Đồng đen
- Hợp kim đồng và thiếc, màu đen bóng, thường dùng để đúc tượng.
-
- Đèn ba dây
- Loại đèn dầu lớn, thường được treo trên tường hoặc trên trần nhà để chiếu sáng cho cả phòng.
-
- Huê
- Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
-
- Ngãi
- Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chồn đèn
- Một loại chồn nhỏ, có bộ lông màu hoe hoe, hung hung đỏ, chân thấp, mỏ dài nhỏ, răng rất sắc. Chồn đèn thường sống trong bụi rậm, ăn thức ăn chính là thịt động vật nhỏ như gà con, vịt con, chim, chuột, cá, lươn...
-
- Nha
- Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.
-
- Cá mòi
- Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.
-
- Cá phèn
- Một số địa phương gọi là cá thèn, một loại cái biển nhỏ chừng hai, ba ngón tay, da lưng có màu hơi hồng, có nhiều vảy. Cá phèn thường được kho tiêu.
-
- Cỏ gà
- Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."
-
- Tự Đức
- (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.
-
- Nguyễn Phúc Khoát
- Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).
Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.
-
- Kích nhưỡng khang cù
- Kích nhưỡng và Khang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
-
- Thái Sơn
- Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.
-
- Bàn thạch
- Đá tảng (từ Hán Việt).
-
- Hải thủy sơn man
- Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
-
- Quảng Ngãi
- Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.
-
- Cháy háp
- Cháy một phần.
-
- Lúa nhồng
- Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.