Đêm trăng thắp ngọn đèn lồng
Mình về có nhớ ta không hỡi mình?
Chiếc thuyền anh giậm thình thình
Anh thì cầm lái, cô mình phách ba
Có thương anh, em bẻ mái chèo ra
Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời
Tìm kiếm "Biển Bắc"
-
-
Dì thằng cu như cánh hoa nhài
Dì thằng cu như cánh hoa nhài
Ba mươi sáu cánh tiếc tài nở đêm
Sáng trăng trong sáng cả ngoài thềm
Lại đây ta chắp áo mền đắp chung
Đêm đông thắp ngọn đèn lồng
Mình về có nhớ ta không hỡi mình
Chiếc thuyền nan anh giậm thình thình
Anh thì cầm lái cô mình phách ba
Có thương anh bẻ mái chèo ra
Sợ mẹ bằng biển sợ cha bằng trời
Anh thấy em anh cũng ưa đời
Biết rằng chốn cũ có rời ra chăng. -
Anh muốn tìm dòng nước trong
Anh muốn tìm dòng nước trong
Nên đi ngược dòng sông Cái
Hay vì bị bùa ngải
Nên anh bỏ bãi lên nguồn?
Thuyền anh dù thuận gió đi luôn
Đến đầu Thác Ngựa cũng phải cuốn buồm trở lui
Thề xưa lời đã nặng lời
Anh cố xa em đi nữa
Nếu chẳng phải ý trời thời cũng khó xa
Anh đi em ở lại nhà
Biển sâu em lặn lội nuôi mẹ già đợi anh -
Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến
Anh đứng Hòn Chồng trông sang Hòn Yến
Lên thăm Tháp Bà, về miếu Sinh Trung
Non xanh nước biếc trập trùng
Xiết bao liệt nữ anh hùng, em ơi!
Em hãy nhận lời cùng anh kết ngãi,
Ðầu ghềnh cuối bãi, ta hãy nương nhau,
Biển Cù nước mãi còn sâu,
Công linh chẳng trước thì sau cũng thành.Dị bản
-
Thấy anh hay chữ, em đây hỏi thử đôi lời
Thấy anh hay chữ, em đây hỏi thử đôi lời
Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
Kinh nào chạy thẳng nối liền hai nơi?
Đất nào lắm dốc nhiều đồi?
Đèn nào cao nhất tiếng đời đều nghe?
Sông nào tấp nập thuyền bè?
Hồ nào với biển cập kè bên nhau?
Trai nào nổi tiếng anh hào?
Anh mà đáp đặng, má đào em trao
– Nghe em hỏi tức, anh đây nói phứt cho rồi
Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
Có kênh Vĩnh Tế nối liền hai nơi
Đất Nam Vang lắm dốc nhiều đồi
Đèn cao Châu Đốc mọi người đều nghe
Sông Cửu Long tấp nập thuyền bè
Biển Hồ hai chữ cập kè bên nhau
Trai Việt Nam nổi tiếng anh hào
Anh đà đáp đặng, vậy má đào em trao đây! -
Tiếng đồn rằng bậu hò hay
– Tiếng đồn rằng bậu hò hay
Ta xin đố bậu cối xay mấy niền?
– Cối xay mười sáu cái niền
Xin hỏi lại bậu thuyền quyên mấy chèo?
– Thuyền quyên mười tám cái chèo
Ta xin đố bậu con mèo mấy lông?
– Bậu đố chi đố ngặt đố nghèo
Đố chi không đố, lại đố con mèo mấy lông
Bậu về tát cạn biển Đông
Thì ta sẽ đếm hết lông con mèo -
Vè chim chóc
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè chim chóc
Hay moi hay móc
Vốn thiệt con dơi
Thấy nắng thì phơi
Là con Diệc mốc
Lặn theo mấy gốc
Là chim Thằng Chài
Lông lá thật dài
Là con chim Phướn
Rành cả bốn hướng
Là chim Bồ Câu
Giống lặn thật lâu
Là con Cồng Cộc
Ăn táp sồng sộc
Là con chim Heo … -
Người ta đi cấy lấy công
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng. -
Vè chợ Lệ Thủy
-
Ai đem tôi đến chốn này
Ai đem tôi đến chốn này
Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
Trên đồn có lão quan hai
Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
Một chiếc thì chạy Cốt Na
Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
Đến mười hai giờ bốn mươi
Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
Nó quát một tiếng chẳng là
Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
Người thì ghè đá nung vôi
Người thì vác gỗ ai coi cho tường
Người thì xẻ đất đắp đường
Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
Người thì xẻ ván đóng xe
Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
Người xe hỏa, người máy rồng
Người biên kho gỗ, người trông kho dầu … -
Vè chợ
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cái chợ
Sáng mơi xách rổ
Đi giáp một vòng
Hàng hóa mênh mông
Kêu bằng Chợ Lớn
Thiên hạ phát ớn
Là chợ Bình Đông
Ấm bụng no lòng
Kêu bằng Chợ Gạo
Thiệt là huyên náo
Là chợ Bến Thành
Xúm nhau giựt giành
Là chợ Bến Tranh
Ăn ở hiền lành
Đi chợ Thủ Đức … -
Vè chợ Lường
Chợ Lường họp lại vui thay
Đàng đông lúa gạo, đàng tây tru bò
Xã đã khéo lo
Lập lều hai dãy
Hàng sồi hàng vải
Thì kéo lên đình
Hàng xén xung quanh
Hàng thịt hàng lòng ở giữa
Ngong vô trửa chợ
Chộ thị với hồng
Dòm ngang xuống sông
Chộ thuyền với lái
Ngong sang bên phải
Chộ những vịt gà
Hàng nhãn, hàng na
Hàng trầu, hàng mấu
Hàng ngô, hàng đậu
Hàng mít, hàng cà
Hàng bánh, hàng quà
Hàng chi có cả
Rồi nào hàng cá
Hàng bưởi, hàng bòng … -
Vè giết đốc phủ Ca
Giáp Thân đã mãn
Ất Dậu tấn lai
Chánh ngoạt sơ khai
Bình yên phước thọ
Nhựt nguyệt soi tỏ
Nam chiếu phúc bồn
Tục danh Hóc Môn
Xứ Bình Long huyện
Hà do khởi chuyện?
Hà sự hàm mai?
Tích ác bởi ai?
Giết quan rửa hận … -
Buổi mai ngủ dậy
Buổi mai ngủ dậy
Ra tắm bể Đông
Đạp cây xương rồng
Kéo lên chín khúc
Gặp mệ bán cá úc
Đổ máu đầu cầu
Gặp mệ bán dầu
Dầu trơn lầy lẫy
Gặp mệ bán giấy
Giấy mỏng tanh tanh
Gặp mệ bán chanh
Chanh chua như dấm
Gặp mệ bán nấm
Nấm lại một tai
Gặp mệ bán khoai
Khoai lọi một cổ … -
Nam Vang đi dễ khó về
Nam Vang đi dễ khó về
Trai đi mất vợ, gái về mất conDị bản
-
Cơm chiên ăn với cá ve
Dị bản
-
Ngó lên trời, trời cao lồng lộng
Ngó lên trời, trời cao lồng lộng,
Ngó xuống đất, đất rộng mênh mông,
Cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
Đến đây xui khiến đem lòng thương em.Dị bản
Cây trên rừng hoá kiểng,
Cá dưới biển hoá long,
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong.
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
Đến đây trời khiến đem lòng thương em.Trên trời có mây hóa kiểng,
Dưới biển có cá hoá long.
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
Tới đây trời khiến đem lòng thương em.Trên rừng có cây hoa kiểng,
Dưới biển có cá hóa long.
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
Tới đây trời khiến đem lòng thương em.Cây trên rừng hóa kiểng, cá ngoài biển hóa rồng
Cá lòng tong giữa bóng ăn rong
Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Tới đây ông trời khiến đem lòng yêu em.
-
Chuyến này anh chở cát
Chuyến này anh chở cát
Chuyến khác anh chở vôi
Anh làm sao cho duyên nợ lôi thôi, nay đổi mai dời
Liệu bề anh có thương đặng trọn đời anh hãy thươngDị bản
Chuyến này anh chở cát
Chuyến khác anh chở khoai
Duyên nợ của ai, anh trả lại cho ai
Biển rộng sông dài hai ngã biệt li
-
Chim quyên xuống đất ăn giun
Dị bản
-
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơiDị bản
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang
Một tiếng anh than ba bốn đôi vàng em không tiếc
Anh lấy đặng em rồi anh trốn biệt lánh thânĐèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Gió nào độc bằng gió Gò Công.
Anh thương em từ thuở má bồng,
Bây giờ em khôn lớn lấy chổng bỏ anh.Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc,
Dốc nào thấp cho bằng dốc Nam Vang,
Một tiếng anh than, hai hàng lụy nhỏ,
Có một mẹ già, biết bỏ cho ai.Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Dốc nào cao bằng dốc Nam Vang,
Đói no em chịu cùng chàng,
Xuống sông ra biển, lên ngàn cũng theo.
Chú thích
-
- Nhài
- Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.
-
- Sông Cái
- Tên con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hoà, dài 79 km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn. Phần thượng lưu của sông có rất nhiều thác: Đồng Trăng, Ông Hào, Đá Lửa, Nhét, Mòng, Võng, Giằng Xay, Tham Dự, Ngựa Lồng, Hông Tượng, Trâu Đụng, Giang Ché, Trâu Á... Sông còn có tên là sông Cù (do chữ Kaut của người Chiêm Thành xưa) hoặc sông Nha Trang.
-
- Ngựa Lồng
- Một con thác trên sông Cái thuộc tỉnh Khánh Hoà, còn gọi là thác Ngựa hoặc thác Ngựa Oằn.
Theo Xứ sở trầm hương của Quách Tấn: "Thác dài đến trên dưới ba trăm thước. Không dốc nhưng có nhiều đá mọc ngầm dưới nước. Có ba tảng cao nhất, chỏm lên gần sát mặt nước. Nằm theo hàng dọc. Nước chảy xuống bị sức cản, bắn bọt tung tóe. Trông dạng nước chảy qua ba tảng đá ấy, lên cao rồi xuống thấp, giống như kiểu ngựa. Cho nên ba tảng đá mang tên là Kiều Nhất (tảng ở trên hết), Kiều Nhì (tảng ở giữa), Kiều Ba (tảng cuối). Sức nước qua thác Ngựa rất mạnh. Dòng nước chảy cuồn cuộn trông hung hãn như ngựa lồng. Do đó mà mệnh danh là thác Ngựa Lồng."
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Hòn Chồng
- Một bãi đá với nhiều khối lớn được xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Gần Hòn Chồng có một cụm đá khác có hình dáng một người phụ nữ ngồi nhìn ra biển, gọi là Hòn Vợ.
-
- Tháp Po Nagar
- Thường gọi là Tháp Bà, một ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang, Khánh Hoà, nay thuộc phường Vĩnh Phước, thờ nữ vương Po Ina Nagar. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất, cao khoảng 23 mét.
Tháp Bà là biểu tượng văn hoá của tỉnh Khánh Hoà, với lễ hội Tháp Bà hằng năm thu hút rất nhiều khách thập phương.
-
- Sinh Trung
- Một ngọn núi nằm trong lòng thành phố biển Nha Trang, Khánh Hoà, gần cầu Hà Ra. Trên ngọn núi này trước đây có một ngôi miếu thờ thần được xây dựng từ năm Ất Mão (1795), nay trở thành Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự, nhân dân quen gọi là chùa Kỳ Viên.
-
- Ngãi
- Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Cù Huân
- Dân gian còn gọi là cửa Lớn, cửa biển nơi con sông Cái đổ ra biển, nay thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Huyện Diên Khánh là địa bàn hoạt động và chiến đấu của nghĩa quân Trịnh Phong, một thủ lĩnh kháng Pháp của phong trào Cần Vương.
-
- Công lênh
- Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
-
- Liệt nữ
- Người phụ nữ có khí phách anh hùng, không chịu khuất phục.
-
- Giang sơn
- Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
-
- Cẩm tú
- Gấm thêu (từ Hán Việt), thường dùng để ví cảnh thiên nhiên tươi đẹp hoặc văn thơ hay.
Mai sinh là bậc thiên tài,
Câu văn cẩm tú, vẻ người y quan.
(Nhị Độ Mai)
-
- Châu Đốc
- Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.
Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."
-
- Hà Tiên
- Địa danh nay là thị xã phía tây bắc tỉnh Kiên Giang, giáp với Campuchia. Tên gọi Hà Tiên bắt nguồn từ Tà Ten, cách người Khmer gọi tên con sông chảy ngang vùng đất này.
-
- Kinh
- Kênh, sông đào dùng để dẫn nước hoặc để đi lại bằng đường thủy (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Anh hào
- Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
(Truyện Kiều)
-
- Kênh Vĩnh Tế
- Một con kênh đào nằm song song với đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Kênh được vua Gia Long cho bắt đầu đào với tháng 9 âm lịch năm 1819 đến tháng 5 âm lịch năm 1824 mới xong, qua hai lần tạm ngừng rồi tiếp tục đào. Đại Nam nhất thống chí chép: Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.
-
- Nam Vang
- Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
-
- Đèn Châu Đốc
- Thời Pháp thuộc, Châu Đốc lần lượt là tên của một "hạt tham biện," rồi là một tỉnh lấy thị xã Châu Đốc ngày nay làm tỉnh lỵ. Trước mặt thị xã Châu Đốc là sông Hậu, vốn là tuyến đường thủy quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long. Do sông rất rộng và có nhiều cồn nhỏ ở giữa sông, người Pháp đã đặt một ngọn đèn cao (chưa rõ ở địa điểm nào) nhằm làm mốc cho thuyền bè qua lại.
-
- Biển Hồ
- Tên nhân dân ta thường dùng để gọi hồ Tonlé Sap, một hồ nước ngọt rộng lớn thuộc Campuchia. Từ thời Pháp thuộc, nhiều người dân Việt Nam đã đến đây lập nghiệp và sinh sống, tạo thành cộng đồng người Việt khá đông đúc cho đến bây giờ.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Bậu
- Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Cối xay
- Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Diệc
- Một loài chim giống như cò, thức ăn chủ yếu là côn trùng, cá... Diệc mốc có bộ lông màu nâu. Ngoài ra còn có diệc ba màu, diệc xanh...
-
- Bói cá
- Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...
-
- Phướn
- Còn gọi là phượng hoàng đất, một loài chim có đuôi rất dài.
-
- Bồ câu
- Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.
-
- Cồng cộc
- Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.
-
- Cú mèo
- Một loài cú có mắt giống mắt mèo nên có tên vậy. Loài này cũng có tên là cú lợn vì có tiếng kêu giống tiếng lợn. Theo tín ngưỡng dân gian, cú mèo mang lại điềm xui xẻo.
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Dứa
- Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.
-
- Chợ Động
- Tên một ngôi chợ thuộc xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tên chợ được người dân ở đây phát âm nặng hơn là chợ Đôộng.
-
- Cá bống
- Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.
-
- Chợ Chè
- Tên một ngôi chợ thuộc xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
-
- Vừng
- Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.
-
- Chợ Trạm
- Tên một ngôi chợ ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
-
- Rạm
- Loài cua nhỏ thân dẹp có nhiều lông, sống ở vùng nước lợ. Rạm giàu chất bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc như: rạm rang lá lốt, rạm nướng muối ớt, canh rạm rau đay, canh rạm rau dền mồng tơi...
-
- Chợ Thùi
- Tên một ngôi chợ thuộc xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trước thời kỳ chống Pháp, chợ Thùi đóng ở bến đò chợ Thùi (thôn Thạch Bàn), nơi hạ nguồn sông Kiến Giang. Đến những năm 1960, chợ được dời sang Mũi Viết, thuộc thôn Phú Thọ. Quy mô không lớn như nhiều chợ khác nhưng chợ Thùi đã nức tiếng hàng trăm năm nay và có nhiều khác biệt so với những chợ trong vùng. Sách Địa chí Lệ Thủy giải thích: “Thùi theo tiếng Chăm có nghĩa là quán lợp lá, từ đó có thể suy ra chợ Thùi có nghĩa là chợ có những cái quán lợp bằng lá. Điều này phù hợp với thực tế, bởi chợ Thùi tuy tồn tại khá lâu nhưng chỉ là những quán lá san sát nhau, không có đình chợ như các chợ khác trong vùng”. Chợ là nơi hội tụ những sản vật đồng ruộng, đầm phá.
-
- Chợ Tréo
- Tên một ngôi chợ nay thuộc địa phận thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nằm ở ngã ba sông Kiến Giang. Chợ rất sầm uất, bán rất nhiều món ăn đặc trưng của vùng quê chiêm trũng: bánh ướt, bánh tráng, bánh đòn, bánh nếp, chè bột lọc, bún thịt lợn...
-
- Chợ Tuy Lộc
- Tên một ngôi chợ ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
-
- Cá thu
- Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.
-
- Cá ngừ
- Một loài cá biển đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ, được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và hiện nay là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...
-
- Nuốt
- Cũng viết là nuốc, một loại sứa gặp nhiều ở các vùng biển Bắc Trung Bộ. Nuốt được chế biến thành các món bình dân như nuốt chấm ruốc, bún giấm nuốt…
-
- Chợ Cưỡi
- Tên một ngôi chợ thuộc thôn Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
-
- Khoai mì
- Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).
-
- Thị
- Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.
Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
(Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)
-
- Chợ Mỹ Đức
- Tên một ngôi chợ thuộc xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
-
- Lệ Thủy
- Một địa danh nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây nổi tiếng với sông Kiến Giang, khu nghỉ mát suối nước khoáng Bang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống. Tương truyền đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm...
-
- Bãi Cháy
- Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Quan hai
- Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
-
- Cửa Lục
- Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.
-
- Hà Tu
- Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.
-
- Hà Lầm
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Còi tầm
- Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Síp lê
- Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
-
- Mơi
- Mai (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chợ Lớn
- Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.
-
- Chợ Bình Đông
- Xưa là một trong bốn khu chợ lớn nhất quận 5. Năm 2008, chợ được xây lại và nay thuộc khu Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, gần bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ (theo Địa chí quận 5, xuất bản năm 2000).
-
- Chợ Gạo
- Một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Nơi đây có con sông Chợ Gạo là tuyến đường sông huyết mạch nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
-
- Chợ Bến Thành
- Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.
-
- Chợ Bến Tranh
- Một ngôi chợ thuộc tỉnh Tiền Giang, hiện là vựa nông sản của các xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
-
- Thủ Đức
- Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.
-
- Chợ Lường
- Tên dân gian của chợ Đô Lương, một ngôi chợ nay thuộc địa phận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Thời Pháp thuộc, chợ là địa điểm tập trung dân phu để đi làm đường. Đến bây giờ, chợ Lường vẫn được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập trong vùng.
-
- Tru
- Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
-
- Lụa sồi
- Lụa dệt bằng tơ tằm nhưng sợi thô, nếu sợi dệt xe đôi thì gọi là sồi xe, khác với lụa tơ tằm được dệt bằng tơ tằm sợi nhỏ nên mỏng, mềm và mịn hơn.
-
- Hàng xén
- Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
-
- Ngong
- Ngóng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Trửa
- Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Chộ
- Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Hồng
- Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.
-
- Mấu
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mấu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bòng
- Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
-
- Mãn
- Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
-
- Tấn lai
- Bước đến.
-
- Chánh ngoạt
- Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
-
- Nhật nguyệt
- Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.
Mai sau dầu đến thế nào,
Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần
(Truyện Kiều)
-
- Nam chiếu phúc bồn
- Chậu úp khó mà soi thấu.
-
- Hóc Môn
- Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
-
- Bình Long
- Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
-
- Hà do
- Tại sao.
-
- Hàm mai
- Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
-
- Mệ
- Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Cá úc
- Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.
-
- Lọi
- Gãy lìa (phương ngữ).
-
- Cổ
- Củ (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Bạn biển
- Những người làm mướn về nghề đi biển, nghề cá. Làm nghề này cũng gọi là đi bạn hoặc đi ghe bạn.
-
- Tàu kê
- Cũng viết là tào kê, một cách nói chỉ nghề bán dâm. Theo Nguyễn Hữu Hiệp: Thời Pháp, đã hiện đại hoá một thuật ngữ vốn đã quá cổ xưa, nghe ra có phần mơ hồ và không mấy bảnh, "giới giang hồ" nhân thấy các nhà buôn lớn Triều Châu, Phước Kiến xưng "Tàu khậu" (hay "thổ khố" hoặc "đại khố," là nhà trữ hàng hoá), rồi "tùa kê" với nghĩa "đại gia," phổ dụng rộng ở tầng lớp giàu sang, nhiều tiền lắm của… các mụ chủ chứa bèn tự xem mình là "mẹ tàu kê." (Người Châu Đốc - An Giang làm ăn ở Nam Vang xưa và nay). Lại có nguồn cho rằng chữ này có gốc từ "bảo mẫu," đọc theo giọng Quảng Đông.
-
- Nốc
- Cổ ngữ Việt chỉ thuyền, ghe. Ngày nay chỉ thuyền nhỏ, còn dùng ở miền Bắc Trung Bộ.
-
- Lòng tong
- Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Kiểng
- Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
-
- Con long
- Con rồng.
-
- Đỗ quyên
- Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.
-
- Vận
- Sự may rủi lớn xảy ra trong đời một con người, vốn đã được định sẵn từ trước theo quan điểm của Phật giáo (chữ Hán).
-
- Câu ca dao được cho là nói về Trần Khánh Dư. Ông nguyên con nhà dòng dõi, có công đánh giặc được phong tước Nhân Huệ Vương, lại được Thượng hoàng Trần Thánh Tông nhận làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua). Sau vì phạm trọng tội với gia đình Trần Hưng Đạo nên phải cách hết chức tước, tịch thu gia sản, ông lui về quê nhà ở Chí Linh (nay thuộc tỉnh Hải Dương) làm nghề bán than. Sau ông được Trần Nhân Tông phục chức, góp công rất lớn trong cuộc chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba.
-
- Sàng
- Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.
-
- Còng
- Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.
-
- Gò Công
- Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.
-
- Gió độc Gò Công
- Một tên gọi dân gian của trận bão năm Giáp Thìn (1904).
-
- Lụy
- Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
-
- Ngàn
- Rừng rậm.