Tìm kiếm "ngạ quỷ"

  • Sớm mai ra đứng sân sau

    Sớm mai ra đứng sân sau
    Hai tay xụi xuống như tàu chuối te
    Tiếc công vun quén cây mè
    Mè không ra trái, chim hòe đậu lên
    Tiếc công lên xuống, xuống lên
    Mòn đàng chết cỏ không nên tự trời
    Tưởng rằng kèo cột ở đời
    Ai hay cột ngã, kèo rời một phương!

  • Lương duyên do túc đế,

    Lương duyên do túc đế,
    Giai ngẫu tự nhiên thành,
    Lời nguyền chứng có ông trời xanh,
    Khiến sao nghe vậy, nên anh không phiền.
    Dầu mà phên đất tấm ngả, tấm nghiêng,
    Lời thề giữ trọn không quên nhân nghĩa nghèo,
    Chàng đành thì cha mẹ phải đành theo,
    Như chiếc tàu kia đang chạy, bỏ dây neo phải dừng.

  • Anh mong tát biển cấy kê

    Anh mong tát biển cấy kê
    Tát sông Bồ Ðề nhổ mạ cấy chơi
    Bẻ que đo Trời
    Đan lồng nhốt kiến
    Thầy mẹ thương đến
    Bắt voi coi giò
    Thầy mẹ gả cho
    Rước voi làm lễ
    Anh đi làm rể
    Che hai lọng vàng
    Nhà anh thì ở giữa làng
    Lấy vàng làm cột
    Dát bạc làm tranh
    Cưa gỗ lim làm thành
    Chẻ ngà voi làm lạt
    Anh đặt chuyện hát
    Nói láp em nghe,
    Nhà anh cột nứa, kèo tre…

  • Trước nhà em có cây tùng tán, trả một ngàn không bán

    – Trước nhà em có cây tùng tán, trả một ngàn không bán
    Sau nhà em có cây liễu rũ, nhiều chủ muốn mua
    Thân em như trái thơm chua
    Kẻ ngang qua chép miệng, người muốn mua không tiền
    – Trước nhà em có cây tùng tán ngã ngáng bên đường
    Sau nhà em có cây liễu rũ để chim cú đậu đỡ đôi ngày
    Thân em như trái thơm chua
    Núp trong bụi rậm chờ ngày sóc ăn.

  • Nhờ ai cho gà đỏ đuôi

    Nhờ ai cho gà đỏ đuôi
    Nhờ ai mà được cưỡi voi, ngồi thuyền
    Nhờ ai có bạc, có tiền
    Nhờ ai mà có nàng tiên đứng hầu
    Nhờ ai có ruộng, có trâu
    Nhờ ai mà có mâm thau, đũa ngà
    Nhờ ai có lụa, có là
    Vợ gọi bằng bà, con gọi cậu, cô
    Đến khi giặc Pháp tràn vô
    Quan nhỏ tếch mất, quan to chạy dài
    Ai ơi, có thế chăng ai?

  • Bây giờ em gặp chàng đây

    Bây giờ em gặp chàng đây
    Chàng cho em mượn chiếc khăn này làm ghi
    Yêu em còn tiếc làm gì
    Có cho em mượn, chàng thì đưa đây
    Hay là sợ mẹ, sợ thầy
    Xin chàng phải nói nước mây em tường
    Ví dù chàng có lòng thương
    Khăn này sánh với xuyến vàng Nguyệt Nga
    Giữa đường gặp gỡ đôi ta
    Cùng nhau kết tóc xe tơ vẹn tròn
    Mỗi người một nước một non
    Vàng kia không tiếc, lại còn tiếc khăn!

  • Cha mẹ nàng đòi ba ngàn anh đi đủ chín ngàn

    Cha mẹ nàng đòi ba ngàn anh đi đủ chín ngàn
    Anh mua gấm lát đàng, mua vàng lát ngõ
    Chiếu bông, chiếu hoa trải ra sáng rõ
    Mâm sơn, bát sứ, đũa ngự, chén ngà
    Nhà ngói chín tòa phần anh liệu trăm cái
    Trai như chàng trai đà xứng rể
    Gái như nàng xứng điệu xuân nương
    Voi bốn ngà anh chầu chực bốn phương
    Họ anh đi bảy vạn, tiền anh tương chín ngàn
    Cha mẹ em thách của em đừng khoe khoang

  • Vè tàu điện

    Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
    Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
    Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
    Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
    “La ga” thì ở Thụy Chương
    Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên
    Bồi bếp cho chí bồi bàn
    Chạy tiền kí cược đi làm sơ vơ

  • Đêm nằm chép miệng thở than

    Đêm nằm chép miệng thở than
    Thiếp ơi có nhớ nghĩa chàng hay không?
    Dang tay rớt chén rượu nồng
    Vái cùng Nguyệt lão tơ hồng xe dây
    Xin cho đó hiệp cùng đây
    Đừng cho gió tạt mưa bay điều gì
    Mỗi ngày mỗi thảm sầu bi
    Lê mê thấy cảnh, li bì thấy duyên
    Ta đây vốn thật Vân Tiên
    Đó phải Nguyệt Nga cất tiếng, ta khuyên vài lời
    Xưa rày mỗi đứa mỗi nơi
    Đám đông như hội đến chơi cũng buồn

  • Đồn rằng Văn Điển vui thay

    Đồn rằng Văn Điển vui thay
    Ngoài phố chợ họp năm ngày một phiên
    Tàu qua phố dưới, phố trên
    Đình thì ở giữa hai bên rặng bàng
    Làng Mơ cất rượu khê nồng
    Làng Vọng dệt gối, chăn tằm làng Mui
    Kẻ Giả thì bán bùi nhùi
    Làng Lê bán phấn cho người tốt da
    Kẻ Vọng khéo ngọc, khéo ngà
    Đưa đem đi bán cho nhà kẻ sang
    Kẻ Lủ thì bán bỏng rang
    Trên Ô Hàng Đậu lắm hàng nhiều thay
    Ngâu, Tựu thì bán dao phay
    Dù đem chặt nứa gãy cây lại liền
    Trong kho lắm bạc nhiều tiền
    Để cho giấy lại chạy liền với dây.

  • Nào ai bị rớt xuống sông

    Nào ai bị rớt xuống sông?
    Nào ai thất lạc vườn hồng năm canh?
    Nào ai phá ngục khai thành?
    Nào ai bị trói năm canh bão bùng?
    Nào ai giữ trọn hiếu trung?
    Trai nam nhi đáp được gái nữ hồng kết duyên.
    – Vân Tiên bị rớt dưới sông
    Nguyệt Nga thất lạc vườn hồng năm canh
    Hớn Minh phá ngục khai thành
    Tiểu đồng bị trói năm canh bão bùng
    Tử Trực giữ trọn hiếu trung
    Trai nam nhi đây đối được gái nữ hồng tính sao?

  • Cái cò là cái cò kì

    Cái cò là cái cò kì
    Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô.
    Đêm nằm thì ngáy o o
    Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
    Hàng bánh hàng bún bày ra
    Củ từ khoai nước cùng là cháo kê
    Ăn rồi cắp đít ra về
    Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
    Chả này bà bán làm sao?
    Ba đồng một gắp lẽ nào không mua
    Nói dối rằng mua cho chồng
    Đến giữa quãng đồng ngả nón ra ăn
    Ăn rồi xúc miệng xỉa răng
    Về nhà đau quặn đau quăn dạ này
    Đem tiền đi bói ông thầy
    Bói ra quẻ này những chả cùng nem
    Cô nàng nói dối đã quen
    Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ?

    Dị bản

    • Con cò là con cò kì
      Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
      Về sau lấy cháu ông đồ
      Thầy mẹ thách cưới ba bồ khoai lang
      Một bồ thì để phần làng
      Hai bồ thì để họ hàng ăn cheo.

  • Trăng thanh nhờ bởi trời trong

    Trăng thanh nhờ bởi trời trong
    Thương nhau từ chỗ mặn nồng mà thương
    Xưa rày xa cách đôi đường
    Chén thề gần cạn, khăn hường gần phai
    Sầu riêng thức trắng đêm dài
    Hai hàng nước mắt láng lai đêm trường
    Nhớ khi đi đứng ngoài đường
    Tay cầm tay dắt trao thương gởi sầu
    Thẩn thơ thơ thẩn đêm thâu
    Sương sa ướt đẫm mái đầu đôi ta
    Ước sao chàng thiếp một nhà
    Anh đàn em hát câu ca xuân tình
    Đừng làm đôi ngả lênh đênh
    Niềm vui không trọn chữ tình không xong
    Xốn xang dao cắt vào lòng
    Lời thề giữ vẹn, chữ đồng đừng quên

  • Ví dù theo lái xuống tàu

    Ví dù theo lái xuống tàu
    Thì em mới biết cá gầu có gai
    Con bơn, con nhệch là hai
    Con còng, con ghẹ, nó tài đào hang
    Kể rằng cá đuối bơi ngang
    Cái đuôi có điện ra đàng làm cao
    Lại tăm con cá đuối sao
    Nước lên cả nước gặp ngay cá ngần
    Biển sâu lại có chướng ngầm
    Cá ăn nó lượn ba lần nó ra
    Cá Ông thì ở bể xa
    Lưỡng long chầu nguyệt có ngà đôi bên
    Lần đầu xuống bến xuống thuyền
    Sao mà em biết nhãn tiền cá Ông
    Ví dù em có sang sông
    Thì em mới biết cá Ông chầu đền
    Kể từ mặt biển kể lên
    Chim, thu, nhụ, đé, vược hên nhất đời
    Cá he ngậm nước bao giờ
    Mà em dám nói đổ ngờ cá he
    Kể cả con cá mòi he
    Xương dăm vẫn mặc cứ le cho vào
    Kể từ con cá chuồn hoa
    Nó nhảy một cái qua ba lần thuyền
    Kể từ con cá đối đen
    Bắt được đi bán lấy tiền ăn chơi
    Dưới bể có cả đồi mồi
    Có con lợn bể nó bơi cả ngày
    Kể cả con cá mó tày
    Vàng xanh cả vẩy cả vây cũng mừng
    Kể cả con mực, con nhưng
    Cứ cầm cho chặt lưới thừng không buông
    Con mực nhuộm đục cả luồng
    Đón đuôi thả lưới mà buông đến cùng
    Cá mập bơi lội vẫy vùng
    Khoanh tay vược lộn ở vùng bể Đông
    Kể từ cá mú, cá song
    Cá nhung, cá cúng, cá hồng Áng Gai
    Cá sông kể cũng rất tài
    Cá mè, cá chép, ở khe ngọn nguồn
    Trở giời nó mới lượn lên
    Ví dù em ở đồng trên gần nguồn
    Thì em mới biết nguồn cơn
    Thì em mới biết cá rô, trê đồng
    Bây giờ em chưa có chồng
    Làm gì em biết thuộc lòng cá chim?

  • Nghề làm mỏ là nghề cực khổ

    Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
    Dấn thân vào những chỗ hang sâu
    Quanh năm cơm nắm nước bầu
    Trời xanh mây biếc trên đầu biết chi
    Dưới lò giếng lần đi từng bước
    Đào khoét ra mới được đồng công
    Suốt ngày cặm cụi lao lung
    Than già, đá rắn cũng không quản gì
    Tay cầm cuốc, mặt thì cúi gập
    Lưng gò vào như gấp làm đôi
    Loanh quanh xoay xở hết hơi
    Tấm thân như hãm vào nơi ngục tù
    Mãi đến lúc sương mù ngả bóng
    Mới là giờ vội vã trèo lên
    Trong ra non nước hai bên
    Biết mình còn sống ở trên cõi trần.

  • Ca dao tế mẹ

    Trời hỡi trời! Sao dời vật đổi
    Nên chi cỏ héo hoa sầu!
    Kể từ ngày nương tựa lều tranh
    Công ơn mẹ kể không xiết kể!
    Tuần cay đắng chín trăng có lẻ
    Chữ sinh thành nghĩa mẹ tày non
    Bên ướt mẹ nằm bên ráo phần con.
    Mẹ nuôi con vuông tròn khôn lớn
    Cho con xin đền miếng ngọt mùi ngon

  • Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh

    Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh
    Thân vì muốn lập thân mà ngại nặng gánh gia đình
    Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng em có một ông cha già đành cỡi hạc chầu tiên
    Còn bà mẹ hiền như trái chín trên nhành chờ khi ướm rụng.
    Chàng ơi! Em ra đây, gặp chàng em hỏi thiệt
    Trai chàng tính cho em ở vậy hay là em cất bước thượng trình tòng phu
    Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng của em, mấy ống tre ngã xiêu ngã tó.
    Mấy tấm vạt cau rớt lên rớt xuống, ai ngó vào cũng chặc lưỡi lắc đầu, hỡi ôi cho thân phận thiếp.
    Anh kết nghĩa lương duyên với em tình chồng nghĩa vợ. Anh em bạn của anh đứng ngoài xa, miệng kêu tay ngoắc.
    Bớ Tư ơi ! Người đâu sao không khác chi chị Thoại Khanh thuở trước khảy đàn tầm bạn mà kết nghĩa ái ân làm gì?

  • Sáng trăng sáng cả cánh đồng

    Sáng trăng sáng cả cánh đồng
    Em đi tát nuớc gàu sòng gàu dai
    Phần em chẳng đặng làm trai
    Em đành tát nước gàu dai, gàu sòng
    Hai hàng nước mắt rưng rưng
    Đẹp đôi xấu tuổi, xin anh đừng nhắc trông
    Lượt này dứt nghĩa đạo đồng
    Anh có vợ xứ khác, em có chồng nơi xa.
    Tại mẹ với cha nên hai ta gàn trở
    Cha mẹ thuận hoà không ai nỡ bỏ ai
    Hai hàng nước mắt láng lai
    Tui có xa nghĩa bạn lâm cảnh ai cũng buồn.
    – Một khúc sông năm bảy ngả nguồn
    Không nơi này chốn khác tội gì buồn hư thân
    Đói no tôi cũng muốn ở gần
    Hai bên phụ mẫu đạp cần dứt dây
    Đôi ta luống chịu sầu tây
    Roi tre vót nhọn lâu nay vẫn còn
    Đắng cay như trái bồ hòn
    Bầm gan tím ruột vẫn còn nhớ thương

  • Vè bài chòi

    Bài chòi bài tới là ba mươi lá
    Dang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
    Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
    Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
    Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
    Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
    Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
    Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
    Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
    Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
    Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
    Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
    Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
    Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
    Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi

Chú thích

  1. Tàu chuối te
    Tàu lá chuối rách.
  2. Vun quén
    Nghĩa đen là vun chưn (chân) đắp đất, dọn cho sạch cỏ (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị - Huình Tịnh Paulus Của). Nghĩa bóng là chăm lo, vun đắp.
  3. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  4. Có bản chép: Cực.
  5. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Tự
    Tại, bởi vì (từ cổ).
  7. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  8. Lê Thái Tổ
    Tên húy là Lê Lợi, sinh năm 1385, mất năm 1433, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập, sáng lập nhà Hậu Lê. Ông được đánh giá là một vị vua vĩ đại và là anh hùng giải phóng dân tộc trong lịch sử nước ta. Đương thời ông tự xưng là Bình Định vương.

    Tượng đài Lê Lợi

    Tượng đài Lê Lợi

  9. Lê Thái Tông
    Hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Lê (ở ngôi từ năm 1433 đến 1442). Ông sinh ra tại Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, tên thật là Lê Nguyên Long, con thứ hai của vua Lê Thái Tổ và hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Thái Tông kế vị khi mới 11 tuổi nhưng đã tỏ ra là vị vua anh minh. Ông trọng dụng các đại thần chính trực như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt và giáng chức những quyền thần như Lê Sát, Lê Ngân. Dưới thời Lê Thái Tông, trăm họ được hưởng thái bình thịnh trị.
  10. Lương duyên do túc đế, giai ngẫu tự thiên thành
    Duyên lành do có cội gốc trước, chuyện đôi lứa là do trời định nên.
  11. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  12. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  13. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  14. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  15. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  16. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  17. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  18. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  19. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  20. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  21. Tếch
    Bỏ đi, chuồn đi.
  22. Làm ghi
    Làm tin, làm dấu, làm quy ước.

    Rằng: "Trăm năm cũng từ đây,
    "Của tin gọi một chút này làm ghi."

    (Truyện Kiều)
  23. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  24. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  25. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  26. Xuyến
    Vòng trang sức bằng vàng, ngọc, thường đeo ở cổ tay.
  27. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  28. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  29. Ngự
    Từ dùng để chỉ những vật hay việc thuộc về hoàng cung. Về sau hiểu rộng ra, những vật quý đôi khi cũng gọi là ngự.
  30. Xuân nương
    Người con gái trẻ trung, xinh đẹp (từ Hán Việt).
  31. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  32. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  33. Thụy Khuê
    Làng cổ bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng xưa có tên là Thụy Chương, năm 1847 vì húy kị với thụy hiệu vua Thiệu Trị (Chương hoàng đế) nên phải đổi thành Thụy Khuê. Làng có nghề truyền thống làm rượu ướp hương sen nổi tiếng một thời.

    Lò rượu sen Thụy Chương

    Lò rượu sen

  34. Nhà ga Sở Xe điện Hà Nội được xây năm 1889 ở làng Thụy Khuê (tên cũ là Thụy Chương), phía gần sông Tô Lịch, nay là nhà số 67B phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

    Đi xe điện ở Hà Nội xưa

    Đi xe điện ở Hà Nội xưa

  35. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  36. Tiền kí cược
    Khoản tiền cọc, đặt trước để bảo đảm.
  37. Sơ vơ
    Người soát vé tàu, theo âm tiếng Pháp serveur.
  38. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  39. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  40. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  41. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  42. Bàng
    Một loài cây thân gỗ lớn, có tán lá rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm và làm cảnh. Quả ăn được và có vị hơi chua. Vào mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ trước khi rụng.

    Cây bàng

    Cây bàng

  43. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  44. Làng Vọng
    Tên một làng nhỏ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Làng Vọng nằm cạnh Kẻ Mơ, là nơi buôn bán sầm uất. Tương truyền, nơi đây có nghề dệt gối rất phát triển. Ngày nay, phố Vọng cũng được coi là thủ phủ của mặt hàng chăn, ga, gối, đệm.
  45. Yên Duyên
    Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
  46. Kẻ Giả
    Tên gọi chung của các làng Giả Chọ, Giả Cầu, Giả Viềng, Giả Vĩnh, nay là các thôn Lạc Thị (xã Ngọc Hồi), Quỳnh Đô, Ích Vịnh, Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh) đều thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  47. Bùi nhùi
    Rơm hoặc giẻ bện chặt để đốt và giữ lửa.
  48. Làng Lê
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Lê, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  49. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  50. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  51. Làng Ngâu
    Tên nôm của làng Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Làng Ngâu nổi tiếng trồng lúa. Rượu làng Ngâu cũng là một đặc sản nổi tiếng từ xưa.
  52. Tựu Liệt
    Một làng cổ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  53. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  54. Sau khi bị mù, Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Xem chú thích Trịnh Hâm.
  55. Hớn Minh
    Một nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Hớn Minh là một người trung nghĩa, trên đường đi thi gặp con quan huyện là Đặng Sinh đang hà hiếp dân lành, liền nổi giận, bẻ gãy giò hắn rồi ra đầu thú:

    Đi vừa tới huyện Loan-minh,
    Gặp con quan huyện Đặng Sinh là chàng.
    Giàu sang ỷ thế nghinh ngang,
    Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì
    Tôi bèn nổi giận một khi,
    Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò.
    Mình làm nỡ để ai lo,
    Bó tay chịu trói nộp cho huyện đàng.

    Hớn Minh vượt ngục, gặp gỡ và kết bạn với Lục Vân Tiên, rồi về sau cùng Vân Tiên cầm quân diệt giặc Phiên.

  56. Tiểu đồng
    Người đầy tớ trung thành đi theo hầu Lục Vân Tiên khi chàng lên kinh ứng thí. Khi Vân Tiên bị mù, Trịnh Hâm muốn hãm hại nên lừa tiểu đồng, nói là vào rừng kiếm thuốc, kì thực y trói tiểu đồng vào gốc cây cho cọp ăn thịt. Nhưng đến đêm khuya, tiểu đồng được thần núi hiện ra cởi trói cho.

    Tiểu đồng bị trói khôn về,
    Kêu la chẳng thấu bốn bề rừng hoang:
    "Phận mình đã mắc tai nàn,
    "Cảm thương họ Lục suối vàng bơ vơ.
    "Xiết bao những nỗi dật dờ,
    "Đà giang nào biết, bụi bờ nào hay.
    "Vân Tiên hồn có linh rày,
    "Đem tôi theo với đỡ tay chưn cùng!"
    Vái rồi luỵ nhỏ ròng ròng,
    Đêm khuya ngồi dựa cội tòng ngủ quên.
    Sơn quân ghé lại một bên,
    Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng.

  57. Vương Tử Trực
    Tên một nhân vật trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Tử Trực gặp gỡ Vân Tiên tại nhà Võ công, hai người kết nghĩa anh em và cùng lên kinh đi thi. Tử Trực là người trượng nghĩa, khảng khái, khi Võ công ngỏ ý muốn gả người con gái (trước đó đã hứa gả cho Vân Tiên) cho mình, chàng đã nổi giận mắng Võ công.

    Trực rằng: "Ai Lữ Phụng Tiên?
    Hòng toan đem thói Ðiêu Thuyền trêu ngươi.
    Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi,
    Lòng nào mà lỡ buông lời nguyệt hoa?
    Hổ han vậy cũng người ta,
    So loài cầm thú vậy mà khác chi?
    Vân Tiên! Anh hỡi cố tri
    Suối vàng có biết sự ni chăng là?"
    Tay lau nước mắt trở ra,
    Về nhà sắm sửa tìm qua Ðông Thành.

  58. Có bản chép:

    Ăn rồi đau quặn đau quăn
    Chạy về cho kịp nằm lăn cả ngày.

  59. Có bản chép: Ông thầy nói dối đã quen.
  60. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  61. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  62. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  63. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  64. Cá mú
    Tên chung một họ cá biển cho thịt trắng, dai, ngọt. Có ba loại cá mú chính là cá mú đỏ, cá mú đen, cá mú cọp, trong đó cá mú đỏ là loài cá quý hiếm nhất, hai loại còn lại thì hiện nay đang được nuôi khá nhiều. Tùy theo từng địa phương mà cá mú còn được gọi là cá song, cá gàu (gầu), cá mao…

    Cá mú đỏ

    Cá mú đỏ

  65. Thờn bơn
    Còn gọi là cá bơn, một loại cá thân dẹp, hai mắt nằm cùng một bên đầu. Vì vị trí hai mắt như vậy nên khi nhìn chính diện có cảm giác miệng bị méo.

    Cá thờn bơn

    Cá thờn bơn

  66. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  67. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  68. Ghẹ
    Vùng Bắc Trung Bộ gọi là con vọ vọ, một loại cua biển, vỏ có hoa, càng dài, thịt nhiều và ngọt hơn cua đồng.

    Con ghẹ

    Con ghẹ

  69. Cá đuối
    Một loài cá biển, cùng họ với cá nhám, thân dẹp hình đĩa, vây ngực rộng, xòe hai bên, đuôi dài.

    Cá đuối

    Cá đuối

  70. Cá ngần
    Còn gọi là cá ngân, cá cơm ngần, cá sữa, cá thủy tinh, hay cá bún, một loại cá không xương, nhỏ như con tép, màu trắng hoặc trong suốt, sống trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Từ cá ngần có thể chế biến ra nhiều món ngon như canh chua, cá chiên trứng, chả cá ngần…

    Cá ngần

    Cá ngần

  71. Cá Ông
    Tên gọi của ngư dân dành cho cá voi. Do cá voi có tập tính nương vào vật lớn (như thuyền bè) mỗi khi có bão, nên nhiều ngư dân mắc nạn trên biển được cá voi đưa vào bờ mà thoát nạn. Cá voi được ngư dân tôn kính, gọi là cá Ông, lập nhiều đền miếu để thờ.

    Bộ xương cá Ông trong đền thờ ở vạn Thủy Tú, Phan Thiết

    Bộ xương cá Ông trong đền thờ ở vạn Thủy Tú, Phan Thiết

  72. Lưỡng long chầu nguyệt
    Hai con rồng chầu mặt trăng (cũng gọi là "rồng chầu mặt nguyệt"). Đây là chi tiết phù điêu thường gặp trên các mái đình đền, chùa chiền ở nước ta, mang ý nghĩa tâm linh thuần phục thánh thần.

    Lưỡng long chầu nguyệt

    Lưỡng long chầu nguyệt

  73. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  74. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  75. Cá nhụ
    Cũng gọi là cá chét, một loại cá biển thân dài, dẹt bên, đầu ngắn, mắt to. Thịt cá dai, ngọt và nhiều chất dinh dưỡng, xương mềm. Cá thường được chiên lên chấm với nước mắm tỏi, ớt ăn kèm rau sống hoặc nấu canh ngót hoặc sốt cà chua, kho cà chua, kho tiêu, kho tộ…

    Cá nhụ

    Cá nhụ

  76. Cá đé
    Cũng gọi là cá lặc, một loài cá biển thân dài, đầu ngắn, thân màu trắng bạc. Cá đé có thịt thơm ngon hảo hạng, hiếm có khó tìm, được xếp vào “tứ quý ngư” (chim, thu, nhụ, đé), bốn loài cá quý của Việt Nam.

    Cá đé

    Cá đé

  77. Cá vược
    Một loại cá sinh trưởng ở nước ngọt, nước lợ và di cư ra vùng nước mặn để đẻ. Ở nước ta, cá vược phân bố dọc bờ biển từ Bắc đến Nam và được đánh giá có giá trị kinh tế cao, đã được thuần hóa để nuôi cả trong điều kiện nước mặn và nước ngọt.

    Cá vược nuôi

    Cá vược nuôi

  78. Cá he
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở miền Tây Nam Bộ, họ hàng với cá mè. Cá he có đuôi và vây màu đỏ, vẩy bạc. Thịt cá he ngon, béo nhưng có nhiều xương. Xem thêm: Câu cá he.

    Cá he

    Cá he

  79. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  80. Cá chuồn
    Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.

    Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...

    Cá chuồn đang bay.

    Cá chuồn đang bay.

  81. Cá đối
    Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...

    Cá đối kho thơm

    Cá đối kho thơm

  82. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  83. Lợn biển
    Động vật có vú thuộc bộ bò biển, sống ở biển hoặc cá vùng cửa sông, có thân hình to lớn (cá thể trưởng thành nặng khoảng nửa tấn), chuyên ăn các loại thực vật dưới biển.

    Lợn biển

    Lợn biển

  84. Cá mó
    Cũng gọi là cá lưỡi mèo hoặc cá vẹt, một loài cá biển có thân hình dẹt, khá mềm, rất nhiều thịt. Thịt của cá mó có hương vị đậm đà, dễ chế biến thành các món kho, chiên hay canh.

    Cá mó

    Cá mó

  85. Nhưng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhưng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  86. Cá nhung
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá nhung, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  87. Cá cúng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá cúng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  88. Cá hồng
    Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.

    Cá hồng biển

    Cá hồng biển

  89. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  90. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  91. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  92. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  93. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  94. Lò giếng
    Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
  95. Trăng
    Chỉ tháng, thu: chỉ năm. Cách nói của người xưa.
  96. Vuông tròn
    Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
  97. Thoại Khanh - Châu Tuấn
    Một truyện thơ Nôm khuyết danh rất nổi tiếng ở Nam Bộ ngày trước, đã được chuyển thể thành cải lương và phim. Thoại Khanh là một phụ nữ xinh đẹp, người vợ hiền, dâu thảo. Châu Tuấn - chồng nàng, bị đày đi sứ 17 năm. Thoại Khanh lưu lạc, đói rách, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo với mẹ chồng, thậm chí cắt thịt ở cánh tay để nuôi mẹ, khoét mắt mình để cứu mẹ. Châu Tuấn thi đỗ Trạng nguyên, hai lần được hai vua Tống vương và Tề vương gả con gái, nhưng chàng đều khước từ, không phụ người vợ thuở hàn vi. Mối tình chung thủy của Thoại Khanh, Châu Tuấn đã cảm hoá cả hai vị vua và hai nàng công chúa, làm thần Phật xúc động. Sau cùng Châu Tuấn được lên ngôi vua, sống sung sướng cùng Thoại Khanh và hai người vợ thứ con Tề vương và Tống vương.

    Xem vở cải lương Thoại Khanh - Châu Tuấn.

  98. Bài ca dao này rút từ truyện Ngày xưa tháng chạp trong tập Biển cỏ miền Tây của nhà văn Sơn Nam. Theo nhà văn Sơn Nam, đây là một bài hát huê tình, lớp hò nghèo (than nghèo). Hát huê tình là một thể loại ca dao đặc biệt của người miền Tây: "Hát đưa em với hát huê tình không khác nhau. Đưa em ở trong nhà. Hò hát ở ngoài ruộng."
  99. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  100. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  101. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  102. Sầu tây
    Sầu riêng, nỗi niềm riêng.
  103. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  104. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  105. Bài tới
    Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.

    Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.

  106. Dề
    Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
  107. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  108. Dừng
    Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.

    Vách đất trát lên tấm dừng

    Đất trát lên tấm dừng làm vách nhà

  109. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).