Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lất lơ
    Lơ lửng (cũng nói là lất lơ lất lửng).
  2. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  3. Thành hoàng
    Cũng gọi là thần hoàng, vị thần được thờ trong các đình làng ở nước ta, được cho là người phù hộ, giúp đỡ cho làng đó. Thành hoàng có gốc từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành. Theo sách Việt Nam phong tục, mỗi làng phụng sự một vị Thành hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần. Phúc Thần có ba hạng: Thượng Đẳng Thần, Trung Đẳng Thần và Hạ Đẳng Thần.

    Tượng Thành hoàng

    Tượng Thành hoàng

  4. Bị
    Đồ đựng, thường đan bằng cói hay tre, có quai xách.

    Bị cói

    Bị cói

  5. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  6. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  7. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  8. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  9. Cầu Ngang
    Một địa danh nay thuộc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Nằm bên bờ biển, khu vực này ngày xưa có nghề làm muối nổi tiếng trong vùng.
  10. Dưa gang
    Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.

    Dưa gang

    Dưa gang

  11. Bảo Thạnh
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nằm ngay cửa sông Ba Lai đổ ra biển.
  12. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  13. Xóm Gảnh
    Tên một xóm nằm bên rạch Bà Hiền, còn gọi là xóm Gảnh Bà Hiền, thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
  14. Nầm
    Địa danh nay thuộc xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây cũng có nhiều địa danh liên quan: rú Nầm (núi), vạn Nầm (làng chài), hói Nầm (cửa sông Khuất), vực Nầm (vực nước)…
  15. Phố Dương
    Một huyện cổ thuộc quận Cửu Đức (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Đời Tấn Vũ Đế tách lập huyện Phố Dương thành hai làng là Phố Châu và Phúc Dương, nay thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  16. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  17. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  19. Cơn
    Cây (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  20. Kẹ
    Bờ ruộng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  21. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  22. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  23. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  24. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
    Những vật có cùng tiếng thì đáp lại nhau, những vật có cùng khí chất thì tìm đến nhau. Ý nói người hay vật có cùng bản chất thì hòa hợp với nhau, những người có cùng chí khí thì tìm đến với nhau.
  25. Cơ cầu
    Khổ cực, thiếu thốn.
  26. Phú Nhi
    Địa danh nay thuộc địa phận phường Phú Thịnh, Sơn Tây, Hà Nội. Tại đây có nghề làm bánh tẻ truyền thống rất nổi tiếng.

    Làm bánh tẻ ở Phú Nhi

  27. Đại Đồng
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tại đây có nghề làm bánh đúc truyền thống nổi tiếng.
  28. Lộc vừng
    Còn gọi là chiếc hay lộc mưng, loài cây thân gỗ, phân bổ khắp nước ta, thường mọc hoang ở rừng ngập nước, ven hồ, suối, rạch, gần đây được trồng làm cảnh. Lá non thường được dân ta dùng làm rau ăn kèm. Rễ, lá, quả lộc vừng còn dùng làm vị thuốc Đông y.

    Cây lộc vừng bên Hồ Gươm

    Cây lộc vừng bên Hồ Gươm

  29. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  30. Câu này ý chỉ người đàn ông lấy cả mấy chị em ruột làm vợ
  31. Có bản chép "cơm nắm" hoặc "xôi nếp."
  32. Nhà Bè
    Tên một đoạn sông ngắn và cũng là tên một huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Đoạn sông Nhà Bè bắt đầu ở nơi giao nhau giữa sông Sài Gònsông Đồng Nai, chảy xuôi về phía Nam khoảng 12 km thì lại chia hai thành sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Xưa kia, tại khúc sông này, việc đi lại rất khó khăn, vì lòng sông rộng và nước chảy xiết. Ghe thuyền phải neo lại, đợi khi nào thuận lợi mới đi tiếp. Một phú hộ tên Võ Thủ Hoằng (thường gọi Thủ Huồn), nhằm chuộc lại tội lỗi trước đây, đã làm phước kết tre làm bè và cất nhà ở trên sông, chứa sẵn củi, gạo, nước ngọt để giúp khách đi đường thuỷ khỏi bị đói. Sau đó, nhiều người buôn bán cũng kết hàng chục chiếc bè, tạo thành chợ nổi trên sông. Vì vậy mới có địa danh Nhà Bè.

    Ngã ba sông Nhà bè nhìn từ  máy bay. Nhánh sông lớn phía trên bên trái là sông Sài Gòn.

    Ngã ba sông Nhà bè nhìn từ máy bay. Nhánh sông lớn phía trên bên phải là sông Sài Gòn.

  33. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  34. Bắc Cạn
    Hay Bắc Kạn, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, nổi tiếng với hồ Ba Bể, kì quan thiên nhiên được xem là một trong hai mươi hồ đẹp nhất thế giới. Ngoài ra, ở đây còn có các danh thắng khác như động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Nả Phòong, động Ba Cửa, hang Sơn Dương...

    Hồ Ba Bể

    Hồ Ba Bể

  35. Hồ Ba Bể
    Tên một hồ nước ngọt ở tỉnh Bắc Cạn, một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Hồ nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, cũng là một khu vực du lịch sinh thái nổi tiếng.

    Hồ Ba Bể

    Hồ Ba Bể

  36. Chỉ phụ nữ dân tộc Tày, một dân tộc sống nhiều ở Bắc Cạn. Phụ nữ Tày thường mặc áo màu xanh thẫm.