Tìm kiếm "ngạ quỷ"

  • Em là con gái tỉnh Nam

    Em là con gái tỉnh Nam
    Chạy tàu vượt biển ra làm Cửa Ông
    Từ khi mới mở Cửa Ông
    Đi làm thì ít, đi rông thì nhiều
    Chị em cực nhục trăm điều
    Trước làm một lượt đã trèo cầu thang
    Đặt mình chưa ấm chỗ nằm
    Đã lại còi tầm hú gọi ra đi
    Dế kêu, suối chảy rầm rì
    Bắt cô trói cột não nề ngân nga
    Đoàn người hay quỷ hay ma
    Tay mai, tay cuốc, sương sa mịt mù
    Hai bên gió núi ù ù
    Tưởng oan hồn của dân phu hiện về.

  • Canh một dọn cửa dọn nhà

    Canh một dọn cửa dọn nhà
    Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm
    Canh tư bước sang canh năm
    Chiềng anh dậy học còn nằm làm chi
    Một mai chúa mở khoa thi
    Bảng vàng chói lọi bia đề tên anh
    Bõ công cha mẹ sắm sanh
    Tiền lưng gạo bị cho anh về trường
    Nghi vệ đóng hai bên đường
    Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau
    Kẻ chiêng người trống đua nhau
    Tiếng khoan tiếng nhịp tiếng mau rộn ràng
    Rước vinh quy về nhà bái tổ
    Ngả trâu bò làm lễ tế thần
    Để cho bảy huyện nhân dân
    No say được đội hoàng ân từ rày

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

  • Người về một đoạn xa xa

    Người về một đoạn xa xa
    Ta còn đứng giữa ngã ba chưa về
    Nhìn trăng lại nhớ câu thề
    Nhìn gương mà tưởng ngồi kề bên ai
    Người về có nhớ khóm mai
    Người về thoang thoảng hoa nhài còn đây
    Gặp nhau không sợi không dây
    Mà sao như buộc lòng này người đi!
    Người về ta nhớ câu mời
    Nhớ giọng người hát, nhớ lời người trao
    Người về để vắng giăng sao
    Để lòng đằng đẵng khi nào mới nguôi
    Người về đường ấy xa xôi
    Hãy như dao nọ nước tôi cho già
    Đinh ninh nên cột nên xà
    Nền kèo nên mái nên ta nên mình
    Mai này đỏ nghĩa thắm tình
    Cành giao với lại cây quỳnh nào hơn

  • Ngọn bù rầy ngọn dài ngọn vắn

    Ngọn bù rầy ngọn dài ngọn vắn,
    Cải tần ô ngã dọc ngã ngang,
    Trái dưa gang sọc trắng sọc vàng,
    Cọng rau đắng trong trắng ngoài xanh.
    Công anh đấp rẫy bồi thành,
    Trồng cây vượng trái để dành ai ăn.

    Dị bản

    • Ngọn rau lang ngọn dài ngọn vắn,
      Ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh.
      Tiếc công anh đắp lũy bồi thành,
      Trồng cây hái trái để dành ai ăn ?

    • Trái dưa gang sọc đen sọc trắng.
      Ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh.
      Chim quyên uốn lưỡi trên cành,
      Bớ em ở bạc ông trời nào đành để em.

  • Tài nguyên than mỏ nước Nam

    Tài nguyên than mỏ nước Nam
    Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
    Chỉ vì đói rách phải đi
    Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
    Một nghìn chín trăm ba ba
    Là năm Quý Dậu con gà ác thay
    Kể dời phu mỏ Hòn Gai
    Công ty than của chủ Tây sang làm
    Chiêu phu mộ Khách, An Nam
    Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
    Than ra ở các mỏ này
    Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
    Bán than cho các nước ngoài
    Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
    Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
    Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
    Làm ra máy trục, máy sàng
    Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
    Va-gông, than chở về ga
    La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
    Để cho xe hỏa dắt dồn
    Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
    Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
    Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
    Cửa Ông là Cẩm Phả po
    Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương
    Ngoại giao các nước thông thương
    Hòn Gai giàu vốn lại cường thịnh ra
    Tây Bay coi sổ la voa
    Bắc ngay đường sắt cho xe thông hành
    Một đường đi thẳng Hà Lầm
    Một đường Núi Béo, Cọc Năm đi về

  • Thơ thằng Lía

    Ngàn năm dưới bóng thái dương,
    Biết bao là sự lạ thường đáng ghi,
    Noi nghề hàng mặc bấy nay,
    Một pho dị sự vắn dài chép ra.
    Trước là giải muộn ngâm nga,
    Sau nêu gương nọ đặng mà soi chung.
    Xưa kia có một phú ông,
    Vợ chồng chuyên một nghề nông nuôi mình,
    Bấy lâu loan phụng hòa minh,
    Xóm làng kiêng nể tánh tình thiện lương.
    Tuy là sành sỏi ruộng nương,
    Ông bà xấu số gặp đường chẳng may,
    Thuở trước cũng chẳng thua ai,
    Tiền dư bạc sẵn tháng ngày thung dung,
    Ruộng vườn khai khẩn khắp cùng,
    Thôn lân đều thảy có lòng bợ nâng.
    Đến nay nhằm buổi lao lung,
    Ruộng nương thất phát vô cùng thảm thương,
    Tháng ngày khổ hại trăm đường,
    Bảy năm chịu sự tai ương nguy nàn,
    Bấm gan cam chịu gian nan,
    Vợ chồng đau đớn đoạn tràng thiết tha.
    Lần hồi ngày lụn tháng qua,
    Nghèo nàn túng tíu gẫm đà thói quen,
    Thét rồi cũng chẳng than phiền,
    Cắn răng mà chịu đảo điên qua hồi.
    Lão mụ tuổi đã lớn rồi,
    Vợ bốn mươi chẵn chồng thời bốn ba,
    Đêm ngày lo tính gần xa,
    Chẳng con kế tự thật là đáng lo,
    Choanh ngoảnh chồng vợ đơn cô,
    Tuổi già sức yếu biết nhờ cậy ai?

  • Vè bần phú

    Thảo một bài bần phú,
    Luận đôi câu nhơn nghĩa tinh vi.
    Kẻ đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Người thất thế, thất thi thất nghiệp.

    Cũng có kẻ cực già đời mãn kiếp,
    Cũng có người phong lưu tự bé chí già.
    Việc ấy nghĩ không ra,
    Chẳng biết tại căn hay là tại số?

    Cũng có kẻ ở phường, ở phố,
    Cũng có người sầu giả lâm bô.
    Đã khắp trong cửu quận mười đô,
    Vì hai chữ phú bần lợn lạo.

  • Gió trên nhành rung cây nghiêng ngả

    Gió trên nhành rung cây nghiêng ngả
    Ve kêu sầu trong dạ bâng khuâng
    Gửi lời về nhắn với tình nhân
    Bấm tay kể thử, ái ân ít nhiều
    Nhớ khi mô khuya sớm mĩ miều
    Gió đưa duyên đẩy, dật dìu lòng thương
    Nhớ khi mô đạp tuyết, giày sương
    Bóng trăng nghiêng, mặt trời ngả, khổ trăm đường bạn biết chưa?
    Bạn không nhớ khi hồi miếng thuốc gửi, miếng trầu đưa,
    Tình không thương sao hẹn sớm hò trưa hỡi mình?
    Bạn nói bạn không tham giàu, phú quý coi khinh
    Cớ sao bạn phụ nghĩa tình bạn ơi!
    Con cá ham mồi lạ, quẩn khúc sông dài
    Con chim ham cảnh lạ, đứng hót hoài nhành cây
    Gật gù chim gáy lầu tây
    Chim ca ơi, chim ca hỡi, lồng đây, hãy trở về.

  • Mười giờ quan đã ăn xong

    Mười giờ quan đã ăn xong
    Cậu bồi cậu bếp đi rong phố phường
    Hầu bao rủng rỉnh bạc vàng
    Đồng hồ quả quýt, nhẫn vàng đeo tay
    Lược ngà, khăn nhiễu, giày Tây
    Che ô lục soạn, thắt dây lưng điều
    Các cô trông thấy mĩ miều
    Ngỡ được chúng thấy, chạy theo chuyện trò
    Chuyện rồi chuyện nhỏ chuyện to
    Đến tháng lĩnh bạc, cậu cho mấy hào

  • Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niên qua lại

    – Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niên qua lại
    Kể tự đời Thành Thái đến nay
    Chạnh lòng biết hỏi ai đây,
    Việc chi nên nỗi đang tay dứt cầu?
    – Chí quyết thắng Pháp Tây
    Nên cầu này phải phá,
    Qua sông còn nhiều ngả
    Đừng buồn bã em ơi
    Nước non khôi phục được rồi
    Cầu nầy bắc lại không mấy hồi đó em!

Chú thích

  1. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  2. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  3. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  5. Phòng không
    Buồng trống không có ai, ý nói ở vậy, không lấy vợ hay chồng.
  6. Thủ tiết
    Giữ trọn tiết nghĩa. Từ này thường được dùng cho người phụ nữ giữ trọn lòng chung thủy với chồng.
  7. Quỳnh tương
    Lấy từ Quỳnh tương ngọc dịch. Quỳnh là ngọc đẹp, còn tươngdịch là cách gọi chất lỏng. Thành ngữ này có nghĩa là "rượu làm bằng ngọc đẹp." Người xưa cho rằng rượu làm từ ngọc ra mà uống thì có thể thành tiên. Quỳnh tương vì thế chỉ loại rượu rất quý.

    Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
    Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân

    (Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến)

  8. Nho sĩ
    Người theo học chữ Nho, đạo Nho. Thường dùng để chỉ học trò thời xưa.
  9. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  10. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  11. Bắt cô trói cột
    Một loài chim thuộc họ Cu cu, chim trưởng thành nửa thân trên có màu trắng, nửa dưới có nhiều vạch trắng đen. Tiếng chim kêu nghe như "Bắt cô trói cột" nên dân gian lấy làm tên, sinh sống hầu như trên khắp nước ta. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột.

    Bắt cô trói cột

    Bắt cô trói cột

  12. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  13. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  14. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  15. Chiềng
    Trình, trình bày (từ cổ).
  16. Bõ công
    Đáng công.
  17. Nghi vệ
    Nghi phục và thị vệ theo hầu quan hay vua.

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

    Nghi vệ một vị quan nhà Nguyễn

  18. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  19. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  20. Ngả
    Giết thịt (ngả trâu, ngả lợn...).
  21. Hoàng ân
    Ơn vua (từ Hán Việt)
  22. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  23. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  24. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  25. Chi rứa
    Gì thế (phương ngữ Trung Bộ).
  26. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  27. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  28. Tôi
    Nung hợp kim đến nhiệt độ nhất định rồi làm nguội thật nhanh để tăng độ rắn và bền.

    Tôi cán cuốc thép

    Tôi lưỡi cuốc thép

  29. Già
    Trên mức trung bình, mức vừa dùng, mức hợp lí (thóc phơi già nắng, nước sôi già...).
  30. Quỳnh, giao
    Hai thứ ngọc quí, hay dùng để ví với những gì quí giá.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

  31. Bù rầy
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bù rầy, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  32. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  33. Cải cúc
    Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.

    Cải cúc

    Cải cúc

  34. Dưa gang
    Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.

    Dưa gang

    Dưa gang

  35. Rau đắng
    Cũng gọi là cây càng tôm, cây biển súc, một loại rau hình mũi mác, có vị đắng, thường được dùng làm rau sống hay chế biến nhiều món khác nhau, hoặc làm thuốc.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Nghe bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè.

  36. Vượng
    Tốt, mạnh (từ Hán Việt).
  37. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  38. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  39. Để
    Tha thứ, tha mạng (phương ngữ Nam Bộ).
  40. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  41. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  42. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  43. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  44. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  45. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  46. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  47. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  48. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  49. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  50. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  51. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  52. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  53. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  54. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  55. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  56. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  57. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  58. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  59. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  60. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  61. La voa
    Sổ nhật trình.
  62. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  63. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  64. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  65. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  66. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  67. Thung dung
    Thong dong.
  68. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  69. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  70. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  71. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  72. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  73. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  74. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  75. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  76. Thảo
    Viết ra.
  77. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  78. Đắc thời đắc lễ đắc nghi
    Được thời thì được lễ nghi (chữ Hán).
  79. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  80. Thất nghiệp
    Không có nghề nghiệp, việc làm.
  81. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  82. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  83. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  84. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  85. Số kiếp
    Vận mệnh của một đời người.
  86. Lâm bô
    Có nguồn gốc từ danh từ limbo trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là một nơi giam cầm các linh hồn hay đang ở vào một tình trạng nào đó dang dở.
  87. Cửu
    Số chín, thứ chín (từ Hán Việt)
  88. Lợn lạo
    Có thể là cách đọc trại đi của từ lộn lạo.
  89. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  90. Gie
    (Nhánh cây) chìa ra.
  91. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  92. Lầu tây
    Thường được dùng như một hình ảnh ước lệ trong văn thơ xưa, để chỉ nơi có tình cảm thương nhớ, tương tư trong tình yêu đôi lứa.
  93. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  94. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  95. Lục soạn
    Thứ lụa mỏng, trơn, xưa hay dùng.

    Quanh năm phong vận, áo hàng tầu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh
    Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng

    (Phú hỏng khoa Canh Tý - Tú Xương)

  96. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  97. Niên
    Năm (từ Hán Việt)
  98. Thành Thái
    (14/3/1879 – 24/3/1954) Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Lên ngôi khi mới mười tuổi, ông sớm bộc lộ tinh thần dân tộc và chủ trương đánh Pháp. Nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, đến tháng 5 năm 1945 mới được cho về Việt Nam. Ông sống tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đến năm 1954 thì mất.

    Vua Thành Thái

    Vua Thành Thái

  99. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  100. Năm 1946, trong chiến tranh Việt - Pháp, cầu bị đặt mìn giật sập hai nhịp phía tả ngạn trong chiến lược "Tiêu thổ kháng chiến" của Việt Minh. Hai năm sau cầu được tu sửa tạm để qua lại. Năm 1953, cầu được sửa chữa hoàn chỉnh như cũ.