Tìm kiếm "sương"

  • Mẹ già như chuối ba hương

    Mẹ già như chuối ba hương
    Như xôi nếp mật, như đường mía lau
    Đường mía lau càng lâu càng ngát
    Xôi nếp mật ngào ngạt hương say
    Ba hương lây lất tháng ngày
    Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi
    Mẹ già như áng mây trôi
    Như sương trên cỏ, như lời hát ru
    Lời hát ru vi vu trong gió
    Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan
    Mây trôi lãng đãng trên ngàn
    Gió đưa tan, hợp, hợp, tan, nao lòng.

  • Trăng thanh nhờ bởi trời trong

    Trăng thanh nhờ bởi trời trong
    Thương nhau từ chỗ mặn nồng mà thương
    Xưa rày xa cách đôi đường
    Chén thề gần cạn, khăn hường gần phai
    Sầu riêng thức trắng đêm dài
    Hai hàng nước mắt láng lai đêm trường
    Nhớ khi đi đứng ngoài đường
    Tay cầm tay dắt trao thương gởi sầu
    Thẩn thơ thơ thẩn đêm thâu
    Sương sa ướt đẫm mái đầu đôi ta
    Ước sao chàng thiếp một nhà
    Anh đàn em hát câu ca xuân tình
    Đừng làm đôi ngả lênh đênh
    Niềm vui không trọn chữ tình không xong
    Xốn xang dao cắt vào lòng
    Lời thề giữ vẹn, chữ đồng đừng quên

  • Anh trèo lên cây táo

    Anh trèo lên cây táo
    Anh sang qua cây gạo
    Mồ hôi chưa ráo
    Áo cụt chưa khô
    Tai nghe em rớt xuống ao hồ
    Tay anh bưng bát thuốc cam lồ cứu em
    Hai tay cầm bốn củ khoai lang
    Thiếp nói với chàng đến mai hãy nướng
    Cực chẳng đã mới ra thân làm mướn
    Một ngày ba bốn mươi đông, không sướng chút chi

  • Gió trên nhành rung cây nghiêng ngả

    Gió trên nhành rung cây nghiêng ngả
    Ve kêu sầu trong dạ bâng khuâng
    Gửi lời về nhắn với tình nhân
    Bấm tay kể thử, ái ân ít nhiều
    Nhớ khi mô khuya sớm mĩ miều
    Gió đưa duyên đẩy, dật dìu lòng thương
    Nhớ khi mô đạp tuyết, giày sương
    Bóng trăng nghiêng, mặt trời ngả, khổ trăm đường bạn biết chưa?
    Bạn không nhớ khi hồi miếng thuốc gửi, miếng trầu đưa,
    Tình không thương sao hẹn sớm hò trưa hỡi mình?
    Bạn nói bạn không tham giàu, phú quý coi khinh
    Cớ sao bạn phụ nghĩa tình bạn ơi!
    Con cá ham mồi lạ, quẩn khúc sông dài
    Con chim ham cảnh lạ, đứng hót hoài nhành cây
    Gật gù chim gáy lầu tây
    Chim ca ơi, chim ca hỡi, lồng đây, hãy trở về.

  • Em có chồng rồi như lúa đổ vào kho

    Em có chồng rồi như lúa đổ vào kho
    Quân canh lính gác, anh chớ có lần dò tới chi
    Anh về bỏ thói ấy đi
    Chồng em biết đặng, anh đi ở tù
    – Qua cũng biết em như lúa đổ vào kho
    Nhưng anh giả đò ăn trộm lần mò xúc chơi
    Họa may có được vài hạt cũng sướng cái đời
    Chồng em có bắt được, anh ở chơi năm tù
    Cho tờ cải giá tha phu
    Miệng thế gian đàm tiếu, họ cũng nói vợ thằng tù thuở xưa

  • Em về Kẻ Chợ em coi

    Em về Kẻ Chợ em coi
    Kìa dinh quan lớn, kìa chòi bắn cung
    Con ngựa hồng bao tiền, bao hậu
    Các quan trào áo bậu lưng đai
    Súng anh vác vai, hỏa mai anh tọng nạp
    Anh bắn mai này đùng đùng dạ dạ
    Anh bắn mai này trả nợ nhà vương
    Thương anh gối đất nằm sương

    Dị bản

    • Đường ra Kẻ Chợ xem voi
      Kìa bãi tập trận nhà chòi bắn cung
      Bắn con ngựa hồng báo tiền báo hậu
      Các quan võ thần mặc áo nậu thắt lưng xanh
      Khẩu súng vác vai chân anh quỳ đạp
      Anh đánh trận này, anh đuổi trận này giả nợ nhà vua.
      Bõ công dãi nắng dầm mưa.

  • Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận

    – Cuộc ở đời nói chơi anh đừng giận
    Hỏi đó một lời cho tận nhơn tâm
    – Hễ gặp tri âm dẫu nói cả năm anh không mỏi,
    Vậy chớ con bạn mình muốn hỏi sự chi?
    – Hỏi anh một chuyện, em nguyện học đòi,
    Anh ôi, vậy chớ người Tây sao sướng hẳn hòi,
    An nam mình lại chịu thiệt thòi nắng mưa?
    – Người có vinh có nhục, cũng như nước có đục có trong,
    Bởi vì mình ít có đồng lòng,
    Không lo học giỏi cho ròng như Tây
    – À há? Thật họ hay, nên làm thầy mình chịu dở,
    Mình chẳng lo mình, mấy thuở được nên?
    – Phận em là gái còn phải trái xét nhằm,
    Huống gì nam tử cam tâm
    Nếu không lo học tập, hổ thầm phận trai.

  • Ru con giữa buổi chiều đông

    Ru con giữa buổi chiều đông,
    Để mẹ tát nước giữa đồng đêm nay.
    Cầu giai mẹ đổ luôn tay,
    Cho lành manh áo cho đầy cơm con.
    Cho lòng mẹ đỡ héo hon,
    Cho khuôn mặt trẻ đẹp tròn như gương.
    Quản gì một nắng hai sương,
    Quản gì gió bụi trên đường con ơi.
    Ru con mẹ hát mấy lời,
    Ngủ đi cho mẹ còn rời gối tay.

  • Nghề làm mỏ là nghề cực khổ

    Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
    Dấn thân vào những chỗ hang sâu
    Quanh năm cơm nắm nước bầu
    Trời xanh mây biếc trên đầu biết chi
    Dưới lò giếng lần đi từng bước
    Đào khoét ra mới được đồng công
    Suốt ngày cặm cụi lao lung
    Than già, đá rắn cũng không quản gì
    Tay cầm cuốc, mặt thì cúi gập
    Lưng gò vào như gấp làm đôi
    Loanh quanh xoay xở hết hơi
    Tấm thân như hãm vào nơi ngục tù
    Mãi đến lúc sương mù ngả bóng
    Mới là giờ vội vã trèo lên
    Trong ra non nước hai bên
    Biết mình còn sống ở trên cõi trần.

  • Em là con gái tỉnh Nam

    Em là con gái tỉnh Nam
    Chạy tàu vượt biển ra làm Cửa Ông
    Từ khi mới mở Cửa Ông
    Đi làm thì ít, đi rông thì nhiều
    Chị em cực nhục trăm điều
    Trước làm một lượt đã trèo cầu thang
    Đặt mình chưa ấm chỗ nằm
    Đã lại còi tầm hú gọi ra đi
    Dế kêu, suối chảy rầm rì
    Bắt cô trói cột não nề ngân nga
    Đoàn người hay quỷ hay ma
    Tay mai, tay cuốc, sương sa mịt mù
    Hai bên gió núi ù ù
    Tưởng oan hồn của dân phu hiện về.

  • Canh một nổi ngọn đèn loan

    Canh một nổi ngọn đèn loan,
    Chờ người thục nữ thở than đôi lời.
    Canh hai nguyệt đổi sao dời,
    Tính sao thì tính trọn đời thủy chung.
    Canh ba cờ phất, trống rung,
    Mặc cho ai thẳng, ai chùn mặc ai.
    Canh tư hạc đậu cành mai,
    Sương sa lác đác, biết ai mà tầm.
    Canh năm không ngủ, không nằm,
    Trông cho mau sáng đặng tầm người thương

    Dị bản

    • Canh một thơ thẩn vào ra
      Chờ trăng trăng lặn, chờ hoa hoa tàn,
      Canh hai ngồi tựa phòng loan,
      Để cho thiếp tới thở than đôi lời.
      Canh ba đang nói đang cười
      Còn hai canh nữa mỗi người một nơi
      Canh tư cắt tóc thề nguyền
      Khởi lai minh bạch trọn niềm thủy chung.
      Canh năm cờ phất trống rung,
      Gá tiếng cùng em hỡi nghe ai!
      Đặt mình xuống chiếu không sai
      Đừng thương mà nhớ đừng sầu mà hư

    • Canh một thơ thẩn vào ra
      Chờ trăng trăng lặn, chờ hoa hoa tàn,
      Canh hai thắp ngọn đèn loan,
      Chờ người quân tử thở than vài lời.
      Canh ba đương nói đương cười
      Còn hai canh nữa mỗi người một phương.
      Canh tư cất bút thề nguyền
      Khứ lai minh bạch cho tuyền thủy chung.
      Canh năm cờ phất trống rung,
      Anh gá tiếng cùng bậu chớ nghe ai.

    • Bước qua canh một, anh đốt ngọn đèn vàng,
      Chờ người bạn cũ thở than đôi lời.
      Canh hai nguyệt đổi, sao dời,
      Cùng nhau tính chuyện trọn đời thủy chung.
      Canh ba cờ phất trống rung,
      Mặc ai, ai thẳng, ai dùng, mặc ai.
      Canh tư hạc đậu nhành mai,
      Sương sa lác đác biết ai mà tầm.
      Canh năm nằm dựa phòng loan,
      Mỏi mòn chờ đợi người bạn vàng của anh.

  • Em thấy anh tương tư bệnh chắc

    Em thấy anh tương tư bệnh chắc,
    em rước ông thầy thuốc Bắc,
    em sắc hai chục chén còn lại một phân,
    bỏ thêm một lát gừng sống,
    một đống gừng lùi,
    một nùi chuối hột,
    một hộp đương quy,
    một ky trái táo,
    năm sáu chục trái cà na,
    thần sa một lượng,
    khoai sượng một chục,
    măng cụt một trăm,
    rau răm một đám,
    cám một bao,
    con gái lao rao mười hai đứa,
    sứa lửa vài trăm,
    lại thêm huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm.
    Uống ba thang mà anh không mạnh,
    thì em đào hầm chôn luôn!

     

  • Có đêm ra đứng đàng tây

    Có đêm ra đứng đàng tây
    Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
    Có đêm ra đứng vườn hoa
    Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
    Có đêm thơ thẩn một mình
    Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
    Có đêm tạc đá ghi vàng
    Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
    Thương chàng lắm lắm không nguôi
    Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
    Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
    Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
    Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
    Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
    Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
    Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
    Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
    Sư ông nhớ Bụt rày nhớ chuông
    Nhớ chàng vì nợ vì duyên
    Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.

    Dị bản

    • Đêm đêm ra đứng vườn hoa
      Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
      Đêm đêm ra đứng một mình
      Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
      Có đêm tạc đá ghi vàng
      Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
      Thương nàng lắm lắm nàng ôi
      Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
      Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
      Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
      Bao giờ nên vợ nên chồng
      Như chim về tổ như rồng gặp mây

    Video

  • Nhà anh thật khó, không giàu

    Nhà anh thật khó, không giàu
    Có lời trước, kẻo sau phàn nàn
    Nhà anh chỉ có một gian
    Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
    Nồi đất anh treo tứ phương
    Chổi cùn, chiếu rách đầy giường em ơi
    Không tin, em về mà coi
    Chả rồi em bảo là người nói ngoa
    Nhà anh có một vườn hoa
    Bốn cây cứt lợn xinh đà nên xinh
    Trong nhà sập gụ mới tinh
    Niễng chui vào bếp, gập ghềnh ba chân
    Em lấy anh sung sướng nhất trên trần!

    Dị bản

    • Anh đây thật khó, không giàu,
      Anh xin nói trước, kẻo sau phàn nàn
      Nhà anh chỉ có một gian,
      Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
      Trời làm một trận mưa tuôn,
      Nửa bếp cũng đổ, nửa buồng cũng xiêu.

  • Bữa rày mồng tám tháng ba

    Bữa rày mồng tám tháng ba
    Chính thức húy nhật, thật là giỗ anh
    Bát cơm, đĩa cá, lưng canh
    Nắm rau, hạt muối, xin anh hãy về
    Vợ này là vợ chính thê
    Phải đời chồng trước thì về ngửi hương
    Giỗ này hết khó, hết thương
    Hết trông, hết đợi, đoạn trường khúc nôi
    Hết buồn rồi lại sang vui
    Tiết phu tiết phụ như tôi mấy người?
    Nhất tuần mời, nhị tuần mời
    Ba năm nay tôi không chửa, sướng đời anh chưa?
    Bây giờ tôi được, anh thua
    Cho tôi sinh năm đẻ bảy, tôi mua cho ngàn vàng
    Vợ chồng đồng tịch, đồng sàng
    Đồng sinh đồng tử, giỗ chàng hôm nay
    Tại nam quy nam! Tại tây quy tây!
    Anh đừng về nữa, nỏ có chi đây mà về!

  • Đào lý một cành, tơ trúc phím loan

    Đào một cành, tơ trúc phím loan,
    Ban tối hôm qua, nguyệt lặn, bóng ông sao tàn.
    Đêm khuya thanh vắng khách hồng nhan lững lờ.
    Cây xanh thì lá cũng xanh,
    Đã trót vin nhành thì hái lấy hoa.
    Cung đàn tỳ bà ai khéo gảy tang tình, tính tang,
    Long ngâm hổ đối, cái cống xang hồ, cái hồ xừ xang
    Anh thương cô nàng như lá đài bi,
    Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương.

  • Vè giết đốc phủ Ca

    Giáp Thân đã mãn
    Ất Dậu tấn lai
    Chánh ngoạt sơ khai
    Bình yên phước thọ
    Nhựt nguyệt soi tỏ
    Nam chiếu phúc bồn
    Tục danh Hóc Môn
    Xứ Bình Long huyện
    Hà do khởi chuyện?
    Hà sự hàm mai?
    Tích ác bởi ai?
    Giết quan rửa hận

  • Vè đánh Tây

    Tượng nghe:
    Nước có nguồn, cây có gốc
    Huống chi người có da, có tóc
    Mà sao không biết chúa, biết cha?
    Huống chi người có nóc có gia
    Mà sao không biết trung biết hiếu
    Hai vai nặng trĩu
    Gánh chi bằng gánh cang thường
    Một dạ trung lương
    Gồng chi bằng gồng xã tắc
    Bớ những người tai mắt
    Thử xem loại thú cầm:
    Trâu ngựa dòng điếc câm
    Còn biết đền ơn cho nhà chủ
    Muông gà loài gáy sủa
    Còn biết đáp nghĩa lại người nuôi

  • Chỉ vì một chữ ăn

    Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
    Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
    Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
    Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
    Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
    Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
    Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
    Người không chịu làm, hay đi ăn ké
    Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
    Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
    Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
    Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng

Chú thích

  1. Chuối ba hương
    Còn gọi là chuối bà hương, một loại chuối lùn, quả khi chín rất dễ rụng.
  2. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  3. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  4. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  5. Táo
    Loại cây thân gỗ, tán rộng, lá hình trứng thuôn dài, mặt dưới có lông. Hoa táo nhỏ màu vàng nhạt, mọc thành cụm ở nách lá. Quả có hình trứng, vỏ trơn, thịt quả màu trắng, giòn, khi chín thì xốp và có vị ngọt, chứa một hạt cứng. Quả táo để ăn tươi, ngâm rượu, ngâm nước uống, làm mứt. Lá, quả và nhân hạt táo dùng làm thuốc chữa một số bệnh.

    Quả táo

    Quả táo

  6. Gạo
    Loại cây thân mộc, có hoa đỏ thường nở vào tháng 3 âm lịch, thời điểm hết xuân sang hè. Cũng như cây đa, cây hoa gạo là một nét bản sắc quen thuộc của làng quê Việt Nam, thường mọc ở đầu làng, cạnh đình, bến sông... Hoa gạo còn có tên Hán Việt là mộc miên, người Tây Nguyên gọi là hoa pơ-lang.

    Cây hoa gạo

    Cây gạo

  7. Cam lộ
    Cũng gọi là cam lồ. Theo nghĩa đen, cam nghĩa là ngọt, lộ là sương, nên "cam lộ" nghĩa là giọt sương ngọt. Theo nghĩa rộng, cam lộ là một thứ rượu ngon ngọt. Trong Phật giáo, cam lộ là thứ nước thơm tho, linh diệu, làm đồ uống của các vị tiên phật, hễ rưới lên mình ai là người đó hết bệnh tật, thậm chí sống lại.

    Hình ảnh phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ

    Hình ảnh phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ

  8. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  9. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Lầu tây
    Thường được dùng như một hình ảnh ước lệ trong văn thơ xưa, để chỉ nơi có tình cảm thương nhớ, tương tư trong tình yêu đôi lứa.
  12. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  13. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  14. Cải giá tha phu
    Lấy chồng khác vì chồng cũ đi lưu lạc không về.
  15. Đàm tiếu
    Bàn tán (đàm) và chê cười (tiếu).
  16. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  17. Trào
    Triều (từ cũ).
  18. Hỏa mai
    Cái mồi lửa, dùng để đốt dây mồi cho cháy trước khi bắn.
  19. Áo nậu
    Áo vải màu có nẹp, ngày trước phu, lính hoặc những người mang đồ rước mặc trong những dịp long trọng.

    Áo nậu

    Áo nậu

  20. Nhân tâm
    Lòng người (từ Hán Việt).
  21. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  22. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  23. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  24. Lò giếng
    Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
  25. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  26. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  27. Bắt cô trói cột
    Một loài chim thuộc họ Cu cu, chim trưởng thành nửa thân trên có màu trắng, nửa dưới có nhiều vạch trắng đen. Tiếng chim kêu nghe như "Bắt cô trói cột" nên dân gian lấy làm tên, sinh sống hầu như trên khắp nước ta. Nghe tiếng chim bắt cô trói cột.

    Bắt cô trói cột

    Bắt cô trói cột

  28. Dân phu
    Người dân lao động phải làm những công việc nặng nhọc trong chế độ cũ (phu xe, phu mỏ, phu đồn điền).
  29. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  30. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  31. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  32. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  33. Tầm phơ tầm phất
    Từ chỉ những sự vật hoặc sự việc không có nghĩa lí gì.
  34. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  35. Khởi lai
    Trỗi dậy, như khi đang nằm thì ngồi dậy (từ Hán Việt).
  36. Minh bạch
    Rõ ràng (từ Hán Việt).
  37. Gá tiếng
    Cất tiếng (phương ngữ). Còn nói gá lời.
  38. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  39. Khứ lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  40. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  41. Tầm
    Tìm (từ Hán Việt)
  42. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  43. Sắc thuốc
    Sắc nghĩa là làm cho keo, đậm lại. Sắc thuốc là đun thuốc Bắc hoặc thuốc Nam với lượng nước lúc đầu khoảng ba chén, sau khi sôi thật lâu để thuốc ra hết chất và nước chỉ còn khoảng một chén, vừa uống.
  44. Lùi
    Nướng bằng cách ủ (khoai, mía, bắp...) vào tro nóng cho chín.
  45. Chuối hột
    Một loại chuối dại bản địa của vùng Đông Nam Á, quả có nhiều hạt, là một trong những tổ tiên của các loại chuối hiện đại. Ở ta, chuối hột non (chuối chát) được chế biến thành nhiều món ăn phong phú, ngoài ra chuối hột còn được dùng làm vị thuốc.

    Chuối chát (Chuối hột non)

    Chuối chát (Chuối hột non)

  46. Đương quy
    Tên một loại cây thân thảo, cho rễ sấy khô là một vị thuốc Bắc có tác dụng chữa các chứng đau đầu, đau lưng do thiếu máu.

    Đương quy

    Đương quy

  47. Ki
    Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
  48. Trám
    Người Nam Bộ gọi là cà na từ cách phát âm của người Triều Châu, âm Hán Việt là cảm lãm, một loại cây thân gỗ thường đươc trồng để lấy gỗ và nhựa. Quả trám căng tròn màu xanh nhạt, dài hơn một lóng tay, vị chua chua hơi chát, dùng kho cá hoặc muối dưa.

    Trái cà na

    Trái trám

  49. Chu sa
    Thể bột được gọi là chu sa, thể cục gọi là thần sa, một loại khoáng thạch có màu đỏ (chu sa có nghĩa là cát đỏ) được dùng trong Đông y, có tác dụng an thần.

    Thần sa

    Thần sa

  50. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  51. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  52. Sứa lửa
    Một loại sứa có màu hồng nhạt, trong xúc tu có nhiều tế bào gai chứa chất độc có thể gây nguy hiểm cho người nếu chạm phải.
  53. Huỳnh liên
    Còn có tên là so đo bông vàng, một loại cây cao từ 2-4m, có hoa to màu vàng tươi, rễ được dùng làm thuốc.

    Huỳnh liên

    Huỳnh liên

  54. Gáo vàng
    Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.

    Gáo vàng

    Gáo vàng

  55. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  56. Thang thuốc
    Một gói gồm các vị thuốc có một tác dụng chung nào đó (trị bệnh, bồi bổ cơ thể...). Một thang thuốc thường chia sắc uống làm hai lần hoặc ba lần, tùy đơn kê của thầy thuốc.
  57. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  58. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  59. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  60. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  61. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  62. Cứt lợn
    Còn có tên là cỏ hôi hoặc cây bù xít, một loại cây mọc hoang có mùi rất hắc. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng; thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...

    Cây cứt lợn

    Cây cứt lợn

  63. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  64. Niễng
    Có nơi gọi là mễ, đà, dụng cụ dùng để kê sập, kê phản.
  65. Niễng bị hỏng, đã cho vào bếp làm củi đun, nên sập chỉ còn có ba chân, gập ghềnh.
  66. Húy nhật
    Ngày kị, ngày giỗ. Từ Hán Việt húy nghĩa là tên của người chết.
  67. Chính thê
    Vợ chính, vợ cả.
  68. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  69. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  70. Tiết phu tiết phụ
    Giữ trọn tình nghĩa vợ chồng.
  71. Tuần
    Một lần rót (rượu, trà...)
  72. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  73. Đồng sinh đồng tử
    Sống chết có nhau.
  74. Ở hướng nam thì về hướng nam, ở hướng tây thì về hướng tây.
  75. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  76. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  77. Cây mận. Trong bài Quân Tử Hành của nhà thơ Tào Thực có câu “Qua điền bất nạp lí, lí hạ bất chỉnh quan” 瓜田不納履, 李下不整冠, nghĩa là (ở) ruộng dưa chớ xỏ giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ (để tránh tình ngay lí gian).
  78. Phím loan
    Phím đàn. Tương truyền người xưa thường dùng keo làm từ máu chim loan, gọi là keo loan (loan giao) để nối dây đàn và dây cung.
  79. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  80. Tì bà
    Loại đàn bốn dây có cần đàn và thùng đàn liền nhau, hình dáng như quả lê bổ đôi. Đàn có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại nhưng đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và có mặt trong hầu hết các thể loại nhạc dân tộc.

    Đàn tì bà

  81. Ngũ cung
    Năm âm giai trong âm nhạc dân tộc: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống (tương đương với Sol, La, Do, Re, Mi ngày nay). Ở miền Nam có thêm hai âm là Liếu (Líu) và Ú, thật ra là hai nấc trên của Hò và Xự.
  82. Từ bi
    Còn gọi là cây đại bi, long não hương, mai hoa não, có lẽ vì có mùi gần giống như mùi long não. Cây thuộc loại cây bụi nhỏ, mọc hoang, thân và lá có lông mịn, lá hình trứng, hai đầu nhọn, mép lá có răng cưa, vò lá thấy thơm mùi long não. Cây từ bi là vị thuốc chữa được nhiều bệnh như cảm sốt, cúm, ra mồ hôi, đau bụng do ăn không tiêu, ho nhiều đờm, gãy xương, vết lở loét, sưng đau, mất ngủ, tâm thần kích thích, phù nề, viêm xoang...

    Cây từ bi

    Cây từ bi

  83. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  84. Tấn lai
    Bước đến.
  85. Chánh ngoạt
    Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
  86. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  87. Nam chiếu phúc bồn
    Chậu úp khó mà soi thấu.
  88. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  89. Bình Long
    Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
  90. Hà do
    Tại sao.
  91. Hàm mai
    Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.
  92. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  93. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  94. Trung lương
    Trung chính và lương thiện.
  95. Xã tắc
    Đất nước ( là đất, tắc là một loại lúa).
  96. Thuở tạo thiên
    Lúc mới lập ra trời đất.
  97. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  98. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."