Tìm kiếm "thờ cúng, cúng giỗ"
-
-
Con ơi con hãy nhớ ghi
Con ơi con hãy nhớ ghi
Tháng tư giỗ Bụt thì đi lễ chùa -
Trương Chi (hát xẩm)
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ Nương người ở lầu Tây
Con quan thừa tướng ngày rày cấm cung
Anh Trương Chi ở dưới dòng sông
Chở đò ngang dọc suốt đêm đông anh dãi dầu
Đêm thanh chàng hát một câu
Gió đưa thoang thoảng đến lầu cô Mỵ Nương
Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương
Mà trông thấy mặt anh chường lại chê
Anh Trương Chi bèn trở ra về
Cắm sào cho chặt anh mới hát thề một câu:
“Kiếp này đã lỡ duyên nhau
Xin nguyền kiếp khác duyên sau lại thành!” … -
Thiên triều văn
Thương thay, hỡi các chú ơi
Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
Một chi đánh ở Đống Đa
Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
Phép voi bại trận tiên phong
Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
Đao binh tử trận đầy khe
Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
Chú sang cứu viện nước Nam
Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
Chú thì thắt cổ trên cây
Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
Chú thì thác xuống Diêm La
Chú nào còn sống về nhà đại minh … -
Yêu cây về nỗi lắm hoa
Yêu cây về nỗi lắm hoa
Yêu chàng về nỗi nết na trăm chiều
Xin chàng tưởng ít nhớ nhiều
Một ngày hai buổi sớm chiều gặp nhau
Gặp nhau than thở cùng nhau
Cơn vui một lúc cơn sầu lại qua
Yêu nhau chẳng dám nói ra
Sợ mẹ bằng bể sợ cha bằng giời
Yêu chàng em cũng yêu đời
Biết rằng chốn cũ có rời chàng không? -
Bớ này anh nó ơi
Bớ này anh nó ơi
Số phận em giao phó cho trời xanh
Lấy anh em không lấy, nhưng dạ cũng không đành làm ngơ
Vốn em cũng chẳng bơ thờ
Em đã hằng chọn trong lóng đục, nhưng vẫn còn chờ nợ duyên
Vốn em muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang, nhưng lại sợ ổng hay gia hay giảm
Em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm, nhưng lại sợ ổng hét la ghê gốc
Em muốn lấy chú thợ mộc, nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà
Em muốn lấy anh thợ cưa cho thật thà, nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt
Em muốn lấy người hạ bạc, nhưng lại sợ mang lưới mang chài
Em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai, nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới
Em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi, nhưng lại sợ ảnh nói tức nói êm
Bằng lấy anh đặt rượu làm men, thì lại sợ ảnh hay cà riềng cà tỏi … -
Bạn hẹn với ta mồng bốn tháng giêng
– Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng giêng
Trông hoài không thấy bạn hiền vãng lai
Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng hai
Tiết xuân con én đưa thoi đã rồi
Tháng ba, tháng tư ta không thấy bạn thời thôi
Chim kêu thỏ thẻ trước nơi sân hòe
Tháng năm, tháng sáu ta chẳng thấy nhắn nhe
Chim kêu nhỏ nhẻ, mùa hè sang thu
Chim kêu, vượn hú, cu gù
Cây khô lá rụng, mịt mù tang thương
Tháng bảy, tháng tám, tháng chín mưa trường
Đến khi ta nhắn gửi, hết lời ta lại qua
Tháng mười, tháng mười một, nước chảy mưa sa
Đương khi tiết lạnh bạn với ta xa vời
Còn mình tháng chạp bạn ơi
Niên tàn nguyệt tận, bạn phải tính cho rồi mưu chi?
Về nhà ngửa bàn tay tính lại đính đi
Tháng thời mười hai tháng, mùa y bốn mùa
Chuỗi sầu ai khéo thêu thùa
Đớn đau dạ ngọc, xót chua gan vàng! … -
Em bán giống chi, em đi xuồng ba lá
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Cho dù có sống đến già
Cho dù có sống đến già
Cho dù béo tốt cũng là phí toi
Bây giờ pháo đã tịt ngòi
Gia tài còn lại: một vòi nước trong -
Cùng giống nhà Phật sinh ra
-
Nón em mua ở chợ Giang
-
Bắt ốc (hát ghẹo Phú Thọ)
Em lên rừng
Em bứt quả bứa chua
Em xuống khe
Em bắt cái ốc lặn, cùng cái ốc lội
Em tra vào giỏ
Em bỏ vào thời
Em “vê nó màng”
Em mang nó về
Em thả vào nồi
Em bẵng nó lên
Nó sôi sùng sục
Nó sủi sình sịch
Em đổ nó ra
Em xóc chí cha
Là cha chí chát
Em xơi lên bát
Em múc lên loa
Em mút chí cha
Là cha chí chút
Chì chà là chà chì chụt
Canh ốc thì ngọt
Canh bứa chua loè. -
Ra công trồng một vườn cà
Ra công trồng một vườn cà
Cà đem muối mặn cả nhà ăn chung
Vịt gà nuôi béo nhốt lồng
Chờ khi giỗ chạp, vặt lông cúng thờ -
Ai ơi đừng lấy thợ câu
Ai ơi đừng lấy thợ câu
Cái tay thì thối, cái đầu thì hôi
Chiều chiều xách giỏ mua nồi
Mua thì không có, em ngồi em lo
Chạy lên trên xóm dưới đò
Làng đơm không có, làng mò cũng không
Ở nhà, chồng đứng chồng trông
Em ngồi em khóc, ơi chồng chồng ơi! -
Đêm qua mưa bụi gió may
Ðêm qua mưa bụi gió may
Gió rung cành bạc, gió lay cành vàng
Em với chàng cùng tổng khác làng,
Nào em có biết ngõ chàng ở đâu?
Một thương, hai nhớ, ba sầu,
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi.
Thương chàng lắm lắm chàng ơi!
Biết đâu thanh vắng em ngồi thở than.
Muốn than mà chẳng gặp chàng,
Kìa như lá đổ bên ngàn Lũng Tây,
Lá đổ còn có khi đầy,
Thương chàng biết thuở nào khuây hở chàng? -
Thằng Tây nó có ống nhòm
Thằng Tây nó có ống nhòm
Nó nhìn nó đếm, nó nom từng người
Sú ba dăng nó chạy đâu rồi
Đến khi nó đến cho vài ba toong
Thằng Tây lại chửi “cu-xoong”
Cu li ức quá chửi không ra lời
– Hỡi anh em những người làm mỏ
Tay mi-nơ sẵn có nghề riêng
Làm đâu cũng lấy bằng tiền
Làm lò ông Thuận mất quyền lợi to
Việc than gio trong lò chẳng khá
Than khó làm mà giá chẳng cao
Anh em ta đấm buồi vào! -
Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
Nghề làm mỏ là nghề cực khổ
Dấn thân vào những chỗ hang sâu
Quanh năm cơm nắm nước bầu
Trời xanh mây biếc trên đầu biết chi
Dưới lò giếng lần đi từng bước
Đào khoét ra mới được đồng công
Suốt ngày cặm cụi lao lung
Than già, đá rắn cũng không quản gì
Tay cầm cuốc, mặt thì cúi gập
Lưng gò vào như gấp làm đôi
Loanh quanh xoay xở hết hơi
Tấm thân như hãm vào nơi ngục tù
Mãi đến lúc sương mù ngả bóng
Mới là giờ vội vã trèo lên
Trong ra non nước hai bên
Biết mình còn sống ở trên cõi trần. -
Ai đem tôi đến chốn này
Ai đem tôi đến chốn này
Bên kia Vạ Cháy, bên này Bang Gai
Trên đồn có lão quan hai
Cửa Lục tàu đậu một vài chỗ sâu
Thằng Tây mưu mẹo đã lâu
Đóng ba chiếc tầu chạy cạn cả ba
Một chiếc thì chạy Cốt Na
Chiếc vào Hà Sú, chiếc ra Hà Lầm
Mười giờ rưỡi nó kéo còi tầm
Cu li đâu đấy về nằm nghỉ ngơi
Đến mười hai giờ bốn mươi
Síp lê một tiếng muôn người kéo ra
Nó quát một tiếng chẳng là
Nó quát hai tiếng giãn ra hai hàng
Xướng thẻ thì xướng rõ ràng
Nó biên vào sổ đi làm táo tươi
Người thì ghè đá nung vôi
Người thì vác gỗ ai coi cho tường
Người thì xẻ đất đắp đường
Người thì đánh sắt ở trong lò rèn
Người thì xẻ ván đóng xe
Người thì chẻ trúc, chẻ tre đan lồng
Người xe hỏa, người máy rồng
Người biên kho gỗ, người trông kho dầu … -
Nghìn thu gặp hội thái bình
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe. … -
Chỉ vì một chữ ăn
Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên
Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật
Cả đời chật vật, làm không đủ ăn
Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở
Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời
Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp
Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng
Người không chịu làm, hay đi ăn ké
Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ
Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói
Hễ ăn một đọi, thì nói một lời
Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng …
Chú thích
-
- Bụt
- Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
-
- Thậm
- Rất, lắm.
-
- Tể tướng
- Chức quan cao nhất dưới thời phong kiến, có nhiệm vụ thay mặt vua để giải quyết chuyện chính sự của một đất nước. Tùy theo thời đại, vị trí này có thể có tên là thừa tướng hoặc tướng quốc. Nước ta có các tể tướng nổi danh như Nguyễn Quán Nho, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Trần Thủ Độ...
-
- Cấm cung
- Cấm không được phép ra khỏi nhà, không được phép tự do tiếp xúc với người ngoài (thường nói về con gái nhà quyền quý thời phong kiến).
-
- Chường
- Chàng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Tức ngày mùng năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu, bắt đầu trận Ngọc Hồi. Theo Lê quý kỷ sự và Việt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi, lui lại, giẫm lên nhau lùi về đồn. Quân Thanh cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
-
- Chính nguyệt
- Tháng giêng âm lịch.
-
- Huyên hoa
- Huyên náo, ồn ào (từ cổ).
-
- Đống Đa
- Địa danh nay là một quận nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã đánh tan hai vạn quân Thanh xâm lược. Tương truyền sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp thành gò cao, trên gò cây cối mọc um tùm nên có tên là gò Đống Đa.
-
- Cầu Duệ
- Chưa rõ ở đâu. Có ý kiến cho rằng đây là một cái cầu bắc qua sông Nhuệ, chảy qua Thăng Long.
-
- Tốt xa
- Quân lính (tốt) và xe (xa).
-
- Cầu nhương
- Tranh cướp nhau để lên cầu.
-
- Sông Bồ Đề
- Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.
-
- Năn năn
- Xót thương, oán hận (từ cổ).
-
- Suối vàng
- Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho
(Truyện Kiều)
-
- Âm phủ
- Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.
-
- Đại minh
- Giác ngộ, hiểu rõ.
-
- Bể
- Biển (từ cũ).
-
- Giời
- Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
-
- Bơ thờ
- Thẫn thờ và ngơ ngẩn vì không ổn định trong lòng.
-
- Lắng
- Để yên cho cấn, bã chìm xuống đáy. Cũng gọi là lóng.
-
- Thầy pháp
- Thầy phù thủy, theo tín ngưỡng dân gian được cho là có pháp thuật, trừ được tà ma quỷ quái.
-
- Hạ bạc
- Nghề bắt cá. Trong xã hội cũ, đây là một nghề bị coi thường, khinh rẻ.
-
- Ngỡi
- Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
-
- Vãng lai
- Đi lại (từ Hán Việt).
-
- Tiết khí
- Gọi tắt là tiết, một khái niệm về thiên văn bắt nguồn từ Trung Quốc. Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°, khoảng cách kề nhau giữa hai tiết khí là 14-16 ngày. Tiết khí có mối liên quan gần gũi với các yếu tố khí hậu, thời tiết ở các nước nông nghiệp. Hiểu theo nghĩa rộng, tiết còn chỉ một khoảng thời gian, thời cuộc.
-
- Én đưa thoi
- Én bay lượn trên bầu trời như thoi trong khung cửi. Thường dùng để chỉ hoặc miêu tả mùa xuân.
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
(Truyện Kiều)
-
- Thời
- Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
-
- Sân hòe
- Từ chữ Hán hòe đình, nghĩa là sân có trồng cây hòe. Đời nhà Tống, Vương Hựu tự tay trồng ba cây hòe trong sân nhà và nói rằng "Con cháu ta sau này sẽ có đứa làm đến Tam công." Về sau, con của Vương Hựu là Vương Đán làm đến Tam công thật. Sân hòe vì vậy chỉ nhà có con cái đỗ đạt, song cũng dùng để chỉ nhà cha mẹ.
Sân hòe đôi chút thơ ngây,
Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình
(Truyện Kiều)
-
- Niên tàn nguyệt tận
- Hết năm hết tháng (chữ Hán). Cũng nói là niên cùng nguyệt tận.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Xuồng ba lá
- Một loại xuồng (thuyền) đặc trưng cho vùng sông nước Nam Bộ. Có tên như vậy vì xuồng được làm từ ba tấm ván, gồm hai tấm hai bên làm be xuồng và một tấm giữa làm đáy xuồng. Để xuồng được cứng chắc, người ta dùng những chiếc “cong” tạo thành bộ khung mô phỏng bộ xương sườn của cá. Bộ cong này có nhiệm vụ cố định thân xuồng, chống đỡ sức ép của nước từ bên ngoài vào, đồng thời giữ chặt ván xuồng, giúp xuồng không bị biến dạng.
-
- Thơ
- Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Chợ Giang
- Tên ngôi chợ thuộc xã Thổ Tang (nên cũng gọi là chợ Thổ Tang), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ thế kỉ 13, đây đã được coi là một vùng đất buôn bán có tiếng. Ngày nay đây là một chợ lớn của vùng, với mặt hàng tiêu thụ chính là nông sản.
-
- Bắc Đẩu
- Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Bứa
- Một loài cây có cành đâm ngang, lá có chất chua nên thường được dùng làm rau gia vị hoặc nấu canh chua, quả ăn được.
-
- Thời
- Cái giỏ cá (phương ngữ).
-
- Bẵng
- Bắc nồi lên bếp (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Bát loa
- Loại bát nông, gần giống đĩa, vành rộng. Có nơi cũng gọi là bát ô tô.
-
- Heo may
- Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may.
(Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)
-
- Tổng
- Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Lũng Tây
- Cũng gọi là Lũng Hữu, tên dùng trong văn chương của tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, ở về phía tây dãy núi Lũng. Ngày xưa đây là vùng đất biên thùy, có cửa ải đóng quân canh giữ. Ngày nay cũng có một huyện tên là huyện Lũng Tây, thuộc thành phố Định Tây, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
Hẹn cùng ta Lũng Tây nham ấy,
Sớm đã trông nào thấy hơi tăm.
Ngập ngừng lá rụng cành trâm,
Thôn trưa nghe dậy tiếng cầm lao xao.
(Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn, bản dịch của Đoàn Thị Điểm).
-
- Sú ba dăng
- Phiên âm từ tiếng Pháp surveillant (người giám sát).
-
- Ba toong
- Gậy chống, thường cong một đầu để làm tay cầm. Từ này có gốc từ tiếng Pháp bâton. Các viên chức, trí thức dưới thời Pháp thuộc thường mang theo gậy này.
-
- Cô soong
- Con lợn (từ tiếng Pháp couchon), dùng làm tiếng chửi.
-
- Cu li
- Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
-
- Mi nơ
- Từ tiếng Pháp miner (thợ mỏ).
-
- Lò giếng
- Loại lò đục sâu xuống (thẳng đứng hoặc nghiêng) trong các mỏ than.
-
- Bãi Cháy
- Tên cổ là Vạ Cháy, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày xưa đây là khu bãi cát ven biển, nơi ngư dân bảo dưỡng thuyền gỗ bằng cách đốt lửa thui thuyền (dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền), do lửa khói quanh năm mà thành tên. Ngày nay với bãi biển bãi cháy, đây là một địa điểm du lịch có tiếng ở Quảng Ninh.
-
- Hồng Gai
- Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Quan hai
- Tên gọi thời Pháp thuộc của cấp hàm trung úy (lieutenant). Gọi vậy vì quân hàm này có 2 vạch.
-
- Cửa Lục
- Vịnh biển nhỏ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chỉ rộng 18 km² và chỗ sâu nhất chỉ 17m.
-
- Hà Tu
- Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.
-
- Hà Lầm
- Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
-
- Còi tầm
- Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
-
- Síp lê
- Từ tiếng Pháp siffler nghĩa là huýt còi.
-
- Hoàng thành Thăng Long
- Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.
-
- Hoàng thành từ thời Lý mở ra 4 cửa: Diệu Đức (cửa Bắc), Đại Hưng (cửa Nam), Quảng Phúc (cửa Tây), Tường Phù (cửa Đông). Giám là khu tập trung các sở quan lại, trung tâm văn hóa, giáo dục (Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường...).
-
- Ba mươi sáu phố
- Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.
"Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.
-
- Hàng Giầy
- Một phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Giầy, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Giầy xưa là nơi tập trung những người thợ đóng giầy dép gốc làng Chắm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lên Thăng Long làm ăn.
-
- Hàng Bạc
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Bạc, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Lê, trường đúc bạc của triều đình đặt ở đây, đến thời Nguyễn mới dời vào Huế. Phố Hàng Bạc xưa là nơi tập trung nhiều cửa hiệu làm đồ kim hoàn, đúc vàng bạc và đổi tiền.
-
- Hàng Ngang
- Tên một phố cổ của Hà Nội. Vào thế kỉ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, chuyên bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỉ 19 có tên là phố Việt Đông do có nhiều người Trung Hoa gốc Quảng Đông sinh sống. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
-
- Hàng Đào
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.
-
- Đài các
- Từ chữ Hán đài 臺: lầu cao, và các 閣: tầng gác. Chỉ những chỗ cao sang, quyền quý.
-
- Hàng Tiện
- Một phố cổ của Hà Nội, nay là phố Tô Tịch, thuộc quận Hoàn Kiếm. Phố lập nên do những người thợ gốc ở làng tiện Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ) đến buôn bán và hành nghề. Thời đó thợ tiện dùng bàn tiện đạp hai chân làm ra các đồ thờ, các vật dụng hàng ngày như mâm, bát hay đồ chơi gỗ cho trẻ em bằng gỗ mít, xoan hoặc gỗ tạp…
-
- Hàng Gai
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay vẫn mang tên là phố Hàng Gai, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Gai thời Lê có nhiều cửa hàng bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng, nên dân gian còn gọi là phố Hàng Thừng. Sang thời Nguyễn, các sản phẩm này mai một dần, phố Hàng Gai trở thành khu in ấn và bán sách.
-
- Hàng Thêu
- Một phố cổ của Hà Nội, xưa chuyên bày bán các mặt hàng thêu thùa. Phố dài khoảng 40 mét, cùng với Hàng Tranh, Hàng Trống hợp thành phố Hàng Trống ngày nay, thuộc quận Hoàn Kiếm.
-
- Hàng Trống
- Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đi từ cuối phố Hàng Gai đến giữa phố Lê Thái Tổ. Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán. Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp.
-
- Hàng Bài
- Một phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc và hai thôn Vũ Thạch Hạ, Hàm Châu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Xưa ở đầu phố có chợ Mới (chợ Hàng Bài) có bày bán nhiều cỗ bài lá nên phố mới có tên gọi Hàng Bài.
-
- Hàng Khay
- Còn gọi là phố Thợ Khảm, một phố của Hà Nội xưa, chạy dọc theo bờ nam hồ Hoàn Kiếm, tương ứng với phố Hàng Khay và đoạn cuối phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay. Mặt hàng chính của phố Hàng Khay xưa là các sản phẩm gỗ khảm xà cừ như khay, mâm, sập, gụ, tủ, bàn.
-
- Tràng Tiền
- Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.
-
- Thuở tạo thiên
- Lúc mới lập ra trời đất.
-
- Đọi
- Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).