Tìm kiếm "Văn điển"

Chú thích

  1. Seiko
    Ta đọc là Xen-cô, một nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng của Nhật.

    Một chiếc đồng hồ Seiko trước kia

    Một chiếc đồng hồ Seiko trước kia

  2. Peugeot
    Đọc là pơ-giô, cũng gọi là , một nhãn hiệu xe đạp của Pháp. Loại xe này có mặt phổ biến ở miền Bắc nước ta vào thời bao cấp, được ưa chuộng nhất là màu đồng hun (gọi là pơ-giô cá vàng).

    Một chiếc xe đạp Peugeot

    Một chiếc xe đạp Peugeot

  3. Văn Điển
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây có nghĩa trang Văn Điển, một nghĩa trang lớn (rộng 182.304m2) được xây dựng vào năm 1957 và đóng cửa năm 2010.
  4. Ông bô, bà bô
    Tiếng lóng của miền Bắc, chỉ bố mẹ.
  5. May ô
    Áo thun ba lỗ (một lỗ chui đầu và hai lỗ ống tay). Từ này có gốc từ tiếng Pháp maillot.
  6. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  7. Bàng
    Một loài cây thân gỗ lớn, có tán lá rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm và làm cảnh. Quả ăn được và có vị hơi chua. Vào mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ trước khi rụng.

    Cây bàng

    Cây bàng

  8. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  9. Làng Vọng
    Tên một làng nhỏ phía nam kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Làng Vọng nằm cạnh Kẻ Mơ, là nơi buôn bán sầm uất. Tương truyền, nơi đây có nghề dệt gối rất phát triển. Ngày nay, phố Vọng cũng được coi là thủ phủ của mặt hàng chăn, ga, gối, đệm.
  10. Yên Duyên
    Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
  11. Kẻ Giả
    Tên gọi chung của các làng Giả Chọ, Giả Cầu, Giả Viềng, Giả Vĩnh, nay là các thôn Lạc Thị (xã Ngọc Hồi), Quỳnh Đô, Ích Vịnh, Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh) đều thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  12. Bùi nhùi
    Rơm hoặc giẻ bện chặt để đốt và giữ lửa.
  13. Làng Lê
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Làng Lê, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  14. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  15. Hàng Đậu
    Một phố cổ của Hà Nội. Đầu phía đông phố là cửa ô Phúc Lâm, còn gọi là ô Hàng Đậu, đây là nơi ngày xưa mỗi phiên chợ người ngoại thành tập trung bán các loại đậu: đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu nành. Đầu phía tây phố là tháp nước Hàng Đậu, xây từ thời Pháp thuộc.

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

    Tháp nước Hàng Đậu thời Pháp thuộc

  16. Làng Ngâu
    Tên nôm của làng Yên Ngưu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Làng Ngâu nổi tiếng trồng lúa. Rượu làng Ngâu cũng là một đặc sản nổi tiếng từ xưa.
  17. Tựu Liệt
    Một làng cổ nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  18. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  19. Chả
    Món ăn làm từ thịt, cá hay tôm băm hoặc giã nhỏ, ướp gia vị, rồi rán hoặc nướng, dùng để ăn kèm cơm hay bún, bánh cuốn, bánh phở. Ở miền Bắc, món này được gọi là chả.

    Chả quế

    Chả quế

  20. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  21. Hầm
    Nấu chín kĩ. Ở miền Bắc, những món hầm được gọi là món ninh.
  22. Mọc
    Thịt heo nạc quết nhuyễn mịn, thường được vo thành viên (gọi là viên mọc). Từ mọc có thể chế biến ra các món canh mọc, bún mọc...

    Bún mọc

    Bún mọc

  23. Vĩnh Điện
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  24. La Qua
    Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
  25. Mạnh mẫu
    Mẹ của Mạnh Tử - một triết gia nổi tiếng của Trung Quốc. Bà nổi tiếng là người nghiêm khắc và hết lòng dạy dỗ con. Theo Liệt nữ truyện, mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để khuyến khích con chuyên cần học tập. Một lần Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi, bà Mạnh đang ngồi dệt vải trông thấy bèn đứng dậy, kêu con lại rồi cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng: "Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt bỏ đi." Mạnh Tử tỉnh ngộ, tu chí học hành, sau này thành một triết gia lỗi lạc. Người đời sau nói về gương giáo dục con cái hay nhắc điển tích Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà (Mạnh mẫu trạch lân).

    Tranh vẽ Mạnh mẫu

    Tranh vẽ Mạnh mẫu cắt tấm vải dạy con

  26. Khương hậu
    Hoàng hậu họ Khương, vợ vua Chu Tuyên Vương nhà Chu (trị vì 828 - 782 trước CN), được hậu thế khen là "triết hậu." Theo Liệt nữ truyện, Chu Tuyên Vương có thói ngủ dậy rất trưa, Khương hậu khuyên can mãi không được, liền tháo trâm, cởi bỏ hoa tai ngồi chịu tội ở cung Vĩnh Hạng (nơi giam cầm những cung phi có tội thời bấy giờ), gởi lời tâu với vua rằng: "Thiếp bất tài, làm cho quân vương vui sắc đẹp mà quên đức, sai lễ, thường dậy trưa. Tội ấy tại thiếp." Vua hối hận, từ đó siêng năng việc cần chính. Người đời sau lấy việc ấy làm điển tích nói về người vợ hiền mẫu mực.

    Tuyên Vương trễ buổi triều mai,
    Bà Khương chịu tội khéo lời khuyên can.

    (Nữ phạm diễn nghĩa từ - Tuy Lý Vương)

  27. Võ Tắc Thiên
    (625 - 705) Thường gọi là Võ Mị Nương, tên thật là Võ Chiếu, nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc (trị vì 690 - 705). Bà từ địa vị tài nhân (thê thiếp tầm thường) thăng dần lên đến hoàng hậu, vợ vua Đường Cao Tông. Năm 690, bà lên ngôi hoàng đế, đổi tên nước là Chu, tiến hành nhiều chính sách chính trị đổi mới, được nhiều hiền nhân đương thời giúp sức như Lâu Sử Đức, Địch Nhân Kiệt, Tống Cảnh... Võ Tắc Thiên cũng nổi tiếng chuyên quyền độc đoán và tàn bạo, lại vượt ra ngoài đạo lí thông thường của Nho giáo nên phải chịu nhiều điều tiếng. Về sau bà bị truất ngôi, giam lỏng trong cung rồi chết già.

    Võ Tắc Thiên

    Võ Tắc Thiên

  28. Đường
    Một triều đại kéo dài từ năm 618 đến năm 907 trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, văn học Trung Quốc, nhất là thơ ca, phát triển cực thịnh. Đa số những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc sống với thời kì này: Vương Bột, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục...

    Lý Bạch

    Lý Bạch

  29. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  30. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  31. Võ công
    Cha của nhân vật Võ Thể Loan trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Võ công hứa gả con gái là Thể Loan cho Lục Vân Tiên, nhưng sau thấy Vân Tiên gặp nạn, mù lòa nên khinh rẻ; Thể Loan lại lừa bỏ rơi chàng trong hang núi. Sau bạn của Vân Tiên là Vương Tử Trực đỗ đạt, qua nhà Võ công hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ công ngỏ ý gả con gái cho Tử Trực thì bị chàng cự tuyệt và mắng vào mặt, Võ công hổ thẹn ốm rồi chết.

    Võ công hổ thẹn trong mình,
    Năm ngày nhuốm bệnh, thình lình thác oan.

  32. Tài
    Tiền bạc, của cái (từ Hán Việt).
  33. Đảnh
    Đỉnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng chỉ đỉnh núi, đỉnh đèo.
  34. Vợ Trang Tử là người đàn bà trắc nết, chồng vừa chết đã toan theo trai. Xem thêm.
  35. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  36. Hộ
    Nhà cửa (từ Hán Việt).
  37. Hôn
    Lễ cưới, việc cưới hỏi (chứ Hán 昏).
  38. Điền
    Ruộng đất (chữ Hán 田).
  39. Thổ
    Đất đai (từ Hán Việt).
  40. Câu này có ý nói những việc xích mích về nhà cửa, cưới hỏi, ruộng vườn, đất đai sinh ra thù oán muôn đời.
  41. Mỗ
    Từ dùng để tự xưng, có thể mang hàm ý trịch thượng ngày trước.
  42. Tử Lộ
    Tự là Trọng Do, một trong những học trò của Khổng Tử, là một người con rất hiếu thảo. Tương truyền thuở thiếu thời, Tử Lộ thường lên rừng cách xa cả trăm dặm đốn củi, sau đó đem bán lấy tiền, mua gạo đội về nuôi cha mẹ. Sau khi cha mẹ mất, ông sang nước Sở, được vua Sở trọng dụng, phong ban tước cao sang, cấp nhiều bổng lộc, nhưng vẫn thường than phiền là không còn cha mẹ để được phụng dưỡng như xưa, để ngày ngày đội gạo, bữa bữa nấu canh rau. Câu nói nổi tiếng "Mộc dục tịnh nhi phong bất đình, tử dục dưỡng nhi thân bất tại" (cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi mà cha mẹ không còn sống) là của Tử Lộ.

    Hình vẽ Tử Lộ cõng gạo nuôi cha mẹ

    Hình vẽ Tử Lộ cõng gạo nuôi cha mẹ

  43. Đai Tử Lộ
    Đai đặt trên đầu để đội gạo của Tử Lộ. Tử Lộ lúc hàn vi thường phải đi đội gạo nuôi cha mẹ. Đai Tử Lộ vì thế chỉ việc người hiền tài mà chưa gặp hội công danh, đỗ đạt.
  44. Nhan Hồi
    Tự là Tử Uyên, nên cũng gọi là Nhan Uyên, học trò giỏi nhất của Khổng Tử. Ông sinh năm 513 trước Công nguyên, người nước Lỗ, thông minh xuất chúng, nhà nghèo nhưng trọng lễ nghĩa, tiết tháo, thường được Khổng Tử khen ngợi và xem là người ý hợp tâm đầu với mình hơn cả. Ông mất năm 482 trước Công nguyên, khi mới 32 tuổi.

    Nhan Hồi

    Nhan Hồi

  45. Bầu Nhan Uyên
    Bầu nước của Nhan Uyên, tức Nhan Hồi, học trò Khổng Tử. Khổng Tử khen: "Hiền tai Hồi dã! Nhất đan tự, nhất biều ẩm, tại lậu hạng. Nhân bất kham kỳ ưu, Hồi dã bất cải kỳ lạc. Hiền tai hồi dã!" (Hiền thay trò Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở nơi ngõ hẹp. Người ta không chịu nổi ưu phiền đó, còn trò Hồi thì không thay đổi niềm vui ấy. Hiền thay trò Hồi!). Bầu Nhan Uyên vì thế chỉ sự an vui, tự tại bất chấp cảnh nghèo khó.
  46. Câu ca dao thực ra là hai câu 81, 82 trong truyện thơ Lục Vân Tiên:

    Quản bao thân trẻ dãi dầu?
    Mang đai Tử Lộ, quảy bầu Nhan Uyên.

  47. Lưu Bị
    Vua nhà Thục thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Huyền Đức, con cháu đời sau của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, dòng dõi nhà Hán. Theo giai thoại dân gian và trong tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông là người nhân hậu, trọng tình nghĩa, nhất là trong tình cảm anh em kết nghĩa với Quan VũTrương Phi.

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

  48. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  49. Lưu Bị viếng Khổng Minh
    Một tích trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Gia Cát Lượng thuở còn hàn vi ở ẩn trong một cái lều cỏ ở Long Trung. Lưu Bị cùng với hai em kết nghĩa là Quan VũTrương Phi đến lều cỏ để thỉnh cầu ông ra giúp việc nước, nhưng hai lần ông không chịu tiếp mà chỉ ăn ngủ trong lều như thường. Mãi đến lần thứ ba ba người mới gặp được Gia Cát Lượng. Tích này có tên là Tam cố thảo lư (ba lần đến lều cỏ).

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

  50. Hữu
    Bên phải (từ Hán Việt).
  51. Tả
    Bên trái (từ Hán Việt).
  52. Thiên Lý Mã, Vạn Lý Vân
    Tên hai con ngựa được nhắc đến trong tác phẩm Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa kể về dòng họ Dương của danh tướng Dương Nghiệp đời Bắc Tống, Trung Quốc. Đây là hai con ngựa quý của Bát Vương (Thiên Lý Mã nghĩa là ngựa chạy ngàn dặm, còn Vạn Lý Vân nghĩa là mây bay vạn dặm).
  53. Câu
    Con ngựa non (từ Hán Việt).
  54. Tế
    Chạy lồng lên, chạy nước đại.
  55. Lạch Vạn
    Tên một làng nằm ở hạ lưu sông Bùng, thuộc địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đồng thời cũng là tên sông Bùng ở khúc này.
  56. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  57. Diễn Châu
    Địa danh trước là một phủ (nên còn gọi là phủ Diễn) thuộc xứ Nghệ An, nay là các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Nghệ An mà tiêu biểu là huyện Diễn Châu. Diễn Châu là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời, nhiều ngành nghề truyền thống, danh nhân văn hóa…

    Quang cảnh trung tâm huyện Diễn Châu

    Quang cảnh trung tâm huyện Diễn Châu

  58. Trang Hà
    Một địa danh nay thuộc xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  59. Quy
    Con rùa (từ Hán Việt).
  60. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  61. Cá hóa long
    Cá hóa rồng. Theo truyền thuyết phương Đông, cá chép có thể vượt vũ môn và hóa thành rồng. Nghĩa bóng chỉ việc học hành đỗ đạt, có công danh.
  62. Đây được cho là hai câu hát mỉa mai nhau của hai nhà họ Nguyễn và họ Hồ, đều là bá hộ làng Niêm Phò ngày trước (nay thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế). Họ Hồ có cô con gái tên Qui, họ Nguyễn có người con trai tên Mại. Hai ông chồng đều muốn làm sui với nhau nhưng hai bà vợ không chịu nên mới có câu hát đối đáp nhau như thế. Nguyễn Văn Mại sau này đỗ đạt cao, làm đến quan nhất phẩm triều Nguyễn. (Theo sách Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm)
  63. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  64. Hiền thần
    Người bầy tôi giỏi (trong xã hội phong kiến).
  65. Địch Thanh
    Một danh tướng của nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc.

    Địch Thanh

    Địch Thanh

  66. Tào Tháo
    Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.

    Tào Tháo

    Tào Tháo

  67. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  68. Tiết Nhơn Quý
    Một danh tướng thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến nhiều bởi hình tượng nhân vật tiêu biểu trong văn hóa kinh kịch Trung Quốc. Hình ảnh Tiết Nhơn Quý được thần thoại hóa thành "tướng tinh cọp trắng" và có nhiều câu chuyện dân gian xung quanh nhân vật này.

    Ở nước ta, cuốn tiểu thuyết dã sử của Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông đã được chuyển thể thành vở cải lương cùng tên được nhân dân khá yêu thích. Xem trích đoạn vở cải lương này tại đây.

  69. Cáp Tô Văn
    Tướng tài của nước Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay). Theo chuyện ghi trong bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông sau được dựng thành tuồng và cải lương ở nước ta, trong chuyến xuất đại binh chinh phạt của vua Trung Quốc đời Đường là Đường Thái Tông, Cáp Tô Văn đánh bại tất thảy các tướng nhà Đường nhưng cuối cùng thua dưới tay Tiết Nhơn Quý, chặt đầu mình tự vẫn.
  70. Uất Trì Cung
    Một danh tướng thời Đường bên Trung Hoa. Ông họ Uất Trì tên Cung, tên chữ là Kính Đức, nổi tiếng có sức mạnh phi thường, phò tá vua Đường Thái Tông rất trung thành. Hình tượng Uất Trì Cung trong quan niệm dân gian Trung Hoa là một viên tướng mặt đen như than, cùng với Tần Quỳnh (mặt vàng) là hai vị thần giữ cửa (môn thần) trong tín ngưỡng truyền thống.

    Hai vị môn thần, mặt đen là Uất Trì Cung, mặt vàng là Tần Quỳnh.

    Hai vị môn thần, mặt đen là Uất Trì Cung, mặt vàng là Tần Quỳnh.

  71. Tần Thúc Bảo
    Danh tướng nhà Đường dưới thời Đường Thái Tông, là một trong những khai quốc công thần của nhà Đường, được dân gian tôn làm Môn Thần (thần giữ cửa) và được tiểu thuyết hoá trong nhiều tác phẩm văn học và sân khấu-điện ảnh.
  72. La Thông
    Một danh tướng đời Đường trong tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc La Thông tảo Bắc kể việc La Thông kéo quân lên cứu Đường Thái Tông bị vây khốn ở Bắc Phiên. Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành một vở cải lương cùng tên (còn có tên khác là "Công chúa Đồ Lư"), được nhân dân ta, đặc biệt là người miền trong, ưa chuộng. Nhân vật La Thông cũng được nhắc đến trong các vở tuồng cổ Tiết Nhơn Quý chinh ĐôngTiết Đinh San chinh Tây.

    Xem vở cải lương "La Thông tảo Bắc".

  73. Phàn Lê Huê
    Một nữ tướng thời Đường, vợ của Tiết Đinh San, cũng là một danh tướng trong dã sử Trung Quốc. Phàn Lê Huê là nhân vật chính trong nhiều vở tuồng và cải lương biên soạn dựa trên tiểu thuyết Trung Quốc ở nước ta.

    Xem trích đoạn cải lương Phàn Lê Huê phá Hồng thuỷ trận và Tiết Định San cầu Phàn Lê Huê tại đây.

  74. Thi lễ
    Kinh Thi và kinh Lễ, dùng để chỉ sự nền nếp, gia giáo thời phong kiến.
  75. Mĩ mạo
    Mặt đẹp (từ Hán-Việt).
  76. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  77. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  78. Màng
    Mơ tưởng, ao ước, thèm muốn (từ cổ).
  79. Kỳ ngộ
    Gặp gỡ một cách may mắn kỳ lạ (từ Hán Việt).
  80. Tương phùng
    Gặp nhau (từ Hán Việt).
  81. Tư Mã Tương Như
    Tự là Tràng Khanh, người ở Thành Ðô, đời vua Cảnh Ðế nhà Hán. Ông là một người đa tài, văn hay đàn giỏi, được phong làm quan nhưng sau đó sinh chán nên cáo bệnh từ quan. Khi ông đến nhà Trác Vương Tôn chơi, Trác Vương Tôn yêu cầu ông cho đàn một bài. Biết Trác Vương Tôn có người con gái rất đẹp tên là Văn Quân, còn trẻ mà sớm goá chồng, thích nghe đàn nên Tương Như sinh lòng yêu mến, nhân đó định trêu nàng nên vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng. Trác Văn Quân đứng nép bên trong nghe tiếng đàn thì lòng cảm thấy bồi hồi, sau bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Dập dìu lá gió cành chim,
    Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh

    (Truyện Kiều)

  82. Phượng cầu hoàng
    Nghĩa là "chim phượng trống tìm chim phượng mái," một khúc đàn được Tư Mã Tương Như gảy để tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn:

    Phượng hề phượng hề quy cố hương
    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
    Thời vị ngô hề vô sở tương
    Hữu diện thục nữ tại khuê phường
    Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
    Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
    Tương hiệt ương hề cộng cao tường

    Trong Bích Câu Kỳ ngộ có câu:

    Cầu hoàng tay lựa nên vần
    Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào

  83. Trác Văn Quân
    Con gái của Trác Vương Tôn, người ở đất Lâm Cùng, đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nàng là người con gái rất đẹp mà sớm goá chồng, thích nghe đàn. Khi nghe Tương Như vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng nàng đã đem lòng say mê rồi quyết bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Như chuyện Tương Như và Trác thị,
    Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
    Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
    Tôi với em Nhi kết vợ chồng

    (Hoa với rượu - Nguyễn Bính)

  84. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  85. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  86. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  87. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  88. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  89. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  90. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  91. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  92. Vạn tử nhất sinh
    Vạn phần chết, một phần sống (thành ngữ Hán Việt).
  93. Bể
    Biển (từ cũ).
  94. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  95. Quy tế
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quy tế, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  96. Diên
    Tiệc rượu (từ Hán Việt).
  97. Hải yến hà thanh
    Biển lặng sông trong, điềm thánh nhân ra đời hoặc chỉ thời thái bình thịnh trị.
  98. Bốn dân
    Thời xưa, dân chia ra làm bốn hạng chính, gồm có: sĩ (người đi học hay làm quan), nông (người làm ruộng), công (người làm thợ), cổ (người buôn bán).
  99. Trăm họ
    Chỉ tất cả người dân trong nước, ngoại trừ dòng họ của nhà vua. "Trăm" là một con số mang tính biểu tượng chỉ sự đông đảo. Thật ra ở Trung Hoa có đến hàng nghìn họ; số họ của người Việt (Kinh) cũng lên đến vài trăm.
  100. Điển hội cầu nho
    Chỉ những kì thi Nho học được triều đình tổ chức để tuyển chọn người tài giỏi, có học thức ra làm quan.
  101. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  102. Sĩ tử
    Người đi thi, người theo nghiệp khoa cử Nho học.
  103. Bõ công
    Đáng công.
  104. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  105. Cổ phúc nhi du
    Vỗ bụng mà rong chơi. Chỉ cảnh thái bình chất phác thời thượng cổ. Chữ trong Nam Hoa Kinh, thiên Mã Đề: "Thời vua Hách Tư, dân sống không biết làm gì, đi không biết đến đâu, (hễ cứ) ngậm cơm thì vui vẻ, (ăn xong thì) vỗ bụng mà rong chơi."
  106. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  107. Vô ngu
    Không lo lắng.
  108. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  109. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  110. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  111. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  112. Thung dung
    Thong dong.
  113. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  114. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  115. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  116. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  117. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  118. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  119. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  120. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).