Mặn mà nước mắm Tiên Châu
Khoai lang Bàu Súng, rau câu Xuân Đài
Những bài ca dao - tục ngữ về "nước mắm":
-
-
Nước mắm ngon thượng thủ
-
Con cá cơm ngon hơn con cá bẹ
-
Nước mắm mặn ba năm còn mặn
-
Nước mắm ngon cho lắm, nước mắm cũng có giòi
-
Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần
-
Gò Bồi có nước mắm thơm
-
Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm
Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm
Cao lầu Phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà
Tam Kỳ có món cơm gà
Nam Ô nước mắm đậm đà thơm ngon
Đại Lộc nhiều trái bòn bon
Khoai lang Trà Đóa, Quế Sơn nếp mường
Cẩm Sa có giống lúa vàng
Gạo ngon thơm phức, trăng tròn mùa thu
Bàn Lãnh có gốc mù u
Cá trôi mùa lũ, sông Thu chảy về
Vĩnh Điện chả lụa khỏi chê
Xu xoa Khúc Lũy, thịt bê Chợ Cầu
Quán Rường , Chợ Được Câu Lâu
Bánh tráng cá hấp ở đâu ngon bằng? … -
Nạ dòng vớ được trai tơ
-
Nói cho lắm cũng nước mắm dưa cải
Nói cho lắm cũng nước mắm dưa cải
Nói cho phải cũng dưa cải nước mắm -
Nước mắm ngon dầm con cá bẹ
-
Nước mắm ngon dành ăn bánh hỏi
-
Nước mắm ngon dầm con cá đối
Nước mắm ngon dầm con cá đối
Nhắn chị Hai mày, chiều tối tao qua -
Nước mắm ngon dòm sâu đáy hũ
-
Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành
Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành
-
Một quan tiền tốt mang đi
– Một quan tiền tốt mang đi
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?
– Thoạt tiên mua ba tiền gà,
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
Trở lại mua sáu đồng cau,
Tiền rưỡi miếng thịt, bó rau mười đồng.
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
Ba mươi đồng rượu, chàng ơi!
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi.
Hăm mốt đồng bột nấu chè,
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan.
Chú thích
-
- Tiên Châu
- Tên một cửa biển thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nằm ở hạ lưu sông Cái, sát bên bờ biển. Tiên Châu là vùng đất có phong cảnh đẹp, đồng thời là một cảng biển sầm uất từ thế kỉ 17.
-
- Khoai lang
- Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.
-
- Xuân Đài
- Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.
-
- Sông Cầu
- Một địa danh thuộc tỉnh Phú Yên, nay là thị xã cực bắc của tỉnh. Tại đây trồng rất nhiều dừa và có nhiều sản vật từ dừa. Sông Cầu cũng có nhiều lễ hội tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá địa phương như lễ hội cầu ngư, lễ hội Sông nước Tam Giang được tổ chức vào mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch...
-
- Thượng thủ
- Hơn hết, trên hết.
-
- Cá cơm
- Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.
-
- Cá bẹ
- Còn gọi cá cháy, một loại cá thường gặp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tại các vùng nước biển ven bờ hoặc nước sông đục có dòng chảy mạnh. Cá bẹ có thân hình thon dẹt, đỉnh đầu trơn không có vân, toàn thân phủ vảy to, lưng có màu xanh lá cây. Thịt cá bẹ ngon nhưng có nhiều xương nhỏ và dài.
Ở vùng biển Bắc Bộ cũng có một loài cá bẹ, còn gọi là cá đé, thịt ngon thuộc hàng "tứ quý" (chim, thu, nhụ, đé).
-
- Hòn Rái
- Một hòn đảo địa bàn xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, là một hòn đảo độc lập nằm trong vịnh Thái Lan, cách bờ biển Kiên Giang khoảng 25 km. Trước đây đảo có tên là Thát Dự, nhưng do trên đảo trồng nhiều cây rái nên gọi là Hòn Rái, Hòn Sơn hay Hòn Sơn Rái (Cũng có ý kiến cho rằng khi người Pháp tìm ra hòn đảo này đã đặt tên là hòn Sơn Rái, vì nhìn từ trên máy bay xuống giống như con rái cá đang bơi giữa biển). Tại đây có nghề làm nước mắm truyền thống rất nổi tiếng, đến mức trở thành "thương hiệu" nước mắm Hòn.
-
- Đèn tọa đăng
- Đèn dầu để bàn cũ.
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Nòi
- Dòng giống.
-
- Làng La
- Tên gọi chung bảy làng ở huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Bảy làng gồm: La Cả (Ỷ La và La Nội), La Khê, La Du, La Dương, La Phù, La Tinh. Xưa kia bảy làng này đều có nghề dệt cổ truyền. La (羅) theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là dệt sợi, đan sợi. Các làng dệt thờ 10 vị tiên sư sống vào thời Lê Trung Hưng từ nơi khác đến cư ngụ và có công cải tiến nâng cao kỹ thuật dệt. Ngoài ra nơi đây còn thờ ông Trần Quý (thế kỷ 19) làm ông tổ nghề dệt gấm.
-
- Yên Lãng
- Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.
-
- Đình Bảng
- Tên một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, xưa là làng Cổ Pháp, có tên Nôm là làng Báng. Đây là quê hương của Lý Thái Tổ – vị vua sáng lập triều Lý, người đã dời đô về Thăng Long-Hà Nội.
-
- Bần Yên Nhân
- Gọi tắt là làng Bần, một địa danh nay là thị trấn huyện lị của huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Làng Bần nổi tiếng với tương Bần, loại tương đặc trưng của miền Bắc, được sản xuất từ thế kỉ 19.
-
- Vạn Vân
- Một thương hiệu nước mắm do doanh nhân Đoàn Đức Ban sáng lập, từng nổi danh toàn xứ Bắc Kỳ dưới thời Pháp thuộc (từ sau năm 1959, đổi tên thành nước mắm Cát Hải cho đến nay) và ở giai đoạn hưng thịnh giữa những năm 1930 được xem là cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất Việt Nam cũng như Đông Dương (năm 1939 bắt đầu mở đại lí tại Paris, Pháp). Ông Đoàn Đức Ban đã khôn ngoan sử dụng tên của làng Vân, một làng quê Kinh Bắc từ xưa nổi tiếng về nghề làm rượu và nước mắm, để làm thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhờ vậy đã chiếm được lòng tin của toàn miền Bắc và đạt được thành công lớn.
Doanh nhân Đoàn Đức Ban cũng chính là thân phụ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tác giả của nhiều những ca khúc tiền chiến bất hủ: Tình nghệ sĩ, Lá thư, Đường về Việt Bắc, Tà áo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay...
-
- Cá rô
- Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...
Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.
-
- Gò Bồi
- Tên một vạn (làng chài) thuộc làng Tùng Giản, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nơi sông Côn đổ ra biển. Thị trấn Gò Bồi xưa giữ vị trí khá quan trọng trong giao lưu, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh. Đặc biệt ở đây có nghề làm nước mắm truyền thống từ hai trăm năm trước.
Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
Nên đến già thơ anh còn đậm đà thấm thía.
(Đêm ngủ ở Tuy Phước - Xuân Diệu)
-
- Mì Quảng
- Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.
-
- Phú Chiêm
- Tên một làng thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với đặc sản mì Quảng Phú Chiêm.
-
- Hội An
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.
-
- Mắm nêm
- Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...
-
- Cẩm Hà
- Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
-
- Tam Kỳ
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trung tâm tỉnh. Trước đây (đến nửa đầu thế kỷ 20), địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.
-
- Cơm gà Tam Kỳ
- Đặc sản cơm gà của Tam Kỳ, Quảng Nam. Khác với cơm gà ở những nơi khác, cơm gà ở Tam Kỳ chỉ được làm từ gà thả vườn (gà ta), thịt chắc, dai, thơm, có vị ngọt đặc trưng. Phần cơm vàng ươm ăn kèm cũng được nấu kì công không kém. Gạo nấu cơm phải là loại thơm, khi chín dẻo và không bị nát. Gạo được vo thật sạch, để ráo nước rồi cho vào nấu với nước luộc gà cùng ít bột nghệ. Khi nấu phải canh lửa và nước để cơm chín vàng ươm, dẻo, nhưng tơi chứ không dính vào nhau, lại thoang thoảng hương thơm hấp dẫn.
-
- Nam Ô
- Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).
-
- Đại Lộc
- Tên một huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp huyện Điện Bàn, phía Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Nam giáp huyện Quế Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nam Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Đông Giang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi...
-
- Bòn bon
- Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.
-
- Trà Đỏa
- Còn gọi là Trà Đóa hoặc Tiên Đõa, một vùng quê nay là thôn Trà Đỏa, thuộc xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tại đây đất cát có độ ẩm sâu, lớp dưới hạt rời, chịu được nắng nóng nên thích hợp với giống khoai lang củ tròn to, bột mịn và ngọt. Khoai lang Trà Đỏa là đặc sản nổi tiếng của miền quê Quảng Nam.
-
- Quế Sơn
- Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.
Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.
-
- Cẩm Sa
- Tên một ngôi làng cũ ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tên địa danh này có nghĩa là "vùng cát đẹp." Tại đây từng xảy ra trận đánh quan trọng giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18.
-
- Bàn Lãnh
- Tên một làng nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm bên bờ sông Thu Bồn.
-
- Mù u
- Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.
-
- Cá trôi
- Một loại cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có thể nặng đến vài kí. Thị cá trôi ăn mát và ngọt, thường dùng nấu canh chua hoặc kho. Phần đầu là phần ngon nhất của cá trôi.
-
- Sông Thu Bồn
- Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.
-
- Vĩnh Điện
- Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- Sương sa
- Tên một loại thạch trắng được chế biến từ một số loại rong biển, tảo biển không độc. Sương sa hay được dùng chung với nước đường và nước cốt dừa để làm món giải khát, rất được ưa chuộng trong mùa hè.
-
- Khúc Lũy
- Tên một thôn thuộc địa phận xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- Chợ Cầu Mống
- Tên một cái chợ nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tại đây có đặc sản bê thui Cầu Mống rất nổi tiếng.
-
- Quán Rường
- Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
-
- Chợ Được
- Một địa danh thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Theo truyền thuyết, vào năm 1852 (năm Tự Đức thứ 5) một lần nữ thần Phường Chào vân du qua thôn Phước Toản (Phước Ấm) thấy nơi đây có cỏ cây rậm rạp, thôn cư hẻo lánh, trông ra bóng nắng trên cát chói lòa nhưng phong cảnh lại hữu tình nên muốn lập chợ. Ban đầu, Bà hóa thân thành một cô gái mở một quán nước bên đường, người qua kẻ lại ngày một đông, dần dà phát triển thành chợ. Để ghi nhớ công ơn Bà, nhân dân lập miếu thờ gọi là Lăng Bà, đặt tên chợ bà lập là chợ Được, và tổ chức lễ rước Bà hằng năm.
-
- Câu Lâu
- Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.
Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.
Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."
-
- Bánh tráng
- Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
-
- Cá nục hấp cuốn bánh tráng
- Một đặc sản của các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam. Món này gồm cá nục (to nhỏ tùy cách ăn và tùy địa phương) được hấp chín, cuộn với bánh tráng và rau muống, chấm với các loại nước chấm như nước mắm hoặc mắm cái. Bánh tráng có thể là bánh tráng sống hoặc nướng, được trụng sơ với nước cho mềm.
-
- Nạ dòng
- Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.
Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.
-
- Trai (gái) tơ
- Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
-
- Biểu
- Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Cá đối
- Một loại cá có thân tròn dài, dẹt, vảy tròn, màu bạc. Cá đối được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như cá đối nướng, cá đối chiên, cá đối kho dưa cải, cháo cá...
-
- Bánh hỏi
- Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Thục nữ
- Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
-
- Tiền quý
- Tiền có hai hạng, tiền quý (còn gọi là cổ tiền, tiền tốt) thì một tiền bằng 60 đồng tiền kẽm (một quan bằng 10 tiền, tức 600 đồng kẽm), tiền gián (còn gọi là sử tiền) thì một tiền bằng 36 đồng kẽm (tức một quan bằng 360 đồng kẽm). Hình thức lưu hành hai loại tiền tệ này xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18, và tồn tại không lâu vì cách tính phức tạp của nó.
-
- Chè
- Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.
-
- Vàng
- Vàng mã để đốt cho người đã khuất.