Thành ngữ / Tục ngữ

Chú thích

  1. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  2. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  3. Nhân
    Lòng tốt, lòng yêu thương người.
  4. Nắng doi
    Nắng chiếu xuyên qua mây mỏng (phương ngữ).
  5. Nước rặc
    Nước thủy triều khi rút xuống.
  6. Đe
    Khối sắt hoặc thép dùng làm bệ để đặt kim loại lên trên mà đập bằng búa.
  7. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  8. Gió mùa Đông Bắc
    Tên gọi dân gian là gió bấc, một loại gió lạnh thổi vào mùa đông, thường kèm theo mưa phùn.
  9. Câu này nói về bệnh giang mai, một loại bệnh phổ biến ngày trước, nhất là với những người đi chơi gái mại dâm. Bệnh giang mai không chữa trị kịp sẽ dẫn đến biến chứng là mù mắt.
  10. Su
    Sâu (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  11. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  12. Bồ Nâu
    Đọc trại là Bù Nâu, một cánh đồng rộng hàng trăm mẫu, ngày nay thuộc làng Bạch Nao, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Lúa cấy trên cánh đồng Bồ Nâu cho thứ gạo tuyệt ngon, ngày xưa chuyên dùng để tiến vua.
  13. Cơ cầu
    Khổ cực, thiếu thốn.
  14. Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam thì câu thành ngữ này chỉ việc "mưa trút xuống cánh đồng Bồ Nâu bao giờ cũng muộn hơn ở các cánh đồng khác. Chính chất đất tốt cộng với tiểu khí hậu đặc biệt này đã làm cho gạo Bồ Nâu có một giá trị đặc biệt."
  15. Đồng Đám
    Địa danh nay thuộc xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội, là nơi mà trong chiến dịch đại phá quân Thanh mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), một đạo quân của vua Quang Trung đã ém sẵn. Sau một trận đánh chớp nhoáng, từ Đại Áng, đạo quân này đã dồn cả vạn quân Thanh xuống đầm Mực (thuộc làng Quỳnh Đô gần đó) rồi xua voi giày chết. Trước đây ở Đồng Đám có nhiều trâu, và trâu Đồng Đám nổi tiếng là béo, khỏe.
  16. Phước Kiều
    Tên một làng nay thuộc thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hình thành từ hơn 400 năm nay. Làng này nổi tiếng cả nước với nghề đúc các loại nhạc cụ truyền thống như thanh la, chiêng, tạ... và các vật dụng, hàng mĩ nghệ bằng đồng.

    Đúc đồng ở làng đúc Phước Kiều

    Đúc đồng ở làng đúc Phước Kiều

  17. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  18. Đây là một cách nói vui về hai làng nghề Phước Kiều và Thanh Hà. Khi đúc xong chiêng đồng, thợ đúc của làng Phước Kiều thực hiện công đoạn “dạy tiếng,” nghĩa là phải đánh liên tục để chỉnh sửa cho âm thanh đạt đến độ trong, thanh và vang. Tiếng thử chiêng ấy rất giống tiếng chiêng của đám ma. Tương tự, các lò nung gốm ở Thanh Hà hằng ngày thải khói bay lên trời nghi ngút giống như nhà cháy.